Mentor – Mentee #1: Gieo một hạt mầm, chờ xem cây lớn
“Anh muốn được xem là một-người-anh của Quyên, hơn là một Mentor”.
Câu chuyện được kể trong số đầu tiên của “Mentor – Mentee” là câu chuyện của Phương Quyên – Content Executive của Brands Vietnam và anh Phạm Hoàng Phúc – Giám đốc Điều hành của InGenius Việt Nam.
Trong cuộc đời, sẽ luôn có những người dù không đứng trên bục giảng, trong thâm tâm ta vẫn xem họ là những “người thầy”, đó có thể là người đã dìu dắt ta từ những ngày đầu, cũng có thể là người cho ta một bài học quý giá nào đó về bản thân hay sự nghiệp. Hãy cùng Brands Vietnam đi tìm câu chuyện về “Những người dẫn đường, đưa tôi vào ngành Mar” trong series Mentor – Mentee.
* Lần đầu tiên gặp nhau của hai anh em đã diễn ra trong hoàn cảnh như thế nào?
Phương Quyên: Lúc học lớp 11, em tình cờ gặp anh Phúc ở một ngày hội tư vấn du học. Lúc đó, hầu hết mọi người đều nói về trường của họ khi em hỏi về ngành Marketing. Chỉ riêng anh Phúc là “hỏi ngược” lại em: “Em muốn anh nói về ngành Marketing hay là về trường anh?”. Vậy là như “bắt trúng đài”, em hỏi ảnh về ngành liên tục 2 tiếng (cười).
Lên lớp 12, tới thời điểm một lần nữa nghĩ về ngành và đứng trước ngưỡng cửa đại học, em quyết định gửi email để hỏi anh Phúc vài thắc mắc nhờ vào business card xin được năm đó. Anh Phúc cho em Zalo cá nhân để tiện trao đổi, kết nối chính thức giữa hai anh em đã bắt đầu như vậy.
Anh Phúc: “Bé này hỏi nhiều ghê”, lúc đó anh đã nghĩ vậy (cười). Thật ra thì đó là một ấn tượng tốt, vì Quyên rất chủ động, lần đầu tiên có một bạn hỏi anh rất nhiều về ngành Marketing trong khi mới chỉ học lớp 11. Và anh có niềm tin đây là một “hạt mầm” tốt.
Anh muốn được xem là một-người-anh của Quyên, hơn là một Mentor.
* Sau khi có được kết nối chính thức, tần suất hỏi chuyện của em có còn giống với ngày đầu gặp mặt?
Phương Quyên: Em tiếp tục hỏi nhiều, nhưng không còn chỉ về ngành Marketing nữa. Năm đó, em bắt đầu kể anh Phúc nghe nhiều hơn về những chông chênh của một bạn học sinh cấp 3, đã có rất nhiều câu hỏi “vô tri” được gửi đi trong thời điểm đó. Thật ra, hai anh em không có trong bất kì một chương trình Mentor – Mentee chính thức nào, cũng có nghĩa là anh Phúc không có trách nhiệm phải trả lời tất cả những câu hỏi của em, nhất là khi công việc của anh Phúc vốn dĩ luôn rất bận rộn.
Vì vậy mà việc anh Phúc chọn lắng nghe những câu chuyện của em, ưu tiên trả lời, giải ngố cho em nhiều vấn đề từ sự nghiệp đến cuộc sống khiến em rất trân trọng. Em vẫn luôn thấy đó là một điều kì diệu, tự nhiên có một người xuất hiện, rồi sẵn sàng giúp đỡ mình.
* Có sự kiện nào khiến anh cảm thấy muốn làm “người anh” của bạn này, hay mọi thứ diễn ra rất tự nhiên?
Anh Phúc: Ban đầu, anh chưa có kế hoạch cụ thể nào cho Quyên. Sau đó, khi dần dần thấy được những lăn tăn của Quyên, dù bé hỏi nhiều nhưng mỗi câu hỏi đều chứng tỏ được bé đã tự tìm hiểu rất kỹ, khiến anh càng lúc càng cảm nhận rõ ràng được đây là một hạt mầm có thể gieo.
Khi làm trong lĩnh vực quản trị giáo dục, anh nhận ra anh rất thích chuyện gieo một hạt mầm rồi xem quá trình hạt mầm đó lớn lên, quan sát từng bước một đến khi nó ra hoa, rồi ra trái.
Anh không nghĩ anh có thể giúp gì đó lớn lao, anh chỉ có thể giúp Quyên thật vững trong con đường bạn đi, không quan trọng chuyện sau này Quyên có trở thành cộng sự với anh hay không.
Anh muốn xem cách bé trưởng thành, đó đã là niềm vui.
* Anh Phúc có còn nhớ về bài học đầu tiên đã chia sẻ với Quyên về ngành?
Anh Phúc: Đó là định nghĩa về Marketing. Thật ra câu chuyện này không phải chỉ riêng Quyên, rất nhiều bạn khi mới tìm hiểu về ngành cũng mắc phải. Khi hỏi lý tại sao lại học ngành Marketing, nhiều bạn trả lời là do các bạn thích sự sáng tạo. Nhưng sáng tạo thì không phải là tất cả của ngành Marketing.
Phương Quyên: Lúc đó em và anh Phúc cùng đọc một quyển sách trong ngành nhưng góc nhìn của hai người rất khác nhau. Mọi thứ đều mới mẻ với em, anh Phúc là người giữ cho em “tĩnh” để nhận ra con đường creative không phải là tất cả của ngành, mục đích to lớn của Marketing không phải chỉ gói gọn trong việc sáng tạo.
Khi anh Phúc cho em cơ hội để được thử nhiều hơn, cùng làm chung dự án, gặp nhiều người thú vị trong ngành, em giống như có được một con chip để quan sát mọi thứ: “Vì sao mình nghĩ theo hướng này để giải quyết vấn đề? Vì sao hướng này có thể được đón nhận?”. Dần dần, em bắt đầu nhận ra kỹ năng của mình không chỉ ở logic, vốn là nhãn thường được dán cho dân chuyên toán, em cũng có khả năng ở creative.
* Hãy điền vào vế còn lại của câu sau: “Nếu những ngày đầu tiên đó không được anh dẫn dắt thì…”
Phương Quyên: “Nếu những ngày đầu tiên đó không được anh dẫn dắt thì em sẽ chỉ là một Marketer tìm insight trên mạng” (cười).
Lúc trước, em rất sợ giao tiếp với con người, anh Phúc là người “bắt” em “ùa vào thế giới”. Anh Phúc đưa em đi gặp nhiều người hơn để dạn dĩ hơn, có cả các anh chị ở cấp C-Level để em học hỏi về những dự án mọi người làm, từ đó học cách tư duy khi tiếp cận một vấn đề bất kỳ.
Anh Phúc: Với anh, số liệu luôn có một vài “data bias” (định kiến), vì vậy, hãy xem số liệu như một tài nguyên để tham khảo. Đừng chỉ ngồi một chỗ và đọc số liệu, hãy bước ra ngoài và đi gặp khách hàng mục tiêu để xem họ đang gặp phải vấn đề gì, mình có thể giúp họ giải quyết vấn đề đó bằng sản phẩm/ dịch vụ nào của mình. Và đây cũng chính là thứ mà Marketing gọi là insight, sales gọi là pain point.
Nếu góp một giá trị vào cuộc đời của ai đó, biết đâu sau này, hạt giống đó sẽ đủ năng lực để giúp đỡ được nhiều người hơn, và có thể góp lại một giá trị khác cho đời.
* Có một lần nào đó em debate (tranh biện) với Mentor của mình?
Phương Quyên: Có một lần, trong một buổi training về SEO, em đã liên tục đặt ra rất nhiều câu hỏi, em hỏi mọi thứ mỗi lúc một sâu hơn và chính em cũng cảm nhận được bầu không khí buổi đó “nóng” dần lên. Lúc “chất vấn” thì rất hăng, nói xong em mới bắt đầu thấy sợ, sợ bị… la.
Ai dè tối đó về, anh Phúc nhắn tin ủng hộ việc em cố gắng đặt câu hỏi và đưa ra những góc nhìn khác.
Sau này, khi đã chính thức bước vào “thị trường lao động”, em vẫn luôn giữ tinh thần đó, lắng nghe với tinh thần cầu thị nhưng vẫn sẵn sàng nói lên suy nghĩ của bản thân.
* Một sự kiện khiến anh cảm thấy chính bản thân cũng “học” được điều gì đó từ Mentee của mình?
Anh Phúc: Đó là một buổi họp của một dự án anh và Quyên làm cùng nhau, anh vào và thấy Quyên đang “lead” nguyên team Marketing của mình, con bé đang chia ai sẽ làm việc gì, anh giật mình, ngạc nhiên, rồi… lấy sổ tay ra ghi lại.
Khi ở độ tuổi trên 30, việc dẫn dắt những anh chị lớn hơn mình về độ tuổi có phần nào đó bình thường và ít áp lực hơn. Nhưng với một người ở độ tuổi 19, 20, đứng ra và dẫn dắt những anh chị lớn hơn mình là một chuyện rất áp lực.
Chính vì vậy mà anh ghi nhận điều đó, và thật ra chính anh cũng áp dụng nó. Năm 30 tuổi, anh từng tự nhắc bản thân trong một lần được giao một đề bài khó: “Có gì đâu mà sợ, hồi trước bé Quyên nó còn quản lý mấy đứa lớn tuổi hơn nó nhiều vậy mà”.
* Liệu có khoảnh khắc nào đó là khoảnh khắc khiến anh có cảm giác “người em của mình đã ‘lớn’ thật rồi”?
Anh Phúc: Có lẽ không phải là một, mà là rất nhiều khoảnh khắc.
Anh luôn quan sát quá trình phát triển của Quyên, từ lúc Quyên còn học cấp 3 ở Mạc Đĩnh Chi, đến khi trở thành sinh viên ngành Marketing của Đại học Kinh tế, rồi đến khi Quyên vào làm chung dự án, rồi Quyên rời dự án để tiếp tục con đường riêng, anh vẫn luôn quan sát.
Quyên có con đường của Quyên, và đi thế nào chỉ có thể do Quyên tự nỗ lực. Thật ra anh không thích từ giúp đỡ, anh cảm thấy mình chỉ là người đồng hành, bởi anh chỉ có thể đi cùng Quyên ở một giai đoạn nào đó trong đời.
Hiện tại, hạt mầm đó vẫn đang lớn lên, và anh vẫn muốn có thể tiếp tục chứng kiến những chặng đường của bạn.
* Một câu nói hoặc một lời khuyên anh Phúc từng nói và Quyên nhớ cho đến tận bây giờ?
Phương Quyên: “Fake it till you make it”, em xin được tạm dịch là áp lực tạo kim cương.
Vốn là người rất “overthinking”, em sẽ không làm cho tới khi chắc 90% là em sẽ thành công, em cũng rất sợ người khác sẽ thất vọng về mình. Em đã lỡ mất rất nhiều cơ hội trong cả học tập và công việc cũng vì không dám bước ra khỏi vùng an toàn như vậy. Và một ngày, lúc em nói với anh Phúc về những trăn trở đó, anh Phúc đã nói với em câu trên.
Câu này em nghe năm 19 tuổi, từ đó đến nay vẫn luôn tự nhắc mình hãy cứ làm như thể mình thật sự làm được, hãy thử thách bản thân nếu muốn học được điều mới mẻ.
Anh Phúc: Câu đó anh được truyền cảm hứng từ quyển sách “The 7 Habits Of Highly Effective People” (7 thói quen hiệu quả). Ở đây là thói quen bắt đầu từ điểm cuối, hãy đưa ra mục tiêu cuối cùng cho mọi thứ và nỗ lực vì điều đó, bởi để “make it” được thì mình phải biết mình đang làm vì điều gì, và phải làm như thế nào.
Mọi thứ mình nên bắt đầu từ mình và hãy học cách trân trọng bản thân. Một người Mentor, một người thầy hay một người cô, họ chỉ có thể giúp mình trong một thời điểm nào đó, họ chỉ đang góp một giá trị cho cuộc đời của mình, vì vậy mà hãy học cách đo lường để có thể tự đánh giá sự phát triển của bản thân.
Bản thân anh chưa bao giờ nghĩ anh có thể thay đổi cuộc đời của bất kì ai, nhưng nếu góp một giá trị vào cuộc đời của ai đó, biết đâu sau này hạt giống đó sẽ có đủ năng lực để giúp đỡ được nhiều người hơn, và có thể góp lại một giá trị khác cho đời.
* Cảm ơn anh Phúc và Phương Quyên vì những chia sẻ rất thú vị!
★★★
Brands Vietnam tin rằng, mỗi một người sẽ có những định nghĩa khác nhau khi nhắc đến Mentor – Mentee. Nếu bạn cũng có một câu chuyện về một người Mentor đã ở bên cạnh bạn, trong những ngày đầu bắt đầu sự nghiệp làm một Marketer, hãy kể với chúng mình tại đây.
Chúng mình sẽ liên hệ và tiến hành phỏng vấn với những câu chuyện phù hợp nhất!
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam