Viral Marketing Là Gì? Cách Tạo Chiến Dịch Viral Marketing Hiệu Quả
Có rất nhiều các hình thức Marketing khác nhau như Content Marketing, Digital Marketing, Social Marketing,… Tuy nhiên bạn đã từng nghe qua Viral Marketing chưa? Đây là một hình thức Marketing lan truyền được sử dụng rất nhiều trong thời gian gần đây khi muốn nói đến một chiến dịch thành công theo một cách tự nhiên mà không có các tác động quá nhiều từ kỹ thuật quảng cáo.
Trong bài viết dưới đây, Dinos sẽ cùng bạn làm rõ Viral Marketing là gì và tìm hiểu xem các chiến dịch Viral Marketing ấn tượng nhất nhé
Viral Marketing Là Gì?
Viral Marketing là gì?
Viral Marketing, hay còn có cái tên thuần Việt hơn là Marketing lan truyền. Đây là một hình thức lan tỏa hình ảnh và thông điệp marketing đến với người khác, tạo ra những lợi thế tăng trưởng vượt bậc thông qua các kênh marketing nhằm đạt được mục tiêu về mặt thương hiệu hoặc bán hàng.
Marketing quan trọng nhất vẫn là content. Viral marketing cũng vậy. Nội dung ở bất kỳ một hình thức nào cũng có thể tạo được tính Viral nếu làm đúng cách và nội dung đánh trúng tâm lý công chúng.
Vì vậy, khi một chiến dịch viral marketing đang có tiềm năng được lan truyền rộng rãi thì khách hàng sẽ là những người thay marketer làm marketing. Tuy nhiên để tạo được một chiến dịch như vậy là cực kỳ khó.
Ưu Và Nhược Điểm Của Hình Thức Viral Marketing
Mỗi một hình thức Marketing đều có những ưu và nhược điểm mà khi làm bạn cần nên biết. Viral Marketing cũng vậy, nó là đòn bẩy nâng thương hiệu của bạn đến với nhiều khách hàng hơn tuy nhiên nếu làm không khéo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm bạn đang quảng cáo. Dưới đây sẽ là một vài các ưu nhược điểm của hình thức Marketing này mà bạn nên biết
Ưu Điểm
Tiết kiệm chi phí, ngân sách: Để một chiến dịch ban đầu được diễn ra suôn sẻ (tức là tiếp cận được một lượng người tương đối) thì nhà quảng cáo phải bỏ ra một khoản chi phí ban đầu quảng cáo trên các kênh social, tv,… Khi đã có được lượng người dùng quan tâm nhất định thì mọi chi phí quảng cáo về sau gần như không có. Lúc đó viral marketing sẽ giúp bạn làm nhiệm vụ quảng bá, truyền thông thông điệp đến với nhiều người. Hiệu quả mang lại sẽ là rất lớn
Phạm vi tiếp cận lớn: Giống như việc truyền miệng, viral marketing mang đến khả năng tiếp cận rất nhiều người trong một thời gian ngắn. Khi đạt đến mức độ viral, tốc độ lan truyền sẽ nhân lên theo cấp số nhân. Đây có thể coi là một lợi thế lớn của Viral Marketing, doanh nghiệp hoặc cá nhân muốn quảng cáo thường theo đuổi hình thức marketing này.
Tăng độ nhận diện thương hiệu: Các nội dung mang tính Viral thường tác động sâu sắc tới người được tiếp cận, từ đó tạo sự ghi nhớ về thương hiệu trong nhận thức của khách hàng. Không chỉ tạo nhận diện thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ còn dễ tạo lòng tin với khách hàng.
Nhược Điểm
Có thể tạo ra tiêu cực cho sản phẩm, dịch vụ: Nếu làm Marketing không khéo thì rất có thể bạn sẽ gây ra những tiêu cực cho sản phẩm và dịch vụ mà bạn đang quảng cáo
Chiến dịch viral marketing của Gấu đỏ đã gây nên nhiều tranh cãi
Ví dụ về việc viral marketing gây ra tiêu cực:
Mì Gấu đỏ đã đưa ra một chiến dịch marketing gây tranh cãi. Chiến dịch “Gắn kết yêu thương” của Gấu đỏ Từng rớt nước mắt khi xem cảnh bé ung thư tên Tuấn chào tạm biệt bác sĩ để xuất viện trong quảng cáo mì Gấu đỏ, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi biết nhân vật trong clip chỉ là diễn viên đóng thế.
Clip dài 30 giây xuất hiện hình ảnh cậu bé Tuấn – bệnh nhân ung thư với nụ cười hồn nhiên, mở cánh cửa bệnh viện chào tạm biệt mọi người để về nhà đã khiến hàng triệu con tim độc giả rung động. “Đó là ký ức về câu chuyện vui của bệnh nhân tên Long, về nụ cười ấm áp của cô y tá Mai, sự ân cần, hóm hỉnh của bác sĩ Quang. Tuy nhiên, với bố mẹ Tuấn, ngày ra viện lại là ký ức buồn vì họ không đủ kinh phí để tiếp tục điều trị cho con” – trích nội dung quảng cáo
Người được tiếp cận đã nhầm hiểu các thông tin trong chiến dịch viral marketing này là sự thật dẫn đến khi bị phát hiện ra là không phải sự thật thì sẽ rất thất vọng.
Các Yếu Tố Giúp Chiến Dịch Viral Marketing Được Lan Truyền Hiệu Quả
Để tạo nên được một nội dung mang tính lan truyền thì việc quan trọng nhất của nhà tiếp thị vẫn là thấu hiểu insight của khách hàng. Nếu người làm viral marketing không thấu hiểu được người dùng thì sẽ rất khó để chạm vào cảm xúc và khiến họ chia sẻ thông điệp. Để làm được điều này, bạn cần tìm hiểu các yếu tố giúp chiến dịch Viral Marketing được lan truyền mạnh mẽ
Nội dung mang tính chất sáng tạo cực cao
Nội dung mang lại giá trị cho người dùng là nội dung dễ lan truyền nhất. Tùy từng sản phẩm, dịch vụ bạn đang kinh doanh thì hãy đưa ra các nội dung sáng tạo nhưng phải phù hợp.
Nội dung của bạn cần là nội dung sáng tạo độc nhất, không trùng lặp với các nội dung đã có trên thị trường. Việc bạn sử dụng nội dung sao chép từ các bên đối thủ thì vô hình chung bạn đang tạo cho một chiến dịch viral cho chính bên đối thủ đó, từ đó làm mất giá trị thương hiệu của bạn trong lòng khách hàng và tạo cảm giác nhàm chán
Nội dung truyền tải cảm xúc
Chạm đến cảm xúc người dùng chính là yếu tố quyết định xem nội dung của bạn có được truyền tải tốt hay không. Dù là các nội dung tích cực hay tiêu cực thì sẽ đều nhận được sự chú ý từ người dùng
Chiến dịch viral marketing của Milo Năng động Việt Nam đã thành công rực rỡ
Lấy một ví dụ về việc truyền tải cảm xúc. Milo đã có một chiến dịch Viral Marketing rất hiệu quả khi gắn với thông điệp Năng động Việt Nam rất thành công. Chương trình nhằm thay đổi nhận thức, khuyến khích lối sống năng động, luyện tập thể thao thường xuyên trong cộng đồng Việt Nam và đặc biệt hướng vào trẻ em đang ở độ tuổi tiểu học và trung học. Kết quả của chiến dịch: đã có hơn 320.000 phụ huynh cam kết sẵn sàng hành động cùng Nestlé trong công cuộc hiện thực hóa “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030”. Sự thành công của chiến dịch còn vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, đưa Nestle vượt qua hơn 600 chiến dịch xuất sắc khác tại Châu Á Thái Bình Dương để trở thành doanh nghiệp kinh doanh đồ ăn và thức uống Việt Nam đầu tiên được vinh danh tại Effie Award 2018 (một trong những giải thưởng danh giá nhất về lĩnh vực quảng cáo).
Dựa vào sự hỗ trợ từ các kênh truyền thông
Các kênh truyền thông online đang tỏ ra là một nơi hiệu quả để tăng tính chất viral cho một chiến dịch truyền thông khi mà mọi người ngày càng dành nhiều thời gian tham gia vào các mạng xã hội.
Các kênh truyền thông hiệu quả có thể kể đến như facebook, instagram, twitter, wesite blog,…Một lợi thế hơn nữa là hầu hết các nền tảng này là miễn phí.
Các Bước Cơ Bản Để Tạo Một Chiến Lược Viral Marketing
Để hiểu rõ hơn về một chiến dịch Viral Marketing được tạo ra như thế nào, chúng ta sẽ đi vào từng bước cơ bản của một chiến dịch
Nghiên Cứu Thị Trường Và Khách Hàng
Đầu tiên, khi muốn bắt đầu một chiến dịch truyền thông thì cần phải nghiên cứu thị trường đang viral các nội dung như thế nào, các bên đối thủ đã làm như thế nào để thành công trong một chiến dịch viral marketing. Tìm hiểu khách hàng đang có nhu cầu gì ở thời điểm hiện tại. Để hiểu khách hàng hơn thì bạn cần trả lời một vài các câu hỏi như sau:
Khách hàng muốn xem các nội dung gì?
Nội dung khách hàng muốn tiếp cận đến là gì?
Khách hàng sẽ chia sẻ nội dung đó qua các kênh truyền thông nào?
Biti’s có chiến dịch viral marketing đi để trở về đánh đúng insight người dùng
Ví dụ: Trong dịp Tết năm 2017, Biti’s đã đưa ra một chiến dịch viral cực kỳ thành công là “ Đi để trở về “ Biti’s đã bắt trúng tâm lý người dùng là những người con xa xứ mong muốn trở về quê nhà vào mỗi dịp Tết đến. “Có đi mới có trở về. Đi thật xa, để khám phá, để trải nghiệm, để trưởng thành hơn và trân trọng sự trở về, trân trọng hành trình trở về hơn. Đi thật xa để trở về!” là insight đắt giá mà Biti’s đã đúc kết được.
Chọn Mục Tiêu Và Thông Điệp
Thông điệp là thứ mà nhãn hàng muốn truyền thông mỗi khi tung ra một chương trình marketing. Thông điệp phải theo sát mục tiêu ban đầu của nhãn hàng, truyền tải chính xác. Bước nghiên cứu thị trường và insight của khách hàng là bước tiền đề để xây dựng nên một thông điệp đúng và ý nghĩa.
Quay trở lại với ví dụ mà Biti’s đưa ra chiến dịch truyền thông “Đi để trở về”. Đúng như cái tên của bài hát, thông điệp của chương trình là “ Đi để trở về “ Dựa trên một platform khá quen thuộc trong mùa Tết là Homing, Biti’s lựa chọn cách lật ngược vấn đề để tìm ra khía cạnh mới của câu chuyện. Khi hầu như tất cả thương hiệu đều nói câu chuyện trở về trong ngày Tết, Biti’s đã chọn kể câu chuyện ra đi. Tuy nhiên, đó phải là một câu chuyện có liên quan đến tinh thần thương hiệu và truyền tải thông điệp có ý nghĩa. Và ý tưởng “Đi thật xa để trở về” rõ ràng là một khía cạnh mới về Homing, không đi ngược lại với đám đông vì vẫn có hàm ý “trở về” và có tiềm năng trở thành xu hướng vốn đã có sẵn trong người trẻ.
Xây Dựng Nội Dung Cho Chiến Dịch
Đây là bước quan trọng ảnh hưởng đến thành quả của chiến dịch viral marketing của bạn. Bởi nếu một thông điệp hay, một chiến lược toàn diện nhưng nội dung lại không thể hiện hết được thì điều này cũng trở nên vô nghĩa, không chạm được tới cảm xúc của người dùng.
Nội dung của một chiến dịch marketing nói chung và viral marketing nói riêng được xây dựng dưới dạng hình ảnh, video, bài viết,… Các cá nhân hoặc doanh nghiệp cũng có thể kết hợp nhiều dạng content vào cùng 1 chiến dịch để đạt được hiệu quả cao nhất
MV Lạc trôi và đôi Bitis Hunter gây nên nhiều tò mò cho người xem
Trong chiến dịch “Đi để trở về” Biti’s lựa chọn hình thức triển khai nội dung dưới dạng MV (Music Video). Ngày 1/1/2017, MV Đi để trở về được tung ra, mở đầu cho Mùa 1 của chiến dịch. MV Lạc Trôi của Sơn Tùng MTP được ra mắt cùng ngày có một màn product placement gây tranh cãi khi đặt đôi sneaker hiện đại trong một MV cổ trang.
Phân Phối Nội Dung
Nội dung được lan truyền đến người xem là nhờ vào cách bạn phân phối nội dung như thế nào. Có rất nhiều các hình thức giúp bạn phân phối nội dung một cách hiệu quả, nhất là trong thời đại công nghệ số như bây giờ, phân phối chiến dịch một cách online là những kênh phân phối cực kỳ hiệu quả cho chiến dịch Viral Marketing. Thông qua các kênh truyền thống như youtube, facebook, instagram, KOLs, booking báo,…
Chiến dịch viral marketing của Biti’s truyền thông trên nhiều các phương tiện khác nhau-min
Quay trở lại với chiến dịch của Biti’s, toàn bộ chiến dịch Đi để trở về mùa 1 chỉ gồm 3 giai đoạn:
- Tạo tranh luận #teamđi – #teamtrởvề thông qua KOLs trong vòng 4 ngày
- Tung 2 MV “Đi để trở về” của Soobin Hoàng Sơn và MV “Lạc trôi” của Sơn Tùng MTP trong 2 ngày
- Dồn tổng lực PR và media vào Kenh14 trong 1 ngày
Đánh Giá Và Theo Dõi Chiến Dịch
Không phải bất kỳ một chiến dịch Marketing nào cũng mang lại thành công. Bởi bạn không thể đoán trước được phản ứng của người dùng ra sao. Vì vậy sau khi nội dung được đăng tải và phân phối thì nhiệm vụ tiếp theo của một Marketer là theo dõi chiến dịch và đánh giá, tối ưu cho phù hợp.
Sẽ có 3 trường hợp xảy ra sau khi một chiến dịch được phân phối:
- Người dùng hài lòng và phản ứng tích cực với nội dung bạn tạo ra: nhiệm vụ lúc này của bạn chỉ cần theo dõi các chỉ số viral và ghi nhận lại phản hồi từ khách hàng để phát triển cho những chiến dịch sau.
- Không tạo được tính Viral: lúc này bạn cần theo dõi xem những điểm nào khiến nội dung bạn không thu hút được khách hàng, ghi nhận lại để cải thiện cho những lần sau.
- Người dùng có phản ứng tiêu cực với nội dung Viral: đây là trường hợp xấu nhất khi làm Viral Marketing, không ai mong muốn nhận được. Việc theo dõi chiến dịch sau phân phối giúp bạn có những biện pháp khắc phục kịp thời với những tình huống xấu như bị tẩy chay nhãn hàng, khán giả phản ứng dữ dội…
Từ 3 trường hợp có thể xảy ra này, bạn cần nhìn được tổng quan để có cách giải quyết cho phù hợp.
Kết Luận
Những lợi ích mà Viral Marketing mang lại cho doanh nghiệp là cực kỳ lớn và sức lan tỏa rất sâu rộng. Để thực hiện được một chiến dịch Marketing thành công bạn cần đầu tư chất xám, khả năng sáng tạo và lắng nghe insight của khách hàng. Bài viết đã đưa cho bạn định nghĩa viral marketing là gì? và cách tạo chiến dịch viral marketing hiệu quả dành cho bạn. Chúc bạn thành công. ừng quên theo dõi Dinos thường xuyên tại: https://dinos.vn/ để cập nhật những thông tin bổ ích nhất nhé.