Marketer Nguyễn Tô Thanh An
Nguyễn Tô Thanh An

Senior Content Executive @ Brands Vietnam

Ai là người đứng sau Pantone để lựa chọn màu sắc của năm?

Ai là người đứng sau Pantone để lựa chọn màu sắc của năm?

Vào năm 1994, khi internet vẫn chưa phát triển mạnh mẽ như hiện nay, ông James Woudhuysen – Nhà văn và Chuyên gia dự báo xu hướng – đã đưa ra dự đoán trên tạp chí Marketing rằng: “Whoever controls color, controls the world” (tạm dịch: Bất cứ ai kiểm soát màu sắc sẽ kiểm soát thế giới).

* Bài viết được lược dịch từ bài viết gốc “Who chooses the world’s Color of the Year?”, được đăng trên trang The Hustle.

Cột mốc đánh dấu sự ra đời của “Color of the Year”

Khi thập niên 90 đang dần kết thúc, cũng là lúc mà một thiên niên kỷ mới bắt đầu trong sự hoang mang về những điều không chắc chắn. Cùng lúc đó, mọi người trong văn phòng Pantone tại Carlstadt, New Jersey cũng đang bàn tán về vấn đề đó. Nếu thế giới thật sự bắt đầu diệt vong thì sao? Hoặc các công cụ kỹ thuật số không còn hoạt động được nữa?

Khi ấy, ông Lawrence Herbert – Former CEO của Pantone đã ngẫm nghĩ rằng liệu họ có thể làm điều gì đó để mang lại hy vọng và khiến mọi người bình tâm hơn không. Sau đó, vị CEO của Pantone lúc bấy giờ đã yêu cầu bà Leatrice Eiseman, hiện đang là Executive Director tại Pantone® Color Institute, lựa chọn một màu sắc có thể đại diện cho mở đầu của một thiên niên kỷ mới.

Vậy đâu là màu sắc đại diện cho thiên niên kỷ mới? Bà Eiseman đã lựa chọn màu “cerulean”, nhằm khơi gợi sự liên tưởng đến hình ảnh bầu trời xanh. Bà nói rằng: “No matter where you live, everyone looks forward to seeing a beautiful blue sky” (tạm dịch: Dù sống ở nơi nào, mọi người đều mong được nhìn thấy bầu trời xanh tuyệt đẹp).

Vào cuối năm 1999, Pantone đã công bố màu sắc của năm 2000 là màu “cerulean” nhằm liên tưởng đến hình ảnh bầu trời xanh.
Nguồn: Pantone

Không lâu sau khi Pantone thông báo màu sắc được lựa chọn để đại diện cho thiên niên kỷ mới, họ đã thu hút sự chú ý của công chúng trên toàn thế giới. Không chỉ vậy, điều này còn góp phần củng cố và nâng cao độ nhận diện của Pantone với cương vị là tổ chức quốc tế về màu sắc.

Cũng nhờ vậy, Pantone từ một công ty thiết kế trở thành một cái tên quen thuộc với đại chúng. Trước đó, khi nhắc đến Pantone, ngoại trừ những người trong ngành, hầu hết người tiêu dùng thường tưởng rằng Pantone là hãng dầu gội hoặc bánh mì Ý. Kể từ cột mốc năm 1999, tức là khi Pantone bắt đầu công bố “Color of the Year” hàng năm thì mới nhận được nhiều sự chú ý từ công chúng.

Trên thực tế, không phải sự lựa chọn nào của Pantone cũng nhận được sự đồng tình từ số đông. Vào năm 2019, khi công bố màu sắc của năm là “Living Coral”, Pantone đã bị chỉ trích dữ dội bởi vì tình trạng bị phân hủy ngày càng tăng cao của các rạn san hô trên khắp thế giới. Tại Úc, một số nhà thiết kế đã triển khai một chiến dịch truyền thông nhằm công kích lựa chọn “vô trách nhiệm” của Pantone, đồng thời còn mỉa mai Pantone nên lựa chọn màu sắc của năm là “Bleached Coral” (san hô bị tẩy trắng).

Khi công bố màu sắc của năm 2019 là "Living Coral", Pantone đã nhận về không ít chỉ trích từ nhiều chuyên gia trong ngành trên toàn cầu.
Nguồn: Pantone

Còn nữa, Pantone cũng bị chỉ trích vì góp phần thúc đẩy tình trạng lãng phí tài nguyên trong lĩnh vực thời trang nhanh (fast fashion). Dẫu vậy, trong hơn 20 năm qua, việc lựa chọn “Color of the Year” hàng năm của Pantone vẫn đang phát triển mạnh mẽ, thậm chí có sức ảnh hưởng lớn về khía cạnh văn hóa.

Chân dung người phụ nữ đứng sau Pantone lựa chọn mã màu

Được biết, bà Eiseman lớn lên tại Baltimore với một người mẹ có đam mê và tài năng hội họa. Hàng năm, mỗi khi xuân đến, mẹ bà ấy sẽ sơn lại toàn bộ ngôi nhà, bao gồm cả đàn piano. Cũng giống như mẹ mình, bà Eiseman cũng có đam mê và tài năng về khía cạnh màu sắc.

Năm 1983, bà Eiseman xuất bản quyển sách đầu tiên “Alive with Color”, với chủ đề về sự kết hợp giữa sự kết hợp giữa tâm lý màu sắc, lý thuyết và tính ngẫu hứng. Tác phẩm này đã khiến ông Lawrence Herbert, một nhà hóa học, cũng là CEO của công ty in ấn Pantone lúc bấy giờ của Pantone, chủ động liên hệ và tuyển dụng bà Eiseman với vai trò cố vấn.

Bà Leatrice Eiseman (áo tím ở giữa) – hiện đang là Executive Director tại Pantone® Color Institute.
Nguồn: Facebook của bà Leatrice Eiseman

Từ lúc đó, Pantone từ một công ty in ấn trở thành doanh nghiệp hóa sinh (biochemical company), với vai trò phát triển bảng màu, đồng thời tạo ra hệ thống chữ số tượng trưng cho màu sắc, nhằm giúp các nhà máy dệt may có thể dễ dàng hình dung được màu sắc “cobalt blue” mà một nhà thiết kế đang nhắc đến là gì.

Về bản chất, các nhà hóa học vẫn làm việc trong phòng thí nghiệm tại New Jersey để sản xuất các mẫu màu, sau đó bán cho thương hiệu, nhà thiết kế và nhà sản xuất với mức giá lên đến 9.000 USD. Ngoài ra, công ty cũng bổ sung thêm tính năng dự báo, xuất bản, cung cấp bản quyền sử dụng và tư vấn cho các sản phẩm của họ.

Quan trọng hơn, kể từ khi Pantone công bố màu sắc của năm, ngành in ấn cũng nhờ đó mà thoát khỏi tình trạng khó khăn và bắt đầu phát triển mạnh mẽ trở lại.

Nhiệm vụ của bà Eiseman là tìm ra cái tên có khả năng khơi gợi cảm xúc cho hơn 2.000 trong tổng 10.000 mẫu màu của Pantone, chẳng hạn như "Marsala" (một loại rượu đỏ tía lấy cảm hứng từ rượu vang mạnh của Sicily) hoặc "Tangerine Tango", được đặt tên theo chiếc vòng cổ của một vũ công tango người Argentina.

"Tangerine Tango" – màu sắc của năm 2012 được bà Eisema đặt tên theo chiếc vòng cổ của một vũ công tango người Argentina.
Nguồn: Pantone

Bà ấy cũng từng giúp nhiều công ty phát triển màu sắc đặc trưng cho thương hiệu, trong đó có một số cái tên nổi bật như sau:

  • Tiffany với màu xanh (Pantone #1837)
  • Hermes với màu cam (Pantone #1448)
  • Louboutin với màu đỏ (Pantone #18-1663 TPX)

Được biết, để lựa chọn màu sắc của năm, bà Eiseman sẽ đi du lịch khắp thế giới, đồng thời gặp gỡ nhiều chuyên gia trên toàn cầu, từ nhà thiết kế, nhà dự báo xu hướng, cũng như những người hiểu rõ về các nền văn hóa trên thế giới… Từ đó có dữ liệu để dự đoán xem người tiêu dùng toàn cầu sẽ muốn mua gì trong những năm tới.

Theo đó, việc dự đoán màu sắc của năm dựa vào quá trình phân tích liên tục. Bà Eiseman và các đồng nghiệp xem xét những xu hướng trên sàn diễn thời trang, những bức tranh mới được trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật, những bảng màu phổ biến xuất hiện trong các bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em, những sự kiện thể thao sắp diễn ra, cũng như những chủ đề có độ thảo luận cao trên TikTok.

Nhờ vào mối quan hệ hợp tác giữa các thương hiệu có sức ảnh hưởng trên toàn cầu, cùng với lời khuyên từ các chuyên gia nổi tiếng, màu sắc của năm đang dần trở thành một “lời tiên tri tự ứng nghiệm”. Cụ thể hơn, vào năm ngoái, Motorola, Cariuma, Hydrow và Art Basel Miami đã phát hành sản phẩm mới với tông màu “Vivan Magenta”, cũng chính màu sắc của năm 2023 được Pantone chính thức công bố sau đó không lâu.

“Vivan Magenta” – màu sắc của năm 2023 do Pantone công bố.
Nguồn: Pantone

Ngoài ra, Pantone đã ra mắt thương hiệu Pantone Lifestyle, được cho là chiếm đến 15% hoạt động kinh doanh của công ty, chỉ bằng cách kinh doanh cốc, sổ ghi chép, móc khóa, ô, ghế gấp và bình đeo hông, cùng với các sản phẩm khác… có kiểu dáng giống với mẫu màu của công ty.

Pantone cũng ra mắt sản phẩm trà đổi màu, được lấy cảm hứng từ một khách sạn tại Belgium. Không chỉ thế, Pantone cũng có một quán cà phê tại Monaco phục vụ bánh và thức uống, cùng với bao bì giống với mẫu màu của công ty.

Các sản phẩm được phục vụ một quán cà phê của Pantone tại Monaco đều có cùng mã màu của công ty.
Nguồn: Pantone Café, Monaco

Màu sắc: Một lĩnh vực kinh doanh tiềm năng?

Theo nhận định của bà Eiseman, màu sắc có thể mang lại niềm vui cho mọi người trong những giai đoạn có nhiều biến động. Không chỉ thế, theo nghiên cứu thị trường, màu sắc cũng có tác động lớn đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

Do đó, có thể thấy rằng màu sắc cũng được xem là một lĩnh vực kinh doanh có tiềm năng rất lớn. Các công ty tư vấn xu hướng toàn cầu như Pantone và WGSN thường phát hành báo cáo dự đoán người tiêu dùng sẽ muốn mua gì trong vòng hai hoặc ba năm tới. Một nghiên cứu được phát hành gần đây bởi WGSN cho biết 98% quyết định mua hàng bị ảnh hưởng bởi màu sắc, một chỉ số mang lại quyền lợi cho những tổ chức như WGSN và Pantone.

Những nhóm ngành được định hình và chịu ảnh hưởng bởi yếu tố màu sắc nhiều nhất.
Nguồn: The Hustle

Việc dự đoán màu sắc hàng năm cũng đang diễn ra ngày càng sớm hơn. Vào tháng 5/2023, WGSN đã công bố màu sắc của năm 2025 là “Future Dusk” (broody blue-violet). Tuy nhiên, việc công bố quá sớm cũng đi kèm với rủi ro bỏ lỡ thời khắc quan trọng. Sự thành công của Pantone bắt nguồn từ việc họ công bố vào thời điểm lễ hội và mọi người đều đang mong chờ năm mới.

Bởi vì sự thành công của Pantone nên nhiều công ty trong cùng lĩnh vực cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội. Năm 2006, Benjamin Moore thông báo bắt đầu công bố màu sắc của năm. Vài năm sau đó, Sherwin-Williams cũng thực hiện động thái tương tự.

Những màu sắc của năm do các công ty khác (không tính Pantone) công bố qua từng năm.
Nguồn: The Hustle

Trên thực tế, quy trình lựa chọn màu sắc của năm tương đối phức tạp. Bà Hannah Yeo – Manager of Color Development & Marketing tại Benjamin Moore cho biết, màu sắc được lựa chọn làm màu sắc của năm phải được giữ bí mật nhất có thể. Bên cạnh đó, những người có liên quan sẽ có một lịch trình cụ thể để biết được nên làm gì vào từng thời điểm. Trong khi chờ đợi đến lúc công bố, các nhân viên sẽ gọi ngày thông báo chính thức là “buổi sáng Giáng sinh”.

Benjamin Moore cũng gặt hái được nhiều thành quả khi tham gia vào hoạt động công bố màu sắc của năm. Được biết, kể từ khi công ty này công bố màu sắc của năm 2024 là “Blue Nova”, doanh số bán mã màu này đã tăng lên đến 40%.

Kể từ khi công bố màu sắc của năm 2024 là “Blue Nova”, doanh số bán mã màu này của Benjamin Moore đã tăng lên đến 40%.
Nguồn: Benjamin Moore

Tương tự, kể từ khi công bố màu sắc của năm, doanh số của Sherwin-William cũng bắt đầu tăng trưởng đáng kể. Theo bà Sue Wadden – Director of Marketing tại Sherwin-William cho biết, số lượng đặt hàng mã màu của công ty họ tăng lên 30% sau khi công bố màu sắc của năm.

Cuối cùng, đối với bà Eiseman, có lẽ không gì quan trọng bằng việc tận hưởng cuộc sống trong một thế giới đầy màu sắc.

Hai năm về trước, ở độ tuổi 88, bà Eiseman và chồng đã chuyển nhà đến Tucson, nhằm ở gần hơn với con gái, cũng là cộng sự của bà. Cho đến thời điểm hiện tại, bà vẫn đang chìm đắm sống trong thế giới đầy màu sắc của mình. Dĩ nhiên, bà Eiseman cũng không quên chuẩn bị cho quy trình công bố màu sắc của năm 2024 vào tuần đầu tiên của tháng 12 năm nay.

Bởi vì sau tất cả, mỗi khi bước vào giai đoạn này, bà Eiseman lại phải đưa ra quyết định quan trọng nhất: Đó là chọn ra một màu đại diện cho năm mới trong vô vàn sắc màu.

Theo Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: The Hustle