Thay đổi hành vi mua sắm, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đang thời “cá gặp nước”
Người tiêu dùng Việt Nam đang chuyển hướng sang mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini bởi tiện lợi và tránh tiếp xúc quá đông người. Điều này khiến thị trường bán lẻ Việt Nam một lần nữa “rung” lên, “miếng bánh ngon” đang ngả sang thị trường cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini với sự mọc lên như nấm của các loại hình này trên cả nước. Từ đường lớn, phố nhỏ, đến đi sâu vào các khu dân cư, lan ra ngoại thành… cuộc đua cạnh tranh vị trí tiềm năng của ngành bán lẻ đang càng ngày gay gắt giữa các thương hiệu lớn và cả những thương hiệu mới, nhỏ lẻ.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 5.679,9 tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay ước tính 142 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025.
Với một thị trường được đánh giá là tiềm năng, cửa hàng tiện lợi đã và đang phát triển ở Việt Nam với tốc độ “chóng mặt” dưới dạng mô hình kinh doanh vừa và nhỏ. Các cửa hàng tiện lợi thường tập trung bán những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày, có kết hợp một số dịch vụ như wifi, bàn ghế, máy lạnh để phục vụ riêng người tiêu dùng.
Độ phủ rộng, mức độ cạnh tranh cao
Cụ thể, tính đến tháng 3/2023, Winmart+ là chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu Việt Nam với hơn 3 nghìn cửa hàng trên toàn quốc (tuy nhiên Winmart+ được coi là siêu thị mini hơn là cửa hàng tiện lợi). Với hơn 132 siêu thị WinMart và gần 3000 cửa hàng WinMart+ đã phủ rộng khắp Việt Nam, tiêu chí để Masan chọn vị trí cho cửa hàng tự mở và yêu cầu nhượng quyền là các đường lớn, khu đông dân cư, gần chợ, trong khu đô thị, trung tâm thương mại. Điều này giúp Winmart+ gần như có mặt ở khắp mọi nơi rất dễ dàng cho người tiêu dùng tìm kiếm một cửa hàng gần mình mà không cần phải đi xa.
Cửa hàng Bách Hóa Xanh và Winmart+ (Ảnh: Internet).
Theo sát bảng xếp hạng là Bách Hóa Xanh với hơn 1.700 cửa hàng, tuy nhiên thương hiệu này mới chỉ xuất hiện ở khu vực phía Nam. Với Thế giới di động (công ty mẹ của Bách Hóa Xanh), chiến lược trong ngành bán lẻ của họ lại có phần khác biệt. Bách Hóa Xanh tập trung vào đối thủ lớn nhất của cả ngành hàng bán lẻ hiện đại: Chợ truyền thống – điều mà các doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa trước đó vẫn chưa làm được.
Vì vậy, Bách Hóa Xanh tập trung thay đổi địa điểm mở cửa hàng mới, các cửa hàng phải bố trí xung quanh các khu dân cư đông đúc, xung quanh các chợ truyền thống và đặc biệt phải bố trí trên các trục đường chính. Nói một cách dễ hiểu, thay vì đặt cửa hàng ngay trong khu dân cư như trước đây, Bách hóa Xanh hiện mở cửa hàng trên các trục đường chính dẫn vào khu dân cư, thuận tiện hơn rất nhiều cho cả nhà đầu tư trong việc triển khai kế hoạch của họ và khách hàng.
Ngoài ra, các siêu thị mini khác cũng đang “rầm rộ” mở rộng toàn quốc, giành thị phần về phía mình như: hệ thống Co.op Food có 391 cửa hàng, cùng với chuỗi Co.op Smile và Cheer; Satrafoods với 221 cửa hàng; Hapro Food/BRG mart và BRG Inter-shop có 46 cửa hàng; Nova Market với 12 cửa hàng.
Đối với “anh tài” cửa hàng tiện lợi Circle K, cho đến thời điểm hiện tại, thương hiệu này được coi là thành công nhất khi tiến vào thị trường cửa hàng tiện lợi Việt Nam. Với 500 cửa hàng khắp cả nước, Circle K hướng tới việc“tạo điểm đến” và các khu vực ngồi nghỉ ngơi cho khách hàng. Circle K đã kết hợp cửa hàng tiện lợi của mình với việc kinh doanh cafe, đồ ăn nhanh đến với mọi người.
Các cửa hàng Circle K hầu hết có mặt bằng rộng, nổi bật, vị trí mặt đường lớn,
phố đông dân cư, gần cơ quan, trường học,… (Ảnh: Internet)
Phát triển theo xu hướng ấy, để mở rộng chuỗi bán lẻ của mình, Circle K phải luôn tìm mặt bằng với diện tích trung bình là 100-120m2, gần các khu dân cư đông đúc, trường học, văn phòng, thuận tiện giao thông, hình thành chuỗi thương hiệu thân quen, tiện lợi với người dân Việt Nam.
Ngoài ra, các “tay chơi” khác như là GS25, thương hiệu Hàn Quốc với 133 cửa hàng hay là 7-Eleven, gia nhập thị trường Việt Nam năm 2017 với 66 cửa hàng trên khắp Việt Nam, Ministop thuộc ông lớn AEON cũng có đến hàng trăm cửa hàng trên toàn quốc… Sự xuất hiện ấn tượng của các cửa hàng tiện lợi thương hiệu ngoại cũng đang khiến cho thị trường bán lẻ kênh cửa hàng tiện lợi của Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Thần chú trong ngành bán lẻ: Mặt bằng, mặt bằng và mặt bằng
P – (Place) luôn là một yếu tố quan trọng trong chiến lược marketing của bất kỳ thương hiệu bán lẻ, không ngoại trừ cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Mục tiêu phủ rộng thị trường nhằm gia tăng giá trị thương hiệu, tăng thị phần và cạnh tranh trực tiếp với các “đồng nghiệp” của mình là điều các thương hiệu siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi luôn nhắm tới.
Điều này, vô hình chung tạo nên sức cạnh tranh lớn trong miếng bánh “ngon” của ngành bán lẻ tại Việt Nam. Đồng thời đặt ra sức ép trong việc cạnh tranh vị trí đối với các thương hiệu siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi nhỏ, lẻ.
Các tiêu chí cơ bản để các thương hiệu lựa chọn một vị trí mở cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị mini: dữ liệu nhân khẩu học (dân số, độ tuổi trung bình,…), phân bố dân cư, đối thủ cạnh tranh, giao thông, các tiện ích xung quanh như: cửa hàng, trường học, chợ,… Bởi những yếu tố này trực tiếp ảnh hưởng đến xu hướng tiếp cận và mua sắm của khách hàng tới các cửa hàng này.
Đánh giá tiềm năng của vị trí/khu vực kinh doanh có thể ứng dụng
VGM.AI – nền tảng tiếp thị địa lý Việt Nam (Ảnh: VGM.AI).
Tất nhiên những yếu tố này có thể thay đổi theo thời gian theo chiều tích cực hoặc tiêu cực cho các siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện lợi. Vì vậy, ngoài việc nghiên cứu nhằm “bành trướng” thương hiệu, nhân rộng chuỗi bán lẻ, các thương hiệu phải thường xuyên đánh giá lại các vị trí cửa hàng và tối ưu lại.
Điển hình cho xu hướng đánh giá và tối ưu hệ thống cửa hàng phải kể đến Bách Hóa Xanh. Từ nửa cuối năm 2022, Bách Hóa Xanh phải đóng cửa gần 400 cửa hàng có tình hình kinh doanh không tốt trong hệ thống, để tập trung cho các cửa hàng khác và mở mới tại các điểm thật sự chiến lược.
Gần tương tự, Winmart+ dưới thời nằm trong tay của Vincommerce (thuộc Tập đoàn Vingroup) được biết với cái tên Vinmart và Vinmart+ tập trung vào việc mở thật nhiều, thật nhanh chuỗi bán lẻ của mình khắp toàn quốc. Đến năm 2019 Vinmart có gần 2000 siêu thị và siêu thị mini trên toàn quốc. Tuy nhiên, khi vào tay Masan, không quá tập trung mở nhiều, mở nhanh, Masan tập trung tối ưu vào các cửa hàng Winmart đã có và đồng thời đóng kha khá cửa hàng không thật sự kinh doanh tốt.
Việc đóng – mở cửa hàng gần như là vòng lặp không hề mong muốn của các thương hiệu bán lẻ, không ngoại trừ siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi. Mặc dù, có nền tảng tài chính vững chắc, sự hẫu thuẫn lợi nhưng các thương hiệu “anh tài” trong ngành bán lẻ cũng không thể tránh khỏi vòng lặp này. Chưa kể đến các thương hiệu mới, nhỏ, lẻ ít kinh nghiệm nếu không kỹ lưỡng trong việc đánh giá tiềm năng vị trí kinh doanh, việc cạnh tranh sẽ càng khó khăn hơn.
Các nhà bán lẻ cần làm gì để tham gia vào thị trường?
Các nhà bán lẻ hiện đại đã trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh bán lẻ tổng thể của Việt Nam. Những năm gần đây, số lượng các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị đặc biệt là siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi ngày càng nhiều. Ở khu vực thành thị, nhiều người tiêu dùng tỏ ra ưa chuộng các nhà bán lẻ này hơn các cửa hàng truyền thống.
Các cửa hàng tạp hóa truyền thống đang mất dần ưu thế (Ảnh: internet).
Rõ ràng, khi hàng loạt nhà bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam, các cửa hàng tạp hóa truyền thống dường như bị bỏ lại phía sau do quy mô nhỏ hơn và ít sản phẩm hơn. Tuy nhiên, bất chấp một số thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng, cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn là một trong những kênh mua sắm chính của người Việt. Quy mô nhỏ, giá thành rẻ vì chi phí quản lý thấp, hầu như không tốn kém cho việc thuê mặt bằng,.. là những lợi thế cạnh tranh của cửa hàng tạp hóa truyền thống.
Bên cạnh đó, Việt Nam có một nền văn hóa độc đáo và hành vi của người tiêu dùng cũng khác biệt đáng kể so với những gì các nhà đầu tư nước ngoài quen thuộc. Người tiêu dùng Việt Nam có thói quen và sở thích mua sắm khác biệt so với người tiêu dùng phương Tây. Ví dụ, nhiều người thích mua sắm tại các chợ truyền thống – thường được thiết lập ở bất kỳ không gian có sẵn nào trong cộng đồng, với những người bán hàng bày hàng hóa của họ trong các quầy hàng tạm thời hoặc trên vỉa hè – điều này có thể sẽ đem lại thách thức không nhỏ cho các chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Vậy, lối đi nào cho các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini mớ, nhỏ lẻ muốn tham gia vào thị trường khi vừa phải cạnh tranh với các chuỗi lớn vừa phải “xem xét” các cửa hàng tạp hóa?
Vì vậy, có thể ứng dụng dịch vụ bản đồ phân tích thị trường trở nên vô cùng quan trọng đối với các cửa hàng bán lẻ như siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi, đặc biệt đối với những nhà bán lẻ mới đang có ý định tiến vào thị trường này. Bởi, họ cần có được những số liệu trực quan nhất về vị trí, khu vực muốn kinh doanh, dân số, độ tuổi trung bình, các tiện ích xung quanh, đối thủ cạnh tranh như chợ và các cửa hàng tiện lợi khác…
Những điều này đều có thể tìm thấy được qua các dữ liệu, bản đồ số trên nền tảng tiếp thị địa lý VGM.AI, hỗ trợ đưa ra các quyết định về vị trí/ khu vực kinh doanh chuỗi bán lẻ tiềm năng.
Nguồn: vgm.ai