Hiểu đúng bản chất của “Sáng tạo” để ngưng chối bỏ nó!
Sáng tạo luôn đi đôi với những từ khóa như “năng khiếu”, “thiên bẩm”, đó là kĩ năng của những người làm nghệ thuật chứ không dành cho “người thường” chúng ta. Tư duy này liệu có đúng?
Trước khi đi vào chi tiết, hãy cùng lật lại khái niệm của hai từ “Sáng tạo”
Theo nhận định của tác giả Hoàng Nguyễn trong cuốn sách “Có Cách – Nuôi dưỡng sự sáng tạo từ niềm tin có cách” thì: “Sáng tạo là quá trình tìm ra những ý tưởng khả thi nhất dựa trên nguồn lực hiện có, và hiện thực hóa chúng”.
- Ý tưởng khả thi: Là ý tưởng có thể dùng để phục vụ cho một nhu cầu nào đó, hoặc cụ thể hơn là giải pháp cho một vấn đề nào đó cần giải quyết.
- Nguồn lực: Là sự hiểu biết về những giới hạn về tài nguyên (thời gian, chi phí, năng lực, bối cảnh) để chọn lọc ý tưởng phù hợp.
- Hiện thực hoá: Là những hành động, cách thức và kế hoạch để thực thi ý tưởng.
Rõ ràng, nếu hiểu theo góc nhìn này thì sáng tạo “bình thường” hơn hẳn. Thực tế, sáng tạo không chỉ thuộc về những thiên tài hay những ngành nghề đặc biệt. Đó là một phần tự nhiên của con người, là một nguồn năng lượng mà chúng ta có thể khai phá và tận dụng trong mọi khía cạnh cuộc sống. Có chăng, sáng tạo kiểu này hay kiểu khác chỉ khác nhau về “nồng độ”.
Nồng độ sáng tạo là gì?
1. Sản phẩm sáng tạo cá nhân phục vụ cho cuộc sống hằng ngày thường có nồng độ sáng tạo thấp nhất
Trong các hoạt động hằng ngày, chúng ta thường ít khi nhận ra rằng mình đang sáng tạo, vì kết quả của sự sáng tạo lúc này không cần tính mới, tính thay đổi quá rõ ràng.
Bạn có thể chỉ cần làm theo đúng một công thức có sẵn nào đó (và chỉnh sửa đôi chút) là đã có thể thu về được một kết quả vừa đủ tốt, nghĩa là nó phù hợp với nguồn lực và hoàn cảnh của bạn, cũng như đáp ứng được giá trị mà cá nhân bạn tìm kiếm.
Ví dụ, khi nấu ăn, chúng ta có thể học theo một công thức trên mạng nhưng thay đổi một vài nguyên liệu cho phù hợp với khẩu vị của bản thân. Hay mỗi tháng chúng ta lại sắp xếp lại đồ đạc trong nhà theo một bố cục mới tham khảo từ trang tạp chí nào đó, để thay đổi sinh khí cho căn nhà cũng là biểu hiện của sáng tạo.
Tương tự, với các status trên mạng xã hội hay tin nhắn trao đổi hằng ngày, tinh thần sáng tạo cũng có thể hiện diện trong cách chúng ta lựa chọn từ ngữ, emoji, hay những chiếc meme không quá mới nhưng đủ để truyền tải thông điệp mình mong muốn một cách trọn vẹn nhất.
2. Ở mức nồng độ trung bình thường là các sáng tạo trong những công việc không thuộc ngành sáng tạo
Những công việc thuộc nhóm này thường được cho là không cần tới sáng tạo, nhưng thực tế, sự sáng tạo vẫn là một phần không thể thiếu. Chẳng hạn một nhân viên kế toán có thể sáng tạo trong cách trình bày dữ liệu sao cho rõ ràng và dễ hiểu hơn, hoặc tìm kiếm các phương pháp mới để tối ưu hóa quá trình làm việc, giảm thiểu sai sót. Hay một người làm nhân sự cần nghĩ ra các phương pháp tuyển dụng mới, các chương trình đào tạo, hoặc ý tưởng có thể ứng dụng trong văn phòng để tăng động lực làm việc cho nhân viên.
Sản phẩm sáng tạo ở đây bắt đầu cần tính thay đổi cao hơn cho phù hợp với tổ chức và môi trường riêng biệt mà bạn ứng dụng vào. Sự thay đổi bạn tạo ra lúc này không chỉ ảnh hưởng đến bạn, mà có thể tác động đến nhiều người hơn như nhân viên, công ty, khách hàng.
3. Và đúng như bạn dự đoán, các sản phẩm có nồng độ sáng tạo đậm đặc nhất thường đến từ ngành sáng tạo
Trong những lĩnh vực như thiết kế, quảng cáo, làm phim, sáng tạo nội dung, thời trang, điện ảnh hay kiến trúc nội thất... việc sáng tạo không còn là một yếu tố giúp gia tăng tính hiệu quả mà là một yêu cầu cốt lõi. Để có thể thu hút và tạo dấu ấn trong lòng khán giả, khách hàng, người làm việc trong lĩnh vực này phải luôn trau dồi kỹ năng sáng tạo của mình.
Sáng tạo không “cao siêu” đến thế!
Cũng giống như hơi thở, sự sáng tạo đã đi cùng chúng ta từ khi sinh ra. Nó là một phần không thể tách rời, như một nguồn năng lượng bất tận đang chờ chúng ta khám phá và phát triển. Tuy nhiên, giống như hơi thở cần được tập luyện để giữ cho cơ thể khỏe mạnh, sự sáng tạo cũng đòi hỏi sự chăm sóc và phát triển.
Một khi bạn học được cách đưa sự sáng tạo vào từng việc hằng ngày từ nhỏ nhất như đánh răng mỗi buổi sáng hay cách giải quyết những đầu việc khó nhất trong ngày, bạn sẽ mở ra vô số những cơ hội để tối ưu từng khía cạnh trong cuộc sống, từ đó cải thiện chất lượng và giải phóng thời gian để làm thêm nhiều thứ khác.
Vậy nên, đừng nghĩ rằng “Sáng tạo không dành cho mình”. Hãy đưa sáng tạo vào từng việc nhỏ trong cuộc sống, để tối ưu hoá thời gian và năng lượng của chính bạn.
Mời bạn tìm đọc cuốn sách “Có Cách – Nuôi dưỡng sự sáng tạo từ niềm tin có cách” tại đây.