Xu hướng tổ chức sự kiện xanh và bền vững
Theo một báo cáo của Powerful Thinking, hàng năm có 20.000 tấn CO2 sau các sự kiện, và con số này tăng lên đến 100.000 tấn nếu tính cả việc di chuyển của khán giả. Hay một festival âm nhạc có thể “đóng góp” tới gần 23.500 tấn chất thải; bao gồm thức ăn, dụng cụ, bao bì… Đây chính là những con số đáng báo động, đặt ra một vấn đề cần được giải quyết bởi các event agency: Tạo ra một sự kiện bền vững và thân thiện với môi trường.
Giảm thiểu tối đa lượng rác thải tại các sự kiện không chỉ giúp cho môi trường xanh – sạch, mà hơn hết là giúp cải thiện hình ảnh của thương hiệu một cách tích cực đối với khách tham dự. Nhưng làm thế nào để thực hiện điều đó? Dưới đây là 5 tips giúp event trở nên “xanh” hơn.
1. Lựa chọn địa điểm thân thiện với môi trường
Bắt đầu đặt mục tiêu ngay từ bước brainstorm địa điểm, các event planner có thể lưu ý những điểm sau khi chọn lựa các khách sạn hay địa điểm tổ chức.
- Chọn địa điểm nằm gần trung tâm thành phố dễ dàng tiếp cận với tiện ích giao thông công cộng.
- Đối với các sự kiện kéo dài nhiều ngày, agency có thể chọn địa điểm có chỗ ở gần để tránh việc đi lại không cần thiết cho khách tham dự.
Ngoài ra, ban tổ chức cũng cần quan tâm xem địa điểm tổ chức có ý thức bảo vệ môi trường hay không như sử dụng năng lượng xanh, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, có hệ thống tiết kiệm năng lượng, sử dụng digital banner, màn led thay cho in ấn…
2. Nâng cao ý thức người tham dự
Việc bảo vệ môi trường sẽ được lan toả khi các khách tham dự hiểu về ý nghĩa tốt đẹp của nó. Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức đó, vì vậy cần truyền thông đến các khách tham dự để họ chấp nhận từ bỏ một số thói quen hay tiện ích, nâng cao nhận thức vì mục đích chung.
Ví dụ, việc lãng phí thức ăn là một vấn đề thường xuyên xảy ra, nhất là tại các bữa tiệc buffet. Hãy khuyến khích khách tham dự chỉ lấy lượng thức ăn vừa đủ. Event planner cũng cần xem xét kỹ thực đơn và khẩu phần tương đương với số lượng khách tham dự để tránh chuẩn bị dư lượng thức ăn không cần thiết.
3. Sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường
Các vật liệu thân thiện môi trường như giấy, tre, gỗ, thuỷ tinh… sẽ được ưu tiên sử dụng trong các sự kiện. Loại bỏ đồ nhựa dùng một lần dễ dàng bằng cách cung cấp các bình nước thuỷ tinh thay cho nước đóng chai, ống hút tre, cỏ thay cho ống hút nhựa để phục vụ khách.
Các đồ quà tặng xanh có thể kể ra như: cây cảnh, bình nước tre, các loại mỹ phẩm organic hay túi canvas, túi vải không dệt…
4. Ứng dụng công nghệ vào tổ chức sự kiện
Việc lưu trữ và phân phối tất cả thông tin về sự kiện bằng phương tiện điện tử là một cách để ưu tiên sử dụng tài nguyên và ngăn chặn sự lãng phí giấy không cần thiết.
Trong thời đại kỹ thuật số, việc loại bỏ các tài liệu giấy như thư mời, phiếu đăng ký sẽ giúp cho sự kiện “xanh” hơn. Giấy mời có thể được thay bằng thiệp mời điện tử với QR code. Bạn có thể cung cấp cho lễ tân máy tính bảng/ laptop để dễ dàng check in và cập nhật danh sách khách mời mà không cần in ấn.
Ngoài ra lịch trình sự kiện cũng có thể cập nhật trên apps hoặc website để khách tham dự có thể nắm được.
5. Tái sử dụng và quyên góp sản phẩm thừa
Nếu còn thừa thực phẩm hay đồ trang trí sau sự kiện, hãy quyên góp chúng cho các cơ sở từ thiện ở địa phương. Các banner, backdrop sau khi sử dụng có thể gửi lại cho các trường học hoặc hộ nông dân ở các địa phương để họ có thể tận dụng lại cho các mục đích như che mưa, che nắng, làm bạt phơi lương thực và nhiều công dụng khác.
Meliá Đà Nẵng từng thực hiện chương trình “Xà phòng Hy vọng” (Soap for hope) bằng việc thu gom bánh xà phòng sử dụng dang dở. Sau đó, tái chế bằng cách khử trùng và ép lạnh, sấy khô, đóng thành các bánh xà phòng mới. Chúng sẽ được quyên tặng tới các vùng có vệ sinh hạn chế.
Tổ chức một sự kiện “xanh” và thúc đẩy tính bền vững không chỉ tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với môi trường, mà còn xây dựng nên hình ảnh thương hiệu có trách nhiệm với xã hội. Với 5 cách trên, hy vọng bạn đã có cho mình phương án phù hợp để bảo vệ vệ môi trường trong sự kiện sắp tới.
Xuân Nhi
* Nguồn: Tổng hợp và biên tập