Thị trường F&B – Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh cạnh tranh khốc liệt trên mạng xã hội năm 2023

Thị trường F&B – Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh cạnh tranh khốc liệt trên mạng xã hội năm 2023

Giữa bối cảnh thị trường đồ ăn phát triển nhanh chóng, đa dạng sản phẩm thay thế, cuộc cạnh tranh giữa các thương hiệu chuỗi F&B càng lúc càng quyết liệt hơn để chiếm trọn sự chú ý của nhóm người dùng trẻ – khách hàng chính đầy tiềm năng mà cũng dễ thay đổi.

Dữ liệu từ SocialHeat của YouNet Media cho thấy, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2023, Top 10 thương hiệu chuỗi F&B đồ ăn nhanh tạo ra hơn 2,4 triệu thảo luận trên MXH. Con số này còn đặc biệt tăng 70% mỗi tháng, liên tục khi bước vào H2/2023 (tháng 6, 7 và 8). 

Cạnh tranh gay gắt để chiếm trọn tâm trí người dùng, đầu tư không ít ngân sách vào các hoạt động truyền thông, vậy thương hiệu nào đang tạm dẫn đầu trên đường đua phủ sóng thảo luận trên MXH? Đâu là những hoạt động truyền thông, KOLs/ Food Reviewers, cộng đồng ăn uống nổi bật và những rủi ro truyền thông nào đáng chú ý để marketers ngành F&B có thể tham khảo khi mùa chạy đua nước rút gần kề?

1. Jollibee, KFC, McDonald’s là ba thương hiệu chuỗi thức ăn nhanh được nhắc đến nhiều nhất trên MXH

Tổng quan thị trường chuỗi thức ăn nhanh sôi động trên MXH trong 8 tháng đầu năm 2023

Theo nghiên cứu Euromonitor được công bố vào đầu năm nay, giá trị thị trường F&B Việt Nam trong năm 2023 dự kiến tăng 18% so với 2022, đạt mốc doanh thu khoảng 720.300 tỷ đồng. Đang trên đà tăng tốc phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhu cầu ăn uống, giải trí, cộng với thu nhập trung bình của người tiêu dùng đang nâng cao là cơ hội vàng để các thương hiệu F&B mở rộng thị phần của mình. 

Cơ hội lớn đi kèm thách thức lớn và thực tế cho thấy, để giữ vững thị phần cũng như mở rộng miếng bánh trong thị trường béo bở này, các thương hiệu chuỗi đồ ăn nhanh chưa bao giờ là những tay mơ. Bởi lẽ, giới trẻ (Gen Z, Gen Alpha) và các gia đình trẻ (Millennials Moms, Millennials Dads) – tệp khách hàng chính của họ là những khách hàng yêu thích sự mới mẻ và thường chịu sự ảnh hưởng lớn bởi các luồng ý kiến từ cộng đồng MXH.

Theo báo cáo của Q&Me 2022, số lượng cửa hàng của các thương hiệu F&B liên tục tăng: 2021 – tăng 13,5%, 2022 – tăng 9,7% sau khi giảm 5,2% vào năm 2020. Còn với dữ liệu MXH, nền tảng SocialHeat của YouNet Media ghi nhận, trong 8 tháng đầu năm 2023, Top 10 thương hiệu F&B chuỗi thức ăn nhanh đã thu hút hơn 518.000 người dùng MXH tạo ra 2,4 triệu thảo luận và 31 triệu tương tác trên đa nền tảng MXH (Facebook, TikTok, YouTube…). 

Đâu là cao trào thảo luận trong 8 tháng đầu năm 2023? Hoạt động marketing nào của thương hiệu nào đã thu hút thảo luận lớn từ phía người dùng? 

Dịp lễ 8/3 và cao điểm mùa hè, mùa thi Tốt Nghiệp THPT 2023 là “thời điểm vàng” bùng nổ thảo luận của các thương hiệu chuỗi F&B fastfood

Từ tháng 1-8/2023, thị trường chứng kiến ba đợt sóng thảo luận rơi vào tháng 3/2023 – với 373.188 thảo luận;tháng 7/2023 – với 436.213 thảo luận và tháng 8/2023 – với 752.249 thảo luận. Nếu để ý, đỉnh điểm thảo luận của các thương hiệu thức ăn nhanh nói riêng và ngành F&B nói chung thường rơi vào những tháng có những ngày lễ 8/3 và khoảng thời gian hè – tháng 7, 8 – lúc kỳ thi Tốt nghiệp THPT vừa kết thúc. 

Tại hai đỉnh điểm thảo luận có sự đóng góp không nhỏ từ các hoạt động truyền thông bùng nổ các thương hiệu dẫn đầu. Hầu hết các thương hiệu chuỗi thức ăn nhanh rất tích cực tung ra các hoạt động thu hút lượng lớn thảo luận và tương tác trong các giai đoạn này như: 

  • (1) Triển khai minigame –  Minigame mừng 8/3 “Comment món ngon – Nhận trọn deal hời” của KFCxGrab,  Minigame quảng bá cho MV “Chủ nhật boy” của Lotteria hợp tác với AMEE và Hứa Kim Tuyền.
  • (2) Tung chương trình khuyến mãi – Combo 83K mừng 8/3 của Jollibee.
  • (3) Ra mắt món mới – Điển hình phải kể đến Pizza Nhộng của nhà Pizza Hut, gà Kpop của Popeyes… 
  • (4) Tổ chức cuộc thi – Cuộc thi mang ý nghĩa nhân văn “Triệu Khoảnh Khắc Gà Giòn Vui Vẻ!” do Jollibee tổ chức đã thu hút hơn 1 triệu bình luận và hơn 840 lượt chia sẻ.

Jollibee, KFC, McDonald’s là Top 3 chuỗi thức ăn nhanh được nhắc đến nhiều nhất trên MXH

Theo dữ liệu ghi nhận được từ SocialHeat, từ tháng 1-8/2023, Top 3 thương hiệu là Jollibee, KFC, và Mc Donald’s đã tạo ra hơn 1,8 triệu thảo luận, chiếm hơn 77% thảo luận của Top 10. Dẫn đầu cách biệt với 1.204.879 thảo luận, chiếm hơn 50% thị phần Top 10, không quá bất ngờ khi Jollibee – thương hiệu thức ăn nhanh hàng đầu tại Philippine – trở thành thương hiệu thức ăn nhanh được nhắc đến nhiều nhất trên MXH. Kế đến là cái tên không thể quen thuộc hơn với xuất xứ từ Mỹ với hơn 140 cửa hàng tại Việt Nam – KFC, giành ngôi vị á vương với 472.942 thảo luận, chiếm gần 20% thảo luận của Top 10. Khá bất ngờ khi MCDonald’s đã “vượt mặt” Lotteria trở thành Top 3 thương hiệu được thảo luận nhiều nhất với 178.163 thảo luận

* Disclaimer: Bài viết tập trung phân tích thảo luận của các thương hiệu chuỗi thức ăn nhanh với hơn 30 cửa hàng. Dữ liệu từ bài viết được trích xuất từ nền tảng SocialHeat – nền tảng Social Listening số 1 Việt Nam.

Lotteria có vẻ “bớt hot” hơn khi xếp vị trí thứ #4 trong Top 10 thương hiệu thức ăn nhanh được quan tâm nhất trên MXH với 156.821 thảo luận. Các vị trí tiếp theo lần lượt gọi tên: Pizza Hut – Top 5Popeyes – Top 6, The Pizza Company – Top 7, Domino’s Pizza – Top 8, Texas Chicken – Top 9 và Burger King – Top 10.

Ở góc nhìn khác, nếu chỉ xét về các thương hiệu Pizza thì Pizza Hut là thương hiệu dẫn đầu về thị phần thảo luận với hơn 140,4 nghìn thảo luận, kế đến là The Pizza Company với 60,2 nghìn thảo luận, và Domino’s Pizza đứng vị trí thứ ba với hơn 51 nghìn thảo luận.

Cứ tưởng rằng các “ông lớn” mảng thức ăn nhanh sẽ ít dám mạo hiểm để đổi mới, sáng tạo, thế nhưng với sự cạnh tranh đang gia tăng không ngừng, sự thay đổi liên tục của khách hàng (nhất là Gen Z và Gen Alpha), không ít thương hiệu lớn mảng F&B Fast Food đã có những cú “đột phá” bất ngờ. Chẳng hạn như Pizza Hut đã tiên phong trong các thương hiệu thức ăn nhanh mở mô hình Pizza Hut Signature – đem đến trải nghiệm ăn trên cả 5 giác quan – tương tự như Starbuck Reserve, Phúc Long Premium hay Signature By The Coffee House. 

Ngoài ra, Top các thương hiệu F&B Fast Food còn làm gì để thu hút sự chú ý của người dùng trên Social Media?

2. Những hoạt động truyền thông nổi bật trên MXH của các chuỗi thức ăn nhanh

Chiếm spotlight với các chiến dịch lớn như Pizza Hut đã “xuất bản” một quyển sách self-help mang tên My Box với thông điệp “Làm chủ miếng ăn, làm chủ cuộc đời”, Jollibee với chiến dịch “Gà Giòn Vui Vẻ – Triệu Người Yêu” thì các “ông lớn” mảng thức ăn nhanh vẫn tương tác với khách hàng đều đặn với các hoạt động trên MXH như ra mắt món mới, minigames hay chương trình khuyến mãi “giữ nhiệt” cho thương hiệu.

Trong 8 tháng đầu năm 2023 vừa qua, cơn sốt trà mãng cầu, cà phê muối, hay gỏi gà măng cụt… đã càn quét các hàng quán từ bình dân đến thương hiệu lớn và tạo sức nóng đáng nể trong 1 thời gian dài. Dữ liệu từ SocialTrend của YouNet Media cho thấy, các món hot trend kể trên đều có thời gian trụ hạng trên BXH Ăn uống từ 1-3 tháng mới bắt đầu hạ nhiệt. 

Không ít người dùng sẵn sàng “dầm mưa dãi nắng” để thưởng thức, hay thậm chí đơn giản hơn là để có cho mình một vài khoảnh khắc “bắt trend” cùng cộng đồng mạng. Người dùng, đặc biệt là Gen Z rất cởi mở, sẵn sàng ghi nhận những món ăn mới, món ăn “trending” vào sổ tay ăn uống của mình. Do đó, việc nắm bắt đúng insight của “thượng đế”, ra mắt các sản phẩm mới là chiêu bài “giữ nhiệt”  thường thấy của các thương hiệu F&B nói chung và chuỗi thức ăn nhanh nói riêng.

Điển hình có thể kể đến chiến dịch ra mắt món mới – Pizza Bangkok Cà ri xanh tôm gà của Domino’s Pizza – khá là thành công khi thu hút gần 10 nghìn thảo luận trên MXH. Hoạt động nổi bật nhất của chiến dịch này là cuộc thi “Chuyện thương 4 khung” với giải thưởng cao nhất là một chuyến vi vu Thái Lan 3 ngày 2 đêm. Ngoài ra, sự góp mặt của các KOLs, Hot TikTokers như Tun Phạm, Ông chú người bông, Trương Cát Ngọc… và hội nhóm địa phương (local community) như Review Cần Thơ, Bình Dương độc đáo… giúp chiến dịch này của Domino trở nên “viral” và tiếp cận đến nhiều người dùng.

Gây ấn tượng sâu sắc với người dùng có lẽ phải kể đến Pizza Hut với món Pizza Nhộng – nghe tên rất thú vị nhưng không phải ai cũng dám thử. Món ăn này giúp Pizza Hut thu hút hơn 8,8 nghìn thảo luận, không ít người dùng đã bày tỏ sự ngạc nhiên tột độ trước bước đi “tưởng giỡn mà thiệt này”. Bên cạnh đó cũng không ít  thảo luận bày tỏ sự yêu thích, muốn thử như: “Phải thử thoy”, “Cuối tuần qua chở tui đi ăn thử đi”…

Tăng thảo luận và tương tác với minigames

Trên các kênh owned media, minigame là chiến thuật (Marketing tactics) giúp các thương hiệu chuỗi thức ăn nhanh duy trì sự tương tác hiệu quả với phần đông khán giả. Vốn dĩ, đây không phải là hoạt động mới mẻ, thế nên các nhãn hàng F&B Thức ăn nhanh phải liên tục sáng tạo, đổi mới trong cách tiếp cận và triển khai loại chiến thuật. 

Thông thường, các thương hiệu thường tổ chức minigames để quảng bá cho cửa hàng sắp khai trương, món mới ra mắt, chương trình khuyến mãi, hoặc vào những dịp nghỉ lễ, mùa du lịch lớn trong năm. Sẽ đặc biệt và thu hút nhiều thảo luận hơn khi các nhãn hàng kết hợp tổ chức minigame cùng 1 đối tác/ 1 KOLs hoặc 1 trang thông tin giới trẻ đang có tác động lớn trên MXH. Lấy ví dụ như Jollibee kết hợp với Sài Gòn Tếu tổ chức minigame “Tếu Thả Thính” quảng bá cho mì spaghetti. Kết quả là minigame này giúp Jollibee thu hút hơn 73 nghìn bình luận và gần 100 lượt chia sẻ.

Thu hút sự chú ý với chương trình khuyến mãi

Tương tự như minigame, thu hút khách hàng bằng các chương trình khuyến mãi là chiến thuật liên tục phải làm mới trong ngành F&B. Cùng một chính sách như Giảm giá sốc, Mua 1 tặng 1, Tặng quà, Combo ưu đãi… nhưng mỗi thương hiệu cần liên tục “làm mới mình” sao cho hấp dẫn truyền thông, thu hút được sự quan tâm, chú ý và khơi gợi được sự hứng thú.

Với ngành hàng đầy cạnh tranh và chủ yếu hướng đến người trẻ (Millennials, Gen Z, Gen Alpha) – thế hệ thân thuộc với công nghệ, thì MXH vừa là kênh truyền thông bán hàng vừa là nơi xây dựng lòng tin, sự yêu thích cho thương hiệu. Vậy nền tảng MXH nào đang thu hút thảo luận “khủng” cho các chuỗi thức ăn nhanh?

3. Facebook và TikTok là nơi cộng đồng giới trẻ thoải mái chia sẻ mọi khoảnh khắc, trải nghiệm ăn uống từ tích cực đến tiêu cực

Xem review trước khi đến trải nghiệm; tham khảo menu ngon món ăn/ hàng quán mới mẻ, độc lạ; hay xin kinh nghiệm từ các cộng đồng giới trẻ, cộng đồng ăn uống đã trở thành một thói quen của phần đông người trẻ trước khi ra quyết định “Hôm nay ăn gì?”. Và với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng MXH càng thúc đẩy người dùng chia sẻ gần như ngay lập tức những trải nghiệm ăn uống – cả vui vẻ lẫn thất vọng. Hai nền tảng MXH Facebook – đặc biệt là Facebook Page và TikTok chính là hai nền tảng chính tạo bão thảo luận, tương tác khi người dùng gọi tên các Top thương hiệu thức ăn nhanh. 

Chiếm hơn 91% tổng thảo luậnFacebook vẫn đang là kênh truyền thông thu hút nhiều thảo luận nhất. Trong đó, Facebook Page – bao gồm Fanpage của thương hiệu và các Fanpage khác như Hot Pages giới trẻ thu hút hơn 83% thảo luận. Bên cạnh các Fanpage của các thương hiệu năng động, liên tục tạo ra các nội dung có tính tương tác hai chiều với người dùng; đến từ việc người dùng review, chia sẻ về các món ăn trên các Hot Pages/ Hot Group về ăn uống, giải trí: Địa điểm ăn uống, Thổ Địa Phú Yên, Theanh28 Entertainment…

Đứng thứ hai là TikTok với tỷ lệ 4,8%. Mặc dù không phải là kênh truyền thông tạo ra lượng thảo luận khủng như Facebook, TikTok với vai trò là nền tảng tạo ra tương tác và chia sẻ đáng lưu ý với các nhãn hàng F&B nói chung và chuỗi thức ăn nhanh nói riêng. Có thể nói, sự phát triển thần tốc của nền tảng này khiến TikTok trở thành nơi các gương mặt mới trong ngành Food Review, Lifestyle Review và Travel Blogger, KOC xuất hiện, tạo lượng tương tác, chia sẻ chóng mặt với những nội dung hết sức sinh động và có tính kêu gọi hành động cao. Điều này mang cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực mà các nhãn hàng cần theo dõi liên tục và xuất hiện kịp thời để tăng độ lan toả với những nội dung tích cực hoặc ngăn chặn kịp thời các cơn khủng hoảng có tiềm năng bùng phát.

Dữ liệu từ Báo cáo Crisis Benchmark 2019-2023 của YouNet Media cũng cho thấy, hầu hết các cuộc khủng hoảng truyền thông từ 2022 đến nay có xu hướng khởi phát từ TikTok, sau đó lan chéo qua các Facebook Group, Pages, các trang báo trực tuyến. Chính vì vậy, để phòng tránh mọi rủi ro cho hình ảnh tốt đẹp của thương hiệu, các kênh truyền thông này là những nơi không thể rời mắt.

Vậy đâu là những Food Reviewers và Hot Pages/ Hot Groups nổi bật, đáng tin cậy được người dùng thường xuyên tìm đến, tương tác và tạo ra thảo luận?

4. Top 10 Food Reviewers & Hot Pages, Hot Group nổi bật nhất 

Top 10 Reviewers thu hút nhiều được thảo luận nhất về các thương hiệu thức ăn nhanh 

Có thể thấy, các những Influencers giúp thương hiệu chuỗi thức ăn nhanh đến gần với khách hàng hơn trong 8 tháng qua không chỉ là những KOLs, KOCs ở mảng ẩm thực mà còn ở các khía cạnh khác như du lịch, giải trí, lối sống…

Top Reviewers, TikTokers “triệu view” thu hút không chỉ tương tác mà còn thảo luận khủng có thể kể đến: HiDanang thu hút hơn 8,5 nghìn thảo luận trong 8 tháng đầu năm 2023. Tiếp đó là những gương mặt ấn tượng với giới trẻ: An Đi Ăn, Hải Triều, TikTokers Quang Học Đường, Khiết Đan…

Top 10 Hot Fanpages/ Hot Groups nổi bật nhất về các chuỗi thức ăn nhanh

Đáng chú ý, trong Top 10 Fanpage, Groups (Hội nhóm cộng đồng Facebook) tạo ra nhiều thảo luận nhất khi nhắc đến các nhãn hàng thức ăn nhanh trong tháng 1-8/2023, số lượng trang thông tin giải trí của giới trẻ tuy chỉ có 4/10 nhưng lại tạo ra lượng thảo luận cao gấp 2,6 lần các Hội nhóm, cộng đồng ăn uống. Trong đó, Sài Gòn Tếu – Fanpage của nhóm hài độc thoại có tiếng tại TP.HCM giữ vị trí đầu bảng. Đây là kết quả thú vị đến từ màn kết hợp đầy sáng tạo của Jollibee và Sài Gòn Tếu trong hoạt động truyền thông mang tên “Tếu Thả Thính”.

Bên cạnh các hot pages quen thuộc với Cộng đồng đam mê review ăn uống, cộng đồng địa phương như Thổ Địa Phú Yên, Lang Thang An Giang, Mỹ Tho Confessions, Thợ Săn Sài Gòn!, Hôm Nay Ăn Gì? thì các pages về âm nhạc, giải trí như Run For Your EDM, Dang iu mot chut thoi nha, Insight mất lòng cũng góp phần không nhỏ đưa các thương hiệu thức ăn nhanh đến gần hơn với người dùng.

5. Người dùng nói gì khi nói về các thương hiệu chuỗi F&B mảng thức ăn nhanh?

Phần lớn chủ đề mà người dùng sẽ quan tâm thảo luận, tương tác với các chuỗi thức ăn nhanh là (1) review hương vị món ăn như “Gà cay bên Texas thì vị cay nằm ở lớp bột. Còn KFC thì vị cay được tẩm vào bên trong thịt nên ăn thấy cay và thơm hơn!”. Tiếp theo là (2) hỏi – đáp thắc mắc liên quan đến CTKM như “T7 có áp dụng hong mọi người ơiii?”, “Hôm nay ở TP.HCM còn hong bạn?”. Ngoài ra, (3) chia sẻ cảm giác thèm ăn, rủ nhau lập hội đi ăn “Bạn ơi”, “Đi khum”, “Bữa nào thử =)))” cũng thu hút không ít thảo luận.

Ngoài ra, những chia sẻ trải nghiệm về các (4) món tủ hay món best-seller thu hút không ít tương tác như KFC với món gà sốt tiêu  “KFC thì đùi gà quay tiêu là món mình thấy ngon nhất. Nó cũng mềm nên mấy bạn mini cũng ăn dễ hơn, không bị khô”, Popeyes với gà Kpop  “Cực thích gà Kpop giòn rụm của Popeyes”, Jollibee với spaghetti , Pizza Hut với Pizza hải sản sốt Pesto.

Tạm kết

Khách hàng ở độ tuổi trẻ (Millennials, Gen Z, Gen Alpha), có phong cách sống cởi mở và yêu thích sự đổi mới, sáng tạo – vừa là áp lực, cũng là cơ hội lớn để các nhãn hàng chuỗi F&B tạo nên những chiến dịch, chiến thuật truyền thông gây được tiếng vang. Chính vì vậy, quan trọng hơn hết với đội ngũ Marketing và đội ngũ Vận hành các nhãn hàng chính là việc liên tục lắng nghe, nhanh nhạy nắm bắt mọi thông tin thay đổi về khách hàng mục tiêu trên mọi nền tảng online – offline. Điều này cho phép nhãn hàng thấu hiểu khách hàng của mình: họ là ai (Who); họ đang quan tâm điều gì (What); họ trò chuyện và rủ rê nhau đi ăn ở đâu (Where); họ chịu tác động bởi những KOLs, Influencers, KOCs nào (How); họ lựa chọn thương hiệu Gà rán A thay vì Gà rán B vì lý do nào (Why); thị trường đang có xu hướng ăn uống, xu hướng trải nghiệm dịch vụ gì mới… 

Vậy nhãn hàng cần làm gì để “thắng đậm” không chỉ trong chặng đua nước rút mùa Lễ hội – Tết 2024, mà còn duy trì sự sôi động và quan tâm của các khách hàng khó tính?

A. Theo dõi hiệu quả truyền thông (Social Media Performance) thương hiệu và những chuyển động của đối thủ (Competitors Watching) trên MXH

Đo lường hiệu quả của các hoạt động, nội dung và kênh truyền thông giúp thương hiệu nhận biết được đâu là điểm mạnh, những điểm cần cải thiện để tối ưu ngân sách và hoạt động marketing. Ngoài ra, việc nắm bắt rõ những hội, nhóm, Fanpage, KOL, TikTokers nào thường hay review, tạo ra nhiều thảo luận tích cực sẽ giúp team Marketing đưa ra nhiều hoạt động, lựa chọn đúng KOLs để tận dụng tối đa kênh thảo luận tự nhiên này.

Ngoài ra, một số thương hiệu thức ăn nhanh cùng phục vụ cho một tệp khách hàng nên việc theo dõi đối thủ là hết sức cần thiết. Điều này giúp thương hiệu nhanh chóng biết được rằng sự chú ý của khách hàng có đang bị đối thủ “cướp mất” không, họ đang có những hoạt động, nội dung nào nổi bật.

Ví dụ: Minigames là một trong những chiến thuật quen thuộc của ngành F&B, tuy nhiên, Jollibee đã sử dụng chiến thuật này theo hướng sáng tạo và khác biệt khi bắt tay cùng Sài Gòn Tếu – Hài Độc Thoại tổ chức minigame “Tếu Thả Thính”. Kết quả, minigame này đã mang về cho Jollibee hơn 73 nghìn bình luận, gần 100 lượt chia sẻ. Đây cũng như là lời gợi ý cho các thương hiệu khác có thể cân nhắc đến việc hợp tác với các đối tác khác để “làm mới” các hoạt động rất quen thuộc.

B. Đo lường, theo dõi liên tục các tin tiêu cực có liên quan đến thương hiệu (Social Brand Reputation Monitoring & Crisis Alert 24/7)

Từ 2019-2023, theo báo cáo Crisis Benchmark của YouNet Media, ngành F&B có 36 sự vụ khủng hoảng, với 1,1 triệu thảo luận. F&B cũng là một trong Top 10 ngành thường xuyên có khủng hoảng truyền thông trên MXH. Chỉ cần một bài đăng trên trang cá nhân hoặc hội nhóm, 1 clip TikTok phản ánh những trải nghiệm về chất lượng món ăn, thái độ nhân viên, không gian, giá cả… đều dễ dàng trở thành nguồn cơn khủng hoảng. Đứng trước muôn vàn lựa chọn thay thế, hấp dẫn hơn, mới mẻ hơn, người dùng có đầy đủ lý do để không lựa chọn các thương hiệu dính quá nhiều “phốt”. Do đó, việc liên tục theo dõi thảo luận về thương hiệu trên MXH, nhận cảnh báo khi có các phản hồi tiêu cực sẽ giúp thương hiệu xử lý kịp thời để bảo vệ uy tín thương hiệu trước khi khủng hoảng lan rộng.

Chẳng hạn như một chuỗi nhà hàng A bán gà rán, người dùng thường xuyên phản ảnh về chất lượng món ăn khi giao đến tay khách hàng đã nguội, giao sai món, thiếu món. Nghiêm trọng hơn là vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm “ăn xong đau bụng và nôn” hay “ăn xong về ngộ độc thực phẩm”, điều này khiến cho nhiều khách hàng hoang mang, lo lắng, kêu gọi chuyển sang sử dụng các thương hiệu khác.

C. Phân tích dữ liệu, thấu hiểu những xu hướng, động lực, rào cản của khách hàng giữa muôn vàn lựa chọn ăn uống, trải nghiệm khác (Consumer Insights)

Để các nhãn hàng thức ăn nhanh có thể “thắng đậm” trở thành Top-of-mind trong tâm trí khách hàng thì điều cần thiết là thương hiệu phải thấu hiểu sâu sắc người dùng. Việc phân tích người dùng giúp thương hiệu có câu trả lời cho các câu hỏi hóc búa như người tiêu dùng họ là ai, yêu thích/ không yêu thích gì, những động lực/ rào cản khi trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ, các nhóm khách hàng tiềm năng, xu hướng ăn uống mới. Khi có đủ dữ liệu quan trọng, marketers sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định các vấn đề ưu tiên giải quyết trong kế hoạch dài hạn.

Ví dụ: Từ tháng 12/2022 đến tháng 6/2023, người dùng đang có xu hướng thích ăn gà rán không xương và gà quay nhiều hơn, các loại sốt cay, sốt chanh dây, phủ phô mai được yêu thích và thảo luận nhiều hơn. Người dùng ưa thích miếng gà giòn, mọng nước thấm đẫm nước sốt cay cay ngọt ngọt, làm cho món gà rán “ăn rất dính”.

D. Sáng tạo nội dung thú vị, “trendy” và gần gũi với người dùng

Khi thương hiệu càng “đốt tiền” vào quảng cáo thì người dùng lại có xu hướng né tránh quảng cáo. Chưa kể, khách hàng của các chuỗi thức ăn nhanh nỗ lực tiếp cận lại là những người khó tính nhất, sẵn sàng chi trả hoặc sử dụng các loại công nghệ mới nhất để loại trừ quảng cáo. Việc tận dụng các trend sẵn có trên MXH, không đứng ngoài xu thế cùng với sự hài hước, duyên dáng và tính giải trí sẽ giúp thương hiệu dễ dàng kết nối với khách hàng và xóa tan cảm giác ‘bị quảng cáo’. 

Ví dụ như KFC quyết không đứng ngoài trend “gỏi gà măng cụt”, do đó thương hiệu này đã có bài đăng liên quan là “Gà rán măng cụt”. Kết quả thu được vô cùng ấn tượng, lượng thảo luận về bài đăng này cao gấp 32 lần so với lượng thảo luận trung bình của mỗi bài đăng trên Fanpage, và lượng người tham gia thảo luận tăng 60 lần so với trung bình (dữ liệu từ 1/4-30/6/2023).

Với dữ liệu Social Listening cập nhật hàng ngày những xu hướng hot nhất mọi nền tảng MXH trong đa dạng lĩnh vực (Ăn uống, Slangs, Phim, Âm nhạc, Du lịch,…), SocialTrend hỗ trợ đắc lực cho các marketers quan sát, theo dõi và lựa chọn những xu hướng phù hợp với thương hiệu và vẫn đang giữ được độ “hot” trong thời gian dài để thương hiệu “bắt trend” thành công.