Fashion Marketing #38: Những gợi ý cho các thương hiệu thời trang tham gia đợt sale khủng cuối năm
Việc tham gia vào đợt khuyến mãi lớn nhất trong năm là một điệu khiêu vũ điêu luyện, phải cân bằng được hai yếu tố độc quyền nhưng dễ tiếp cận.
Nội dung bài viết được đăng lần đầu tại blog Lamhonglan.
Trong số này tôi lược dịch bài viết đăng trên Jing Daily ngày 27/10/2023, nêu một số gợi ý cho các thương hiệu thời trang xa xỉ khi tham gia ngày khuyến mãi lớn nhất trong năm 11.11 tại Trung Quốc. Và như thường lệ là một số gợi ý cho thị trường Việt Nam.
Đối với những thương hiệu xa xỉ, việc tham gia vào ngày khuyến mãi lớn nhất trong năm 11.11 là một điệu khiêu vũ điêu luyện, phải cân bằng được hai yếu tố độc quyền nhưng dễ tiếp cận.
Thay vì chỉ tập trung vào việc giảm giá, các thương hiệu xa xỉ nên tăng giá trị cho sản phẩm và tối đa hóa công nghệ mới.
Được tổ chức vào ngày 11.11 hàng năm, ban đầu ngày sale này chỉ dành riêng cho những người đang độc thân muốn nuông chiều bản thân nên 11.11 còn có tên gọi khác là ngày “độc thân”. Ngày khuyến mãi này dần trở thành một trong những lễ hội mua sắm quan trọng nhất tại Trung Quốc, và lan sang các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam trong những năm gần đây. Tổng giá trị giao dịch mùa sales 11.11 năm ngoái đạt con số ấn tượng 84,5 tỉ USD, cao gấp 10 lần so với số chi tiêu mua sắm online vào ngày Black Friday của người tiêu dùng Mỹ.
Năm nay, khi hàng hóa đang chuẩn bị lấp đầy cho mùa sale cao điểm, hai khuynh hướng đang dần hình thành: Sự thay đổi về chiến lược giá và sự tham gia của công nghệ trên các sàn thương mại điện tử trong nỗ lực lôi kéo sự chú ý của người tiêu dùng.
Đổi mới giá trị
Chiến lược giành thắng lợi cho các thương hiệu xa xỉ trong ngày sale 11.11 năm nay là đổi mới giá trị, một sự pha trộn giữa tạo sự khác biệt và giảm giá. Trong bối cảnh việc điều chỉnh giá không thể thay đổi nhiều cho các thương hiệu xa xỉ, việc tung ra sản phẩm với phiên bản giới hạn (limited edition) là một cách nhằm tăng trải nghiệm từ khách hàng. Phiên bản giới hạn có thể đến từ sản phẩm mới, hay bao bì đặc biệt chỉ bán trong ngày 11.11, hay giành đặc quyền cho một số khách hàng có thể đặt trước sản phẩm sale. Việc này sẽ tăng sự chú ý cho thương hiệu và khiến khách hàng háo hức chờ mong.
Để giữ gìn giá trị sản phẩm, các thương hiệu không nên tập trung vào việc giảm giá trong mùa sale, mà nên tập trung vào cách gói ghém giá trị sản phẩm một cách chiến lược, và được tuyên truyền một cách thuyết phục từ chiến dịch marketing. Chiến lược giá thường có cách tiếp cận song song giữa giá trị tuyệt đối và giá trị tương đối.
Trong một thị trường nơi người tiêu dùng trở nên ý thức hơn về giá cả, họ sẵn lòng mua sản phẩm giá cao nhưng không quá đắt so với giá trị thực. Nhưng trong những lễ hội mua sắm như 11.11, người tiêu dùng kỳ vọng mua được món hời bằng cách trả ít hơn so với giá bán một sản phẩm hoặc trả bằng giá bán nhưng được những giá trị cộng thêm.
Do đó, các thương hiệu nên lưu ý những kỳ vọng của người tiêu dùng hàng xa xỉ khi những tiêu chuẩn về giá trị liên tục thay đổi, đặc biệt là đối với khách hàng trẻ Gen Z. Nhóm khách trẻ này có trải nghiệm hàng xa xỉ sớm hơn so với thế hệ trước và có những yêu cầu cao về giá trị có ý nghĩa, thiết kế vượt thời gian và một nền tảng bán hàng nơi họ có thể thể hiện bản thân. Năm 2021, Valentino đã tung hai đoạn phim ngắn cổ súy tinh thần của ngày “độc thân” 11.11 bằng cách đánh giá cao bản thân mà không cần sự chấp nhận của người khác.
Việc hợp tác với các nghệ sĩ để ra mắt BST giới hạn cũng là một cách để tăng thêm mức độ khan hiếm của sản phẩm và tạo ra sự khát khao sở hữu. Ví dụ như thương hiệu mỹ phẩm Perfect Diary cho ra mắt BST giới hạn hợp tác với game thủ nổi tiếng Arena of Valor cho lễ hội 11.11 năm 2021. Việc này giúp thương hiệu tránh xa cuộc chiến về giá nhưng vẫn giữ được hình ảnh sang trọng của thương hiệu và sự trung thành của khách hàng trong khi vẫn tạo được sức mua.
Trợ lý mua sắm ảo AI
Lễ hội mua sắm năm nay càng tăng nhiệt khi có sự tham gia của trợ lý mua sắm ảo AI nhằm tăng tính tương tác với khách hàng. Wenwen, AI chatbot của Alibaba, đã được thử nghiệm từ tháng 9 và hiện có hơn 5 triệu người sử dụng. Chatbot này sẽ được tung ra một cách rộng rãi để phục vụ lễ hội 11.11 năm nay.
Ngoài việc phân tích dữ liệu, Wenwen sẽ chịu trách nhiệm trả lời những yêu cầu của khách hàng, đưa ra những lời đề nghị cá nhân hóa và có lợi nhất cho người tiêu dùng trong việc chọn những deal tốt nhất, từ những sản phẩm công nghệ cho đến các sản phẩm làm đẹp. Không chỉ là trợ lý ảo, Wenwen còn có thể dò tìm những deal giảm giá có thể gộp chung để giúp người tiêu dùng có thể có lựa chọn thông minh nhất.
Như vậy, thay vì chỉ tập trung vào việc giảm giá, các thương hiệu xa xỉ nên có cách tiếp cận phong phú hơn bằng cách tăng giá trị cho sản phẩm và tối đa hóa công nghệ mới để người tiêu dùng có những trải nghiệm phong phú hơn.
Cơ hội tại thị trường Việt Nam
Trong bối cảnh ngày 11.11 sắp đến gần và chưa phải là lễ hội mua sắm lớn nhất tại Việt Nam, các thương hiệu thời trang và mỹ phẩm có thể tận dụng hai gợi ý trên, đặc biệt là phần đổi mới giá trị cho các đợt giảm giá dịp Giáng sinh và Tết. Sản phẩm thời trang thường được bán với giá trị tương đối, dựa vào nhu cầu và tình cảm của người mua vào thương hiệu nên việc bước vào cuộc chiến giá cả xem ai sale mạnh hơn là một việc không nên làm, cho cả bước đi ngắn hạn cũng như đường dài của thương hiệu. Việc thương hiệu cần làm là có một chiến lược tăng giá trị phù hợp để tăng sự gắn kết với khách hàng tại thời điểm khách hàng sẵn sàng mở hầu bao như những đợt mua sắm cuối năm.
Nếu có thắc mắc hoặc chưa tìm được lối ra, hãy theo dõi blog của tôi hoặc email để trao đổi thêm: [email protected].
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
* Nguồn: Blog Lamhonglan