9 điều mà người làm thương hiệu học được từ “Taylor Swift: The Eras Tour” phiên bản điện ảnh
Làm thế nào mà một buổi concert dài hơn 3 tiếng, chiếu tại rạp với giá vé gấp đôi vé một bộ phim điện ảnh tại các rạp Việt Nam, vẫn khiến các fan phát cuồng như thế? Có phải chỉ nằm ở những giai điệu tuyệt vời, những hình ảnh mãn nhãn hay còn gì lớn hơn thế mà “đế chế Swift” đã dày công xây dựng?
The Eras Tour phiên bản điện ảnh của Taylor Swift vẫn đang “làm mưa làm gió” tại các rạp chiếu phim dù giờ chiếu không nhiều. Trên TikTok, không thiếu những video quay lại sự hưởng ứng nhiệt tình của các fan trong rạp. Dù xem tại rạp nhưng các bạn cũng vỗ tay, reo hò và nhảy nhót như đang đứng trong buổi diễn tại sân vận động SoFi ở Los Angeles.
Làm thế nào mà cô nàng Swift tạo ra điều ấy? Đây chính là những điều mình đã học được từ Taylor Swift sau thời gian yêu thích cô ấy từ khi còn nhỏ tới giờ.
1. Hãy luôn ấn tượng mỗi khi xuất hiện trước công chúng
Không ai có thể phủ nhận nhan sắc của Taylor khi nhìn thấy cô ấy. Không chỉ bởi gương mặt xinh đẹp, vóc dáng đáng mơ ước mà cách cô ấy chọn những bộ outfit cũng khiến cho người xem cảm thấy mãn nhãn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Điều đó khiến cô ấy thu hút người xem ngay từ khi chưa cất lên giọng hát.
Làm thương hiệu cũng vậy, bạn phải khiến cho sản phẩm của mình – tại bất cứ giây phút nào xuất hiện trước mắt khách hàng – luôn thật đẹp đẽ, sáng sủa, bắt mắt và khiến khách hàng phải trầm trồ. Họ có thể chưa mua nó, chưa dùng nó nhưng khi nhìn nó, họ phải thấy thích thú và “miễn chê” đã.
2. Hãy khoe điểm tốt nhất của mình và tạo câu chuyện để người ta nhớ về nó, nói về nó
Đôi chân của Taylor Swift từ lâu đã được cả truyền thông và công chúng khen nức nở. Và bạn có để ý không, những outfit mà cô nàng diện trong mỗi liveshow đều khoe tối đa vẻ đẹp đôi chân.
Đôi chân này cũng có câu chuyện riêng của nó. “Taylor Swift mua bảo hiểm cho đôi chân của mình với giá 26,5 triệu USD”, đây là tin tức mà ai nghe xong cũng trầm trồ xuýt xoa một lần nữa về đôi chân đắt giá của cô nàng.
Và thương hiệu của bạn cũng nên có một câu chuyện nhỏ khiến người ta “đồn ra đồn vào” và trầm trồ, xuýt xoa như thế. Điều đó tạo nên sự “viral ngầm” của thương hiệu mà không cần tốn tiền rầm rộ trên báo chí.
Cần nhớ, “câu chuyện nhỏ” nên xoay quanh một “yếu điểm” trong thương hiệu của bạn, điều mà người ta có thể dễ dàng liên tưởng và nhớ đến cả thương hiệu.
3. Hãy luôn chỉn chu trong công việc và tạo ra những sản phẩm tốt nhất khiến khách hàng yêu thích chúng
Taylor phát hành album đầu tiên năm 2006. Từ khi thấy những bài hát đầu tiên của cô ấy trên kênh iTV, mình đã yêu thích cả giai điệu của bài hát và nội dung của các MV. Lúc đó mình chưa hề biết Taylor Swift là ai. Mình chẳng bị ảnh hưởng gì bởi danh tiếng của Swift nhưng vẫn yêu thích những sản phẩm âm nhạc của cô ấy. Điều đó không chỉ thể hiện tài năng âm nhạc của Taylor mà còn thể hiện được sự chỉn chu trong việc làm nghề của cô ngay từ những sản phẩm đầu tiên.
Mỗi thương hiệu cũng cần sự chỉn chu đó trong sản phẩm của mình. Làm thương hiệu cần bắt đầu bằng việc tạo nên điều cốt lõi, chính là những sản phẩm khiến khách hàng cảm thấy có giá trị thật sự.
Khi nhắc đến branding, nhiều doanh nghiệp thường nghĩ rằng đó là công việc hướng ra bên ngoài, nghĩa là tìm kiếm sự yêu thương của khách hàng đối với sản phẩm của mình, nhưng đó chỉ là “nửa sau” của việc làm thương hiệu. Nửa đầu tiên của branding là tạo ra những sản phẩm tuyệt vời và một thương hiệu đáng tin cậy. Đó là nền tảng vững chắc để brand có thể tiến thật xa trước những thay đổi khắc nghiệt của thị trường. “Làm khách hàng yêu quý” chỉ là nửa sau của câu chuyện, sau khi chúng ta đã có những sản phẩm thật sự có giá trị với khách hàng.
4. Đừng bao giờ ngừng thay đổi và ngừng khiến khách hàng bất ngờ
Từ khi debut tới giờ, Taylor Swift đã ra hàng trăm sản phẩm âm nhạc, có cả single và album. Tất cả những sản phẩm của cô ấy đều “khác nhau”. Cô ấy tạo ra những bất ngờ khiến khán giả muốn được khám phá và luôn muốn theo dõi cô ấy.
Buổi concert tại Los Angeles cũng vậy. Dù kéo dài tới 3 tiếng nhưng khán giả không có một phút giây nào cảm thấy chán. Họ đã được cháy hết mình cùng sự cống hiến tột đỉnh của Taylor Swift.
Tuy mình không phải là một “fan ruột” và có rất nhiều bài hát trong show mình chưa từng nghe bao giờ, nhưng mình vẫn rất chăm chú xem từ đầu đến cuối và khâm phục sự chỉn chu trong từng chi tiết của chương trình. Âm nhạc, diễn viên, những điệu nhảy, sự kết hợp của visual trên sàn diễn và trên màn hình cùng những khoảnh khắc 3D ấn tượng – tất cả làm nên một show diễn mà bất cứ khán giả nào, dù ngồi ở góc xa nhất cũng cảm thấy vô cùng mãn nguyện.
Sức sống của thương hiệu cũng cần được duy trì như vậy: Không ngừng sáng tạo, đổi mới và tạo ra những bất ngờ cho khách hàng của mình để họ luôn muốn theo dõi bạn nữa và mãi. Hãy khiến khách hàng tò mò khám phá về bạn như cái cách họ đợi chờ thần tượng của mình ra một bài hát mới.
Bạn không cần làm gì quá lớn lao. Chỉ cần mỗi lần khách hàng “gặp lại” bạn, họ lại thấy bạn tạo ra một điều mới mẻ khiến họ thích thú là được.
5. Đừng để truyền thông lãng quên bạn, đừng để khách hàng ngừng nói về bạn
Dù không rõ chiến lược truyền thông của Taylor như thế nào, nhưng điều hiện ra rõ ràng mà ai cũng nhìn thấy là truyền thông chưa bao giờ quên được cô ấy. Tin tức về những sản phẩm âm nhạc mới, những giải thưởng danh giá, những tin đồn tình ái hay thậm chí, cả những chuyện hài trong các nhóm underground đã khiến cho khán giả của Taylor luôn có chuyện để nói về cô ấy.
Đó là cách mà các thương hiệu cần học theo. Dù bạn làm bất cứ điều gì, xin hãy nhớ, cứ luôn xuất hiện trước mặt khách hàng của bạn, thế là khách hàng sẽ nhớ đến bạn trước.
Hiện nay, người dùng rất ít thời gian để xem tin, họ chỉ tập trung vào những điều khiến họ thật sự thích thú. Các mạng xã hội cũng rất thông minh trong việc phân bổ thông tin. Họ dùng thuật toán để liên tục đưa những nội dung khiến người dùng hào hứng và không ngừng xem.
Đây là con dao hai lưỡi khiến việc “vận chuyển” thông tin của các nhãn vừa khó hơn lại vừa dễ hơn. Khó hơn vì phải cạnh tranh với các nhãn khác trong khoảng thời gian ít ỏi của khách hàng. Dễ hơn là vì một khi brand tạo được một nội dung khiến khách hàng hứng thú và “dừng khoảng chừng là 5s” thì việc phân phối các tin sau sẽ đến rất dễ dàng.
6. Không ngừng tương tác với khán giả, đưa khán giả vào câu chuyện của mình
Trong suốt concert, Taylor Swift không chỉ biểu diễn mà còn là người dẫn chuyện và đưa khách hàng của mình “lên sàn diễn” bằng việc không ngừng tương tác với khán giả bằng ánh mắt, hành động, lời nói. Dù đứng trước cô là hàng chục ngàn khán giả, có vẻ Swift không hề “bỏ sót” một ai. Ai cũng có cảm giác cô ấy đang vẫy tay với mình.
Thương hiệu cũng không bao giờ được quên giữ chân khách hàng bằng việc thường xuyên tương tác với họ trên bất cứ kênh truyền thông và điểm chạm nào. Đừng để khách hàng nhìn bạn như một “công ty không có cảm xúc”. Hãy đứng trước khách hàng như một cá nhân đang hướng về họ, khiến họ cảm thấy được giao tiếp 1-1.
7. Khiến khách hàng luôn cảm thấy họ quan trọng trong mối quan hệ hai bên
Taylor luôn không ngớt cảm ơn khán giả của mình, rằng bởi có họ nên cô mới có động lực làm show, rằng tất cả những điều cô làm là dành cho họ. Khán giả hò hét ầm ĩ trước thần tượng của mình sau mỗi lần thần tượng nói như vậy về họ.
Đó cũng là điều các thương hiệu nên học. Đừng bao giờ quên tôn vinh khách hàng của bạn lên. Tôn vinh khách hàng cũng chính là tôn vinh thương hiệu “bằng một cách khiêm tốn hơn”. Bởi nếu khách hàng là người tuyệt vời đến thế, mà họ lại yêu thích bạn thì hẳn bạn cũng phải là một thương hiệu tuyệt vời mà không cần “khoe khoang”.
8. Đầu tiên, người ta quan tâm đến thương hiệu của bạn vì thích sản phẩm; cuối cùng, họ mua sản phẩm của bạn vì họ yêu thương hiệu
Đó không chỉ là hành trình xây dựng “nhân hiệu” của Taylor Swift mà còn là hành trình xây dựng thương hiệu của nhiều công ty lớn hàng trăm năm tuổi trên toàn cầu.
Đầu tiên, khách hàng đều không biết họ là ai nhưng vẫn ấn tượng với sản phẩm của họ. Sau đó, trải qua những hành trình dài đầy sáng tạo nhưng rất chiến lược, các công ty đã thành công tạo ra “cái hiệu được thương” và khiến khách hàng lựa chọn sản phẩm của họ trong cuộc chiến dành thị phần khốc liệt này.
Hãy xây dựng thương hiệu dựa trên hành trình cảm nhận của khách hàng. Bởi cuộc chiến định vị không phải là cuộc chiến tạo ra sản phẩm tốt nhất mà là cuộc chiến giành “địa phận tốt nhất” trong tâm trí khách hàng.
9. Hãy trở thành một biểu tượng
“Tôi là Taylor Swift, sinh năm 1989” – đó là câu giới thiệu mở màn trước mỗi liveshow của Taylor, đó là điều khách hàng sẽ ghi nhớ và luôn nhắc đến cô nàng với một “nhân hiệu” như thế.
Ngoài thương hiệu cá nhân trong lĩnh vực giải trí, Taylor Swift còn là biểu tượng của “nữ quyền”. Những hành động và lời nói của cô luôn chứng minh rõ ràng rằng cô chính là đại diện tiêu biểu cho những người bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và đấu tranh cho những bất công của phụ nữ trên toàn thế giới.
Thương hiệu cũng nên hướng đến việc trở thành một biểu tượng như thế trong lòng công chúng. Điều này không thể làm trong một sớm một chiều. Biểu tượng được xây dựng dựa trên những hoạt động có thực, cách ứng xử và phát ngôn của doanh nghiệp trước những sự kiện và vấn đề của xã hội.
Thương hiệu nên gắn mình với một giá trị nhất quán và hết mình cho giá trị đó. Chắc chắn, thương hiệu sẽ được ghi nhận bởi công chúng, qua đó tạo dựng được niềm tin và sự yêu quý dài hạn.
Một thương hiệu tốt sẽ phát triển.
Một thương hiệu vĩ đại sẽ sống mãi.
Lời kết
Đó là tất cả những bài học mình đã rút ra sau khi ra rạp xem “Taylor Swift: The Eras Tour” và chứng kiến sự hào hứng, phấn khích đến điên cuồng của các fan tại rạp. Quả đúng như tạp chí Rolling Stone đã viết: “Swift đã trở nên vĩ đại hơn bao giờ hết”. Cô ấy đã trở thành một biểu tượng, không chỉ với các khán giả nghe nhạc của mình mà còn với những cá nhân, doanh nghiệp muốn xây dựng được thương hiệu được hàng triệu người yêu quý.