Quản trị Sáng tạo #6.1: Quản lý mâu thuẫn nội bộ từ “gốc rễ” đến “giảng hòa”
Giữa hàng trăm cá tính độc đáo, hàng ngàn ý tưởng sáng tạo, việc xảy ra mâu thuẫn trong Creative Agency là điều khó thể tránh khỏi. Như một ngọn lửa, mâu thuẫn có thể đốt cháy mọi thứ nếu không được kiểm soát. Nhưng nếu biết giải quyết mâu thuẫn đúng hướng, nó sẽ là một nguồn năng lượng mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Theo dõi số thứ 6 của series “Quản trị Sáng tạo” để tìm hiểu về những mâu thuẫn phổ biến trong Creative Agency cũng như tham khảo cách quản lý chúng.
“Quản trị Sáng tạo” là series của Brands Vietnam hợp tác cùng anh Nguyễn Danh Khánh, Co-founder “gốc Creative” của BP Communications, người đã kinh qua nhiều vai trò trong ngành quảng cáo, từ PR, Content đến Creative và Operation. Nội dung của series xoay quanh những kinh nghiệm về quản trị sáng tạo chuyên nghiệp, từ việc tuyển dụng Junior Creative đến xây dựng văn hóa sáng tạo cho agency.
* Theo anh, mâu thuẫn là gì? Mâu thuẫn đóng vai trò như thế nào đối với doanh nghiệp, đặc biệt là với Creative Agency?
Theo tôi, mâu thuẫn là một khía cạnh thực tế và không thể tránh khỏi trong cuộc sống và công việc. Về bản chất, đây là một hiện tượng khách quan, thường xuyên và thậm chí cần thiết vì có thể thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ.
Theo từ Hán-Việt, “mâu” có nghĩa là cái lao với mũi nhọn, được dùng để tấn công; còn “thuẫn” là khiên, một công cụ dùng để che chắn và bảo vệ. Và từ “mâu thuẫn” ra đời khi một nhà buôn mánh khóe bán lao và khiên bằng cách quảng cáo chúng đều là những sản phẩm tốt nhất, trong khi công dụng thì đối nghịch nhau.
Quay lại với câu chuyện doanh nghiệp, mâu thuẫn là một phần tự nhiên của quá trình. Chúng xuất hiện trong các mối quan hệ đội nhóm, giữa các nhóm khác nhau, giữa thành viên và người lãnh đạo, thậm chí giữa chúng ta và khách hàng, nhà cung cấp, hoặc đối tác. Hơn hết, mâu thuẫn luôn tồn tại trong nội tâm mỗi người.
Vì thế, cách duy nhất để giải quyết mâu thuẫn là đối diện và “đâm xuyên” để vượt qua chúng.
Mỗi người có nền tảng, kiến thức, hệ niềm tin giá trị với cách giáo dục và môi trường sống khác nhau. Điều này dẫn đến góc nhìn và quan điểm khác nhau. Sự trái ngược trong quan điểm hoặc niềm tin là điều tất yếu, và do đó, mâu thuẫn là một phần tự nhiên và bình thường trong cuộc sống và công việc của chúng ta.
* Trong một môi trường đa dạng bản sắc cá nhân, sẽ không thể tránh khỏi những cuộc tranh luận và sự khác biệt về tư duy và quan điểm. Anh có thể chia sẻ về một số mâu thuẫn thường gặp?
Tại Creative Agency, có ba nhóm mâu thuẫn chính, gồm mâu thuẫn nội bộ trong team, mâu thuẫn giữa Creative và Planner, và mâu thuẫn giữa Creative và Account.
Trong đó, mâu thuẫn giữa những người bạn cùng team thường thấy ở Copywriter và Art Director. Bởi tính chất công việc khác nhau: một người phải tập trung kỹ năng viết, trong khi người còn lại cần đầu tư cho thiết kế.
Đơn cử, dựa trên một câu chuyện có thật, Copywriter đã brief cho Art Director rằng: “BIẾT điều này sẽ dễ thành công hƠN”. Nghe thì có vẻ bình thường nhưng đây lại ẩn chứa ý đồ của bạn Copywriter.
Bởi cấu trúc câu trên bao gồm 02 vế: “biết điều này” và “dễ thành công hơn”. Trong vế đầu, Copywriter muốn tập trung sự chú ý vào cụm “biết điều” trong “biết điều này”. Còn trong vế sau, có từ “hơn” là sự kết hợp của hai âm “h” và “ơn”, bạn chọn nhấn mạnh vào âm “ơn” thể hiện sự biết ơn.
Tức nghĩa, Copywriter đang muốn cài cắm hai yếu tố, đó là muốn thành công phải biết tôn trọng người khác, cũng như lắng nghe và thấu hiểu.
Nếu không truyền tải rõ ý niệm này, người làm hình ảnh có thể hiểu và sắp xếp như một câu thông thường, từ đó mất đi điểm nhấn quan trọng mà Copywriter muốn truyền tải. Đây có thể là một nguồn gốc của xung đột, vì Art Director cố gắng tạo ra hình ảnh đẹp và thú vị, trong khi bạn Copywriter chưa nhận được thông điệp đúng như ý muốn.
Ngoài ra, mâu thuẫn giữa nội bộ team có thể đến từ việc can thiệp quá sâu vào chuyên môn của người khác.
Nếu bạn đang làm Copywriter, hãy cứ làm tốt nhiệm vụ viết của mình và mô tả sao cho bạn Art Director cảm thấy dễ hiểu nhất. Đừng xét nét quá nhiều về mặt hình ảnh, cụ thể là bố cục và vị trí của các yếu tố trực quan. Những khía cạnh này thuộc lĩnh vực chuyên môn của bạn Art Director, hãy để họ tự do sáng tạo.
Tương tự, bạn Art Director cũng nên tránh can thiệp quá sâu vào từng từ, câu, dấu chấm, và dấu phẩy trong công việc của bạn Copywriter. Sự kiểm soát quá mức có thể tạo ra sự bất mãn và mâu thuẫn trong quá trình làm việc.
Nhóm mâu thuẫn thứ hai thường xuất hiện giữa Strategic Planning Team và Creative Team.
Như đề cập trong số trước, chiến lược là yếu tố có trước, còn ý tưởng được triển khai theo sau. Do đó, sự không khớp giữa chiến lược và ý tưởng sáng tạo thường là nguyên nhân chính dẫn đến xung đột giữa hai team.
Cụ thể, trong một dự án có thật đã được tôi biến tấu để minh họa cho tình huống trên, có một thương hiệu nước giải khát đã ra mắt một dòng sản phẩm mới có tên “Mê Man” (ghép từ “Melon” và “Mango”), hướng đến các cặp đôi yêu nhau tại Việt Nam. Đó là lần đầu tiên sản phẩm có mặt trên thị trường, nên cần có một chiến lược ra mắt ấn tượng và tạo được buzz.
Mâu thuẫn giữa nội bộ team có thể đến từ việc can thiệp quá sâu vào chuyên môn của người khác.
Chiến lược 1 là tập trung vào thành phần, tức là chỉ đề cập đến việc sản phẩm được ghép từ dưa hấu và xoài.
Chiến lược 2 là tiếp cận thông qua cặp màu sắc chủ đạo (đỏ và vàng) để tăng độ nhận diện.
Chiến lược 3 là tập trung vào công dụng lý tính và cảm tính sản phẩm. Chẳng hạn, thương hiệu có thể tuyên truyền về việc sản phẩm có thể giúp người uống cảm thấy tràn trề năng lượng, cũng như giúp các cặp đôi thêm tự tin, gắn kết.
Sau khi xác định được định hướng chiến lược, đội ngũ Strategic Planning kỳ vọng Creative Team bám sát chiến lược và triển khai các ý tưởng phù hợp dưới “chiếc ô” đó.
Đơn cử, với hướng đầu tiên, Creative Team có thể khởi xướng ý tưởng lớn là bộ truyện tranh hoạt hình về hai nhân vật dưa hấu và xoài, còn theo hướng chiến lược 2 thì nhất quán cặp màu chủ đạo trong tất cả các thiết kế của sản phẩm.
Hoạt động thực thi đề xuất cho hai chiến lược trên có thể kể đến như hợp tác cùng bộ đôi hot community để tổ chức mini-game, nhằm tạo social buzz và cảm giác song hành của hai thành tố tạo nên sản phẩm, cũng như giữa người tiêu dùng và thương hiệu.
Sự không khớp giữa chiến lược và ý tưởng thường là nguyên nhân chính dẫn đến xung đột giữa Strategic Planning Team và Creative Team.
Tuy nhiên, với hoạt động thực thi trên, Creative Team lại chọn triển khai chiến lược 3, thì rõ ràng lại không phù hợp. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn của mâu thuẫn. Bên cạnh đó, Account Team và Creative Team cũng thường phát sinh mâu thuẫn trong giai đoạn Execution.
Deadline là một “điểm chạm” khiến mâu thuẫn xảy ra. Chẳng hạn, Account phải chịu cảnh “làm dâu trăm họ”, vì đã đặt thời hạn cụ thể nhưng Creative có thể gặp khó khăn trong việc hoàn thành deadline, khiến họ không biết “ăn nói” sao với khách hàng.
Hơn thế, liên quan đến phản hồi và giao tiếp trong quá trình làm việc, nếu không biết cách thể hiện ý kiến một cách khéo léo, người nhận phản hồi có thể cảm thấy khó chịu, dẫn đến hiểu lầm hoặc kết quả không đáp ứng yêu cầu.
★★★
Trên đây là những chia sẻ của anh Born Nguyễn về định nghĩa, vai trò và phân loại mâu thuẫn phổ biến tại Creative Agency. Ở phần tiếp theo, anh sẽ chia sẻ thêm về dấu hiệu nhận biết và hướng giải quyết mâu thuẫn, nguyên tắc giải quyết, cũng như cách kiểm soát tần suất xảy ra mâu thuẫn. Đón xem phần 2 vào thứ Tư tuần này.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.
Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam