Sự dễ thương trong marketing: Xu hướng marketing khiến khách hàng “không thể cưỡng lại”

Sự dễ thương trong marketing: Xu hướng marketing khiến khách hàng “không thể cưỡng lại”

Bạn có biết, về bản chất, con người thường bị thu hút bởi những thứ dễ thương? Trẻ sơ sinh, những con vật, đồ vật dễ thương hay bất cứ thứ gì tưởng chừng như “vô hại” sẽ kích hoạt bản năng bảo vệ và chăm sóc của con người.

Khai thác những cảm xúc tích cực đó, một số xu hướng marketing sử dụng các yếu tố dễ thương đã xuất hiện và trở nên quen thuộc với marketer. Những xu hướng này sẽ tiếp tục được ưa chuộng trong việc phát triển thương hiệu và trở thành “vũ khí” khiến khách hàng không thể cưỡng lại mà thốt lên “Awww”.

Cùng Rubyk tìm hiểu một số xu hướng marketing sử dụng yếu tố dễ thương đáng chú ý trong bài viết dưới đây nhé.

Pet Influencer

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thú cưng, pet influencer đã dần trở thành một hiện tượng của hình thức influencer marketing. Tính đến tháng 6/2020, những tài khoản pet influencer nổi tiếng nhất trên Instagram đã thu hút được hơn 35 triệu người theo dõi nhờ những video, hình ảnh đáng yêu, hài hước. Con số này cũng cho thấy phạm vi tiếp cận và mức độ ảnh hưởng mạnh mẽ mà những bé thú cưng có thể mang lại không hề kém cạnh so với những người nổi tiếng khác trên mạng xã hội (theo Statistica, 2020).

Pet Influencer có thể là bất cứ loài động vật nào miễn là nó trở thành nguồn cảm hứng cho người xem, nhưng quen thuộc nhất là những loài như chó, mèo, thỏ, chuột...

“Quàng thượng” Mỹ Diệu với tướng ngồi “bầy hầy” từng một thời khuấy đảo mạng xã hội và có hợp tác với nhiều thương hiệu nổi tiếng.
Nguồn: Didongviet

Bộ lông mềm mại, đôi mắt long lanh, tính cách dễ thương, hài hước, thú vị... là những đặc điểm khiến thú cưng nhanh chóng chiếm được tình cảm của hàng triệu người dùng. Dạo quanh một vòng thế giới quảng cáo, không khó để bắt gặp hình ảnh các “boss” trong mọi ngành hàng. 

Một trong những video viral đầu tiên về động vật là “Dramatic Chipmunk” – một video ngắn khoảng 5 giây quay lại cảnh một con sóc chuột (thực ra là con cầy thảo nguyên) bất ngờ quay đầu lại về phía màn hình khi có đoạn nhạc “kịch tính” bật lên. Biểu cảm dễ thương của chú chipmunk đã được tạp chí People vinh danh “Dramatic Chipmunk” là một trong 10 video hay nhất YouTube năm 2007.

Video Dramatic Chipmunk từng “viral” một thời.

Hình ảnh các boss dễ thương này đang “xâm chiếm” quảng cáo trong mọi ngành hàng, từ bình dân đến cao cấp.

Công nghệ thân xe của Mercedes-Benz được so sánh với khả năng giữ cái đầu siêu ổn định, bất kể phần còn lại của cơ thể chúng có lắc lư thế nào của loài gà.

Character Marketing

Character marketing là hình thức tiếp thị dựa trên hình ảnh brand mascot (Linh vật thương hiệu). Trong đó mascot là nhân vật có đặc điểm, hình dáng đặc trưng và đại diện cho thương hiệu. Mascot thường được sử dụng trong các chiến dịch truyền thông và quảng cáo để tăng nhận diện về thương hiệu, tạo bản sắc riêng và xây dựng cảm xúc với đối tượng mục tiêu.

Xây dựng những linh vật mang đặc điểm, tính cách của thương hiệu giúp thương hiệu nhanh chóng tiếp cận và tạo cảm tình với khách hàng.
Nguồn: Nhân vật comic của Rubyk Agency

Nghiên cứu của Technicolor Creative Studios và Moving Picture Company (MPC) về các nhân vật điện ảnh đoạt giải Oscar (như “The Lion King”) và quảng cáo đoạt giải Cannes Lions (“The boy and the piano” của John Lewis và “The Seven Worlds” của Hennessy) – kết hợp với ý kiến từ các nhà phân tích, nghiên cứu thị trường, agency quảng cáo và các đồng nghiệp trong ngành – đã cho thấy những kết quả ấn tượng trong việc khám phá tác động của brand mascot đến lợi nhuận, tương quan truyền thông (SOV) và sự gắn kết với thương hiệu. Cụ thể:

  • Các linh vật và nhân vật của thương hiệu có thể tăng lợi nhuận và kết nối cảm xúc khách hàng lên tới 41%.
  • Các thương hiệu tích cực sử dụng mascot có tỷ lệ thu hút khách hàng tăng trung bình 40,9% so với mức tăng 32% của các thương hiệu không sử dụng mascot.

Bên cạnh đó mascot còn là giúp thương hiệu giao tiếp hiệu quả hơn với khách hàng, mang đến góc nhìn mới về một thương hiệu gần gũi và dễ thương hơn. Và khi được thực hiện tốt mascot sẽ trở thành một phần không thể thiếu của thương hiệu, nhìn thấy mascot nghĩ ngay đến thương hiệu, ngược lại, nghe tên thương hiệu nhớ ngay đến mascot.

Chẳng hạn một số mascot như cú Duo, mascot Ong Jollibee hay mascot MoMo đã không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt. Chúng quen thuộc đến nỗi chỉ cần nhìn lướt qua khách hàng cũng có thể biết ngay nhân vật đó đến từ thương hiệu nào.

Chú robot dễ thương của MoMo đã không còn xa lạ với khách hàng Việt.
Nguồn: MoMo

Cute goods

Ứng dụng sự dễ thương trong hàng tiêu dùng đã bắt đầu xuất hiện từ những năm 1970 tại Nhật Bản và trở thành một nét đặc trưng nổi bật trong văn hóa của đất nước này. Từ đó đến nay, văn hóa Kawaii đã lan rộng và trở thành một xu hướng toàn cầu.

Văn hóa Kawaii có thể được sử dụng để mô tả đặc điểm ngoại hình và phong cách của cả con người và động vật. Phong cách này cũng có thể được áp dụng cho các đồ vật và thường được thể hiện bằng những đường nét mềm mại, hình ảnh dễ thương và màu sắc tươi sáng. Một trong những thương hiệu Kawaii nổi tiếng nhất có thể kể đến Hello Kitty. Dòng sản phẩm Hello Kitty ban đầu nhắm đến trẻ em, nhưng sau đó đã được mở rộng để nhắm mục tiêu vào thanh thiếu niên, thậm chí cả người lớn.

Hello Kitty là nhân vật vô cùng nổi tiếng với những người yêu thích sự dễ thương và văn hóa Nhật Bản.

Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng ấn tượng trong những năm 1970 và 1980. Các subcultures (nhóm tiểu văn hóa tiêu dùng) bắt đầu xuất hiện và nét văn hóa này dần trở thành yếu tố không thể thiếu trong bản sắc dân tộc của Nhật Bản và luôn được cân nhắc khi phát triển bất kỳ chiến dịch marketing nào.

Thành công của văn hóa kawaii tại Nhật Bản đã mở đường cho một xu hướng mới, là minh chứng cho thấy tầm ảnh hưởng của sự dễ thương đến thành công về mặt thương mại của các thương hiệu.

Meme marketing

Meme marketing không còn xa lạ với marketer và trở thành một “ngôn ngữ” riêng của người dùng mạng xã hội. Với một hình ảnh đơn giản, thêm một vài dòng chú thích, meme có thể nhanh chóng thể hiện được thông điệp một cách vui vẻ và dễ hiểu. Nhờ cách tiếp cận gần gũi, vui nhộn, meme marketing ngày càng trở nên quen thuộc và là hình thức marketing được nhiều thương hiệu ưa chuộng.

Không cần hình ảnh hay câu từ hoa mỹ, meme vẫn đủ sức gây ảnh hưởng đến người dùng mạng xã hội.

Dưới đây là một vài thống kê nổi bật về sức ảnh hưởng về meme marketing và lý do đằng sau sức hút của loại hình marketing này:

  • Theo một cuộc khảo sát của Visual Object, 44% người dùng Internet từ 18 đến 34 tuổi thường xuyên chia sẻ meme trực tuyến.
  • Meme trở nên đặc biệt phổ biến trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và Reddit. Tại Reddit có một subreddits dành riêng cho việc chia sẻ các thể loại meme khác nhau.
  • Định dạng image macro (một hình ảnh kết hợp với text trên ảnh) là dạng meme phổ biến nhất, tiếp theo là GIF và meme video (thường là các đoạn phim ngắn được cắt từ các tập phim hoặc chương trình truyền hình)
  • Chủ đề của meme rất phong phú, không bị giới hạn bởi một lĩnh vực cụ thể: phim ảnh, âm nhạc, chính trị động vật, trẻ em, người nổi tiếng...
  • Theo nghiên cứu được thực hiện bởi công ty tiếp thị MRY, meme là “ngôn ngữ” giao tiếp quen thuộc của gen Z và 77% số người được hỏi thuộc gen Z cho biết họ sử dụng meme để trò chuyện mỗi ngày. Không chỉ giới trẻ, người cao tuổi cũng tỏ ra yêu thích meme, nhưng giới hạn hơn về chủ đề.
  • Không chỉ mang lại giá trị về mặt tương tác, tăng kết nối với người dùng, meme còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của thương hiệu: Các loại tiền điện tử dựa trên meme, như Dogecoin, đã chứng kiến ​​​​sự tăng trưởng vượt bậc nhờ sự viral của meme. Chỉ trong vòng 24 giờ, giá trị của Dogecoin đã tăng vọt gần 500%.

Sự phát triển của mạng xã hội tiếp tục là “bàn đạp” mạnh mẽ để xu hướng meme marketing trở nên phổ biến hơn, nhờ đó tốc độ sản xuất và phân phối meme ngày càng tăng lên. Dần dần, sự dễ thương và hài hước của meme đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa internet và định hình cách người dùng tương tác cũng như giao tiếp trực tuyến.

Comic influencers

Những câu chuyện đời thường quen thuộc được kể lại bằng những mẩu truyện tranh đáng yêu, thú vị đã trở nên quen thuộc với người dùng mạng xã hội. Tại Việt Nam, xu hướng này đã tạo nên những nhân vật comic nổi tiếng, có sức ảnh hưởng rất lớn, chẳng hạn: Én, Thỏ bảy màu, Thăng Fly Comics, Chấm Comics, Quỳnh Aka… Ngoại hình đáng yêu, đôi mắt to tròn, màu sắc thu hút, biểu cảm dễ thương, cùng tính cách “chất chơi” có 1-0-2 là đặc điểm giúp những comic influencer này dễ dàng “đốn tim” của người xem. 

Sản phẩm được lồng ghép cạnh những nội dung vui nhộn, biểu cảm dễ thương của nhân vật làm cho quảng cáo trở nên dễ tiếp nhận hơn.
Nguồn: Fanpage Én

Nếu doanh nghiệp chưa có đủ nguồn lực và thời gian để đầu tư mascot cho riêng mình, thì việc hợp tác với các comic influencer đáng yêu, tinh nghịch này sẽ là cách thức quảng bá thương hiệu hiệu quả. 

Kết

Sử dụng sự dễ thương trong marketing không phải xu hướng mới. Xu hướng này đã, đang được ứng dụng rộng rãi và tạo ra nhiều tác động tích cực đến hoạt động truyền thông marketing của doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những thứ dễ thương rất hiệu quả cho việc kích thích tiêu dùng cũng như thu hút sự quan tâm của khách hàng. Điều này giải thích tại sao rất nhiều sản phẩm tiêu dùng, ấn phẩm truyền thông được thiết kế dễ thương để thu hút phản hồi của người xem.

* Nguồn: Rubyk Agency