L'Oréal: Thúc đẩy trải nghiệm số hóa cho người dùng
Với mục tiêu trở thành một trong những thương hiệu làm đẹp số một trên thế giới về mặt số hóa, L’Oréal “refresh” và “relaunch” 600 trang web cho 35 thương hiệu. “Gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp làm đẹp này quản lý hàng triệu tài sản số để cung cấp những trải nghiệm nổi bật cho người tiêu dùng.
Bài viết được lược dịch từ bài viết gốc đăng trên NewDigitalAge và phần chia sẻ của bà Anne Guichard, Global Head of Digital Programs tại L’Oréal trong Hội nghị Sitecore năm 2022.
Bối cảnh người dùng
Thời gian qua, do tác động của đại dịch COVID-19, người tiêu dùng thuộc mọi lứa tuổi đã thích nghi thế giới kỹ thuật số. Và khi nhịp sống bình thường quay trở lại, nhiều người có xu hướng ưa chuộng trải nghiệm mang tính “kết hợp” (hybrid). Có nghĩa là người tiêu dùng vừa muốn sự tiện lợi mà trải nghiệm trực tuyến mang lại, vừa muốn tương tác với thế giới thực.
Theo một cuộc khảo sát của Sitecore, 46% đáp viên vẫn thích mua sắm tại cửa hàng, trong khi có 30% muốn mua mọi thứ trực tuyến và khoảng một phần tư chọn cả hai phương thức trên.
Đối diện với sở thích đa dạng của người tiêu dùng, các thương hiệu cần tìm cách đáp ứng nhu cầu của khách hàng và cung cấp trải nghiệm phù hợp, khiến họ cảm thấy thoải mái nhất ở mọi điểm chạm. Đồng thời, thương hiệu vẫn phải đảm bảo có thể tạo ra được sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh và ghi được dấu ấn đối với khách hàng mục tiêu.
Theo bà Paige O'Neill, Giám đốc Tiếp thị của Sitecore, một trong những cách tốt nhất giúp các thương hiệu vượt qua những thách thức này là triển khai các chiến lược nội dung mới. Và đây là điều mà L’Oréal đã nỗ lực thực hiện.
Một sự bùng nổ về nội dung
Tại Hội nghị Sitecore năm 2022, bà Anne Guichard, Global Head of Digital Programs của L’Oréal đã chia sẻ rằng L’Oréal đã chuyển đổi từ việc tập trung vào sản phẩm sang tập trung vào trải nghiệm và người tiêu dùng. “Chúng tôi đang trải qua một sự bùng nổ về nhu cầu nội dung”, bà nói.
Theo bà Guichard, sự “bùng nổ” này được thúc đẩy bởi sự phức tạp hóa trong hành trình của người tiêu dùng, sự cần thiết của việc cá nhân hóa nội dung đến người tiêu dùng và sự chuyển biến đa dạng của thế giới ngày nay. Và điều này thể hiện rất rõ trong danh mục nội dung của L’Oréal.
Cụ thể, tập đoàn mỹ phẩm này có 600 trang web tại 80 quốc gia, ghi nhận một tỷ lượt truy cập của người tiêu dùng với 2,2 triệu tài sản nội dung thuộc 35 thương hiệu.
“Cho dù người tiêu dùng có hành trình như thế nào, điểm đến cuối cùng vẫn là truy cập vào trang web của L’Oréal. Đây là nơi chúng tôi sở hữu. Đây là trái tim của thương hiệu chúng tôi”, bà Guichard khẳng định.
Bà nói thêm: “Chúng tôi đã đối mặt với thách thức lớn trong việc tìm kiếm sự cân bằng giữa một giải pháp hiệu quả, có khả năng bảo mật cao, hiệu suất tốt và đảm bảo tính nhất quán của thương hiệu chúng tôi trên 80 quốc gia. Đồng thời, mỗi thương hiệu con của chúng tôi có thể xây dựng không gian riêng và tại mỗi quốc gia có thể điều chỉnh, cập nhật nội dung, dịch vụ hàng ngày”.
Tương lai của ngành làm đẹp
L’Oréal thu hút người tiêu dùng thông qua những nội dung và trải nghiệm thú vị, có tính tương tác cao. Ví dụ, thương hiệu làm đẹp này đã ứng dụng công nghệ có khả năng phân tích làn da giúp người tiêu dùng tìm được sản phẩm phù hợp, cũng như các tính năng thực tế ảo để dùng thử sản phẩm trang điểm và nhuộm tóc ảo.
L’Oréal đang tập trung vào việc sử dụng công nghệ để tạo ra được trải nghiệm số hóa sâu sắc cho người dùng và đặc biệt là khả năng dự đoán. Tính dự đoán, theo bà Guichard đã mô tả là khả năng cung cấp cho người tiêu dùng các đề xuất sản phẩm chính xác không chỉ trong hiện tại mà còn là trong tương lai, vì vậy mà việc “tập hợp càng nhiều kiến thức càng tốt về da và quá trình lão hóa của da, tóc” là rất quan trọng.
L’Oréal đã bắt đầu bước đầu tiên trong hướng đi này vào đầu năm 2022 khi công bố mối quan hệ chiến lược với công ty con nằm trong mảng y tế của Alphabet: Verily. Cặp đôi này đã làm việc để khám phá các liên kết giữa exposome (hệ môi trường), lão hóa da, cấu trúc và chức năng sinh học của da, cũng như nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới cho da liễu và chăm sóc da.
Về tính thâm nhập hay khả năng tạo ra được trải nghiệm số hóa sâu sắc cho người tiêu dùng, năm 2021, YSL Beauty – một thương hiệu thuộc sở hữu của L’Oréal lần đầu ra mắt công cụ tìm mùi hương trong cửa hàng dựa trên cảm xúc. Bằng cách sử dụng tai nghe kết nối thần kinh, trải nghiệm Scent-Sation đã tạo ra được chân dung của người tiêu dùng khi ghi lại cách họ phản ứng với các mùi hương khác nhau và sử dụng thông tin này để đưa ra đề xuất sản phẩm.
Công việc của L’Oréal với Verily và trải nghiệm YSL này đều thuộc loại Web2. Tuy nhiên, thương hiệu cũng đã thử nghiệm với Web3, khi YSL Beauty ra mắt một NFT. L’Oréal đã hợp tác với Wunderman Thompson (hiện nay là VML) và Arianee (một công ty phát triển giải pháp dựa trên công nghệ blockchain) để phát hành token cho 24.000 người, cung cấp cho họ quyền truy cập vào các dịch vụ và tiện ích độc quyền từ YSL Beauty.
“Chúng tôi đã có nền tảng phù hợp để bổ sung một lựa chọn thứ ba. Đó không chỉ là ngoại tuyến và trực tuyến, mà còn cả trên blockchain. Và tất nhiên, điều này mở ra cánh cửa đến thế giới ảo (metaverse)”, bà Guichard kết luận.
Tại CES 2023 đầu năm nay, L'Oréal đã ra mắt mẫu máy in Brow Magic dùng để in lông mày. Có thể nói, L’Oréal vẫn đang dốc lực trong cuộc chạy đua đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa cho từng khách hàng bằng công nghệ. Mong muốn mang lại cho người tiêu dùng cảm giác “đắm chìm” vào thế giới trải nghiệm và khám phá của L’Oréal vẫn đang được hiện thực hóa từng ngày.
Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: NewDigitalAge