Từ một ứng dụng thuần gọi xe, Be làm thế nào để phát triển thành nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ?

Từ một ứng dụng thuần gọi xe, Be làm thế nào để phát triển thành nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ?

Khởi đầu là một ứng dụng gọi xe đơn thuần, Be làm thế nào để phát triển thành một nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ trong vòng 5 năm qua?

Tháng 12/2018, ứng dụng gọi xe Be lần đầu trình làng thị trường Việt Nam. Be ra đời trong bối cảnh nhiều thách thức, khi không ít người dùng e ngại về khả năng thành công của một ứng dụng gọi xe thuần Việt, đặc biệt là giữa thị trường toàn những “ông lớn” ngoại quốc chiếm lĩnh. 

Tuy nhiên, ngay từ những năm đầu, công ty đã sớm tuyên bố chiến lược phát triển của mình là xây dựng nền tảng mở, trở thành nhà cung cấp dịch vụ di động và dựa vào việc xây dựng quan hệ đối tác với các công ty khác để phát triển hệ sinh thái. Thay vì hướng tới trở thành mô hình siêu ứng dụng như nhiều hãng gọi xe khác, Be Group tìm cách trở thành một nền tảng di động kết hợp tất các phương thức giao thông vào ứng dụng để cung cấp giải pháp “all- in-one” cho người dùng.

Từ một ứng dụng thuần gọi xe, Be làm thế nào để phát triển thành nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ?

Chiến lược của Be là xây dựng nền tảng mở, cung cấp dịch vụ di động và dựa vào việc xây dựng quan hệ đối tác với các công ty khác để phát triển hệ sinh thái.
Nguồn: Thanh Niên

Với tầm nhìn này, sau 5 năm, Be dần chứng minh được thế mạnh và trở thành nền tảng tiêu dùng có khả năng phục vụ đa dạng nhu cầu của người Việt – từ đi lại, giao đồ ăn đến mua vé máy bay, vé tàu xe, ngân hàng điện tử…

Cuối năm 2022, Be Group góp mặt trong Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 của Bộ Công Thương. Và mới đây, báo cáo “Người tiêu dùng số” quý II/2023 (The Connected Consumer Q2 2023) của Decision Lab và MMA cho thấy Be đã vượt qua Gojek để trở thành ứng dụng gọi xe được yêu thích thứ 3 tại Việt Nam, sau Grab và Mai Linh Taxi.

Từ một ứng dụng thuần gọi xe, Be làm thế nào để phát triển thành nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ?

Nguồn: Decision Lab

Mở rộng hệ sinh thái công nghệ qua những cái “bắt tay” lớn

Bên cạnh các mảng dịch vụ cốt lõi là di chuyển, giao hàng và đặt đồ ăn, Be đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác để mở rộng hệ sinh thái công nghệ của mình. Chẳng hạn như vào đầu tháng 6/2023, Be “bắt tay” với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam để giúp người dùng ứng dụng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm trực tuyến một cách an toàn, đơn giản và phù hợp hơn với phong cách sống hiện đại. Hay trước đó, Be cũng lần lượt ra mắt tính năng đặt vé xe khách và vé máy bay trên ứng dụng với mong muốn mang lại hệ sinh thái vận chuyển đa phương tiện và hoàn thiện nhu cầu đi lại của người dùng.

Từ một ứng dụng thuần gọi xe, Be làm thế nào để phát triển thành nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ?

Nguồn: Be Group

Ngoài ra, xuyên suốt quá trình hoạt động, Be cũng đẩy mạnh xu hướng thanh toán không tiền mặt khi phối hợp VPBank ra mắt ngân hàng số Cake (tháng 1/2021), tích hợp ví điện tử ShopeePay trên ứng dụng (tháng 12/2021), hợp tác chiến lược với Viettel Money để giúp người dùng hưởng lợi trực tiếp từ hệ sinh thái số của hai đơn vị (tháng 9/2022)...

Vũ Hoàng Yến, Tổng Giám đốc Be Group, từng khẳng định: “Trở thành trợ thủ đắc lực trong cuộc sống hàng ngày của người Việt là nỗ lực không ngừng nghỉ của Be Group. Để tiến xa hơn, chúng tôi luôn chú trọng hợp tác với nhiều đối tác để mở rộng dải sản phẩm và dịch vụ, không ngừng củng cố hệ sinh thái công nghệ mở của mình”.

Song, trong quá trình mở rộng hệ sinh thái, Be vẫn không quên nâng cấp dịch vụ cốt lõi – tính năng gọi xe – với các tiện ích mới như thay đổi điểm đến, đặt hàng đa đơn, tích điểm bePoint khi đặt xe để đổi voucher… qua đó góp phần tối ưu trải nghiệm cho người dùng.

Mạnh dạn bỏ “phụ phí đơn hàng nhỏ”

Tháng 6/2023, beFood chính thức bỏ phụ phí đơn hàng nhỏ, khuyến khích khách lẻ đặt món có giá trị thấp. Theo đó, phụ phí giao đồ ăn trên nền tảng này có thể giảm đến 50%, trở thành một trong những đơn vị có mức phí thấp nhất thị trường hiện tại, trong khi hầu hết các đối thủ của Be vẫn còn thu phí này với đơn hàng dưới 50.000 đồng.

Ngoài việc mang lại lợi ích cho người dùng, việc giảm phụ phí của beFood còn giúp các quán ăn địa phương có thêm nguồn khách lẻ, khắc phục tình trạng giảm đơn do ngại phụ phí. Chiến lược này của Be vừa nhằm mục tiêu tăng doanh thu cho quán ăn có quy mô vừa và nhỏ, vừa có tác dụng “kích” nhu cầu đặt đơn nhỏ lẻ của các thực khách.

Từ một ứng dụng thuần gọi xe, Be làm thế nào để phát triển thành nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ?

Nguồn: Thanh Niên

Chú trọng xu hướng di chuyển xanh

Chuyển đổi năng lượng xanh là xu hướng đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Và Be cũng đã nhanh chóng cập nhật, góp phần đưa xu hướng mới này đến gần hơn với người dùng Việt.

Tháng 3/2023, Be công bố hợp tác với Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) và VPBank, nhằm mục đích hỗ trợ tài xế Be thuê hoặc mua ô tô, xe máy điện VinFast với chi phí ưu đãi. Ngoài ra, Be Group cũng chia sẻ nền tảng gọi xe với đối tác GSM, bằng cách tích hợp dịch vụ taxi điện Xanh SM (tháng 5/2023), và sau đó là dịch vụ xe máy điện Xanh SM Bike (tháng 9/2023), ngay trên ứng dụng Be.

Theo CafeBiz, sau giai đoạn đầu hợp tác với GSM, Be nhận về nhiều kết quả khả quan khi số chuyến taxi điện hoạt động trên nền tảng liên tục tăng trưởng. Taxi điện hiện chiếm 6% tổng chuyến xe ô tô trên ứng dụng Be mỗi tháng, cao hơn mức trung bình là 2-5% của các nền tảng gọi xe công nghệ khác.

Việc liên tục mở rộng hợp tác với GSM cho thấy Be không chỉ chú trọng đa dạng hoá tiện ích và trải nghiệm cho người dùng Việt Nam, mà còn thực sự nghiêm túc với việc bắt kịp xu hướng di chuyển xanh của toàn cầu.

Từ một ứng dụng thuần gọi xe, Be làm thế nào để phát triển thành nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ?

Be nhanh chóng cập nhật và góp phần đưa xu hướng di chuyển xanh đến gần hơn với người dùng Việt.
Nguồn: CafeBiz

Tóm lại, chiến lược đổi mới về dịch vụ và “bắt tay” với các đối tác lớn để gia tăng trải nghiệm mới cho người dùng là bí quyết giúp Be “lội ngược dòng” thành công sau 5 năm hoạt động. Đồng thời, chiến lược này cũng giúp Be nhanh chóng thích nghi với xu hướng tiêu dùng liên tục thay đổi và đứng vững giữa thị trường nhiều đối thủ cạnh tranh.

* Nguồn: Tổng hợp