Zero to One #11: Vì sao nhà sáng lập cần chuẩn bị kế hoạch thoái vốn?
“Chiến lược rút lui thế nào?” – đây không chỉ đơn thuần là một câu hỏi, mà còn là một bài kiểm tra mà các Venture Capital (VC) dành cho startup, để xem founder và đội ngũ có thực sự hiểu về những điều mình đang và sẽ làm để bảo vệ nhà đầu tư hay không.
Nội dung bài viết được đăng lần đầu tại ProFin – Cộng đồng Chuyên nghiệp về Tài chính Doanh nghiệp và là một dự án của Brands Vietnam.
“Zero to One” là chuỗi bài nhằm phục vụ các startup bước những bước đi đầu tiên trên hành trình khởi nghiệp. Thông qua chuỗi bài này, các founder – những người đang vận hành startup – có thể xác định được hướng đi phù hợp và chiến lược khôn ngoan để dẫn dắt doanh nghiệp của mình đến thành công.
Chiến lược rút lui là gì?
Chiến lược rút lui, hay còn gọi là “chiến lược thoái vốn” – Exit Strategy, là kế hoạch mà nhà đầu tư mạo hiểm hoặc các nhà sáng lập dự định sẽ rút một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình trong công ty. Đối với nhà sáng lập, có rất nhiều lý do khiến họ muốn rút lui khỏi doanh nghiệp trong tương lai. Đó có thể là vấn đề sức khỏe, không còn hứng thú, hay có một dự án khác ý nghĩa hơn, nhận được lời đề nghị mua lại hấp dẫn, hay chỉ đơn giản họ chỉ muốn nghỉ hưu sớm.
Với các nhà đầu tư mạo hiểm (VC), chiến lược rút lui lại mang ý nghĩa khác. Mục tiêu chính của VC thực chất chỉ là tìm kiếm lợi nhuận thông qua “mua thấp – bán cao”. Khi đầu tư vào một startup, điều VC quan tâm đầu tiên là họ sẽ chốt khoản đầu tư này như thế nào. Do đó sẽ không bất ngờ khi founder nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến chiến lược rút lui trong buổi pitching gọi vốn. Các chuyên gia đầu tư mạo hiểm cho rằng – một kế hoạch bài bản cho việc thoái vốn – có thể giúp người sáng lập xác định hướng đi cho công ty tốt hơn.
Các VC thường sẽ cho startup thời gian đủ dài để phát triển, nhưng cũng không muốn đợi quá lâu cho một khoản đầu tư. Trung bình họ sẽ dành một khoảng thời gian từ 5 đến 7 năm. Vì vậy khi gọi vốn, nếu chỉ có chiến lược kinh doanh mà không chuẩn bị gì cho chiến lược rút lui trong 5 đến 7 năm tới, founder sẽ khó để thuyết phục các nhà đầu tư mạo hiểm.
Các chiến lược rút lui tiềm năng
IPO – Chào bán cổ phần ra công chúng
Đây là chiến lược được ưa thích và là mục tiêu mơ ước của các công ty khởi nghiệp. Hầu hết những người sáng lập đều mong muốn startup của mình sẽ nhanh chóng lớn mạnh, và trở thành một trong những gã khổng lồ trong ngành. Khi đó công ty của họ sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển.
Chuyển giao (Pass On)
Chuyển giao thường xảy ra với các công ty gia đình. Tại đó, quyền quản lý sẽ được giao cho thế hệ tiếp theo trong gia đình. Việc chuyển giao cũng có thể dành cho những người nội bộ trong công ty, còn được gọi là management buyout hoặc employee buyout. Đây là trường hợp những người quản lý hay nhân viên đang làm việc trong công ty mua lại vốn góp từ người sáng lập và trở thành cổ đông, tham gia điều hành công ty. Vì đã có thời gian dài gắn bó nên họ sẽ là lựa chọn tốt nhất để vận hành công ty.
Trong các vòng gọi vốn giai đoạn đầu, điều VC thực sự muốn nghe về chiến lược rút lui là “Ai sẽ muốn mua lại công ty này?”.
Mua lại
Theo cách này, các nhà đầu tư hiện tại có thể bán cổ phần cho những nhà đầu tư sau trong các vòng gọi vốn kế tiếp. Các nhà đầu tư mới có thể là các VC khác, hoặc các công ty lớn muốn đề nghị mua lại toàn bộ startup này. Các công ty khởi nghiệp nổi bật thường sẽ nhận được đề nghị thâu tóm bởi những công ty lớn hơn. Đây có thể là một tình huống đôi bên cùng có lợi, vì các công ty lớn thường bỏ ra số tiền khổng lồ để mua các startup đang phát triển với mục đích bổ sung tài nguyên hay phát triển một mảng kinh doanh mới.
Đối với các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp được mua lại, họ có thể thu về một khoản tiền khổng lồ để nghỉ hưu sớm hoặc bắt đầu xây dựng một startup mới. Hay họ sẽ nhận được một vị trí công việc tốt hơn tại công ty đã mua lại doanh nghiệp của họ. Đây cũng là cách các gã khổng lồ công nghệ như Google, Facebook thường dùng để thu hút được nhân tài.
Công ty khởi nghiệp tự mua lại cổ phiếu
Trong một giao dịch mua lại cổ phiếu, công ty khởi nghiệp sẽ mua lại cổ phiếu từ các cổ đông sáng lập, nhà đầu tư thiên thần, hoặc VC. Theo cách này, các VC sẽ nhận lại tiền trực tiếp từ startup thay vì từ các nhà đầu tư mới trong một vòng gọi vốn, một đợt IPO hoặc từ một công ty khác.
Thanh lý và giải thể
Đây là một chiến lược rút lui cuối cùng, khi không còn sự lựa chọn nào khác. Thanh lý thường diễn ra khi công ty làm ăn thất bại dẫn đến phải bán tất cả tài sản và đóng cửa. Sau khi bán tất cả tài sản, tiền thu về sẽ được ưu tiên thanh toán cho các chủ nợ, sau đó mới đến lượt các cổ đông. Với các công ty khởi nghiệp sẽ gặp nhiều bất lợi hơn, nhất là các startup công nghệ, vốn tập trung vào tài sản vô hình, vốn là các tài sản rất khó để thanh lý. Do đó nhà đầu tư tham gia vào startup nhiều khả năng sẽ ra đi tay trắng.
VC quan tâm gì trong chiến lược rút lui?
Khi các nhà đầu tư hỏi về chiến lược rút lui, thực tế họ muốn biết một số điều: thứ nhất là founder và đội ngũ sáng lập sẽ đồng hành cùng startup trong bao lâu, thứ hai là đến cuối cùng khoản đầu tư của họ sẽ có lợi nhuận ước tính là bao nhiêu. Do đó, họ mong muốn các founder sẽ nghĩ về nó một cách nghiêm túc khi gọi vốn.
Trong các chiến lược thoát được đề cập ở trên, VC thường chỉ có hứng thú với 2 phương thức chính, là IPO và được mua lại. Cũng dễ hiểu vì đây là hai chiến lược giúp họ có thể thu về nhiều tiền hơn so với các cách còn lại. Tuy nhiên hãy cẩn trọng với IPO, vì sẽ bị coi là viển vông nếu founder khẳng định công ty sẽ IPO trong khi startup vẫn còn trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là founder sẽ từ bỏ nó. Thay vào đó hãy xem đây là một trong những lựa chọn, và dù xác suất startup sẽ đi đến giai đoạn này là cực kỳ thấp, nhà sáng lập vẫn giữ kỳ vọng và sẵn sàng nắm bắt nếu có cơ hội.
Trong các vòng gọi vốn giai đoạn đầu, điều VC thực sự muốn nghe về chiến lược rút lui là việc founder sẽ bán công ty này cho ai, hay đúng hơn là: “Ai sẽ muốn mua lại công ty này?”. Không bất ngờ khi thấy các công ty khởi nghiệp thường lựa chọn bán mình cho những tập đoàn lớn với giá rất cao. Điển hình như thương vụ Adobe mua lại Figma – startup phần mềm thiết kế đám mây, với mức định giá khủng 20 tỷ USD, cao gấp đôi mức định giá hiện tại của startup này.
Lời giải thích đơn giản cho việc các công ty khởi nghiệp được mua với giá cao vì chúng giúp giải quyết được các vấn đề mà các tập đoàn lớn đang gặp phải. Và với các startup, thay vì lựa chọn trực tiếp đối đầu, cạnh tranh với các ông lớn trong ngành với rất ít cửa thắng, họ sẽ chọn rút lui với khoản tiền lớn, và tiếp tục khởi nghiệp với một ý tưởng khác hoặc nghỉ hưu.
Về phía các VC, họ cũng sẽ an tâm hơn khi đầu tư vào các startup với nhiều tiềm năng sẽ được các ông lớn mua lại với giá cao gấp nhiều lần. Điều này khiến khoản đầu tư của họ mang lại nhiều lợi nhuận hơn với khả năng thành công cao hơn.
Vì thế để có sự chuẩn bị tốt nhất, theo các chuyên gia, founder nên chuẩn bị sẵn danh sách những “ông lớn” sẽ ngỏ lời mua lại công ty, và lý do vì sao startup là mảnh ghép phù hợp cho chiến lược dài hạn của họ. Tất nhiên đây chỉ là dự định, founder sẽ không hứa chắc điều này sẽ xảy ra. Nhưng chính những dự định này sẽ góp phần định hướng các điều khoản đầu tư sau này, cũng như hướng đi trong suốt quá trình đồng hành cùng VC.
Cách founder nên trả lời
Một khi startup khẳng định được vị thế của mình trên thị trường, các chiến lược thoát mới thực sự khả thi.
Đầu tiên cần nhớ rằng câu hỏi này có thể chỉ là một bài kiểm tra. Do đó, tránh tập trung quá nhiều vào việc thể hiện founder sẽ bán công ty này như thế nào, thay vào đó hãy tập trung vào điều cốt lõi – founder sẽ xây dựng công ty này như thế nào. Một khi startup khẳng định được vị thế của mình trên thị trường, các chiến lược thoát mới thực sự khả thi. Công ty đó có thể được các ông lớn để mắt tới và muốn mua lại, như ví dụ về Adobe và Figma ở trên, hoặc lúc này công ty đã đủ tiềm lực tài chính để mua lại cổ phần từ các nhà đầu tư mạo hiểm và hoạt động độc lập.
Theo Steve Barsh, cố vấn cho Dreamit Ventures – một quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên về lĩnh vực Healthtech và Securetech, để trả lời cho câu hỏi chiến lược rút lui, hãy bắt đầu bằng việc nhắc lại “tầm nhìn” của startup. Dưới đây là 3 điều founder cần ghi nhớ để có sự chuẩn bị tốt hơn:
- Đừng quên nó có thể là một bài kiểm tra. VC không tìm kiếm một cơ hội kiếm tiền nhanh. Họ cần tìm một đội ngũ đủ mạnh để tạo ra giá trị cho công ty khởi nghiệp, từ đó làm tăng giá trị khoản đầu tư của họ.
- Trả lời trung thực rằng founder không thể chắc chắn rằng điều gì sẽ đợi ở cuối con đường. Mục tiêu của founder là luôn làm hết sức để đạt các mốc phát triển bền vững, xây dựng một công ty có vị thế và từ đó cơ hội sẽ đến.
- Đừng quá chú trọng quá nhiều về việc sẽ bán công ty như thế nào. Chỉ liệt kê những người mua tiềm năng, và lý do vì sao startup là mảnh ghép phù hợp với họ.
Dưới đây là toàn bộ nội dung chia sẻ của Steve Barsh về cách trả lời câu hỏi “chiến lược thoát của bạn là gì?”.
Tuy phần quan trọng nhất của chiến lược rút lui nằm ở con đường thoát như thế nào, nhưng cũng có một số VC sẽ quan tâm đến giá. Nếu bị hỏi về dự định bán công ty này với giá bao nhiêu khi có cơ hội, điều VC muốn nghe không phải là con số cụ thể, mà là cách để xác định con số đó. Cách tốt nhất là dựa vào các công ty khởi nghiệp đi trước, có mô hình kinh doanh tương tự, đã từng được một công ty khác mua lại với giá bao nhiêu, sau thời gian bao lâu kể từ thời điểm gọi vốn.
Sau đó, founder cần tìm ra “bội số định giá” bằng cách chia giá trị thương vụ với doanh thu một năm gần nhất của startup, rồi lấy bội số này nhân với doanh thu dự tính của công ty bạn tại thời điểm đó. Tất nhiên là số liệu doanh thu dự kiến đã được trình bày trước đó trong bảng kế hoạch kinh doanh. Cũng cần cẩn trọng khi đưa ra mức giá này, vì VC sẽ so sánh chúng với mức định giá hiện tại của startup. Nếu mức giá founder tính được trong trường hợp “rút lui” không đủ cao hoặc thậm chí thấp hơn so với mức định giá hiện tại, VC sẽ thẳng thừng từ chối.
Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nguyễn Dương Anh Khoa
* Nguồn: ProFin