Coolmate: Bí mật đằng sau hành trình của một startup thời trang
Coolmate, thương hiệu thời trang nam đến từ Việt Nam, đã trở thành một trong những câu chuyện thành công đáng nể trong làng startup nước nhà. Với sự tăng trưởng ấn tượng, và một hành trình từ một nhà kho 20m2 đến doanh thu trăm tỷ, Coolmate đã chứng minh rằng họ không chỉ là một thương hiệu thời trang thông thường.
Vậy bí quyết gì đã khiến Coolmate trở thành một trong những startup thời trang thành công nhất thị trường hiện tại? Cùng Style-Republik tìm hiểu nhé!
Bối cảnh khởi đầu của Coolmate: Sự nổi bật trong mê cung thời trang nam
Khi Coolmate chính thức đặt chân vào sân chơi thời trang nam Việt Nam, họ đứng trước một bức tranh thị trường đầy tiềm năng và tràn ngập sắc màu. Khoảng thời gian 2017-2019, người tiêu dùng 9x bắt đầu có xu hướng ăn mặc thoải mái và chấp nhận các sản phẩm nội địa, miễn là chất lượng tốt, giá cả hợp lý và mua sắm tiện lợi.
Nhận thấy tiềm năng của thị trường thời điểm đó, năm 2019, Coolmate bắt đầu từ một ý tưởng đơn giản: Cung cấp quần áo chất lượng cao cho nam giới với giá cả phải chăng.
Tuy nhiên, thay vì “đốt tiền” vào những chiến dịch quảng cáo, marketing rầm rộ, Coolmate chọn đi theo mô hình kinh doanh sinh lời. Trong đó, hầu hết chi phí đều tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như trải nghiệm mua hàng. Điều này đã giúp họ tạo ra một dấu ấn đặc biệt trên thị trường.
Tận dụng xu hướng tiêu dùng trực tuyến
Năm 2019, đặc biệt là thời điểm dịch COVID-19, thương mại điện tử tại Việt Nam bùng nổ hơn bao giờ hết, dịch bệnh và quy định giãn cách đã khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm từ offline sang online. Đặc biệt, thói quen này còn rõ ràng hơn với nam giới, họ thường “lười” khi phải đến từng cửa hàng, mua từng món đồ lẻ tẻ khác nhau (đôi tất, chiếc áo…). Chính vì thế, Coolmate đã tận dụng tối đa công nghệ và xu hướng mua sắm online trong quá trình kinh doanh của mình.
CEO Phạm Chí Nhu cùng những nhà đồng sáng lập đã xây dựng Coolmate theo mô hình mua sắm online với tủ đồ tuỳ chọn cho nam giới, cùng danh mục hơn 20 món đồ cơ bản, giúp người tiêu dùng phái mạnh dễ dàng lựa chọn.
Ngoài ra, Coolmate đã tận dụng các công cụ marketing số, như quảng cáo trực tuyến, mạng xã hội để tiếp cận và thu hút khách hàng. Điều này đã giúp họ tăng trưởng nhanh chóng và mạnh mẽ, kết quả thu về là có tới hơn 80% đơn hàng của Coolmate đến từ website. Dĩ nhiên, đằng sau sự thành công đó là một đội ngũ kỹ sư công nghệ phát triển và tối ưu trang thương mại điện tử từ những ngày đầu.
Không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng
Với một thương hiệu thời trang không có cửa hàng vật lý, điểm chạm của thương hiệu và khách hàng chỉ qua chiếc màn hình điện thoại và máy tính, tạo dựng tốt mối quan hệ và giữ chân khách hàng là một thách thức cực lớn.
Được truyền cảm hứng bởi triết lý kinh doanh của Zappos – một trong những thương hiệu bán giày lớn nhất thế giới, Coolmate đã đưa ra 11 cam kết chăm sóc khách hàng, trong đó nổi bật nhất là cam kết đổi trả hàng miễn phí trong 60 ngày và hoàn lại tiền cho khách hàng trong vòng 24h qua tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, các bưu tá sẽ đến tận nơi để hoàn trả sản phẩm mới.
Ngoài ra, thương hiệu cũng đầu tư vào phát triển website, cũng như đội ngũ chăm sóc khách hàng, thật khó để một thương hiệu thời trang có dịch vụ chăm sóc khách hàng sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi, kể cả chúng khi không thuộc phạm vi sản phẩm và thương hiệu.
Câu chuyện về nguyên liệu và tự hào “Made in Vietnam”
Trái tim của chiến lược R&D của Coolmate nằm ở việc tìm hiểu sâu rộng về nguyên liệu. Họ không ngừng nghiên cứu và phát triển các loại sợi và vải mới cho mỗi dòng sản phẩm. Điển hình, trong năm 2022, họ đã giới thiệu sản phẩm Excool, sử dụng sợi Sorona xuất phát từ sợi ngô, mang lại độ mềm mại gấp đôi so với cotton và có các tính năng như chống UV, chống nhăn và khả năng thấm hút ấn tượng.
Coolmate không theo đuổi mô hình thời trang nhanh, mà thay vào đó, họ tập trung vào việc sử dụng nguyên liệu tái chế và bền vững, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường và phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Lợi thế của Coolmate là khả năng “nội địa hóa” toàn bộ quá trình sản xuất, từ vải, chỉ, đến cúc áo.
Mục tiêu của họ là thiết lập một chuỗi cung ứng hoàn toàn tại Việt Nam, điều này đã trở thành một lợi thế quý giá trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khi chuỗi cung ứng quốc tế gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, việc tập trung vào sản phẩm “Made in Vietnam” không chỉ tạo ra một cảm giác tự hào cho người tiêu dùng mà còn giúp nâng cao uy tín và vị thế của thương hiệu trên thị trường.
Thách thức của hiện tại và tương lai
Những thành công của Coolmate là không thể là chối cãi, với mức doanh thu dự kiến năm 2023 là 400 tỷ đồng, tăng 80 lần so với năm đầu tiên, vị thế của Coolmate trên thị trường luôn khiến các đối thủ phải e dè và ao ước. Tuy nhiên, thương hiệu này cũng đang đón nhận nhiều thách thức trong hiện tại và tương lai.
Thứ nhất, trong bối cảnh các sàn thương mại điện tử như TikTok Shop, Shopee, Lazada, Tiki lớn mạnh và bùng nổ như hiện tại, ngày càng nhiều thương hiệu đối thủ gia nhập cuộc chơi và sẵn sàng đầu tư để phát triển mô hình kinh doanh này, đem đến thách thức cho Coolmate để duy trì vị thế của mình trên thị trường.
Thứ hai, Influencer Marketing bùng nổ, cũng là lúc những KOL, KOC đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp, tuy nhiên, chiến lược marketing gắn liền với người nổi tiếng đã từng rất thành công trước đây của Coolmate (như kết hợp JVevermind…) có lẽ sẽ không còn nhiều hiệu quả nữa. Bởi giờ đây, người tiêu dùng đang dần cảm thấy quá mệt mỏi vì KOL, KOC nào cũng nhận quảng cáo và review sản phẩm, họ không còn phân biệt được đâu mới thực sự là sản phẩm tốt hay chỉ là chiến dịch marketing thông thường.
Influencer Marketing đang trên đà bão hoà, và thách thức này sẽ buộc Coolmate phải thử nghiệm các chiến lược marketing khác.
Kết luận
Coolmate là một ví dụ điển hình cho sự thành công của một startup. Họ đã chứng minh rằng với sự đam mê, quyết tâm và khả năng đổi mới không ngừng, mọi thứ đều có thể đạt được. Hành trình của Coolmate đang và sẽ là một nguồn cảm hứng cho tất cả những ai mong muốn khởi nghiệp và tạo dựng một thương hiệu riêng.
* Nguồn: Style-Republik