Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam?
Tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới lần thứ năm được tổ chức tại TP.HCM vào 19/10 vừa qua, hai vị lãnh đạo cấp cao của tập đoàn Amazon toàn cầu và khu vực đã có những chia sẻ về cam kết xúc tiến thương mại điện tử toàn cầu. Trong khuôn khổ sự kiện còn có phiên thảo luận giữa đại diện chính phủ nước ta và chủ doanh nghiệp nội địa về những yếu tố quyết định sự thành công của mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu online bền vững.
Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử toàn cầu được dự báo đạt mức 28,4% trong giai đoạn 2020-2027. Theo Access Partnership, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027 và doanh thu xuất khẩu từ thương mại điện tử B2C tại Việt Nam cũng được dự kiến tăng hơn 20% mối năm. “B2C-ecommerce” được đánh giá có thể là thế mạnh thứ 5 trong vòng 5 năm tới.
Trong vòng 12 tháng tính đến đầu tháng 9/2023, các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã bán ra 17 triệu sản phẩm cho khách hàng trên khắp thế giới. Song song với đó, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon cũng tăng 50%.
Qua đó, có thể thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia tích cực cũng như nâng cao chất lượng của hàng hóa và thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhằm tìm hiểu đâu là cơ hội tiếp theo để các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng mở rộng danh mục sản phẩm ngành hàng và xây dựng thương hiệu trên thị trường toàn cầu, phiên thảo luận đã diễn ra với sự góp mặt của các diễn giả:
- Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Khu vực miền Nam của Amazon Global Selling Việt Nam.
- Ông Nguyễn Khánh Trình, Nhà sáng lập AGlobal, Nhà cung cấp Dịch vụ Quản lý tài khoản.
- Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA), Bộ Công Thương.
- Bà Tạ Hồng Diệp, Trưởng ban kinh doanh dự án Amazon, Tập đoàn Thiên Long.
- Ông Tony Lee, Giám đốc Điều hành KUNJEK Vietnam.
- Bà Lê Thị Khánh Hà, Giám đốc Truyền thông & Đối ngoại, Amazon Global Selling Việt Nam.
Vai trò của xuất khẩu trực tuyến trong chính sách phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam hiện nay
Trong những năm vừa qua, thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng đã tăng trưởng rất mạnh mẽ. Các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tiếp nhận cũng như áp dụng thương mại điện tử như một phương thức để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Đánh giá về vai trò của xuất khẩu trực tuyến trong chính sách phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam hiện nay, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA), Bộ Công Thương chia sẻ: “Đông Nam Á hiện là khu vực có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới và Việt Nam thuộc top 3 của khu vực này về quy mô và tốc độ tăng trưởng. Ngay cả trong thời điểm đại dịch khó khăn nhất, thương mại điện tử vẫn là một trong những động lực quan trọng để thương mại và kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số.”
“Vào năm 2022, quy mô thương mại điện tử đã đạt 16,4 tỷ USD, và kỳ vọng sẽ tăng trưởng 25% và cán mốc 20,5 tỷ USD vào năm 2023. Mặc dù con số này khi so với toàn ngành bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cả nước còn khiêm tốn, nhưng đây sẽ là một trong những động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho hoạt động thương mại nói riêng và nền kinh tế nói chung, trong bối cảnh tương đối khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước.”
Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu luôn là động lực tăng trưởng của Việt Nam trong 10 năm qua với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp gần hai lần GDP của cả nước. Vì thế, theo bà Việt Anh, thương mại điện tử không chỉ cần phát triển về tốc độ mà còn phải phát triển bền vững. Cụ thể, thương mại điện tử cần được ứng dụng để nâng cao giá trị thương hiệu của sản phẩm Việt Nam, đưa sản phẩm Việt Nam ra thị trường toàn cầu và khẳng định vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu này, một trong những giải pháp là ứng dụng các nền tảng thương mại điện tử sẵn có để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia thương mại điện tử một cách hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu quả của hệ thống thương mại và nền kinh tế Việt Nam nói chung, bà cho biết thêm.
Khó khăn của doanh nghiệp khi gia nhập thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới
Để các nhà bán lẻ hình dung rõ hơn về những khó khăn mà doanh nghiệp có thể gặp phải khi gia nhập thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới, đại diện đến từ 2 doanh nghiệp KUNJEK và Thiên Long đã đưa ra những góc nhìn thực tế từ trải nghiệm của mình.
Ông Tony Lee, Giám đốc Điều hành KUNJEK Vietnam – một doanh nghiệp có kinh nghiệm trong mảng kinh doanh B2B, cho biết quyết định chuyển hướng của KUNJEK sang mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới vào năm 2019 là nhằm mở rộng thị trường và đa dạng hóa tệp khách hàng. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, thương hiệu vẫn gặp không ít khó khăn.
Thứ nhất, doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu. Thương mại điện tử xuyên biên giới là một thị trường mới mẻ với nhiều quy định và thủ tục phức tạp. Doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ về thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, và chuẩn bị các thủ tục pháp lý cần thiết.
Thứ hai, doanh nghiệp không biết sẽ nhận được sự hỗ trợ. Việc xác định đơn vị hỗ trợ là cơ hội để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong thị trường mới.
Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của đội ngũ Amazon Global Selling Việt Nam, KUNJEK đã vượt qua được những khó khăn này và phát triển thành công trên thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới.
“Chúng tôi biết đến sự hiện diện của đội ngũ Amazon Global Selling Việt Nam sau đó, và nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ đội nhóm này. Trong đó, Trung tâm Đào tạo Amazon Day-1 Việt Nam là nơi cung cấp những hướng dẫn chi tiết và cụ thể, giúp các nhà bán hàng mới có thể bắt đầu kinh doanh trên Amazon một cách thuận lợi”, anh Tony chia sẻ cách thức thương hiệu vượt qua rào cản gia nhập thị trường mới.
Trong khi đó, với Thiên Long, một thương hiệu nội địa với nhiều ưu điểm, nhưng khi lần đầu gia nhập thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới vào năm 2023 cũng phải đối diện với thách thức trong việc xây dựng chuỗi cung ứng.
Bà Tạ Hồng Diệp, Trưởng ban Kinh doanh Dự án Amazon, Tập đoàn Thiên Long, chia sẻ: “Ưu điểm của Thiên Long là sở hữu kho dữ liệu lớn về thị trường, sản phẩm và khách hàng, bên cạnh hệ thống R&D, sản xuất hiện đại. Do đó, thương hiệu có thể chủ động tạo ra các sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm hiện có phù hợp với từng thị trường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiểm soát được giá thành và chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng có chất lượng tốt và mức giá cạnh tranh.”
Tuy nhiên, Thiên Long vừa sản xuất, vừa làm thương mại với hàng ngàn mặt hàng, trong đó có cả các sản phẩm mang thương hiệu riêng và các sản phẩm gia công cho đối tác. Việc xây dựng chuỗi cung ứng để đáp ứng các yêu cầu của thị trường Mỹ là một thách thức lớn đối với thương hiệu. Bởi thị trường này có quy định nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn sản phẩm, đồng thời cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu quốc tế.
Trước những thách thức trên, thương hiệu xác định cần đi đường dài với Amazon vì không thể có hiệu quả ngay trong ngắn hạn.
“Chuỗi cung ứng của Amazon là một cỗ máy khổng lồ với những đặc thù riêng. Để thành công trên kênh này, Thiên Long cần vừa đáp ứng được các yêu cầu của Amazon, vừa đảm bảo hoạt động hiệu quả trong tổng thể của doanh nghiệp. Thách thức này vừa là cơ hội để Thiên Long cải thiện chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường Việt Nam và các thị trường khác”, bà Diệp cho biết thêm.
Giải pháp vượt qua thách thức khi gia nhập thương mại điện tử xuyên biên giới
Theo ông Nguyễn Khánh Trình, Nhà sáng lập AGlobal, Nhà cung cấp Dịch vụ Quản lý tài khoản Amazon, các doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện hai điểm sau để gia tăng tính cạnh tranh trên sân chơi thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thứ nhất là tăng cường đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu. Thay vì chỉ tập trung vào sản xuất và bán hàng, doanh nghiệp cần đầu tư vào thiết kế mẫu mã, hình ảnh thương hiệu và quản trị thương hiệu.
Ông Trình cho rằng, sản phẩm của Việt Nam có đầy đủ các yếu tố cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng, giá cả... Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ tập trung vào sản xuất, bỏ qua việc xây dựng thương hiệu. Điều này khiến các sản phẩm của Việt Nam dễ bị lẫn với các sản phẩm của các quốc gia khác, khó tạo được sự khác biệt và cạnh tranh.
Thứ hai là tiếp cận khách hàng trực tiếp. Doanh nghiệp nên chủ động tiếp cận khách hàng trực tiếp, thay vì chỉ phụ thuộc vào các nhà trung gian. Điều này giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn giá cả và chất lượng sản phẩm, đồng thời xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng.
Để minh họa cho luận điểm của mình, ông Trình đưa ra ví dụ về một khách hàng của AGlobal là một nhà sản xuất nhỏ về đồ tắm. Sản phẩm của nhà sản xuất này có chất lượng tốt nhưng giá bán ở Việt Nam chỉ bằng 1/10 so với giá bán ở Mỹ. Sau khi được AGlobal hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tiếp cận khách hàng trực tiếp, nhà sản xuất này đã bán được 100 đơn hàng đầu tiên chỉ trong vòng 2 tháng.
Về phía Amazon Global Selling, ông Gijae Seong chia sẻ: “Nhận thấy phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nền tảng Amazon quyết định triển khai chính sách hỗ trợ phí duy trì tài khoản trị giá 1 USD trong vòng 6 tháng đầu để các nhà bán lẻ mới có thể dễ dàng cân nhắc, thăm dò thị trường và sử dụng công cụ mới”.
Song song với đó, Amazon Global Selling Việt Nam sát cánh với các doanh nghiệp Việt Nam, từ đào tạo nhà bán hàng đến kết nối nhà cung cấp dịch vụ, nhằm giúp họ vượt qua những thách thức khi gia nhập thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trung tâm Đào tạo Amazon Day-1 Việt Nam là nơi cung cấp các khóa đào tạo từ cơ bản đến nâng cao cho doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ và người bán hàng. Các khóa đào tạo này giúp doanh nghiệp hiểu rõ về thị trường, quy trình và công cụ cần thiết để kinh doanh trên Amazon.
Trong năm 2023, đội ngũ Amazon Global Selling Việt Nam bắt đầu chạy chương trình mới chăm sóc nhà bán hàng, nơi đội ngũ Amazon tập huấn cho các nhà bán hàng trong việc tìm hiểu công cụ và thực hành một cách trực tiếp, từ đó xây dựng kế hoạch kinh doanh trên Amazon.
Ngoài ra, nền tảng cũng thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối giữa doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ và người bán hàng. Đây là cơ hội cho các bên chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm kiếm đối tác và hợp tác kinh doanh.
Ngành hàng tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon
Theo ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc khu vực miền Nam của Amazon Global Selling Việt Nam, top 5 ngành hàng tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon đã có sự chuyển dịch trong năm 2023. Cụ thể, ngành hàng nhà cửa, nhà bếp, sức khỏe - chăm sóc cá nhân, may mặc và làm đẹp vẫn tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu, tiếp theo là các ngành hàng chăm sóc sức khỏe cá nhân, thời trang may mặc và làm đẹp.
Ngành hàng nhà cửa vẫn tiếp tục là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam với các sản phẩm gỗ, mây, tre đan được ưa chuộng. Các sản phẩm nổi bật trong ngành hàng này bao gồm bàn ghế ngoài trời, đồ trang trí nội thất, đồ trang trí khu vực làm việc... Lý giải xu hướng trên là do Việt Nam có nguồn nguyên liệu gỗ phong phú và làng nghề truyền thống lâu đời, tạo nên những sản phẩm nội thất độc đáo, khó tìm thấy ở nơi khác.
Ngành hàng chăm sóc sức khỏe cá nhân cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ, với các sản phẩm chủ lực là thực phẩm chức năng và các sản phẩm chăm sóc da, tóc.
Ngành hàng làm đẹp lần đầu tiên lọt vào Top 5, phản ánh nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Mỹ đối với các sản phẩm làm đẹp của Việt Nam, với sản phẩm nổi bật là các công cụ làm đẹp như lông mi giả, móng tay giả…
Tóm lại, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội lớn phát triển xuất khẩu nhờ thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, việc gia nhập thị trường này đầy thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm vững quy định, thủ tục, xây dựng thương hiệu và quản lý tài khoản hiệu quả. Hỗ trợ từ Amazon Global Selling và nhà cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản là giải pháp góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam