Xây dựng thương hiệu bằng tổ chức sự kiện: Xu hướng được các thương hiệu lớn ưu ái
Xây dựng thương hiệu đã và đang trở thành một trong những chiến lược phát triển trọng tâm của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn. Ngoài việc ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng bằng bộ nhận diện, câu chuyện thương hiệu và các chiến dịch truyền thông, nhiều doanh nghiệp lớn đang khai thác xu hướng tổ chức chuỗi sự kiện.
Tại sao chiến lược xây dựng thương hiệu ngày càng được doanh nghiệp chú trọng?
Thương hiệu là tài sản vô hình của doanh nghiệp. Sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp có thể bị sao chép, bị đạo nhái ý tưởng, song thương hiệu là yếu tố trường tồn và không thể bị “ăn cắp”. Không chỉ vậy, thương hiệu còn là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong cuộc chiến giành lòng tin của khách hàng.
Xây dựng thương hiệu qua bộ nhận diện mới mẻ hiện đại, qua cách storytelling hấp dẫn hay các chiến dịch truyền thông viral dường như đã trở thành các phương thức cơ bản. Tại thị trường Việt Nam, một số doanh nghiệp lớn hiện đang theo đuổi chiến lược gia tăng sức mạnh thương hiệu qua hoạt động tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa - thể thao - nghệ thuật nhằm tiếp cận đông đảo các khách hàng tiềm năng.
Chúng ta có thể tìm hiểu xu hướng xây dựng thương hiệu bằng tổ chức sự kiện qua 3 case study điển hình sau:
1. VPBank tiên phong với xu hướng xây dựng thương hiệu bằng âm nhạc
Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật phổ biến, dễ thu hút và có khả năng tiếp cận được nhiều tệp khán giả khác nhau. Chính vì vậy, nhiều ông lớn đã lựa chọn chiến lược xây dựng hình ảnh thương hiệu bằng lễ hội âm nhạc. Nếu thu hẹp phạm vi vào ngành ngân hàng tại Việt Nam, khó có doanh nghiệp nào vượt mặt được VPBank về độ “chịu chơi” trong hoạt động tổ chức đại nhạc hội. VPBank cũng là nhà tiên phong trong xu hướng này khi đã tổ chức thành công nhiều đêm nhạc lớn ngay từ năm 2013.
Vào năm 2013, khi mà chiến lược quảng bá thương hiệu qua các sự kiện âm nhạc còn chưa phổ biến, VPBank đã tổ chức thành công Đêm nhạc Richard Clayderman, rồi sau đó là Kenny G giúp VPBank bắt đầu được gây chú ý trên thị trường. Sau những concert mang phong cách “sang chảnh", VPBank đã trẻ hoá để tiếp cận tới những phân khúc khách hàng trẻ trung hơn với hàng loạt sự kiện âm nhạc tầm cỡ và gần đây nhất là đại nhạc hội Light Up Vietnam, liveshow "29 năm Hòa sắc thịnh vượng"... Với sự đầu tư về địa điểm và dàn lineup nghệ sĩ, nhạc hội của VPBank đã góp phần giúp thương hiệu nâng tầm vị thế của mình trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.
Nhìn chung, tổ chức sự kiện âm nhạc được đánh giá là một “nước cờ” đúng đắn của VPBank và thương hiệu dường như đã xác định đây là một chiến lược để phát triển lâu dài.
2. Sun Life thành công với hàng loạt triển lãm nghệ thuật viral
Bảo hiểm là một trong những ngành sẵn sàng “rót” nhiều ngân sách cho các hoạt động PR và xây dựng thương hiệu. Các thương hiệu top đầu như Bảo Việt và Prudential thường tổ chức hoạt động gây quỹ từ thiện, Manulife và Dai-ichi Life thì dồn ngân sách cho các giải thể thao marathon, chạy bộ. Tại Việt Nam, Sun Life không phải là công ty bảo hiểm nhân thọ Top of Mind, do đó nếu tiếp tục tổ chức các sự kiện quen thuộc kể trên thì thương hiệu khó có thể trở nên nổi bật.
Chính vì vậy, Sun Life đã quyết định đi theo chiến lược xây dựng hình ảnh thương hiệu qua các chuỗi triển lãm nghệ thuật đầy mới mẻ. Một số triển lãm thành công và viral trong cộng đồng giới trẻ của Sun Life phải kể đến “ĐỦ”, “LIT – Bật Sáng”, “Dưới ánh mặt trời - Under the sun”. Ông Lục Nhơn Lý, Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam đã từng chia sẻ tầm nhìn của doanh nghiệp về chiến lược này: “Đó là nơi chia sẻ, giao lưu, thưởng lãm các món ăn tinh thần khi đã đủ về vật chất nhằm hướng tới cuộc sống tươi sáng hơn”. Chuỗi triển lãm và thông điệp đằng sau chính là phương tiện để doanh nghiệp khẳng định sứ mệnh mang đến những khoảnh khắc tươi sáng hơn cho khách hàng và cộng đồng.
Có thể thấy, tổ chức chuỗi triển lãm nghệ thuật đang là hướng đi khác biệt của Sun Life so với các thương hiệu khác trên thị trường nhằm tiếp cận tệp khách hàng trẻ tiềm năng, trí thức và yêu văn hoá nghệ thuật.
3. Techcombank bền vững với các giải chạy “Vượt trội hơn mỗi ngày”
Tổ chức các giải chạy marathon hiện nay có lẽ không phải là một ý tưởng quá đột phá khi trên thị trường đã có khá nhiều doanh nghiệp thực hiện hoạt động này. Tuy nhiên, để tiên phong tổ chức và phát triển các giải chạy thành chuỗi sự kiện thường niên với một thông điệp thống nhất xuyên suốt thì ít có doanh nghiệp nào làm được như Techcombank. Tính đến nay, Techcombank đã tổ chức được 2 mùa Hanoi Marathon và 6 mùa Ho Chi Minh City International Marathon.
Không đơn thuần là một sự kiện thể thao mang lại lợi ích sức khỏe cho cộng đồng, các giải chạy của Techcombank đã trở thành cầu nối quảng bá du lịch đất nước đến với bạn bè quốc tế. Hà Nội Marathon Techcombank mùa 2 đã có sự tham gia của gần 250 vận động viên quốc tế đến từ 39 quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Uganda, Kenya, Nhật Bản, Singapore,... Đặc biệt hơn, Techcombank còn thể hiện được tinh thần trách nhiệm xã hội trong các sự kiện của mình một cách tinh tế. Cụ thể, cũng trong Hà Nội Marathon mùa 2, ban tổ chức đã dành một phút mặc niệm trang trọng để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn tại Hà Nội và lũ quét tại Lào Cai.
Marathon Techcombank lan tỏa tinh thần "Bước chạy vì một Việt Nam vượt trội"
Dễ thấy, việc tổ chức chuỗi giải chạy marathon đang là hướng đi hiệu quả cho Techcombank nhờ xu hướng quan tâm tới sức khoẻ cùng với phòng trào chạy bộ ngày càng phát triển tại Việt Nam. Trong tương lai, hoạt động này có thể sẽ tiếp tục là chiến lược phát triển dài hạn của thương hiệu.
Xây dựng thương hiệu ngày càng trở nên cấp thiết trong cuộc chiến tranh giành tầm ảnh hưởng và thị phần của các doanh nghiệp. Và hiện tại, tổ chức sự kiện đặc biệt là các sự kiện âm nhạc, thể thao nghệ thuật quy mô lớn vẫn là một giải pháp quảng bá hình ảnh mang lại hiệu quả tích cực về truyền thông. Tuy nhiên để sự kiện mang tính lan toả rộng rãi cần một sự đầu tư không hề nhỏ vì vậy giải pháp này sẽ chưa thể phù hợp đối với các doanh nghiệp SMEs, chưa có ngân sách lớn cho hoạt động xây dựng thương hiệu.