Marketer Nguyễn Tô Thanh An
Nguyễn Tô Thanh An

Senior Content Executive @ Brands Vietnam

Thời kỳ hoàng kim của mạng xã hội đang dần kết thúc?

Thời kỳ hoàng kim của mạng xã hội đang dần kết thúc?

Hơn một thập kỷ vừa qua, những mạng xã hội đình đám như Facebook, Instagram và Twitter đã giúp mọi người kết nối với nhau dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi những cái tên trên có tham vọng tăng trưởng ngày càng lớn, đó không chỉ là nơi để kết nối mà đang dần trở thành nền tảng giải trí và khiến nhiều người dùng cảm thấy chán nản.

* Bài viết được lược dịch từ bài viết gốc “Great news — social media is falling apart” đăng trên Business Insider. Đây là góc nhìn của Shubham Agarwal – một cây viết quen thuộc về chủ đề công nghệ với nhiều bài viết được đăng tải trên các trang uy tín như Wired, The Verge, Fast Company…

Vài năm gần đây, tôi gần như là một “bóng ma” trên mạng xã hội. Tôi đã không đăng gì trên Instagram kể từ tháng 12 năm ngoái. Đối với Twitter (tiền thân của X), khi trước tôi thường “tweet” vài lần trong một ngày, còn giờ thì vài tuần tôi mới “tweet” một lần. Với Facebook và Snapchat, tôi còn chẳng nhớ lần cuối mình đăng nhập là khi nào. Trên thực tế thì không chỉ riêng tôi, nhiều người cũng ngày càng dành ít thời gian hơn cho mạng xã hội.

Hơn một thập kỷ vừa qua, những mạng xã hội đình đám như Facebook, Instagram và Twitter đã giúp mọi người kết nối với nhau dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi những cái tên trên có tham vọng tăng trưởng ngày càng lớn, đó không chỉ là nơi để kết nối mà đang dần dần trở thành nền tảng giải trí. Khi các “ông lớn” bắt đầu cho xuất hiện vô số nội dung quảng cáo và được tài trợ bởi đối tác, nhiều người dùng cảm thấy chán nản và muốn chuyển sang những nền tảng khác.

Các nền tảng mạng xã hội đang dần trở thành nền tảng giải trí và bán hàng, chứ không chỉ là nơi giúp mọi người kết nối với nhau nữa.
Nguồn: Meta

Việc sử dụng mạng xã hội giống như là một “trải nghiệm nhàm chán và ngột ngạt tại một trung tâm mua sắm”, còn những nhóm nhắn tin là “một bữa ăn tối thân mật tại nhà một người bạn”.

Cũng giống như nhiều người trẻ khác, tôi bắt đầu “ẩn mình” khỏi mạng xã hội bằng cách chỉ duy trì liên lạc với những mối quan hệ thân thiết bằng các nhóm nhắn tin (group chats). Trong những không gian chia sẻ riêng tư với bạn bè và gia đình như thế, tôi không cảm thấy áp lực rằng mình phải chia sẻ nhiều thứ trên mạng xã hội để tìm kiếm các cơ hội làm việc tiềm năng.

Không chỉ vậy, tại những không gian này, tôi cũng thoát khỏi những nội dung tài trợ và các chiến dịch quảng cáo của các thương hiệu. Với tôi, việc sử dụng mạng xã hội giống như là một “trải nghiệm nhàm chán và ngột ngạt tại một trung tâm mua sắm”, còn những nhóm nhắn tin là “một bữa ăn tối thân mật tại nhà một người bạn”.

Nhiều người có xu hướng "ẩn mình" khỏi mạng xã hội và chỉ duy trì liên lạc với những người thân thiết qua các phương tiện nhắn tin, chẳng hạn như iMessage.
Nguồn: 9to5Mac

Nhiều người dùng cũng đang tìm kiếm những nền tảng mới, bởi vì sự xuống cấp trầm trọng của những “ông lớn”. Một số mạng xã hội mới ra mắt sau này đang cố gắng mang lại trải nghiệm kết nối đơn thuần mà không “hỗn tạp” như các nền tảng phổ biến hiện nay. Vài cái tên khác lại đang thử nghiệm những ý tưởng mới mẻ để tái xây dựng lại khái niệm mạng xã hội.

Tiếc thay, cho đến nay, chưa có cái tên mới nào có đủ khả năng cạnh tranh với các tên tuổi đã có độ phổ biến cao, song có nhiều thứ mà người dùng có thể kỳ vọng ở những tên tuổi mới này. Nguyên nhân là vì ngày càng có nhiều người mệt mỏi và chán nản với sự độc hại và có tính gây nghiện cao, cũng như hạ thấp giá trị của những kết nối xã hội chân thực. Do đó, sự xuất hiện của những nền tảng mới có thể góp phần tạo ra một môi trường trực tuyến lành mạnh hơn.

Dù còn nhiều thứ chưa rõ ràng về tương lai của mạng xã hội, có một điều rõ ràng rằng đó không còn là “sân chơi” riêng của các ông lớn. Tuy nhiên, đó không hẳn là cột mốc đánh dấu sự kết thúc, mà có thể là sự mở đầu cho một kỷ nguyên mới tươi sáng hơn. Vì thế, xin chào mừng đến với Kỷ nguyên Phân mảnh của Mạng xã hội (Great Social Media Splintering).

Kỷ nguyên “đa vũ trụ” (pluriverse) của mạng xã hội đang đến gần?

Ông Ben Grosser –  Một nghệ sĩ và Trợ giảng tại Trung tâm Internet & Xã hội Berkman Klein thuộc Đại học Harvard từng nói với tôi rằng những nền tảng lớn như Facebook vốn dĩ đã không còn theo đuổi lý tưởng giúp mọi người kết nối với nhau, mà đang tìm mọi cách để phục vụ cho mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng. Cũng vì thế, có hàng loạt nghiên cứu đã chỉ ra việc thay đổi sự ưu tiên của các công ty lớn đã khiến cuộc sống hàng ngày của nhiều người dùng trở nên tồi tệ hơn.

Một nghiên cứu gần đây thực hiện cho thấy rằng mạng xã hội góp phần gia tăng chứng rối loạn ăn uống, cùng với sự không hài lòng về hình thể của bản thân ở nam giới và nữ giới. Sau khi các nhà nghiên cứu đã tập hợp lại những người có quan điểm khác nhau trong một buổi gặp gỡ giấu mặt, họ nhận ra rằng hóa ra công nghệ không hề mang con người lại gần nhau hơn mà còn gia tăng tính phân cực trong xã hội. Khi nhìn ở bức tranh lớn hơn, điều đó có nghĩa là việc luôn sử dụng mạng xã hội không phù hợp với bản chất tự nhiên của con người. Rõ ràng, người dùng không dành nhiều thời gian để trò chuyện, trong khi đăng tải bài viết cho hàng nghìn người mỗi ngày vô tình khiến khả năng giao tiếp trực tiếp ngày càng suy giảm.

Theo nhiều nghiên cứu, mạng xã hội góp phần gia tăng chứng rối loạn ăn uống, cùng với sự không hài lòng về hình thể của bản thân ở nam giới và nữ giới.
Nguồn: Carol Yepes / Getty Images

Dù còn nhiều thứ chưa rõ ràng về tương lai của mạng xã hội, có một điều rõ ràng rằng đó không còn là “sân chơi” riêng của các ông lớn.

Dẫu có nhiều khuyết điểm là thế, tôi vẫn có sự phụ thuộc nhất định vào các nền tảng phổ biến. Công việc của tôi là một nhà báo tự do, vậy nên tôi cần liên tục tạo ra nội dung để tiếp cận với khán giả đại chúng. Do đó, dù chán nản và không muốn dùng mạng xã hội, có một vấn đề lớn hơn khiến tôi quan ngại: Đó là tôi nên dùng nền tảng nào đây? Không phải là tôi không đăng tải những bài viết của mình nữa, chỉ là tôi không biết nên đăng ở đâu.

Trong gần một năm vừa qua, tôi cảm thấy bất lực khi chuyển đổi qua lại giữa Discord, Threads và Bluesky. Tôi đã thử dùng tất cả những ứng dụng trên. Thế nhưng, mọi thứ đều rơi vào một khuôn mẫu như sau: Khi có một nền tảng mới xuất hiện, tôi đăng ký dùng thử và nhanh chóng từ bỏ chỉ sau vài ngày sử dụng. Nhiều năm về trước, việc chuyển đổi diễn ra rất suôn sẻ. Ví dụ, tôi đã từng chuyển từ Google Orkut – một nền tảng rất phổ biến ở Ấn Độ và Brazil vào một thập kỷ trước – sang Facebook, chuyển đến Instagram và mới nhất là TikTok. Trước đây, tôi chưa bao giờ cảm thấy chán nản và hoang mang như hiện tại. Nếu không có bất cứ nền tảng mới nào trở thành một “Facebook thế hệ mới” trong tương lai, điều gì sẽ xảy ra?

Theo ông Chand Rajendra-Nicolucci – Nhà nghiên cứu về Hạ tầng Kỹ thuật số Công cộng tại Đại học Massachusetts Amherst, hiện tại thì lĩnh vực mạng xã hội đang bắt đầu quá trình khởi động lại, cũng như có thể trở nên riêng tư và phân mảnh hơn trong tương lai. Trong một tài liệu nghiên cứu có sự tham gia thực hiện của ông được xuất bản vào tháng 4/2023, ông và các đồng tác giả đã hình dung ra một hệ sinh thái mạng xã hội “đa vũ trụ”, bao gồm nền tảng sẵn có, cùng với những cái tên khác có quy mô nhỏ hơn  nhằm phục vụ cho nhu cầu của từng cộng đồng.

Dù còn nhiều thứ chưa rõ ràng về tương lai của mạng xã hội, có một điều rõ ràng rằng đó không còn là “sân chơi” riêng của các ông lớn.
Nguồn: Futuro Prossimo

Khi nhìn ở bức tranh lớn hơn, việc luôn sử dụng mạng xã hội không phù hợp với bản chất tự nhiên của con người.

Thực tế thì hệ sinh thái “đa vũ trụ” đó vốn dĩ đã tồn tại rồi. Mọi người có thể hoạt động trên hàng tá ứng dụng mạng xã hội với từng mục đích và đối tượng riêng. Đối với những nền tảng “công khai” như LinkedIn và Twitter, tôi luôn có sự cẩn trọng bởi vì đó là một công cụ để nội dung của tôi có thể tiếp cận với số đông người dùng. Tuy nhiên, với mục đích giao tiếp, tôi thường dùng các ứng dụng riêng tư hơn, chẳng hạn như iMessage và danh sách bạn thân trên Instagram. Tại đó, tôi có thể nói lên những thứ bản thân thật sự muốn nói. Hệ sinh thái “đa vũ trụ” này cũng tương đối ổn dù vẫn có vài phần hơi “chắp vá”.

Môi trường trực tuyến lý tưởng sẽ giống như một “thị trấn”?

Dẫu các cuộc trò chuyện trong nhóm riêng tư có thú vị thế nào, tôi vẫn nhớ về những trải nghiệm quý giá mà các mạng xã hội lớn từng mang lại. Đó là nơi tôi có thể tìm thấy những nội dung “viral”, mở rộng mạng lưới quan hệ và tham gia vào các cuộc thảo luận với quy mô toàn cầu. Theo bà Rebecca Rinkevich – Giám đốc của Institute for Rebooting Social Media, các nền tảng phổ biến hiện nay sẽ không sụp đổ trong một sớm một chiều, bởi vì họ có phạm vi tiếp cận rất lớn và có vai trò đủ quan trọng trong việc theo dõi các hoạt động xã hội, cũng như những khủng hoảng liên quan đến môi trường và thiên nhiên. Thế nhưng, khi sự chú ý của người dùng bị phân tán rải rác trên hàng chục ứng dụng, bà Rinkevich nói rằng “chính phủ và cơ quan hành chính sẽ phải can thiệp nhiều hơn vào những nền tảng trực tuyến”.

Trong khi đó, ông Mike McCue – CEO của công cụ tổng hợp tin tức Flipboard lại tin rằng mạng xã hội nổi tiếng tiếp theo phải mang lại lợi ích cho cả hai phía. Ông nói thêm, điều đó nghĩa là xây dựng được niềm tin với các cộng đồng nhỏ, cũng như sự minh bạch trong khả năng tiếp cận với hàng triệu người dùng. Tuy nhiên, không có một nền tảng nào có thể làm hài lòng tất cả, vậy nên tương lai của mạng xã hội sẽ giống như một mạng lưới các ứng dụng cung cấp cho người dùng những trải nghiệm tùy biến. Như vậy, một hệ thống lý tưởng nhất không chỉ cho phép người dùng có chuyển qua chuyển lại mà không bị mất tài khoản và những mối quan hệ đã kết nối. Không chỉ vậy, người dùng còn có thể đăng bài ở một nền tảng này và nhận được bình luận của một người bạn từ ứng dụng khác.

Ví dụ như Threads, ứng dụng của Meta được phát triển nhằm thay thế Twitter. Được biết, nền tảng này vận hành trên giao thức ActivityPub, tức là hơn 100 triệu người dùng của Threads có thể tương tác với Mastodon — mạng xã hội mã nguồn mở có cùng hệ thống mã hoá — mà không cần đăng ký tài khoản. Tương tự, với Mastodon, người dùng có thể xây dựng cộng đồng nhỏ và có tính riêng tư cao, đồng thời vẫn có thể thêm lựa chọn chia sẻ nội dung với 10 triệu người dùng trên nền tảng.

Hơn 100 triệu người dùng của Threads có thể tương tác với Mastodon — mạng xã hội mã nguồn mở có cùng hệ thống mã hoá — mà không cần đăng ký tài khoản.
Nguồn: Mastodon

Hãy thử hình dung về cách sử dụng mạng xã hội như là một “thị trấn”. Có thể “ngôi nhà” của bạn nằm trong “khu phố” Mastodon và Threads. Như thế, bạn sẽ dành nhiều thời gian trong “ngôi nhà” riêng tư để trò chuyện với những người bạn thân thiết, đồng thời có thể ra ngoài đi dạo xem đang có chuyện gì diễn ra với một nhóm bạn nhỏ trong “thị trấn” mà bạn thích dành thời gian trên môi trường trực tuyến. Thỉnh thoảng thì bạn có thể đến những “quảng trường toàn cầu” để cập nhật thông tin về những cộng đồng khác nhau trên thế giới. Đôi khi bạn có thể tham gia, đóng góp vào những cuộc thảo luận đó, hoặc quảng bá cho công việc của mình.

Một hệ thống mở và phi tập trung như thế sẽ phá vỡ bức tường kiên cố của những “khu vườn” của những nền tảng lớn, vốn mang lại nhiều tác động tiêu cực. Thay vì hoạt động trên Facebook và phải tuân theo “luật chơi” họ đặt ra, cách tiếp cận phi tập trung như trên sẽ giúp người dùng có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với trải nghiệm dùng mạng xã hội, cũng như cho phép họ được lựa chọn cộng đồng, nguồn dữ liệu tùy theo sở thích và mối quan tâm.

Dù hai cái tên được nhắc đến phía trên triển khai kế hoạch kinh doanh, song không khó để dự đoán được rằng Threads sẽ chèn quảng cáo vào ứng dụng, còn Mastodon có thể bổ sung hình thức quyên góp và tài trợ. Bởi vì mô hình kinh doanh góp phần định hình cách thức hoạt động của nền tảng, người dùng có thể tự do lựa chọn và thiết lập ở ứng dụng họ thích.

Trong vài tháng vừa rồi, tôi đã sử dụng Mastodon và Bluesky, đồng thời nhận ra đây là những nền tảng phù hợp để thay thế Twitter. Dẫu vậy, những ứng dụng này lại không tương thích với nhau, cũng không có quy mô đủ lớn để thay thế những “kẻ khổng lồ” hiện tại. Dù đang có những nỗ lực để kết nối người dùng từ các mạng xã hội khác nhau, chưa có tên tuổi nào thật sự làm được điều đó. Như vậy, nếu những nền tảng này có thể kết hợp với nhau để thành một hệ sinh thái lớn hơn, các “ông lớn” buộc phải thay đổi để thích ứng với thời đại. 

Liệu môi trường trực tuyến trong tương lai có trở nên lành mạnh hơn?

Theo ông Steve Teixeira — Chief Product Officer tại Mozilla, các mạng xã hội đang cố làm nhiều thứ cùng một lúc, từ việc cập nhật thông tin nhanh chóng, dễ dàng tìm thấy những ý tưởng sáng tạo mới lạ và tiếp cận các sản phẩm — dịch vụ… nhưng lại không thật sự làm tốt. 

Khi người dùng có nhiều quyền kiểm soát hơn về trải nghiệm trực tuyến trên mạng xã hội thì những tác động tiêu cực về sức khỏe tinh thần sẽ ngày càng giảm đi.
Nguồn: Meta

Một vấn đề khác là người dùng có rất ít quyền kiểm soát trải nghiệm trực tuyến của họ. Nghiên cứu cho thấy lượng tin tức quá tải trên mạng xã hội có thể gây ra tình trạng căng thẳng, lo âu và thiếu ngủ. Khi các nền tảng trở nên phân mảnh hơn và mang lại nhiều sự lựa chọn, người dùng có thể kiểm soát nhiều hơn về trải nghiệm sử dụng, từ đó giúp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực về mặt sức khoẻ. Khi đó, những người quan tâm về vấn đề bảo mật dữ liệu có thể hoạt động trong không gian riêng tư của họ. Những người không muốn nhìn thấy quá nhiều nội dung “hỗn tạp” có thể lựa chọn nguồn cấp dữ liệu ưa thích, hoặc các nhà hoạt động xã hội vẫn có thể lan tỏa thông điệp đến hàng triệu người.

Việc điều chỉnh các nền tảng mạng xã hội theo nhu cầu của người dùng có thể là một cuộc cách mạng hóa về cách con người hoạt động trên môi trường trực tuyến. Các chuyên gia của một nghiên cứu khác cũng phát hiện ra rằng một tập hợp các mạng xã hội sẽ tối ưu hoá lợi ích của từng cá nhân, chứ không chỉ là lợi ích công cộng. Hơn nữa, điều đó cũng hạn chế tình trạng mà các nền tảng phổ biến hiện nay gặp phải là “sự ám ảnh không lành mạnh” với số liệu và các tương tác vô nghĩa.

Cuối cùng, việc dự đoán tương lai chưa bao giờ là một điều dễ dàng, đặc biệt là môi trường trực tuyến — nơi mà các ứng dụng mới có thể nhanh chóng “viral” và rồi biến mất chỉ trong chớp mắt. Rõ ràng, không ai biết rằng mạng xã hội phổ biến tiếp theo sẽ như thế nào. Dù thế, cho đến khi ứng dụng đó xuất hiện, tôi vẫn mong là mình sẽ được hoạt động trong một môi trường trực tuyến phân mảnh và dễ dàng chuyển đổi qua lại.

Theo Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Business Insider