Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Tiếp thị mùi hương #3: Lan tỏa các “điểm chạm” mùi hương

Tiếp thị mùi hương #3: Lan tỏa các “điểm chạm” mùi hương

Trong cuộc sống, ta thường bắt gặp mùi hương dưới nhiều “tấm áo” khác nhau như một chai nước hoa, một lọ nến, và cũng có khi mùi hương lại được ẩn bên dưới một tấm biển quảng cáo hay “len lỏi” trong từng ngóc ngách của không gian ta lui đến.

Vậy rốt cuộc, có “bí mật” nào đằng sau những không gian mang mùi hương đặc trưng? Công nghệ nào đã và đang được sử dụng để mùi hương có thể len lỏi vào từng ngõ ngách? Những phương pháp đang được sử dụng để tỏa hương sẽ là câu chuyện được kể trong số thứ 3 của “Tiếp thị mùi hương” (Scent Marketing).

“Tiếp thị Mùi hương” (Scent Marketing) là series chuyên môn của Brands Vietnam hợp tác cùng anh Nguyễn Thế Anh, Co-founder của AN Scent. Series sẽ đưa các bạn đi từ những hiểu biết nền tảng nhất về mùi hương, đến cách mà các thương hiệu xây dựng chiến lược đem mùi hương gắn với trải nghiệm khách hàng.

* Trong số trước, anh Thế Anh có chia sẻ rằng hiện tại có rất nhiều hình thức/ phương pháp để truyền tải hương khác nhau tùy vào điều kiện và không gian sử dụng. Vậy đâu là những yếu tố sẽ tác động đến việc lan tỏa mùi hương mà thương hiệu cần lưu ý để lựa chọn được phương pháp phù hợp?

Thứ nhất là yếu tố không gian. Đối với không gian nhỏ như trong một căn phòng, trong xe hơi hay một nhà hàng nhỏ thì mình vẫn có thể sử dụng nhiều phương pháp tỏa hương khác nhau, chẳng hạn như khuếch tán que, khuếch tán bằng máy hoặc có thể sử dụng nến thơm. Tương tự như ở các spa, ta cũng có thể dùng dạng xông máy hay nến.

Tiếp thị mùi hương #3: Lan tỏa các “điểm chạm” mùi hương

Nguồn: AN Scent

Nếu không gian nhỏ chỉ cần một lọ hương, một vài que là đã đủ để khách hàng cảm nhận, thì đối với các không gian lớn như trung tâm thương mại, hội chợ, sảnh khách sạn… các máy phun/ khuếch tán mùi hương hay các máy xông, máy đẩy hương nguyên chất 100% được ưu tiên sử dụng để bảo đảm bảo mùi hương được lan tỏa đồng đều và rộng khắp.

Nhỏ hơn nữa, sử dụng cho “không gian của mỗi cá nhân” thì có thể là các chai nước hoa dạng xịt quen thuộc, hoặc các dạng chai lăn, chấm, sáp.

Hình thức của từng sản phẩm, dịch vụ cũng là yếu tố quan trọng tác động đến phương pháp lan tỏa hương.

Với các đơn vị đang cung cấp các dịch vụ như spa, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, ngoài việc đặt các máy khuếch tán, nến hoặc sản phẩm có mùi trong các không gian chung và riêng tư thì các sản phẩm đi kèm như sữa tắm, dầu gội, lotion, dưỡng thể và các sản phẩm chăm sóc cá nhân có mùi thơm khác cũng làm tăng cường trải nghiệm của khách hàng.

Đối với dịch vụ nhà hàng, mùi thơm được phát tán qua máy, nến, khuếch tán que hoặc mùi thơm từ khăn, sản phẩm rửa tay… cũng góp phần tạo cảm giác ngon miệng và hài lòng của khách hàng.

Trong khi đó với không gian văn phòng, những mùi hương có tác dụng thúc đẩy sự tỉnh táo, suy nghĩ tích cực như cà phê, mùi citrus (mùi cam quýt) cũng được sử dụng phổ biến.

Cuối cùng, không thể bỏ qua yếu tố mang tính hoàn cảnh nhưng cũng có tác động khá lớn là thời gian, mùa và các sự kiện đặc biệt trong năm. Nếu mùi trái cây thường phù hợp với mùa hè vì tạo ra cảm giác sôi động, năng lượng thì các loại nến có mùi ấm như gỗ, rượu lại đặc biệt phù hợp cho các thời điểm trời lạnh và mát như cuối năm.

Tiếp thị mùi hương #3: Lan tỏa các “điểm chạm” mùi hương Tiếp thị mùi hương #3: Lan tỏa các “điểm chạm” mùi hương Tiếp thị mùi hương #3: Lan tỏa các “điểm chạm” mùi hương

Nếu mùi trái cây thường phù hợp với mùa hè vì tạo ra cảm giác sôi động, năng lượng thì các loại nến có mùi ấm như gỗ, rượu lại đặc biệt phù hợp cho các thời điểm trời lạnh và mát như cuối năm.
Nguồn: Envato

* Ưu và nhược điểm của mỗi phương pháp khuếch tán là gì?

Có thể nói, những phương pháp khác nhau lại mang đến những trải nghiệm khác nhau. Tùy theo tính chất của sản phẩm/ dịch vụ và mục đích sử dụng mà chúng ta nên lựa chọn phương pháp tỏa hương phù hợp và an toàn.

Chẳng hạn như ưu điểm của hình thức khuếch tán que là rất an toàn và thân thiện với môi trường, chúng ta không cần một nguồn năng lượng như điện hay phải đốt lên mà vẫn đảm bảo được độ tỏa hương trong một không gian nhất định. Dù vậy, với những sản phẩm như nến thì ngoài mùi hương, ánh lửa của nến còn có tác dụng thư giãn.

Tùy theo tính chất của sản phẩm/ dịch vụ và mục đích sử dụng mà lựa chọn phương pháp tỏa hương phù hợp và an toàn.

Các hình thức khuếch tán trong không gian lớn hơn thì ngoài vấn đề về vị trí thiết bị phun/ xông và kiểm soát không gian, thì cũng cần phải đảm bảo sự tự nhiên vừa đủ của mùi hương để không gây “tác dụng phụ” cũng như đảm bảo các vấn đề về an toàn với sức khỏe, như tôi đã nói ở trên.

Những chai nước hoa thì trông rất tinh tế, sang trọng, đặc biệt là đối với việc biếu tặng, trưng bày. Nên đây là hình thức được lựa chọn khá phổ biến trong các chiến lược tiếp thị mùi hương, khi bất cứ trải nghiệm mùi hương nào cũng có thể được “đóng gói” và gửi tặng khách mang về để lưu giữ trải nghiệm.

Một thách thức đối với những nhà làm hương và sản phẩm mùi hương đó là họ phải làm sao để một mùi hương có thể được sử dụng với nhiều dạng khác nhau, không bị bó buộc như hương này phải dùng cho nến hay hương kia chỉ có thể sử dụng cho khuếch tán que. Vì vậy, thực chất bản thân mùi hương không bị bó buộc phải dùng cách nào để lan tỏa mà quan trọng là những rào cản về kỹ thuật hoặc mong muốn của người sử dụng.

Tiếp thị mùi hương #3: Lan tỏa các “điểm chạm” mùi hương

Một thách thức đối với những nhà làm hương và sản phẩm mùi hương đó là họ phải làm sao để một mùi hương có thể được sử dụng với nhiều dạng khác nhau mà không bị bó buộc.
Nguồn: Envato

* Anh Thế Anh có thể chia sẻ thêm một số công nghệ đang được sử dụng để làm cho mùi hương khi được lan tỏa trở nên đặc biệt hơn, góp phần nâng tầm trải nghiệm khách hàng?

Việc lan tỏa mùi hương theo nhiều cách thú vị đến từ sự sáng tạo trong việc vận dụng nhiều công nghệ khác nhau, chứ không phải là “công nghệ dành riêng cho mùi hương”.

Chẳng hạn, một ý tưởng khá phổ biến có thể kể đến đó là sử dụng màn hình cảm ứng hoặc các nút nhấn tỏa hương để khuyến khích tương tác. Điều này không chỉ tạo sự gắn kết hơn với khách hàng mà còn tăng khả năng ghi nhớ và lưu giữ thương hiệu trong tâm trí của khách hàng thông qua kết hợp giữa tương tác hình ảnh và mùi hương.

Một ý tưởng khác đó là thương hiệu tạo ra một chiếc ốp lưng có tích hợp sẵn nhiều mùi hương, kết nối với một app qua bluetooth, và có thể được kích hoạt bằng cách chọn trong app. Giống như “1 chai nước hoa công nghệ”, cách làm này không những giúp định vị mùi hương cho thương hiệu, mà còn khuyến khích tăng tương tác với app và thời gian sử dụng app. Chiếc ốp lưng này có thể được sản xuất với số lượng không nhiều, chủ yếu là tạo sự hứng thú trên social, khiến người dùng bàn tán chia sẻ nhiều hơn.

Thực chất, bản thân mùi hương không bị bó buộc phải dùng cách nào để lan tỏa mà quan trọng là những rào cản về kỹ thuật hoặc mong muốn của người sử dụng.

Hay như việc tận dụng công nghệ Motion Sense để tạo ra trải nghiệm đa chiều hơn trong các sự kiện lớn. Khi người dùng di chuyển hoặc tương tác với sản phẩm, hệ thống sẽ khuếch tán mùi hương tương ứng, kết hợp cảm quan hình ảnh với mùi hương để tạo nên trải nghiệm tương tác sống động.

Tuy nhiên, thương hiệu cần cân nhắc kỹ lưỡng trước việc sử dụng mùi hương cho các quảng cáo ngoài trời, khi mà không gian ngoài trời, không gian rộng khó kiểm soát hiệu quả mùi hương, sự hòa lẫn với mùi hương xung quanh và cần chi phí, lắp đặt, thiết bị để mùi hương phát huy hiệu quả tốt trong các không gian mở.

* Vậy còn việc khuếch tán, ứng dụng của mùi hương trong việc chăm sóc sức khỏe thì sao?

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao hương thơm có thể làm cho bạn cảm thấy dễ chịu? Do khứu giác của bạn tình cờ được kết nối với phần nguyên thủy nhất của não, nơi đan xen giữa cảm xúc và trí nhớ, vì vậy khi hít vào một mùi hương, nó có thể kích hoạt phản ứng cảm xúc tức thì hoặc hoài niệm về một ký ức.

Và do đó, chúng ta có thể sử dụng hương thơm để kiểm soát tâm trạng, nhắc nhở chúng ta về những người và những nơi chúng ta yêu thích, thậm chí giúp ích cho các khía cạnh cụ thể của sức khỏe tinh thần. Vì vậy, đối với việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, hương thơm đóng vai trò quan trọng do những lợi ích đáng chú ý mà nó có thể đem lại: từ cải thiện tâm trạng đến giảm căng thẳng.

Một số phương pháp phổ biến hiện nay:

  • Aromatherapy: Sử dụng các tinh dầu tự nhiên từ các loại thảo dược và cây cỏ để tạo ra mùi hương kích thích tinh thần và cải thiện tâm trạng.
  • Yoga và Thiền Quán: Trong các phiên tập yoga và thiền quán, mùi hương như trầm hương, gỗ sồi có thể giúp tạo ra một không gian thư giãn, giúp tăng cường sự tập trung và giảm căng thẳng.
  • Spa và Trị liệu: Các trung tâm spa thường sử dụng một số loại thảo mộc tự nhiên có mùi hương dịu nhẹ như lavender (hoa oải hương), gừng, sả chanh để tạo môi trường thư giãn giúp tăng cường hiệu quả các liệu pháp chăm sóc tinh thần và cơ thể. Mùi hương có thể kích thích quá trình giãn cơ và giúp giảm đau nhức.

Tiếp thị mùi hương #3: Lan tỏa các “điểm chạm” mùi hương

Đối với việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, hương thơm đóng vai trò khá quan trọng.
Nguồn: Envato

Những phương pháp này đa phần đều sử dụng hình thức đốt nến, xông tinh dầu, hoặc mạnh hơn là máy xông/ máy khuếch tán, kết hợp với âm thanh và ánh sáng nhẹ nhàng, không gian thiết kế trầm mặc, để tạo ra cảm giác thư giãn, thiền định tối đa.

* Cảm ơn anh Thế Anh vì những chia sẻ bổ ích!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam