Chiến lược thu hút người dùng Việt Nam của Duolingo
Với sự tăng trưởng người dùng đáng chú ý tại thị trường Việt Nam, Duolingo đang triển khai nhiều kế hoạch toàn diện hơn từ sản phẩm đến truyền thông ở thị trường này. Bằng cách kết hợp tính cách thương hiệu và văn hóa địa phương, Duolingo đã có những hoạt động khiến nhiều người dùng Việt thích thú.
Duolingo – vừa ham học vừa hóm hỉnh
Chia sẻ với Brands Vietnam, bà Haina Xiang – Marketing Director APAC, Duolingo – cho biết tính cách thương hiệu Duolingo xoay quanh các từ khóa:
- Truyền cảm hứng (Inspiring): Bất kể người học là ai và có mục tiêu gì, từ một bạn trẻ có gia cảnh khó khăn hay một người tài xế đang tìm cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, thế giới của họ có thể sang chương mới với Duolingo.
- Hướng đến mọi người dùng (Inclusive): Ngôn ngữ là chìa khoá để mở ra cánh cửa mới, vì thế Duolingo luôn chào đón tất cả người dùng. Ứng dụng được thiết kế sao cho bất kỳ ai cũng tiếp cận được, xoá bỏ hầu hết các rào cản, kể cả chi phí.
- Quyết tâm (Can do): Luôn ủng hộ người học và giúp họ tiến bộ. Duolingo mang đến năng lượng giúp người học tự tin hơn và tạo cho họ cảm giác ngôn ngữ giờ đây nằm trong lòng bàn tay của họ.
- Tò mò (Curious): Duolingo khơi dậy sự tò mò của người dùng để họ học thêm một ít kiến thức ngôn ngữ mỗi ngày một cách thú vị hơn, đa dạng hơn.
- Hóm hỉnh (Quirky): Duolingo xây dựng một hệ thống nhân vật hoạt hình với những câu thoại đáng yêu (hoặc khó đỡ) để mang lại niềm vui cho người dùng trong quá trình học.
Ở Việt Nam, Duolingo thể hiện những tính cách này thông qua đa dạng điểm chạm với những hoạt động địa phương hóa. Chẳng hạn, Cú xanh Duo đã khiến không ít người dùng thích thú khi xuất hiện tại concert Born Pink Hà Nội. Hoặc nhân ngày Quốc khánh Việt Nam, Duo bất ngờ check-in tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Những hoạt động này như một cách độc đáo để nhắc nhở mọi người học bài hàng ngày và khẳng định “Không ai thoát được Duo!”.
Chiến lược của Duolingo tại Việt Nam
Tại khu vực Đông Nam Á, Duolingo đã cán mốc 1 triệu người dùng hoạt động hàng ngày (daily active users). Trong đó, Việt Nam là quốc gia ghi nhận số người dùng tăng trưởng gấp 5 lần trong 3 năm gần nhất. Do đó, Duolingo đang lên kế hoạch toàn diện để tiếp tục đầu tư tại thị trường Việt Nam:
Về chiến lược phát triển, bên cạnh các khóa học ngôn ngữ miễn phí, vào quý 2/2023, ứng dụng này đã triển khai gói đăng ký trả phí Super Duolingo tại khu vực SEA (Việt Nam, Thái Lan, Indonesia). Trong đó, gói trả phí 1 năm ở Việt Nam có mức giá 599.000 VND bao gồm các lợi ích như: học không quảng cáo, không giới hạn số lỗi sai (unlimited heart), các tính năng Practice Hub và Legendary Mode giúp nâng cao hiệu quả học tập cho người dùng.
Về chiến lược sản phẩm, Duolingo đang cải thiện các khóa học và tiến hành nghiên cứu về trải nghiệm người dùng (User Experience Research) để phục vụ nhu cầu của người dùng Việt Nam tốt hơn. Trong đó, đối với người Việt Nam, Tiếng Anh vẫn là ngoại ngữ quan trọng nên Duolingo sẽ liên tục cải thiện các khóa học tiếng Anh của mình. Ngoài ra, Duolingo đang lên kế hoạch ra mắt khóa học tiếng Anh trình độ trung cấp hoàn toàn mới cho người dùng Việt trong tương lai gần. Trọng tâm của Duolingo là hoàn thiện sản phẩm, sau đó mới đến Marketing.
Về xây dựng thương hiệu, Duolingo đang tương tác với các influencers, báo chí và người dùng trên mạng xã hội để xây dựng nhận diện thương hiệu (Brand awareness) và tăng sự truyền miệng (Word of Mouth). Gần đây, thương hiệu đã thực hiện một số chiến dịch sáng tạo thông qua những nét văn hóa địa phương của Việt Nam để đến gần hơn với người dùng Việt. Cụ thể, Duolingo hợp tác với cầu thủ bóng đá Văn Toàn và cổ vũ đội tuyển Việt Nam trong SEA Games 2023.
Ngoài ra, Duolingo cũng ra mắt kênh TikTok chính thức tại Việt Nam nhằm sáng tạo nội dung đáp ứng nhu cầu giải trí trên các nền tảng khác nhau của người dùng. Với những hoạt động trên, Cú xanh Duo đang trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam. Kế hoạch tiếp theo của Duolingo là tiếp tục tập trung vào những hoạt động văn hóa địa phương của người Việt để đến gần hơn với người dùng.
Cá nhân hóa trải nghiệm học tập
Duolingo quan sát quá trình học của người dùng để hiểu những khó khăn và lỗi sai thường gặp của họ. Nhờ ứng dụng “Birdbrain”, một thuật toán Duolingo nghiên cứu và phát triển mà nội dung các khóa học trên app đều được cá nhân hóa cho từng học viên ở cả bản miễn phí và trả phí.
Đầu năm 2023, Duolingo đã ra mắt khóa học tiếng Anh được địa phương hóa, với những đặc điểm rất Việt Nam giúp người học thấy gần gũi hơn. Chẳng hạn, ứng dụng này đã thêm các bài tập có các từ như “Hà Nội”, “Thành phố Hồ Chí Minh” và “Cà phê Việt Nam”. Đồng thời, đội ngũ nhà Cú xanh cũng nghiên cứu và điều chỉnh những bài học mà người dùng Việt gặp khó khăn để giúp họ tiếp thu dễ hơn. Ví dụ: các danh từ ghép tiếng Anh như “tài xế xe buýt” (bus driver) được dịch sang tiếng Việt thành cặp từ: tài xế (driver) + xe buýt (bus).
Nhìn chung, Duolingo đang từng bước triển khai kế hoạch toàn diện từ thiết kế sản phẩm cho đến các hoạt động truyền thông nhằm đến gần với tệp người dùng Việt Nam hơn. Trong đó, yếu tố địa phương hóa và đặc điểm văn hóa đang được "Cú Xanh" vận dụng để chinh phục trái tim người dùng.
Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam