“Ông trùm” Spotify làm giàu nhờ “chèn ép” nghệ sĩ?
Nền tảng âm nhạc trực tuyến Spotify từng được xem là vị cứu tinh của ngành công nghiệp thu âm. Trong năm 2021, doanh thu của Spotify đạt 11 tỷ USD. Dẫu vậy, nhiều ca sĩ nổi tiếng lẫn các ca sĩ độc lập (indie) đều không hài lòng với cách chia doanh thu của nền tảng này.
* Bài viết được lược dịch từ bài viết gốc “The economics of Spotify” đăng trên trang The Hustle.
Mọi chuyện ngày căng thẳng hơn khi vào đầu năm 2022, sau khi Joe Rogan – Podcaster nổi tiếng trên Spotify công khai thông tin sai lệch về COVID-19, hàng loạt ca sĩ quyết tâm gỡ bỏ âm nhạc của mình khỏi Spotify. Sự cố này giống như đang “thêm dầu vào lửa” vào cuộc tranh cãi liên quan đến việc nền tảng streaming âm nhạc này không trả tiền công bằng cho các nghệ sĩ.
Các ca sĩ công khai phản đối và yêu cầu gỡ bỏ sản phẩm âm nhạc khỏi Spotify bao gồm những nghệ sĩ nổi tiếng như nam rocker Neil Young cho đến ca sĩ độc lập như India Arie. Được biết, nữ ca sĩ đã đăng bài chỉ trích Spotify trên mạng xã hội với nội dung rằng: “Spotify được xây dựng từ tính năng phát nhạc trực tuyến. Vậy là họ dùng số tiền kiếm được từ các sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ và trả cho Joe Rogan 100 triệu USD, nhưng lại chỉ trả vài đồng lẻ cho các nghệ sĩ như chúng tôi”.
Như vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là Spotify có cách thức vận hành như thế nào? Vì sao các nghệ sĩ lại bất mãn với cách chia doanh thu của nền tảng này? Liệu Spotify có thể phát triển mạnh mẽ nếu ngày càng có nhiều nghệ sĩ rời đi không?
Spotify đã trở thành “ông lớn” trong lĩnh vực streaming âm nhạc như thế nào?
Trước khi Spotify được thành lập vào năm 2006 bởi ông Daniel Ek và ông Martin Lorentzon, những người yêu âm nhạc chỉ có thể nghe nhạc bằng ba cách dưới đây:
- Bỏ ra số tiền khoảng 10-15 USD để mua album vật lý hoặc kỹ thuật số.
- Mua từng bài hát kỹ thuật số với giá 1 USD/bài.
- Tải nhạc lậu bằng các trang web chia sẻ âm nhạc trái phép, không có bản quyền.
Trong ba hình thức trên, lựa chọn thứ hai là mua lẻ từng bài hát kỹ thuật số với giá 1 USD ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, điều đó đã vô tình khiến ngành công nghiệp thu âm rơi vào tình trạng khó khăn.
Theo dữ liệu từ Recording Industry Association of America, trước khi Spotify trở nên phổ biến, doanh thu hàng năm của ngành công nghiệp thu âm có xu hướng liên tục giảm. Cụ thể hơn, vào năm 1999, doanh thu của ngành công nghiệp này là 22,7 tỷ USD. Đến năm 2006 thì giảm còn 15,1 tỷ USD và chỉ còn 7,3 tỷ USD vào năm 2014.
Chính vào lúc đó, sự xuất hiện của Spotify đã mang đến sự lựa chọn tuyệt vời cho những người yêu âm nhạc: Đó là có thể tải nhạc về thiết bị để nghe khi không có kết nối mạng, đồng thời có thể nghe nhạc trực tuyến có bản quyền với gói đăng ký hàng tháng hoặc nghe miễn phí kèm theo quảng cáo.
Tính đến tháng 10/2023, Spotify đã có hơn 551 triệu người dùng trên toàn cầu, trong đó có 220 triệu người dùng trả phí tại hơn 180 quốc gia khác nhau. Theo số liệu do nền tảng này công bố vào năm 2020, Spotify chiếm đến 20% tổng doanh thu toàn cầu của ngành công nghiệp thu âm, vượt xa các đối thủ khác như Apple, Tidal và Amazon.
Để đạt được những con số ấn tượng như trên, Spotify đã phải đàm phán rất nhiều với các tên tuổi lớn trong ngành âm nhạc, cũng như sẵn sàng đưa đơn kiện tụng những kẻ “gây rối”. Không chỉ vậy, các nhà lãnh đạo của Spotify đã thực hiện trước khi chính thức ra mắt tại Hoa Kỳ:
- Những hãng thu âm hàng đầu trên thế giới như Warner Music Group, Sony và Universal Music Group đã nhận được tổng cộng 18% cổ phần sở hữu của Spotify, tương đương với hàng trăm triệu USD.
- Spotify đã thiết lập hệ thống thanh toán phí bản quyền là gửi khoảng 67% doanh thu cho chủ sở hữu bản quyền âm nhạc. Vào năm 2020, doanh thu này chiếm khoảng 5,7 tỷ USD.
Hệ thống thanh toán phí bản quyền này được chia ra thành hai phần là bản quyền ghi âm (recording rights: được sở hữu bởi các hãng thu âm và nghệ sĩ) và bản quyền xuất bản (publishing rights: thuộc quyền sở hữu của nhạc sĩ và các đơn vị phát hành âm nhạc). Chi tiết cụ thể cho các thỏa thuận này thường hiếm khi được công khai, tuy nhiên Spotify từng công bố là các hãng thu âm lớn có thể nhận được khoảng 50-52% tổng doanh thu, còn các đơn vị phát hành âm nhạc có thể nhận được khoảng 15-20%.
Với xu hướng nghe nhạc trực tuyến ngày càng tăng, cùng với sự phổ biến của Spotify, doanh thu hàng năm của ngành công nghiệp thu âm đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ kể từ năm 2015 và đến năm 2020, con số này đã lên đến 12,2 tỷ USD. Vào năm 2019, sự tăng trưởng ấn tượng này đã khiến trang Fortune đã từng đăng tải một bài viết với tựa đề Spotify chính là “vị cứu tinh” của ngành công nghiệp âm nhạc.
Tuy nhiên, Spotify lại không phải là “vị cứu tinh” của giới nghệ sĩ, những người góp phần mang lại doanh thu cho nền tảng này.
Hệ thống thanh toán phí bản quyền cho nghệ sĩ của Spotify hoạt động như thế nào?
Vào một thông cáo báo chí được đăng tải vào năm 2021, ông Daniel Ek — một trong hai nhà sáng lập của Spotify đã nói rằng sự ra đời của nền tảng này chính là giúp đỡ các nghệ sĩ có thêm thu nhập.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nghệ sĩ tham gia Spotify. Tuy nhiên tính đến năm 2020, chỉ có khoảng 13.000 trong số hơn 8 triệu nghệ sĩ có danh mục sản phẩm tạo ra doanh thu từ 50.000 USD trở lên. Đối với giới nghệ sĩ, mỗi lượt phát trực tuyến (stream) từ bài hát của họ chỉ nhận được một xu tiền phí bản quyền từ Spotify.
Trên thực tế, việc nhận được phí bản quyền rất phức tạp và phụ thuộc vào những yếu tố dưới đây:
- Thoả thuận giữa chủ sở hữu âm nhạc và Spotify.
- Tổng doanh thu của Spotify có được trong một tháng.
- Tổng lượt phát trực tuyến trong một tháng.
- Vị trí của những bài hát trực tuyến được người dùng phát.
Tuy nhiên, theo ông Jeff Price — Royalty Collections Executive giải thích, về cơ bản thì tổng số tiền phí bản quyền nhận được mỗi tháng là dựa trên tỷ lệ tổng lượt stream mà chủ sở hữu âm nhạc có được trong tháng đó, cùng với thỏa thuận chia sẻ doanh thu với Spotify.
Theo đó, dưới đây là công thức tính phí bản quyền của chủ sở hữu âm nhạc:
Theo công thức trên, có thể thấy con số mà hầu hết nghệ sĩ nhận được không nhiều, đặc biệt là những người không phải là ngôi sao nổi tiếng và có một thỏa thuận không chiếm nhiều lợi ích với Spotify.
Theo chia sẻ của trang blog âm nhạc The Trichordist về tỷ lệ nhận phí bản quyền của một hãng thu âm độc lập trong vài năm qua, khi Spotify mở rộng quy mô sang nhiều quốc gia hơn, cũng như có thêm nhiều gói đăng ký và chương trình chiết khấu cho người dùng, cộng với việc người dùng ngày càng có nhiều bài hát để nghe hơn; thì trung bình chi phí nhận được cho mỗi lượt phát trực tuyến đã giảm xuống chỉ còn 0,00348 USD.
Dù Spotify có lượng người dùng rất lớn và có doanh thu cao từ việc phát nhạc trực tuyến, tỷ lệ thanh toán trung bình cho nghệ sĩ của nền tảng này lại thuộc nhóm thấp nhất. Theo ước tính từ Digital Music News và The Trichordist, mức phí trung bình mà hai đối thủ của Spotify là Napster và Tidal trả cho nghệ sĩ là hơn 1 xu (cent) cho mỗi lượt phát trực tuyến.
Được biết, với các đài phát thanh (radio), các nghệ sĩ thường được chia phí bản quyền cùng với các hãng thu âm với tỷ lệ 50:50. Thế nhưng, đối với các nền tảng phát nhạc trực tuyến, chi phí bản quyền họ nhận được chủ yếu phụ thuộc vào thỏa thuận của họ với hãng thu âm.
Một số nghệ sĩ có quyền sở hữu đối với danh mục sản phẩm của họ và gần như nhận được tất cả chi phí thanh toán bản quyền. Đối với phần lớn nghệ sĩ, con số họ nhận được không nhiều như thế. Chẳng hạn như nam ca sĩ Kanye West từng nói rằng anh nhận được khoảng 14% – 25% doanh thu phát nhạc trực tuyến từ hãng thu âm.
Tệ hơn thế, một số nghệ sĩ thậm chí còn không nhận được gì cả.
Đối với các nền tảng phát nhạc trực tuyến, chi phí bản quyền nghệ sĩ nhận được chủ yếu phụ thuộc vào thỏa thuận của họ với hãng thu âm.
Ông Max Collins – thành viên của ban nhạc rock Eve6 từng công khai đăng bài chỉ trích Spotify trên Twitter (tiền thân của X) vào đầu năm 2022 với nội dung rằng dù nhóm nhạc của họ đã thu được gần 1 triệu lượt phát trực tuyến hàng tháng, song Spotify chỉ thanh toán cho họ 0,003 xu cho một lượt stream. Ông Collins nói thêm, 100% doanh thu từ lượt phát trực tuyến từ âm nhạc của họ thuộc về Sony, hãng thu âm cũ của họ và cũng là chủ sở hữu một phần của Spotify.
Thực chất, điều này hoàn toàn trái ngược với tình hình của nền công nghiệp thu âm vào giai đoạn trước đó.
Theo ông Eric Drott – Giáo sư tại Trường Âm nhạc Butler thuộc Đại học Texas, vào năm 1999, với mỗi chiếc CD được bán ra đồng nghĩa với việc khách hàng đã bỏ ra một khoản phí nhất định để trả trước cho một album âm nhạc mà họ có thể nghe được cả đời. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại thì chi phí thanh toán cho việc nghe nhạc trực tuyến được chia ra thành hàng tháng, hàng năm và thậm chí là thập kỷ.
Dù Spotify có lượng người dùng rất lớn và có doanh thu cao từ việc phát nhạc trực tuyến, tỷ lệ thanh toán trung bình cho nghệ sĩ của nền tảng này lại thuộc nhóm thấp nhất.
Các hãng thu âm lớn như Sony là một tập đoàn bao gồm nhiều hãng thu âm khác, với danh mục nghệ sĩ và bài hát khổng lồ thì họ sẽ có được doanh thu rất lớn từ các lượt phát nhạc trực tuyến. Do đó, các công ty cổ phần tư nhân đã mua lại các danh mục âm nhạc vì nhận thấy tiềm năng này.
Ông Drott bổ sung, tổng số tiền phí bản quyền phát nhạc trực tuyến mà nghệ sĩ nhận được có thể tương đương với doanh thu mà một album có thể kiếm được trong vòng 6 tháng đầu tiên kể từ khi phát hành. Tuy nhiên, bởi vì tổng số tiền này được trải dài trong vòng thời gian rất dài, có thể kéo dài đến cả đời nên các nghệ sĩ không nhận được quá nhiều.
Vì sao Spotify sẽ không tăng tỷ lệ thanh toán phí bản quyền phát nhạc trực tuyến cho nghệ sĩ?
Tại buổi hội nghị âm nhạc diễn ra vào năm 2019, nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ Ashley Jana đã đặt ra vấn đề này với ông Jim Anderson – Former Spotify Executive. Cụ thể hơn, câu hỏi đặt ra là vì sao Spotify không thể tăng khoản phí doanh thu bản quyền phát trực tuyến cho nghệ sĩ lên mức cao hơn một xu cho mỗi lượt phát.
Đáp lại câu hỏi trên, ông Anderson đã nói rằng Spotify được tạo ra để giải quyết vấn đề liên quan đến quyền riêng tư, không phải là để “trả tiền cho nghệ sĩ”. Với Jana, đó chính là dấu hiệu cho thấy Spotify không quan tâm đến lợi ích dành cho giới nghệ sĩ về nhiều phương diện, bao gồm chi phí thanh toán phát nhạc trực tuyến hàng tháng, cũng như tạo cơ hội tăng thêm số tiền thưởng.
Theo Jana chia sẻ với The Hustle, động thái trên của Spotify đã khiến nhiều nghệ sĩ cảm thấy khó chịu. Cô nói thêm rằng dường như nền tảng này còn không phải là một công ty trung lập (neutral company), mà họ chỉ muốn gây ra nhiều thiệt hại nhất có thể cho giới nghệ sĩ.
Trên thực tế, thật khó để đảm bảo rằng mỗi lượt phát nhạc trực tuyến sẽ mang lại cho nghệ sĩ một xu vì sự phức tạp của hệ thống thanh toán của Spotify. Dẫu vậy, trang The Hustle có đưa ra một số gợi ý như sau để nghệ sĩ có thể được chia sẻ doanh thu nhiều hơn:
- Tăng quy mô tiền trả tiền bản quyền cho nghệ sĩ bằng cách tăng tỷ lệ doanh thu được gửi lại cho chủ sở hữu âm nhạc, chẳng hạn như nền tảng âm nhạc Bandcamp trả lại cho nghệ sĩ khoảng 80-90% doanh thu, hoặc tìm ra một số phương pháp thanh toán khác cho nghệ sĩ.
- Thay vì thương lượng mức phí bản quyền nhận được với hãng thu âm, Spotify có thể hoàn trả cho nghệ sĩ một khoản phí cố định, giống như cách Apple đang thực hiện. Cách này có thể hỗ trợ các nghệ sĩ độc lập — những người có thể nhận được khoản phí thấp hơn so với các hãng thu âm quy mô lớn.
- Một giải pháp khác đó là chuyển sang hệ thống thanh toán lấy người dùng làm trung tâm (user-centric payment system). Với hệ thống này, nghệ sĩ sẽ được các nền tảng phát nhạc trực tuyến trả thù lao dựa trên lượt phát của từng người dùng riêng biệt, thay vì theo tỷ lệ của tất cả lượt phát trực tuyến hàng tháng.
Dẫu vậy, theo dự đoán của Giáo sư Drott, những thay đổi lớn về vấn đề thanh toán tiền phát nhạc trực tuyến cho nghệ sĩ của Spotify sẽ không diễn ra trong thời gian tới.
Theo nhận định của ông, Spotify vẫn chưa thật sự thu được mức lợi nhuận ổn định và vẫn đang cố gắng mở rộng quy mô để giành lấy quyền kiểm soát của thị trường phát nhạc trực tuyến. Vì thế, việc chia sẻ doanh thu nhiều hơn cho nghệ sĩ sẽ hạn chế khả năng đầu tư của họ. Điều đó cũng kéo theo việc họ phải tăng mức giá đăng ký và dẫn đến rủi ro đánh mất thị phần vào tay đối thủ như Apple và Amazon.
Nhiều khả năng Spotify bắt buộc phải thay đổi phương thức chia sẻ doanh thu cho chủ sở hữu bản quyền âm nhạc và podcast nếu như họ đối mặt với một áp lực lớn hơn, chẳng hạn như là khi làm việc với các nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn. Bởi vì ngoài một số sự phản đối của các nghệ sĩ độc lập vốn không có ảnh hưởng quá lớn và cũng không có nhiều nghệ sĩ thật sự sở hữu bản quyền âm nhạc của mình, Spotify vẫn có thể thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc hợp tác với các hãng thu âm nổi tiếng.
Spotify chia sẻ doanh thu thế nào với những người sản xuất podcast?
Kể từ khi mua bản quyền podcast của một số cái tên nổi tiếng như Joe Rogan, The Ringer… cũng như mua lại hai nền tảng lưu trữ quảng cáo (ad-hosting platforms) như Anchor và Megaphone, tỷ trọng doanh thu liên quan đến chi phí quảng cáo của Spotify đã ngày càng tăng lên.
Vào quý 2/2021, doanh thu podcast đã tăng 67% so với cùng kỳ năm 2020. Podcast cũng chính là nguồn thu chính khiến tỷ lệ chia sẻ doanh thu từ quảng cáo trong quý IV/2021 của Spotify đã đạt được mức kỷ lục là 15%. Theo nhà sáng lập Daniel Ek, trong vòng 5-10 năm tới, thị phần doanh thu từ podcast của nền tảng này có thể tăng lên khoảng 30-40%.
Khác với việc thanh toán doanh thu hàng tháng cho nghệ sĩ, việc chia sẻ doanh thu đến từ podcast có phần đơn giản hơn.
Theo ông Bryan Barletta – một nhà sáng tạo nội dung về podcast, Spotify sẽ thu nhận từng USD đến từ doanh thu quảng cáo trong podcast. Bên cạnh đó, những podcaster sử dụng Anchor hoặc Megaphone có thể giúp nền tảng này có thêm doanh thu và có thể nhận được 50% doanh thu quảng cáo.
Vì thế, khác với âm nhạc, Spotify không phải lo lắng về việc trả tiền doanh thu phát trực tuyến hàng tháng cho các podcaster, cũng như không cần quan ngại về việc những người làm podcast sẽ lên tiếng phản đối như giới nghệ sĩ.
Theo Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: The Hustle