Marketer Lam Phương
Lam Phương

Content Executive @ Brands Vietnam

Học này Làm nọ #2: Duyên Trịnh – “Cứ thử đi, gì căng!”

Học này Làm nọ #2: Duyên Trịnh – “Cứ thử đi, gì căng!”

Từ miền quê Bắc Bộ, chị Duyên Trịnh mang theo hành trang đầy đam mê và nhiệt huyết đến với thành phố Hồ Chí Minh. Không ngại thử thách, chị Duyên quyết định theo đuổi Marketing mặc dù theo học Quản trị Kinh doanh và Kế toán. Từ đây, một hành trình đầy chông gai nhưng cũng lắm trái ngọt đang đợi chị ở Sài Gòn hoa lệ. 

Theo dõi số thứ hai trong series “Học này Làm nọ” để lắng nghe câu chuyện của chị Duyên Trịnh, Content Leader tại SmartPay – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech.

Hãy quên đi cụm từ tiêu cực “học một đằng, làm một nẻo”. Trong series “Học này Làm nọ” của Brands Vietnam, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá những câu chuyện chân thực và sống động từ những người đã chọn con đường sự nghiệp khác với ngành đại học, từ đó hiểu rằng việc học không chỉ dừng lại ở đại học, mà đó là một hành trình liên tục và rộng mở. Mỗi bước đi và lựa chọn đều mang ý nghĩa và là bước đệm vững chắc cho thành công trong cuộc sống sau này.

* Đầu tiên, chị có thể chia sẻ tổng quát về hành trình học tập và lựa chọn ngành nghề của mình không?

Học này Làm nọ #2: Duyên Trịnh – “Cứ thử đi, gì căng!”

Chị Duyên Trịnh, Content Leader tại SmartPay.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê ở miền Bắc, khi đến ngưỡng cửa đại học, mình đã chọn Hà Nội là nơi bắt đầu hành trình học tập mới. Mặc dù lòng đam mê với Marketing đã ấp ủ trong mình từ khi còn bé, nhưng mình lại quyết định theo đuổi chương trình Quản trị Kinh doanh. Một phần là vì thời điểm đó ở Hà Nội cơ hội học về Marketing chưa phong phú, và một phần là do mình chưa chắc chắn liệu bản thân thực sự đam mê Marketing hay không.

Ngoài ra, để thách thức bản thân hơn, mình cũng cùng lúc theo đuổi một chương trình khác là Kế toán. Áp lực hoàn thành hai chương trình song song khiến mình ra trường muộn hơn một năm so với bạn bè cùng khóa.

Sau khi tốt nghiệp, mình tham gia vào thị trường lao động với nhiều công việc ngắn hạn khác nhau, từ Sales Intern tại Cốc Cốc, Marketing Intern tại Thái Hà Book cho đến chăm sóc khách hàng tại một trung tâm thể dục cho trẻ em. Những công việc này cho mình cơ hội tự tìm hiểu và khám phá đam mê thực sự.

Sau những trải nghiệm đó, mình quyết định dấn thân vào lĩnh vực Marketing với vị trí đầu tiên là Marketing Executive tại một công ty du lịch Inbound. Sau giai đoạn này, mình đã quyết định chuyển vào TP.HCM và tiếp tục phát triển sự nghiệp Marketing. Mình đã làm việc cho nhiều công ty thuộc nhiều ngành khác nhau, bao gồm cả lĩnh vực bán lẻ (Retail) và công nghệ tài chính (Fintech).

Hiện tại, mình đang làm việc tại SmartPay, một công ty về Fintech.

* Những công việc ngắn hạn trong thời gian hoàn thành văn bằng hai đã giúp ích gì cho chị khi thay đổi định hướng nghề nghiệp sang Marketing?

Công việc đầu tiên của mình là Sales Intern. Đây là một công việc có mối liên hệ chặt chẽ với Marketing với nhiệm vụ bán quảng cáo trên trang Cốc Cốc. Trải nghiệm này rất đáng giá với mình vì nó yêu cầu mình phát huy khả năng giao tiếp với khách hàng cũng như trực tiếp thuyết phục họ mua sản phẩm chứ không đơn thuần truyền thông.

Tiếp đó, mình chuyển sang công việc chăm sóc khách hàng – một vị trí phải đối mặt với các thắc mắc và khiếu nại. Điều này giúp mình thu thập thông tin quý báu về insights của khách hàng, từ đó đóng góp quan trọng vào sự nghiệp làm Marketing sau này.

Học này Làm nọ #2: Duyên Trịnh – “Cứ thử đi, gì căng!”

Chị Duyên những ngày làm việc tại Cốc Cốc.

* Điều gì ở Marketing khiến chị quyết định theo đuổi lĩnh vực này và đặc biệt đào sâu vào Content thay vì những lĩnh vực khác?

Từ khi còn rất nhỏ, mình đã biết rõ niềm đam mê đối với Marketing. Ở độ tuổi mười mấy, mình đã trót say mê xem quảng cáo và đắm chìm vào những tạo hình sáng tạo, vui nhộn. Đôi khi, mình tự mình nghĩ ra những mẩu quảng cáo trong đầu, thậm chí vẽ tập tành vẽ cả storyboard. Dù chúng có hơi xấu một chút, nhưng niềm đam mê đó không thể nào tắt được.

Tuy vậy, thời điểm đó, ở Hà Nội, việc học sâu về Marketing không phải lựa chọn dễ dàng, và mình đã phải đối mặt với nhiều rào cản.

Bên cạnh đó, gia đình mình hoạt động trong ngành sản xuất thuốc lá. Bố mẹ luôn cho rằng công việc Marketing, đặc biệt là với ngành thuốc lá thì sẽ phải đi thị trường nhiều và rất vất vả. Các cụ đương nhiên không muốn con gái theo đuổi con đường này.

Ban đầu, do lập trường chưa vững vàng, mình cũng nghe theo bố mẹ khuyên bảo và học thêm ngành Kế toán. Nhưng thời gian trôi qua, mình nhận ra rằng việc học hai ngành đồng thời khá khó khăn và căng thẳng. Thời khóa biểu trùng lặp giữa các môn học 2 ngành khiến mình không thể tốt nghiệp 2 bằng cùng lúc, trong khi bản thân thích và muốn làm Marketing. Thời điểm đó mình cũng hơi hối hận một chút về việc học thêm ngành Kế toán.

Sau khi ra trường, mình khẳng định đam mê của bản thân thật sự nằm trong lĩnh vực Marketing, nơi mà mình có cơ hội sáng tạo và tự do để phát triển các ý tưởng độc đáo. đặc biệt là trong lĩnh vực Content Marketing. Mình tin rằng mọi khía cạnh của Marketing đều đầy sáng tạo, nhưng Content là lĩnh vực mà mình cảm thấy đặc biệt phù hợp. Đó là lý do tại sao mình đã quyết định theo đuổi con đường này.

Học này Làm nọ #2: Duyên Trịnh – “Cứ thử đi, gì căng!”

“Mình tin rằng mọi chuyện xảy ra đều có lý do và nó phải chín muồi mới xảy ra. Mình phải trải qua tất cả, gặp những người tại thời điểm đó thì mới trở thành mình của ngày hôm nay”.

* Liệu chị có áp lực hay tiếc nuối gì khi dấn thân vào Marketing và Content khá muộn?

Thật ra mình có một chút tiếc nuối khi từ chối lời mời làm việc ở một công ty dược ở TP.HCM ngay sau khi tốt nghiệp văn bằng một. Nhưng vì mọi người xung quanh đều cho rằng mình không nên bỏ lỡ năm cuối văn bằng hai cho nên dù biết bản thân không hợp với những con số nhưng mình đã chọn tiếp tục.

Mình tin rằng mọi chuyện xảy ra đều có lý do và nó phải chín muồi mới xảy ra. Mình phải trải qua tất cả, gặp những người tại thời điểm đó thì mới trở thành mình của ngày hôm nay.

Về áp lực, chắc chắn là có. Thời điểm đó, bạn bè của mình đã đi làm, có người đi du học, có người làm ở những công ty lớn. Mình rơi vào trạng thái lo lắng liệu có thể bắt kịp với họ hay không. Cảm giác này vẫn đến với mình khi làm việc ở Hà Nội. Mình cảm thấy bản thân cần phải nhanh hơn nữa để phát triển sự nghiệp.

Vì vậy, mình quyết định chuyển đến TP.HCM vì biết rằng ở đây có môi trường cởi mở, nhiều công ty quảng cáo lớn và nhu cầu về marketing cũng cao hơn. Đến nay, dù đã ở đây 5 năm, mình vẫn rất thích TP.HCM như ngày đầu.

* Vậy làm cách nào chị vượt qua những khó khăn trong giai đoạn chuyển dịch – vừa chuyển ngành, vừa chuyển thành phố sống?

Khi quyết định chuyển đến TP.HCM, mình đã gặp không ít khó khăn. Khi đó, gia đình không hoàn toàn ủng hộ quyết định này nhưng cũng không phản đối. Họ lo lắng về mức thu nhập bên cạnh việc con gái sẽ phải đối mặt với những khó khăn khi xa quê nhà. Bởi bố mẹ mình chuyên về ngành thuốc lá và nghĩ rằng marketing đơn giản là đưa sản phẩm đó ra thị trường mà thôi. Nhưng mình đã muốn thay đổi cái nhìn của họ về Marketing.

Lúc đó, mình chỉ có 5 triệu đồng trong người và không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ gia đình. Thế nhưng mình luôn tự nhủ phải kiếm được việc trong vòng một tuần. May mắn thay, mình đã được nhận vào một công ty marketing nhỏ, đủ để trang trải trong thời gian đầu ở nơi “đất khách quê người”.

Nếu không thử, chúng ta sẽ luôn bị mắc kẹt trong những con đường an toàn, mà không bao giờ biết liệu mình có thể làm được những điều lớn lao hơn hay không.

Trong hành trình theo đuổi Marketing, mình cần tiền song song với mong muốn phát triển chuyên môn nhanh chóng. Thế là mình liên tục chuyển việc, từ một trung tâm đào tạo marketing sang lĩnh vực bán lẻ về thời trang. Nhờ đó, mình nhận ra rằng marketing là một lĩnh vực rộng hơn mình tưởng, nó liên quan đến việc tìm hiểu cách cửa hàng hoạt động, hiểu về khách hàng, và cần phải tham gia vào các công việc offline, chẳng hạn như tổ chức sự kiện, thiết kế nội thất cửa hàng, và kiểm tra hàng hóa trong kho. Mình đã học nhiều điều từ những công việc này.

Đến thành phố mới với hai nỗi “khát” (khao khát), một là tiền (cười) và hai là môi trường làm việc. Do đó, khi tài chính đã ổn định hơn, mình đặt ra những mục tiêu mới, bao gồm việc phát triển khả năng quản lý và xây dựng đội ngũ. Và khi chuyển đến SmartPay, mình đã có cơ hội xây dựng một đội nhóm nhỏ của riêng mình, gồm thực tập sinh và Executive. Mình không quan tâm là bạn ấy ở level nào, miễn bạn ấy là Team Member thì mình sẽ muốn đồng hành phát triển.

* Có những bạn nào trong Team có cùng câu chuyện với chị không? Nếu có, với vai trò của Content Leader, chị đã hỗ trợ những bạn ấy ra sao?

Team của mình có đa dạng những thành viên học các lĩnh vực khác nhau, từ kinh doanh quốc tế cho đến thiết kế. Tuy nhiên, họ đều có mong muốn chuyển sang marketing. Khi nhận thấy tiềm năng và tinh thần học hỏi, mình luôn tạo điều kiện để họ có cơ hội học hỏi.

Phong cách quản lý của mình là tập trung vào sự phát triển của các thành viên trong team. Mình không cần mọi người trong đội đều xuất sắc ngay từ đầu. Thay vào đó, mình sẽ giúp họ phát triển dần theo thời gian. Mình tin rằng mọi người đều có tiềm năng để phát triển và mình muốn tạo ra một môi trường để họ có thể phát huy hết khả năng của mình.

Học này Làm nọ #2: Duyên Trịnh – “Cứ thử đi, gì căng!”

Phong cách quản lý của chị Duyên là tạo ra một môi trường hợp tác, nơi mọi người có thể chia sẻ ý tưởng và học hỏi lẫn nhau.

Khi họ tham gia team của mình, mình sẽ cho họ cơ hội làm nhiều công việc khác nhau, từ những công việc nhỏ nhất đến những công việc lớn mà mình được giao. Mình muốn họ tham gia vào quá trình tư duy và đóng góp ý kiến nếu thời gian cho phép. Mình tin rằng việc giao phó công việc cho các thành viên trong team sẽ giúp họ học hỏi và phát triển nhanh hơn.

Mình không muốn thúc đẩy sự cạnh tranh trong team. Thay vào đó, mình muốn tạo ra một môi trường hợp tác, nơi mọi người có thể chia sẻ ý tưởng và học hỏi lẫn nhau. Mình tin rằng sự hợp tác sẽ giúp team đạt được kết quả tốt hơn. Bản thân mình cũng học hỏi được rất nhiều từ team member.

Mình nghĩ rằng ai cũng có nhiều nỗi sợ khi bước ra khỏi vòng an toàn nhưng chỉ khi làm những thứ khiến mình sợ thì mới có thể phát triển được.

Mình có 1 tip là hãy cứ nghĩ đến kết quả xấu nhất có thể xảy ra khi bạn làm một điều đáng sợ, nếu bạn chấp nhận được kết quả đó thì hãy cứ làm thôi. Mình đã từng bị ràng buộc bởi rất nhiều giới hạn trong quá khứ và giờ mình muốn truyền đạt tư duy này cho team của mình.

* Kết lại số này, chị có lời khuyên gì dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn giữa đổi ngành học và ngành làm việc?

Mình luôn khuyến khích các thành viên trong team thử sức với những điều mới mẻ, dù là những việc họ chưa bao giờ làm trước đây, thông qua cách nói vui “Cứ thử đi, gì căng!” và “Cứ làm thôi, có sếp rồi!”. Là một Leader, mình luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những rủi ro có thể xảy ra, để các thành viên trong team có thể thoải mái thử nghiệm và phát triển bản thân.

Học này Làm nọ #2: Duyên Trịnh – “Cứ thử đi, gì căng!”

Nguồn: Getty Images

Bởi nếu không thử, chúng ta sẽ không bao giờ biết được mình muốn làm gì, muốn trở thành ai, giới hạn của mình ở đâu. Chúng ta sẽ luôn bị mắc kẹt trong những con đường an toàn, mà không bao giờ biết được liệu mình có thể làm được những điều lớn lao hơn hay không.

Cách duy nhất để biết được khả năng của mình là phải thử sức. Nếu bạn thất bại, thì bạn cũng sẽ học được một bài học quý giá. Bạn sẽ biết được mình cần phải cải thiện những gì, và bạn sẽ có thêm động lực để cố gắng hơn nữa. Đừng sợ mất thời gian! Chẳng có việc gì bạn làm là mất thời gian trừ khi bạn dành thời gian cho những việc vô bổ.

Nếu chúng ta dành thời gian để học hỏi và phát triển, thì thời gian sẽ trở thành một tài sản quý giá.

Vì vậy, đừng sợ thử những điều mới mẻ. Hãy bước ra khỏi vùng an toàn của bạn và trải nghiệm những điều mới. Bạn sẽ không bao giờ biết được mình có thể làm được những gì cho đến khi bạn thử.

* Cảm ơn những chia sẻ của chị Duyên!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam