Du học Marketing #14: Anh Bùi Minh Đức @ Clark University – “Learning to Unlearn” để tìm về “bản chất” của ngành Truyền thông
Là một người có đam mê và hoài bão với lĩnh vực Truyền thông, sau khi thành công giành được học bổng du học toàn phần từ Fulbright, anh Bùi Minh Đức đã tích lũy được những trải nghiệm và đúc kết quý giá gì tại đất Mỹ, nơi được xem là “cái nôi” của các phong trào hoạt động xã hội?
Trong số 14 của chuỗi bài Du học Marketing, hãy cùng Brands Vietnam gặp gỡ anh Bùi Minh Đức, hiện đang học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại trường Đại học Clark ở Mỹ. Trước khi du học, anh Đức đã có kinh nghiệm làm việc dày dặn trong ngành Truyền thông.
Cụ thể hơn, anh từng đảm nhận vị trí Phóng viên tại VCCorp, Head of World News Section tại Kênh 14, cũng như làm việc tại Ban Truyền thông của The Olympia Schools, Tổ chức Phi Chính phủ Viện iSEE… Ngoài ra, anh Đức cũng được biết đến với vai trò là dịch giả cho nhiều quyển sách được xuất bản tại Việt Nam, cũng như là cây viết chia sẻ quan điểm quen thuộc tại Dân Trí và VnExpress.
Với hy vọng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, liệu những kỳ vọng có đủ để chiến thắng thực tại nơi đất khách? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua những trải nghiệm đủ thăng, cũng không thiếu trầm của những du học sinh đã và đang dùi mài kinh sử nơi trời Tây qua series Du học Marketing.
* Đâu là thời khắc mang tính quyết định cho quyết định du học ngành Truyền thông của anh Đức?
Mong muốn đi du học ngành Truyền thông của mình bắt đầu nhen nhóm từ khi mình làm việc tại Tổ chức Phi Chính phủ Viện iSEE. Khi làm việc tại Ban Truyền thông của iSEE, mình đã có cái nhìn rất khác về ngành Truyền thông. Thông thường, khi nhắc đến lĩnh vực này, mọi người chỉ quan tâm đến khía cạnh hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, truyền thông còn có tác động lớn hơn như vậy, chẳng hạn như tầm ảnh hưởng đối với hoạt động xã hội, vận động chính sách, thậm chí là thay đổi nhận thức của cộng đồng. Do đó, mình muốn tìm hiểu sâu hơn về tác động của truyền thông đối với khía cạnh văn hóa – xã hội.
* Khi nhận được thông báo trúng tuyển học bổng toàn phần của Fulbright, anh đã đặt ra mục tiêu và kỳ vọng gì?
Khi nói về kỳ vọng khi đi du học, mình mong muốn có thể hiểu được vai trò cụ thể của truyền thông trong việc thúc đẩy tiến trình của xã hội. Bởi vì nước Mỹ là được xem là “cái nôi” của các phong trào hoạt động xã hội.
Về khía cạnh cá nhân, kỳ vọng lớn nhất của mình là tối đa hóa những trải nghiệm cá nhân tại Mỹ, bao gồm việc khám phá về khía cạnh cuộc sống, con người và văn hóa. Do vậy, mình cố gắng đi du lịch nhiều nơi, đồng thời tham gia các chương trình trao đổi văn hóa của nước Mỹ. Điều đó giúp mình có thêm được nhiều bài học cuộc sống, bên cạnh kiến thức thu thập được trong trường đại học.
* Với một người đi du học ở tuổi 29, độ tuổi không gọi là quá lớn nhưng cũng không còn quá trẻ, liệu anh Đức có cảm thấy áp lực đồng trang lứa (peer pressure) không?
Đúng là 29 tuổi thì không phải là quá lớn, bởi vì vẫn có những anh chị lớn tuổi hơn đi du học cơ mà. Tuy nhiên, 29 tuổi thì đúng là cũng không còn quá trẻ trung. Bởi vì ở độ tuổi này, có người đã hoàn thành xong chương trình học Tiến sĩ rồi.
Dẫu vậy, may mắn là mình không gặp áp lực quá nhiều khi thấy bạn bè thăng tiến trong sự nghiệp mà mới bắt đầu đi học. Ngay từ thời còn học Đại học, mình đã có dự định học Thạc sĩ và tiếp tục học lên Tiến sĩ khi có cơ hội. Do vậy, điều quan trọng là vào thời điểm thích hợp. Khi có học bổng phù hợp trao cơ hội cho mình thì cứ thế đón nhận thôi. Ngoài ra, mình cũng luôn đặt ra cột mốc có thể đi du học trước tuổi 30. Vậy nên, với mình, việc du học ở tuổi 29 cũng không gọi là quá muộn.
* Anh có thể chia sẻ về chương trình học của mình tại Clark University? Chương trình này có phù hợp với định hướng và kỳ vọng của anh không?
Các chương trình đào tạo Thạc sĩ thường được chia làm hai kiểu, một là thiên về học thuật (academic degree), hai là tập trung vào tính ứng dụng (professional degree). Mình thì chọn học Thạc sĩ thiên về khía cạnh học thuật và mình chọn học thêm chuyên ngành phụ (minor) là Digital Literacy thay vì PR, đây là một ngành học khá mới tại Việt Nam. Ngoài ra thì Digital Literacy cũng là lĩnh vực đang phát triển và giúp mình hiểu rõ hơn một số vấn đề mình đang quan tâm, chẳng hạn như về giới, tính dục, sự đa dạng và hòa nhập, cũng như cách làm việc với nhóm cộng đồng thiểu số.
Một yếu tố khác là đối với ngành Truyền thông và Marketing, nhiều người thường đánh giá cao tính ứng dụng hơn là kiến thức học thuật chuyên ngành, đặc biệt là trong môi trường doanh nghiệp. Dẫu vậy, khi đi du học thì mình nhận ra bản thân khá thích theo đuổi hướng học thuật là vì mình có dự định trở về Việt Nam giảng dạy lại những kiến thức đã học được. Do đó, mình dành nhiều thời gian hơn để đọc sách và thực hiện các nghiên cứu cá nhân. Bên cạnh việc học các môn có tính ứng dụng cao, mình sẽ đăng ký thêm các môn học tự chọn mang tính học thuật hơn.
* Như vậy, anh Đức làm thế nào để sắp xếp thời gian học tập, cũng như nghỉ ngơi và dành thời gian cho những trải nghiệm khác?
Thật ra thì mình không chỉ cân bằng giữa việc học tập và trải nghiệm do mình còn phải làm việc nữa. Bởi vì mình vẫn nhận các công việc tự do (freelance) đều đặn từ Việt Nam. Vì thế, đối với mình thì không có cách nào cân bằng tốt hơn là phân bổ thời gian hợp lý dựa trên mức độ ưu tiên và quan trọng.
Về những trải nghiệm khác để thích ứng với môi trường mới, điều quan trọng là phải kết bạn. Đối với những trường Đại học thuộc các thành phố nhỏ tại Mỹ, hoạt động dành cho sinh viên không quá nhiều. Vì thế, các bạn du học sinh nên kết bạn, làm quen với các bạn cùng lớp hoặc thông qua các hội nhóm, câu lạc bộ. Điều đó sẽ mang lại trải nghiệm cuộc sống tốt hơn, cũng như có được những người hỗ trợ về mặt tinh thần trong thời gian du học.
Với mình, việc học vẫn là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, khi chưa làm xong bài tập thì mình sẽ không nghĩ đến những việc khác. Mức độ ưu tiên thứ hai là công việc. Những công việc tự do mình nhận tại Việt Nam là một cách rất hiệu quả để duy trì mối quan hệ với đồng nghiệp, đồng thời mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn. Những trải nghiệm cá nhân như vui chơi, du lịch, thể thao… thì xếp cuối vì đó là những hoạt động nếu có thì tốt, không thì thôi (nice-to-have) chứ không bắt buộc phải có.
* Được biết, anh Đức đã học tại Clark University đã hơn một năm rồi, tức là thời gian làm luận văn cũng đang đến gần. Như vậy, anh Đức đã bắt đầu chuẩn bị gì cho giai đoạn này?
Thật ra ngay từ thời điểm này thì mình đã bắt đầu làm Luận văn Thạc sĩ rồi. Mình muốn học kỳ này sẽ tập trung làm luận văn, còn học kỳ sau thì tìm cơ hội để đi thực tập. Đề tài nghiên cứu mình lựa chọn thì nghiêng về học thuật, phân tích hơn là giải case-study hoặc làm dự án. Đây cũng có thể xem là nền tảng cho công việc giảng dạy và nghiên cứu sau này.
Về nội dung đề tài cho luận văn, chủ đề mình phân tích là tác hại của nội dung ngắn qua lý thuyết của tác giả Neil Postman – nhà nghiên cứu về phương tiện truyền thông (media) nổi tiếng tại Mỹ – trong cuốn sách “Amusing Ourselves to Death” (được xuất bản vào đầu năm 2023 tại Việt Nam với cái tên “Giải trí đến chết”). Trong quyển sách này, tác giả cho rằng cách con người tư duy đã thay đổi, họ chỉ muốn tìm kiếm thông tin nhanh, giàu tính giải trí và đôi khi là không có giá trị gì, thay vì đào sâu về mặt kiến thức.
Không chỉ vậy, nội dung ngắn không chỉ tác động ở khía cạnh cá nhân, cụ thể là người trẻ, mà còn ảnh hưởng đến cả nền văn hóa – xã hội nói chung, cũng như các lĩnh vực khác như giáo dục. Vì thế, nghiên cứu của mình sẽ tập trung khai thác những thay đổi mang tính hệ thống và văn hóa của nội dung ngắn mang lại đối với những người tiêu thụ nội dung tại Mỹ.
Có khá nhiều lý do khiến mình lựa chọn đề tài này. Thứ nhất, với cương vị là một người làm nội dung, mình nghĩ rằng ai cũng có một câu hỏi thường trực trong đầu là nên sản xuất nội dung ngắn hay nội dung dài. Dĩ nhiên, nội dung ngắn hay dài còn tùy thuộc vào lượng thông tin muốn chia sẻ. Dẫu thế, đây rõ ràng là một trăn trở lớn mà nhiều người làm nội dung gặp phải.
Thứ hai, đó là mình cảm nhận được tác động tiêu cực của nội dung ngắn đến với hành vi đọc. Giờ đây, mọi người ngày càng lười đọc những bài viết dài. Họ chỉ muốn đọc những thông tin ngắn gọn, trực diện với hình thức nội dung là hình ảnh hoặc video. Ngoài ra, đề tài này cũng thích hợp để cân nhắc xem bản thân có phù hợp với việc làm nghiên cứu hay không. Bởi vì nếu quyết định học Tiến sĩ thì mình phải thực sự chắc chắn rằng bản thân phù hợp với việc nghiên cứu, không thì rất lãng phí thời gian học tập.
* Anh có thể kể về một số kỷ niệm hoặc cột mốc đáng nhớ nhất trong một năm học vừa qua không (về trải nghiệm học tập, môi trường học tập, văn hóa...)?
Trải nghiệm đáng nhớ nhất của mình chắc là khi tham gia môn học Storytelling. Có một số kiến thức mà thầy giáo giảng dạy mình cảm thấy rất đơn giản. Thầy giáo của mình cũng cảm nhận được thái độ của mình với nội dung học đó. Kết quả thì không có gì bất ngờ, mình mắc phải rất nhiều lỗi cơ bản trong việc viết lách và có những hôm thì điểm số của mình thuộc trong số thấp nhất lớp.
Dù tự thấy bản thân là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, mình nhận ra điều quan trọng là phải học cách “learning to unlearn”, tức là quên đi những kiến thức đã học được. Điều đó có nghĩa là bạn phải bỏ đi tư tưởng rằng đây là những cái đã học rồi và không cần học thêm nữa. Thực tế thì việc học một kiến thức không quá khó, vì người học luôn có tâm thế sẵn sàng tiếp nhận. Đối với những kiến thức không mới, chúng ta sẽ dễ cảm thấy chủ quan. Do vậy, kết quả của môn học đó khiến mình nhận ra giá trị của việc “unlearn” trong quá trình đi học.
Bên cạnh đó, trong quá trình học thì mình cũng có làm Trainer cho các sinh viên với những kiến thức liên quan đến việc đồng thuận (consent). Ở trường Đại học Clark, vào đầu năm học, các bạn sinh viên không phải học các môn kiến thức chuyên ngành, mà phải học các môn liên quan đến hành vi và chuẩn mực đạo đức, chẳng hạn như đạo văn và sự đồng thuận. Cá nhân mình rất thích những buổi học liên quan đến sự đồng thuận. Không chỉ vì đây là bài học quan trọng cho bạn sinh viên, mà mình còn có thể mang kiến thức hữu ích này để trò chuyện với các bạn sinh viên người Việt. Đồng thuận là một trong những khía cạnh quan trọng khi thảo luận về tình dục với sinh viên. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề đồng thuận là một điều rất xa lạ và mọi người không có thói quen nói về nó.
Việc điều phối một lớp học chỉ toàn các sinh viên Mỹ cũng là một trải nghiệm thú vị với mình. Bản thân mình cũng có vài phần ngại ngùng và dè dặt khi phải đối diện với những sinh viên Mỹ có vóc dáng cao lớn hơn. Dù thế, mình luôn đặt ra một tâm thế rằng sinh viên Mỹ thì cũng như sinh viên Việt Nam, vậy nên các buổi học này cũng được hoàn thành một cách thuận lợi.
* Anh có thể chia sẻ thêm một chút về dự định của bản thân sau khi hoàn thành chương trình học Thạc sĩ không?
Theo dự định của mình, sau khi hoàn thành chương trình học thì mình vẫn muốn tìm cơ hội trong các khối ngành phát triển phi chính phủ. Vì đây là không gian để mình triển khai các hoạt động truyền thông một cách có trách nhiệm, cũng như mang lại nhiều sự thay đổi tích cực trong xã hội, thông qua các hoạt động vận động chính sách, phản biện truyền thông hoặc các chương trình CSR (Corporate Social Responsibility). Những hoạt động trên phù hợp với mục tiêu công việc, các nội dung đã học tại trường Đại học, cũng như kỳ vọng của mình khi nhận được học bổng toàn phần của Fulbright.
Cùng với đó, mình cũng muốn theo đuổi công việc giảng dạy. Với mình, giáo dục luôn là phương pháp hiệu quả để hướng thế hệ đến một không gian truyền thông tích cực và có trách nhiệm hơn. Ví dụ, khi triển khai một chiến dịch quảng cáo, liệu có bao nhiêu người quan tâm đến tác động của quảng cáo đến nhóm người thuộc cộng đồng thiểu số vô tình được nhắc đến trong đó hay không? Hay là phần lớn mọi người chỉ quan tâm đến KPI, chỉ số Return on Investment hoặc là khả năng “viral”... Hơn thế nữa, một số vấn đề khác như kiểm duyệt nội dung như thế nào thì được đánh giá là có đạo đức, hoặc đối mặt với tin giả như thế nào để trở thành một người đọc tỉnh táo? Đó là những câu hỏi mà các bạn sinh viên cần quan tâm ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường học về ngành Truyền thông.
Điều quan trọng là phải học cách “learning to unlearn”, tức là quên đi những kiến thức đã học được.
Dẫu sinh viên không hẳn là một sản phẩm hoàn toàn của giáo dục, song một nền giáo dục tốt sẽ tạo ra các bạn trẻ làm nghề với thái độ tích cực và đúng đắn. Và đó là thứ mình tin mà ngành truyền thông cũng cần có.
Do vậy, mình tin rằng những kiến thức học được tại Mỹ sẽ mang lại nhiều giá trị hơn cho các bạn sinh viên tại Việt Nam. Chẳng hạn như với môn học Digital Literacy, đây không còn là môn học mới mẻ tại Mỹ song vẫn còn khá xa lạ tại Việt Nam. Người làm truyền thông tại Việt Nam chỉ quan tâm nhiều về khía cạnh thực hành, chẳng hạn như làm thế nào để thu hút người đọc hoặc có đủ 1 triệu lượt xem. Liệu những mối quan tâm đó có đúng với chuẩn mực đạo đức của ngành truyền thông hay không? Đó sẽ là những giá trị mà mình có thể mang lại cho các bạn trẻ thế hệ sau khi học tập về ngành Truyền thông.
* Đến thời điểm hiện tại, đâu là những đúc kết quý giá mà anh nhận được trong quá trình du học?
Có lẽ bài học quan trọng nhất mình học được đó là sự cởi mở. Khi học tập ở một môi trường tại Mỹ, mình có cơ hội tiếp xúc với nhiều sắc tộc, tôn giáo khác nhau. Để hòa hợp được với một cuộc sống như thế, mình phải là người mở lòng với những điều khác biệt.
Đối với người làm sáng tạo, yếu tố này còn quan trọng hơn thế. Để có được những góc nhìn và chất liệu mới, bạn cần bước ra khỏi thế giới của mình và bước vào thế giới của một người khác. Ví dụ như vấn đề về hình mẫu cơ thể nữ giới, tại Việt Nam dù đã cởi mở hơn rồi, song vẫn có những chuẩn mực nhất định về việc vóc dáng cơ thể. Trong khi đó, tại Mỹ thì họ đã có hơn hàng chục năm để “tái định nghĩa” về hình mẫu cơ thể của nữ giới.
Trong quá trình tiếp cận những góc nhìn mới mẻ, mình cũng muốn nói về thuật ngữ “inspiration porn” (tạm dịch: kích dục cảm hứng). Các quảng cáo thường sử dụng hình ảnh người khuyết tật để truyền cảm hứng hoặc động lực cho người xem, mà quên đi yếu tố quan trọng nhất đó là họ cũng là một chủ thể. Do đó, câu chuyện của họ cần được kể lại một cách toàn diện, cũng như khắc họa cuộc sống và những khó khăn họ phải đối mặt tốt hơn. Mình nhận ra rằng những câu chuyện đơn tuyến (single story) như thế không phản ánh được hết bức tranh toàn cảnh. Do đó, các chiến dịch quảng cáo tại Mỹ gần như né tránh “inspiration porn”, trong khi các quảng cáo tại Việt Nam vẫn còn rơi vào khuôn mẫu như thế.
* Anh Đức có thể đưa ra một số lời khuyên cho các bạn có cùng dự định du học cùng chuyên ngành với mình không?
Truyền thông là một bức tranh rất rộng, bao gồm PR, quảng cáo, phương tiện truyền thông (media)... Vậy nên đôi khi các bạn chưa hình dung rõ mình sẽ học những gì. Vì vậy, điều bạn cần quan tâm là bạn muốn học lĩnh vực nào trong truyền thông. Bởi vì có nhiều trường Đại học sẽ đi vào đi sâu vào đào tạo từng ngành nhỏ trong đó. Có những trường sẽ đào tạo cả chuyên ngành Truyền thông, song bạn cũng phải chọn thêm một chuyên ngành phụ.
Ngoài ra, đừng quá tập trung vào những kỹ năng cứng mà có thể dễ dàng bị thay thế bởi AI (trí tuệ nhân tạo). Bạn nên học thêm những kỹ năng như tư duy hệ thống, đào sâu vấn đề và khả năng học tập suốt đời.
Còn nữa, với mình thì việc du học là cơ hội có nhiều góc nhìn mới mẻ hơn, chứ không đơn giản chỉ là muốn tìm việc làm mới với thu nhập cao hơn. Theo mình, điều đó sẽ mang lại động lực học tốt hơn và giảm bớt áp lực khi đi du học.
Đối với những bạn có hứng thú du học nhưng chưa rõ nên chọn lĩnh vực nào trong ngành Truyền thông, theo gợi ý của mình thì bạn nên thử đi làm vài năm rồi đưa ra quyết định sau. Trên thực tế thì không ít người làm việc trong ngành này cho rằng không cần có trình độ học vấn quá cao. Có những bạn dù làm trái ngành song vẫn viết rất tốt. Sau một quãng thời gian làm nghề, bạn sẽ biết được đâu là lựa chọn phù hợp với bản thân giữa việc du học, tiếp tục làm việc, hoặc chuyển sang một ngành khác.
* Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành và thú vị của anh Đức!
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.
Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam