Mixue - Khi nhà đầu tư rơi vào biến cố đến từ "Nhượng quyền thương hiệu"
Không thể phủ nhận được sức nóng của thương hiệu Mixue trong thời gian qua đã thôi thúc không ít những nhà đầu tư bỏ hàng tỉ đồng để ký hợp đồng nhượng quyền thương hiệu. Thế nhưng, hơn một tuần vừa qua, nhiều nhà đầu tư đang chật vật rơi vào khủng hoảng đến từ áp lực duy trì kinh doanh vì sự cạnh tranh cao, nguyên liệu đầu vào đắt đỏ trong khi giá thành bán sản phẩm trên thị trường lại vô cùng thấp. Từ cuộc khủng hoảng lần này của Mixue, chúng ta mới nhìn nhận lại một cách khách quan về những rủi ro lớn đến từ nhượng quyền thương hiệu.
Mixue đang khiến cho các chủ đầu tư nhượng quyền lao đao
1, Mixue - Cơn sốt lớn tại thị trường Việt Nam với hơn 1300 cửa hàng
Mixue Ice Cream & Tea là một thương hiệu kinh doanh kem và các loại đồ uống như trà, trà sữa,... theo mô hình nhượng quyền đến Hà Nam, Trung Quốc. Thương hiệu này được thành lập từ năm 1997 và tới nay đã có đến 21.581 tại Trung Quốc, đồng thời mở rộng ra hơn 12 quốc gia tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Mixue ra đời vào năm 1997
Mixue khởi đầu là một cửa hàng kem nhỏ với số vốn khiêm tốn chỉ 460 USD, sau đó thương hiệu mới mở rộng mạng lưới theo cấp số nhân bằng chiến lược giá rẻ và nhượng quyền. Ở đất nước tỷ dân, trà sữa trân châu ở Mixue được bán với giá chỉ 7 Nhân dân tệ (NDT) – tương đương 0,97 USD – trong khi trà chanh và nước chanh có giá lần lượt là 6 NDT và 4 NDT. Với mức giá trung bình dao động 6-8 NDT, giá đồ uống tại Mixue chỉ chưa bằng một nửa so với mức 15 NDT của chuỗi đối thủ Good Me.
Năm 2018, Mixue chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam với cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội được ra mắt vào vào tháng 9. Với mức giá rẻ nổi bật so với thị trường đồ uống, lại sở hữu phong cách trẻ trung, bắt mắt Mixue nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng Việt. Ngay sau khi có màn chào sân ấn tượng tại thị trường nước ta, loạt cửa hàng Mixue mọc lên dày đặc tại các thành phố lớn và thậm chí có những khu vực các cửa hàng Mixue chỉ cách nhau chưa đầy 2 km. Nhiều người đùa rằng, giờ đây cứ bước chân ra đường là lập tức có thể mua được Mixue vì độ phủ sóng không tưởng của thương hiệu này.
Mixue phủ sóng dày đặc tại thị trường Việt Nam
Sự tăng trưởng thần tốc của Mixue được đặt lên bàn cân so sánh với nhiều anh lớn đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ nhiều năm trước. Tên tuổi quen thuộc như Highland Coffee mới chỉ cán mốc 605 cửa hàng, The Coffee House có 155 cửa hàng, Phúc Long theo sát với 114 cửa hàng, hay thương hiệu toàn cầu Starbucks cũng phải chật vật 10 năm mới đạt tới mốc 100 chi nhánh. Mixue là người anh em sinh sau đẻ muộn trong bối cảnh thị trường đồ uống dịch vụ cạnh tranh khốc liệt thế nhưng lại chỉ mất vỏn vẹn 5 năm để chạm tới một con số khổng lồ với 1300 cửa hàng tại Việt Nam vào giữa năm 2023. Đây được xem là một hiện tượng tăng trưởng chưa từng có trong các thương hiệu đồ uống tại Việt Nam, đưa Mixue trở thành chuỗi đồ uống có quy mô lớn nhất trên thị trường.
Cơn sốt của Mixue không chỉ đến từ hương vị sản phẩm, giá thành “rẻ như cho” mà còn thu hút rất nhiều người bởi chính sách nhượng quyền hấp dẫn được áp dụng trong những năm qua. Mixue được biết đến với mô hình nhượng quyền có tỷ suất lợi nhuận lớn, mức giá đầu vào rẻ. Đặc biệt với kinh nghiệm sẵn có từ việc vận hành hàng chục nghìn cửa hàng nhượng quyền tại thị trường Trung Quốc, Mixue không khó để quản lý quy mô số lượng lớn các cửa hàng nhượng quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, câu chuyện nhượng quyền lại vô tình trở thành con dao hai lưỡi có thể làm “đứt tay” các nhà đầu tư bất cứ lúc nào vì những mặt trái mà nó đem lại.
2, Biến cố ập đến từ hai chữ “Nhượng quyền” và chính sách hạ giá của Mixue
Sau khi đạt được số lượng cửa hàng kỷ lục tại thị trường Việt Nam, Mixue bất ngờ có một động thái điều chỉnh giá khiến cho các bên nhận nhượng quyền rất hoang mang. Mới đây thương hiệu này đã công bố giảm sâu từ 20 - 30% giá của các sản phẩm trà hoa quả - một dòng sản phẩm vốn có mức giá bán tương đối thấp. Điều này tưởng chừng như là một chương trình khuyến mãi để tăng sức cạnh tranh về giá đúng với các thương hiệu khác.
Tuy nhiên, mặc cho giá bán giảm sâu tới 30%, giá nguyên liệu nhập đầu vào tại các cửa hàng nhượng quyền lại chỉ được giảm 8%. Chính sách này đã khiến người bán buộc phải chịu cảnh giá thành cao - giá bán thấp, dẫn đến nguy cơ kinh doanh không lợi nhuận và thậm chí là thua lỗ bởi số vốn đầu tư quá lớn đã bỏ ra.
Giá thành bán ra của Mixue chênh lệch lớn với giá nguyên liệu nhập vào từ thương hiệu
Doanh thu trung bình trong những tahnsg cao điểm của Mixue có thể chạm ngưỡng 300 triệu đồng nhưng với chính sách “kỳ lạ” như của thương hiệu thì chủ đầu tư sẽ phải chịu lỗ từ 30 - 35 triệu đồng/tháng. Biến cố lớn trong suốt hơn một tuần vừa qua xảy ra với các chủ nhượng quyền đó là việc Đầu tư nhiều, dịch vụ tốt nhưng giá bán ra chỉ ngang với cốc nước ngồi ngoài vỉa hè. Và tất nhiên, câu chuyện này sẽ kéo theo việc lợi nhuận của cửa hàng sẽ tụt dốc không phanh. Chính sách được đưa ra nhưng lại ngược đời ở chỗ nguyên liệu tăng giá nhưng giảm giá sản phẩm thì chẳng mấy chốc khiến chủ nhượng quyền lao đao, khốn khổ. Rạch ròi mà nói, câu chuyện này có khác gì các nhà đầu tư đang đi làm không công cho chính bản thân mình?
Bên cạnh chính sách hạ giá của Mixue, các nhà đầu tư còn điêu đứng khi phải cạnh tranh trong chính thương hiệu này. Điều này đề cập đến việc số lượng cửa hàng Mixue mọc lên như nấm, lại phủ sóng dày đặc ở trong một khu phố, địa bàn khiến cho chính những cửa hàng trong cùng một thương hiệu như thế lại “quay ra cấu xé nhau” để cạnh tranh. Với thương hiệu Mixue, theo phản ánh của các chủ cửa hàng nhượng quyền, các cửa hàng cách nhau tối thiểu 50m như thế quá dày. Như thế, cửa hàng Mixue không những phải cạnh tranh với các thương hiệu khác mà còn cạnh tranh với khách từ chính thương hiệu của mình.
Các cửa hàng Mixue rơi vào tình cảnh cạnh tranh lẫn nhau trong một khu vực
Trong nhượng quyền kinh doanh, thời điểm đầu số lượng các cửa hàng ít, thị trường ở trạng thái "hưng phấn" chủ cửa hàng sẽ thấy lãi ngay. Tuy nhiên, khi cửa hàng nhượng quyền mọc lên như nấm, chủ đầu tư chưa kịp thu hồi vốn thị trường đã bão hòa. Công ty nhượng quyền còn liên tục đưa ra các chính sách mới bất lợi, cuối cùng, phía chịu thiệt là các chủ cửa hàng.
3, Lời cảnh tỉnh cho những ý tưởng kinh doanh nhượng quyền trong tương lai
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Phó Dũng - Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội - cho biết, sự việc của Mixue chính là lời cảnh tỉnh cho những người muốn kinh doanh nhượng quyền.
"Khi nhà đầu tư muốn kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu cần tìm hiểu kỹ về bên nhượng quyền, hợp đồng nhượng quyền, mô hình nhượng quyền, phạm vi lãnh thổ nhượng quyền, lĩnh vực kinh doanh hoạt động nhượng quyền, các chi phí, nghĩa vụ tài chính, chấm dứt hợp đồng.
Luật sư Nguyễn Phó Dũng - Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội
Hợp đồng nhượng quyền quy định chặt chẽ nên trước khi quyết định đầu tư mô hình nhượng quyền nhà đầu tư nên nhờ các chuyên gia chuyên sâu để rà soát pháp lý. Đồng thời đàm phán các nội dung hợp đồng để đảm bảo tuân thủ pháp luật và tránh những rủi ro không đáng có" - ông Dũng cho hay.
Cuối cùng, biến cố khủng hoảng của Mixue cũng nhìn nhận được những vấn đề cốt lõi cho những nhà đầu tư nhượng quyền trong tương lai, để biết mà tránh, hoặc để biết mà cân nhắc trước khi xuống tiền:
Cán cân “đầu vào-đầu ra”: Đây là bài toán về giá nguyên liệu nhập vào và giá bán lẻ ra thị trường của các sản phẩm. Các nhà đầu tư thường bị thu hút bởi các sản phẩm có giá bán hấp dẫn, nguyên liệu đầu vào cao cấp nhưng có giá rẻ như Mixue. Tuy nhiên đây thường là cái bẫy nhượng quyền trong thời gian đầu để thu hút người bán và khó đảm bảo doanh thu lâu dài.
Chi phí nhượng quyền có mang lại doanh thu tiềm năng? Mixue cam kết các cửa hàng nhượng quyền có khả năng hoàn vốn trong vòng 6 tháng.Chi phí để đầu tư cửa hàng được quảng cáo chỉ dao động 600-700 triệu đồng. Thế nhưng khi đi vào hoàn thiện với cơ sở vật chất và chi phi nguyên vật liệu thì số tiền đầu tư lại lên đến 1,1-1,2 tỷ đồng. Tính ra, doanh thu của Mixue phải gấp đôi, gấp ba lần mỗi tháng thì may ra cho các nhà đầu tư có thể thu hồi vốn ban đầu.
Cân nhắc kỹ lưỡng về các chính sách nhượng quyền: Không chỉ nhìn vào tiềm năng lợi nhuận, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng các chính sách nhượng quyền bao gồm: Chiến lược về giá, nguyên vật liệu, khoảng cách địa lý giữa các điểm bán tối thiểu,.... để không còn tình trạng “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.