Marketer SR Fashion Business School
SR Fashion Business School

Style Republik Fashion Media and Education Company

Đằng sau vẻ hào nhoáng, góc khuất ngành thời trang có gì?

Đằng sau vẻ hào nhoáng, góc khuất ngành thời trang có gì?

Nhiều người có khát vọng muốn làm việc trong ngành thời trang, nhưng họ vẫn không biết rằng ẩn dưới lối sống hào nhoáng là những sự thật không phải màu hồng. Hãy cùng tìm hiểu bài viết này. Bài viết điểm lại một vài điểm nổi bật từ cuộc khảo sát độc quyền của Vogue Business với hơn 600 chuyên gia thời trang trên khắp thế giới, nhằm tìm ra câu trả lời cho hai câu hỏi chính: Định nghĩa mức độ thành công nhất định trong thời trang là gì và làm thế nào để luôn hạnh phúc ở mức độ đó? 

Các nhân viên bao gồm cả các lãnh đạo cấp cao luôn phải làm việc không ngừng nghỉ và lịch làm việc của họ luôn kín mít. Chỉ tính riêng những tuần lễ thời trang, họ đã phải “chu du” khắp nơi trong hầu hết tháng 1, tháng 2, tháng 6, tháng 7 và tháng 9. Điều này vẫn chưa bao gồm các hội nghị, sự kiện diễn ra một lần hoặc triển lãm thương mại. Về bộ phận thiết kế, những nhân viên sáng tạo này sẽ có một giai đoạn khủng hoảng trước mỗi tháng thời trang, và bên bộ phận mua và bán hàng sẽ phải đối mặt với những công việc liên quan đến hợp tác, lên kế hoạch và giới thiệu các sản phẩm mới…

Lịch diễn ra các tuần lễ thời trang trên thế giới.

Nhà tạo mẫu tóc Jawara Wauchope cho biết: “Hệ thống thời trang vận hành một cách điên cuồng. Bạn dồn hết năng lượng của mình vào một việc này, sau đó bạn phải làm lại từ đầu cho mùa tiếp theo hoặc thậm chí là một mùa phụ bên cạnh các mùa thời trang chính. Người tiêu dùng đang tiêu thụ với tốc độ nhanh hơn, nên chúng tôi luôn phải chạy đua với thời gian. Nhưng nếu chúng tôi không tìm ra cách giải quyết vấn đề này, tất cả chúng ta đều sẽ kiệt sức”.

Nhiều người trong ngành đã phải đối mặt với ác mộng mang tên “chuyến đi công tác”.

Trong thời kỳ đại dịch, Dries Van Noten, Andrew Keith của Lane Crawford và Shira Sue Carmi của Altuzarra đã chỉ ra thói quen làm việc không bền vững của ngành thời trang. Dường như có rất nhiều người đã ủng hộ quan điểm này, chẳng hạn như Gucci đã vạch ra kế hoạch giảm lịch trình diễn và nhà thiết kế Giorgio Armani đã viết một bức thư ngỏ ủng hộ việc phát triển chậm lại trong ngành. Tuy nhiên, cuộc khảo sát “Thành công trong thời trang” (Success in Fashion) của Vogue Business cho thấy rằng việc này hoàn toàn trái ngược: Tốc độ tăng trưởng đã tăng nhanh.

Các phản hồi cho thấy tốc độ của ngành và lối sống này tiếp tục gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho những người làm việc trong ngành thời trang, ảnh hưởng đến mức độ gắn bó lâu dài và sự hài lòng trong cuộc sống cá nhân của họ. Phần lớn những người tham gia khảo sát làm việc nhiều hơn số giờ theo hợp đồng và thường xuyên đi công tác, điều này khiến nhiều người cho rằng chúng gây khó khăn cho việc cần ưu tiên khác, bao gồm các mối quan hệ, gia đình, sở thích bên ngoài và phúc lợi cơ bản. Kết quả là họ rất khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Đồng thời, mức lương trong ngành công nghiệp hào nhoáng này cũng rất khác nhau giữa nam giới, nữ giới và giữa các chức vụ. Trong khi đó, số lượng người ứng tuyển đã vượt quá mức số lượng vị trí đang tuyển. Điều này làm trầm trọng thêm văn hóa cạnh tranh. Và những người trở thành nhân viên chính thức sẽ phải đánh đổi thời gian cá nhân để hy sinh cho công việc. Nếu không, họ có thể bị sa thải. Thay vì lo sợ về nguy cơ bị thay thế hoặc sa thải trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, một số người đang tham khảo và tìm kiếm công việc ổn định hơn trong các ngành khác cho phép họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn. 

Mức lương không cao với cường độ công việc quá tải khiến rất nhiều nhân viên phải từ chức.

Làn ranh mờ nhạt giữa thời gian cho bản thân và công việc 

Bởi vì phải làm thêm giờ, điều này có thể gây khó khăn cho nhân viên trong việc duy trì các hoạt động cá nhân. Giám đốc Sáng tạo của Hội đồng Thời trang Thụy Điển, Robin Douglas Westling, cho biết: “Tôi đang muốn tìm ra bản sắc riêng cùng với giá trị của mình trong lĩnh vực kinh doanh này”.

Trong số những người trả lời khảo sát của Vogue Business, 48% nói rằng họ làm việc nhiều hơn số giờ đã ký hợp đồng. Hơn một nửa số người được hỏi được yêu cầu phải đi công tác ít nhất vài tháng một lần, 13% đi công tác nhiều lần mỗi tháng và chỉ 25% không bao giờ đi công tác. Nam giới có xu hướng đi công tác thường xuyên hơn nữ giới (68% so với 50%).

Trong số những người đi công tác thường xuyên, nhiều người đã phải vật lộn với tình trạng kiệt sức và cô đơn, đồng thời cho biết họ có nhiều khả năng phải làm việc ngoài giờ không được trả lương. “Tháng 9 năm ngoái, tôi đã tới New York, London, Paris và Stockholm để tham dự tuần lễ thời trang. Khi trở về tôi cảm thấy mình thực sự không khỏe”Benji Park, người sáng tạo nội dung TikTok cho biết. Nhà tạo mẫu tóc Wauchope còn cho biết thêm: “Khi tôi mới bắt đầu đi công tác, điều đó rất thú vị, nhưng sau một thời gian, cơ thể tôi đã bị ảnh hưởng nặng nề”.

Mỗi một lần diễn ra tuần lễ thời trang là lại một lần chạy đua với việc tăng ca.

Trái với ý kiến “công tác là một lợi ích to lớn của công việc” nhưng những người khác lại cho rằng đó không phải là một sự lựa chọn tốt và họ sẽ tránh nó nếu có thể. Một người trả lời nói: “Tôi không thể làm công việc của mình nếu không đi. Khi họ yêu cầu bạn đi, bạn phải đi”.  Đối với những người không thể đi công tác, việc ở nhà cũng có thể đồng nghĩa với việc bỏ lỡ những cơ hội quan trọng để kết nối và thăng tiến trong sự nghiệp. Do đó, họ khó có thời gian tiếp xúc với con cái. Khoảng một phần ba (35%) số người tham gia khảo sát cho biết họ có ít nhất một con nên sau khi có con, sự nghiệp của họ đã gặp khó khăn hơn trước rất nhiều.

Influencer Brittany Xavier nói rằng việc tạo ra những ranh giới lành mạnh và chuyển sang chế độ làm việc bốn ngày một tuần là điều quan trọng. “Tôi có thể không cưỡng lại được việc tham gia mọi chuyến đi hoặc tuần lễ thời trang mà tôi được mời, nhưng sau khi tôi học được cách chọn lọc và cân nhắc kỹ lưỡng đã tạo ra sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống không chỉ cho tôi mà còn cho gia đình tôi”, cô nói. Tương tự như vậy, nhà tạo mẫu người Úc Kim Russell cho biết cô đã tìm ra một thói quen phù hợp với mình, liên lạc với các khách hàng ở Anh vào ban đêm khi đứa con trai hai tuổi của cô đang ngủ và nhờ chồng hỗ trợ con khi cô ấy đi công tác cho những tháng thời trang.

Xây dựng các hệ thống hỗ trợ đồng nghiệp và nhân viên

Lịch trình làm việc dày đặc có thể rất thú vị, nhưng nó cũng có thể thúc đẩy những thói quen không lành mạnh, chẳng hạn như thiếu ngủ, uống rượu quá nhiều hoặc sử dụng chất gây nghiện khác. Tuy nhiên, những người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy áp lực vì sợ bỏ lỡ những cơ hội quan trọng và việc từ chối uống rượu trong các sự kiện xã hội đã khiến họ ít có khả năng thành công hơn.

Việc hỗ trợ các nhân viên nên là một phần của văn hoá doanh nghiệp.

Những người trẻ tuổi đặc biệt dễ bị áp bức và bắt nạt trước mặt tối của môi trường “chia bè kết phái” trong ngành và cả việc bị các nhân viên lớn tuổi quấy rối. TikToker Park cho biết anh ấy đã tận mắt nhìn thấy điều này: “Cần phải có nhiều biện pháp bảo vệ hơn, đặc biệt đối với những người có hoàn cảnh kinh tế xã hội thấp hơn, những người có ít khả năng tự bảo vệ mình”.

Văn hóa tiệc tùng khiến cho những người không uống rượu cảm thấy khó chịu. Nhà tư vấn về hòa nhập thời trang Arooj Aftab không uống rượu vì cô ấy là người Hồi giáo. Nhưng cô ấy vẫn vướng phải một vài tình huống sử dụng rượu khiến cô không thoải mái. Các buổi tiệc không chỉ tạo ra cơ hội giao lưu mà còn khiến mọi người ý thức về giá trị cảm nhận của những người xung quanh. Wauchope nói: “Thời trang là một ngành mang tính cá nhân cao – bạn được đánh giá dựa trên phong cách và tài năng cá nhân mỗi ngày. Mặc dù bạn có thể là người tài năng nhất, nhưng liệu những người có thích bạn hay không mới là điều quan trọng”.

Arianna Huffington, người sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của Thrive Global và đồng sáng lập The Huffington Post, cho biết phụ nữ thường là những người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi kiệt sức và thiếu ngủ. “Quá nhiều phụ nữ bị ép buộc để lựa chọn giữa thành công trong công việc hoặc trở về nhà làm nội trợ”.

Củng cố sự hài lòng giữa công việc và cuộc sống 

Davidson, người lớn lên trong tầng lớp lao động, cho biết: “Khi tôi mới bước chân vào ngành này, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống không có ở đó vì áp lực mà tôi tự đặt lên mình. Cuối cùng tôi đã được nhận vào một công ty mà tôi muốn làm việc, làm những gì tôi thực sự muốn và tôi đang cố gắng chứng tỏ bản thân trong một ngành rất cạnh tranh. Ngành nào cũng có những người nghiện công việc, nhưng thời trang dường như có rất nhiều người có suy nghĩ đó”.

Những người điều hành doanh nghiệp của riêng mình phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Nhà thiết kế Jawara Alleyne cho biết: “Về cơ bản, bạn hy sinh cuộc sống cá nhân cho cuộc sống nghề nghiệp của mình với hy vọng rằng đến một lúc nào đó, cuộc sống nghề nghiệp của bạn sẽ có thể hoạt động hiệu quả để bạn có thể quay lại cuộc sống cá nhân. Phải mất một thời gian rất dài trước khi bạn có thể thực sự trở thành người điều hành và trả lương cho các nhân viên của mình vào cuối tháng hoặc học cách sắp xếp lịch trình và phát triển thương hiệu của mình”.

“The Devil Wears Prada” – một bộ phim lột tả rõ nét góc khuất của ngành thời trang.

Đối với nhiều người khác, làm việc trong lĩnh vực thời trang không mang lại đủ thu nhập để trang trải mức sống trung bình, đặc biệt là ở bốn thành phố thời trang, thường xuyên góp mặt  trong danh sách những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Nhà thiết kế và nhà dự báo xu hướng Draven Peña cho biết cô chỉ có thể nhận công việc của mình tại một thương hiệu thời trang ở New York vì cô sống với gia đình một người bạn với giá thuê nhà được chia đôi. Nếu không, tiền lương của cô sẽ không đủ trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản và trả số tiền hỗ trợ tài chính mà nhà trường đã cung cấp cho cô hồi sinh viên. Dù vậy, Peña vẫn cho rằng mình “may mắn” khi được có được công việc này.

Khi mà các cơ hội sinh lời trở nên khan hiếm cùng với áp lực về lối sống đã khiến rất nhiều người đã từ bỏ giấc mơ này. TikToker Park cho biết: “Rất nhiều người mới bắt đầu sự nghiệp được vài năm và nhận ra rằng họ cần phải thay đổi. Cho dù bạn có yêu thích thời trang đến đâu thì nó cũng không mang lại cho bạn nhiều sự an toàn. Hầu hết mọi người đều cảm thấy khó khăn khi mua nhà riêng, nâng cấp lối sống, tạo điều kiện cho một mối quan hệ lâu dài hoặc có tiền tiết kiệm”.

Thời trang là một ngành mang tính cá nhân cao, nơi nhiều người đạt được thành công bằng cách đánh đổi ngoại hình, các mối quan hệ cá nhân và sở thích của mình. Tuy nhiên, việc tập trung vào cá nhân là rất khó khăn. Nếu các cá nhân không tìm ra giải pháp cho vấn đề này thì nguy cơ kiệt sức và bỏ việc hàng loạt sẽ hạn chế sự thành công của các doanh nghiệp.

Thông thường, khi mọi người cảm thấy công việc chiếm quá nhiều thời gian trong cuộc sống, thì đó là lục họ nên nghĩ ra giải pháp cân bằng. Tuy nhiên, Subira Jones, người sáng lập công ty tư vấn The Fireproof Career, cho biết điều này là sai lầm. Thay vào đó, mọi người nên hướng tới sự hài lòng. Ví dụ, nếu một đêm nọ bạn thức dậy lúc 2 giờ sáng với một ý tưởng thì bạn nên ghi lại nó trước khi đi ngủ hoặc bạn làm việc muộn nhưng bạn thích công việc của mình thì bạn sẽ không cảm thấy kiệt sức vì công việc. “Sự hài lòng trong công việc và cuộc sống là một mục tiêu thực tế hơn nhiều” – trích lời Subira Jones.

* Nguồn: Style-Republik