7 chiến dịch quảng cáo ấn tượng của các “ông lớn” ngành F&B

7 chiến dịch quảng cáo ấn tượng của các “ông lớn” ngành F&B

Với sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội trong thế kỷ 21, việc sáng tạo và thực hiện chiến dịch digital marketing đã trở thành một phần quan trọng trong việc quảng cáo lĩnh vực thực phẩm. Các thương hiệu nổi tiếng trên khắp thế giới đã nắm bắt cơ hội này để tạo ra những chiến dịch đầy ấn tượng đối với khách hàng và gia tăng doanh số. 

Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá 7 ví dụ xuất sắc về digital marketing từ các thương hiệu đồ ăn nhanh hàng đầu thế giới, những chiến dịch đã làm nổi bật sản phẩm của họ trên thị trường số và chạm đến mọi giác quan của hàng triệu khách hàng.

7 chiến dịch Digital Marketing về quảng cáo thực phẩm ấn tượng từ các thương hiệu nổi tiếng

Với 7 chiến dịch từ 7 thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng toàn cầu dưới đây, bạn sẽ rút ra được những bài học đắt giá khi áp dụng digital marketing cho thương hiệu của mình.

1. Chipotle

Chipotle (tên đầy đủ là Chipotle Mexican Grill) là một chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh có trụ sở tại Mỹ chuyên về ẩm thực Mexico, đặc biệt là món burrito và taco. Thương hiệu này nổi tiếng với việc sử dụng nguyên liệu tự nhiên và tươi ngon, cho phép khách hàng tùy chọn nguyên liệu để tạo ra bữa ăn theo ý thích của họ.

Là một trong những “ông lớn” về thức ăn nhanh trên khắp thế giới, Chipotle đã thực hiện nhiều nỗ lực để thúc đẩy bền vững và công bằng xã hội trong chuỗi cung ứng thực phẩm của mình.

Sáng tạo – dễ tiếp cận – thu hút ý là 3 tính từ để mô tả chung về các chiến dịch quảng cáo của Chipotle. Lấy ví dụ về chiến dịch “Back to the Start” được ra mắt tại các rạp chiếu phim ở Mỹ và lễ trao giải Grammy.

Nguồn: TRUE FOOD ALLIANCE

Điều khiến quảng cáo này thành công nằm ở việc vận dụng cách kể chuyện bằng hình ảnh ở mức tối đa, đồng thời chạm đến vấn đề mà mọi người đều quan tâm là sự bền vững trong ngành nông nghiệp và thực phẩm. Hơn nữa, chiến dịch cũng tạo cơ hội để Chipotle thể hiện cá tính và tinh thần nhân văn của thương hiệu.

Marketer có thể rút ra phương pháp gì thông qua quảng cáo của Chipotle? Hãy sử dụng cách kể chuyện bằng hình ảnh (visual storytelling) hấp dẫn và đặt quảng cáo trên đúng kênh truyền thông để thu hút sự chú ý.

2. Five Guys

Five Guys là một chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh nổi tiếng được thành lập vào năm 1986 tại Mỹ, nổi bật với các sản phẩm chất lượng như bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên và sữa lắc góp phần tăng độ nhận diện cho thương hiệu.

Trong quảng cáo này, Five Guys đang giới thiệu một trong những sản phẩm được yêu thích nhất của hãng: Chiếc bánh mì kẹp thịt thơm lừng.

Không chỉ hiển thị hình ảnh chiếc bánh đang được hâm nóng và chỉ chờ được gọi món, quảng cáo Instagram này còn pha chút hài hước kèm câu CTA sáng tạo để kêu gọi khách hàng đến ngay cửa hàng Five Guys gần nhất. Đồng thời, nó nhấn mạnh việc Five Guys hiểu rõ họ giỏi về lĩnh vực gì và luôn có đầy đủ năng lực để thể hiện điều đó.

3. Burger King

Thấu hiểu tâm lý của khách hàng thuộc thế hệ Z và Millennial, chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh huyền thoại Burger King đã bắt tay vào sáng tạo nhiều hơn để chiếm được cảm tình của những thế hệ “yêu thích sự hoài cổ” này. Và còn cách nào thu hút cảm giác hoài niệm hiệu quả hơn là mang món gà chiên huyền thoại trở lại trong quảng cáo của Burger King?

Trong quảng cáo Twitter của mình, thương hiệu đã liên hệ món gà rán với một số điểm thiết yếu nhất của con người. Lời kêu gọi tưởng chừng vô lý nhưng lại mang đến sự hài hước duyên dáng cho quảng cáo.

Cách thiết kế đồ họa cũng rất thú vị và bắt mắt, buộc người xem phải dừng lại chiêm ngưỡng và nhớ về món gà rán năm xưa.

4. Taco Bell

Khởi đầu với một chiếc xe nhỏ bán bánh taco tại Mỹ, Taco Bell đã nhanh chóng mở rộng và trở thành chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh lớn toàn cầu với nhiều món ăn độc đáo như tacos, burritos, quesadillas, nachos... 

Bên cạnh chương trình thực tế “Live Más” (Sống nhiều hơn) nhằm thúc đẩy thử thách và sáng tạo trong ngành ẩm thực, Taco Bell còn được biết đến với mức giá phải chăng và nhiều chương trình khuyến mãi đặc biệt để thu hút khách hàng.

Quảng cáo trên mạng xã hội của Taco Bell được xem là một tác phẩm nghệ thuật.

Thương hiệu này sử dụng quảng cáo Facebook để thông báo về màn trở lại của những sản phẩm cũ được yêu thích hoặc khai trương cửa hàng mới nhằm tạo cảm giác cấp bách hoặc phấn khích cho khách hàng. Đồng thời, bạn sẽ tìm thấy hàng loạt video hậu trường về quá trình nấu nướng của Taco Bell.

Để thúc đẩy doanh số bán hàng, thương hiệu cũng đẩy mạnh các ưu đãi theo mùa và giải thích cách phúc vụ khách hàng an toàn để tạo niềm tin ở họ.

Hãy tham khảo quảng cáo dưới đây để thấy được cách Taco Bell sử dụng tính năng cá nhân hóa, độc quyền và “bắt trend” trong quảng cáo của mình.

Chiến dịch “Build Your Own Cravings Box” của Taco Bell hoạt động như sau:

  • Thu hút mong muốn cá nhân hóa của khách hàng, làm nổi bật khả năng chi trả và số lượng sản phẩm có hạn
  • Tăng tính độc quyền bằng cách giới hạn ưu đãi cho những người dùng online và qua app
  • Củng cố danh tiếng của Taco Bell là một thương hiệu đồ ăn nhanh thân thiện và hướng đến gia đình

Nhìn chung, Taco Bell nói rất nhiều mà không sử dụng hình ảnh phức tạp hoặc quá nhiều chi tiết. Điều này cho thấy đôi khi những điều tốt nhất đến từ những ý tưởng đơn giản nhất.

5. Wendy’s

Wendy’s là một thương hiệu nổi tiếng với menu đa dạng, gồm burger, sandwich, salad, và nhiều loại thức ăn nhanh khác. Không chỉ nổi tiếng với ưu đãi burger “Four for $4”, Wendy’s còn tạo ra một số sản phẩm phổ biến như burger Dave’s Single, đá viên Frosty vị socola hoặc vani và Baconator – một loại burger đầy đặn với bacon.

Wendy’s có một lịch sử lâu dài trong ngành đồ ăn nhanh và nổi tiếng với khẩu hiệu “Quality is Our Recipe” (Chất lượng là công thức của chúng tôi), thể hiện cam kết của họ đối với việc sử dụng nguyên liệu tốt và chất lượng.

Trong quảng cáo Instagram, Wendy’s đã sử dụng bố cục phẳng đầy sáng tạo để quảng cáo ưu đãi mùa hè 4 món với giá 4 USD của mình. 

Quảng cáo này hiệu quả vì nó mang đến một câu chuyện cho người xem. Khi nhìn vào hình ảnh này, bạn sẽ ngay lập tức hình dung mình đang ngồi bên bể bơi với một bữa ăn rẻ và tận hưởng những ngày tháng mùa hè tuyệt vời nhất của mình.

Wendy’s đã thành công trong việc quảng bá chương trình giảm giá của mình, thu hút sự chú ý và tạo ra một câu chuyện. Tất cả chỉ bằng một vài tờ giấy bìa cứng và một chiếc bánh mì kẹp thịt.

6. Dunkin’

Tận dụng mọi công cụ có sẵn là một bí quyết khi tạo quảng cáo digital trong lĩnh vực ẩm thực.

Hãy lấy quảng cáo ẩm thực của Dunkin’ dưới đây làm ví dụ – nơi họ quảng bá món donut mang tính biểu tượng của mình.

 

Để tạo cảm giác phấn khích với sự ra mắt này, Dunkin’ đã tạo một story trên Instagram với tính năng thăm dò ý kiến. Điều này cho phép khán giả bình chọn món họ thích hơn: Donut hay khoai tây chiên?

Trong quá trình thử nghiệm A/B với những quảng cáo này, Dunkin Donuts đã nhận thấy story có cuộc thăm dò ý kiến ​​có chi phí trên mỗi lượt xem thấp hơn 20% so với những story không có cuộc thăm dò ý kiến.

Đây không chỉ là một cách sáng tạo để tăng tương tác của người dùng mà còn cung cấp dữ liệu quan trọng cho các chiến dịch trong tương lai của Dunkin’.

7. M&M’S

Trong những năm vừa qua, những quảng cáo Digital của M&M’s đã không ngừng khiến khán giả cười nghiêng ngả, đặc biệt là quảng cáo Super Bowl dưới đây.

Nguồn: Funny Commercial

Lấy cảm hứng từ cuộc sống hiện đại, quảng cáo đề cập đến mọi thứ, từ một “karen” đến vấn đề ngộ sát. Ngôi sao Dan Levy của bộ sitcom nổi tiếng “Schitt’s Creek” cũng góp mặt trong quảng cáo này.

Tuy nhiên, thành công của quảng cáo này nằm ở sự kết nối nhiều hơn với người xem. Sarah Levy, CMO của Mars Wrigley khu vực Bắc Mỹ, đã giải thích mục đích của quảng cáo này là: “Tạo ra những khoảnh khắc tuyệt vời hơn khiến cả thế giới mỉm cười”.

7 mẹo chạy quảng cáo hiệu quả cho ngành thực phẩm

Bất kể ngân sách của bạn là bao nhiêu, đây đều là những phương pháp bạn có thể sử dụng trong chiến dịch quảng cáo thực phẩm cho nhà hàng của mình.

1. Kể chuyện bằng hình ảnh

Storytelling đã được sử dụng từ lâu. Nhưng chỉ đến những năm gần đây, người ta mới chú trọng nhiều hơn đến cách kể chuyện bằng hình ảnh (visual storytelling). Bởi lẽ, trong một thế giới đầy rẫy sự cạnh tranh với thông điệp của các đối thủ, việc sử dụng hình ảnh trực quan sẽ giúp các thương hiệu thu hút nhiều người xem hơn.

Làm thế nào để triển khai chiến lược kể chuyện bằng hình ảnh hiệu quả?

  • Xác định phản ứng bạn mong muốn nhận được từ khách hàng: Hạnh phúc, thư giãn hay tự tin? Làm thế nào quảng cáo của bạn có thể truyền tải điều đó?
  • Học hỏi từ những đối thủ cùng ngành đang làm tốt nhất.
  • Sử dụng các kỹ thuật kể chuyện đã được kiểm chứng: Thu hút người xem ngay từ cảnh đầu tiên và tạo mạch truyện hiệu quả.
  • Bao gồm các câu chuyện của khách hàng: Làm cho quảng cáo của bạn tập trung vào khách hàng đồng thời giải quyết mối quan tâm hoặc mong muốn của họ.
  • Thể hiện giá trị của thương hiệu, cho khách hàng thấy cách thương hiệu của bạn có thể biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn.

2. Chú ý việc lựa chọn và sử dụng màu sắc

Màu sắc là một trong những phần quan trọng nhất đối với bất kỳ quảng cáo nào. Chọn đúng màu không chỉ ảnh hưởng đến hành vi mua hàng mà còn tạo nên bản sắc cho thương hiệu của bạn.

Trong lĩnh vực thực phẩm, các công ty thường sử dụng những màu cơ bản tươi sáng. Nếu màu đỏ kích thích cảm giác thèm ăn và màu xanh lá cây gợi nhớ tới sức khỏe thì màu vàng được cho là làm tăng serotonin và cảm giác hạnh phúc.

Khi chọn màu sắc, hãy tự hỏi bản thân: Thương hiệu của bạn đang muốn thể hiện cảm xúc gì? Khách hàng nghĩ thế nào khi mua sản phẩm? Màu sắc bạn chọn phù hợp với thương hiệu tổng thể như thế nào?

3. Thể hiện được tính cách và giọng nói thương hiệu

Tùy thuộc vào tông màu tổng thể của từng thương hiệu mà mỗi quảng cáo thực phẩm sẽ có những tính cách khác nhau. Tuy nhiên, giọng nói nào cũng cần có sự mạnh mẽ, đủ để khiến người mua nhận ra ngay thương hiệu của bạn so với đối thủ.

Hãy lồng ghép mọi đặc điểm của thương hiệu trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của bạn, bao gồm: Website, Bao bì, Bản tin, Logo.

Hãy cùng tham khảo tiếng nói thương hiệu của Starbucks – nơi thương hiệu thể hiện đam mê với từng sản phẩm của mình và truyền cảm hứng tích cực cho cuộc sống của mỗi vị khách. 

Quảng cáo này đặc biệt hiệu quả vì ngay từ lời giới thiệu, có thể thấy Starbucks dự đoán được nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Đồng thời, nội dung quảng cáo tập trung vào việc giới thiệu sản phẩm, thể hiện rõ ràng nhiều lựa chọn cho một loại thành phần duy nhất – matcha.

4. Nghiên cứu kỹ nền tảng định chạy quảng cáo

Dù nội dung quảng cáo có hay đến đâu mà không tiếp cận đúng đối tượng thì sẽ gây lãng phí thời gian và tiền bạc.

Nếu bạn đang sử dụng mạng xã hội để quảng bá thương hiệu thì đây là một số thông tin quan trọng bạn cần biết về từng nền tảng:

  • Facebook có tiềm năng to lớn cho các nhà hàng
  • Twitter chia sẻ thông tin chi tiết về diễn biến của ngành thực phẩm
  • Instagram và Pinterest hoạt động tốt trong việc chia sẻ và kể chuyện bằng hình ảnh
  • YouTube là lựa chọn hợp lý nhất để chia sẻ video hướng dẫn
  • TikTok giúp các nhà hàng lan tỏa giá trị và thu hút nhiều khách hàng hơn

Tuy nhiên, đó không phải là tất cả về phương tiện truyền thông xã hội. Một số thích website hoặc blog, trong khi những người khác thích thông tin được trình bày dưới dạng bản tin hoặc quảng cáo video để xem khi đang di chuyển.

Dù thế nào, hãy đảm bảo thương hiệu hiểu sở thích của khán giả để có thể tiếp cận và thu hút họ.

5. Khơi gợi hứng thú và khuyến khích khách hàng tương tác với thương hiệu

Tương tác với khán giả là điều cần thiết để xây dựng thương hiệu. Bạn có thể triển khai theo những cách sau:

  • Sáng tạo các quảng cáo về thực phẩm và mời mọi người xem
  • Khuyến khích follower tự tạo nội dung của mình
  • Cung cấp mã giảm giá và triển khai các cuộc thi
  • Chèn lời kêu gọi hành động (CTA), địa chỉ website và form đăng ký để giữ chân khách hàng tiềm năng

6. “Bắt trend” nhanh

Cập nhật xu hướng và những điều đang “hot” là một trong những bí quyết hiệu quả để tăng doanh số bán hàng. Bạn có thể sử dụng Google Trends để thực hiện các tìm kiếm trên toàn cầu hoặc xung quanh khu vực. Ví dụ, nếu bạn tìm kiếm “Đồ ăn” trên Google thì “Đồ ăn mang đi” và “Nhà hàng đồ ăn nhanh gần tôi” sẽ xuất hiện trong Top 5.

7. Cá nhân hóa

Trong quảng cáo, hãy tô điểm cho cái tên và luôn đề cập đến câu chuyện đằng sau nguồn gốc của thương hiệu. Amy’s Kitchen là một ví dụ điển hình cho kiểu chiến lược này.

Chỉ cần nhìn vào câu chuyện trên bao bì, chúng ta đều thấy được Amy’s Kitchen là một doanh nghiệp gia đình ủng hộ thực phẩm hữu cơ và lành mạnh. Ngoài ra, họ cũng hỗ trợ nông dân địa phương và đặc biệt quan tâm đến chất lượng thực phẩm.

Vậy làm thế nào để doanh nghiệp có thể kể chuyện một cách độc đáo nhằm xây dựng thương hiệu của mình?  

Hãy tập trung vào nguồn gốc, hình ảnh và đạo đức của thương hiệu. Bất cứ điều gì tạo nên sự khác biệt cho quảng cáo thực phẩm sẽ thu hút sự chú ý và khiến thương hiệu khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh.

Vậy thương hiệu của bạn có thể học hỏi và kết hợp những gì vào quảng cáo thực phẩm của mình. Dưới đây là một số câu hỏi mà bạn nên cân nhắc:

  • Kể câu chuyện về nguồn gốc của thương hiệu?
  • Làm nổi bật hình ảnh và độ nhận diện thương hiệu?
  • Giải thích về sứ mệnh, giá trị của công ty của bạn?

Thông qua bài viết này, Ori Agency đã giới thiệu đến bạn cách các “ông lớn” trong ngành đồ ăn nhanh sử dụng nhiều phương tiện truyền thông kỹ thuật số để tạo ra những trải nghiệm thú vị cho khách hàng và xây dựng thương hiệu mạnh mẽ. Để thành công trong lĩnh vực này, các thương hiệu cần tiếp tục nắm bắt cơ hội từ xu hướng Digital Marketing mới, luôn thấu hiểu khách hàng để thực hiện các chiến dịch sáng tạo.

* Nguồn: Ori Agency Marketing