Vài nét khác biệt giữa môi trường Agency Mỹ và Nhật

*Bài viết này được viết dựa trên quan sát cá nhân.

Một người anh trong ngành từng bảo với mình rằng: Một người khi đã đi làm Agency Nhật thì có nhảy việc chỉ trong 4 Agencies Nhật tại VN (Hakuhodo, Dentsu, ADK, Chuo Senko), còn đi làm Agency Mỹ hoặc Tây Agencies nói chung thì cũng loanh quanh các nhóm đó thôi (Các Agencies thuộc WPP Group, Omnicom Group, Publiscis Group…).

Sau 2 năm cống hiến và bán mình cho cả hai nền tư bản, mình phải công nhận đây sẽ là một ý kiến mà nhiều người phải “cắn môi” mà gật đầu.

Xét về khía cạnh con người và văn hóa trong giao tiếp, các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ có xu hướng tự lập và đề cao cái tôi cao (Indivisualism), trong khi đó các nước Á Đông thì thiên hướng cộng đồng tập thể hơn (Collectivism). Nghe thì lý thuyết chán òm vậy đấy, nhưng việc một người chuyển từ môi trường này qua môi trường đối lập kia sẽ bị ngộp với những văn hóa, những “mật hiệu ngầm” tại môi trường mới.

Điểm khác biệt đầu tiên: Trách nhiệm là ở ai. Mặc dù trách nhiệm trong công việc luôn được đề cao, tuy nhiên đối với các công ty Nhật, Hàn, việc một cá nhân phải chịu trách nhiệm là kim chỉ nam. Nói một cách thô hơn: Lỗi này là của ai? Làm sao để cái này không phải lỗi của mình mà là của ai khác. Trong một buổi họp tìm giải pháp, việc đầu tiên phải là tìm ra người chịu trách nhiệm, hoặc phải tìm hướng tiếp cận sao cho lỗi không phải ở mình. Ngược lại, ở Agency Mỹ, thì việc lỗi của ai không quá quan trọng, mà các team sẽ ngồi họp với nhau để tìm ra giải pháp cho vấn đề để còn làm việc khác.

Điểm khác biệt thứ hai: lòng kính mến với các vị trí cao hơn. Mặc dù tất cả các Agencies quốc tế đều có rất rất nhiều (đến buồn cười) các thứ bậc, nhưng góc nhìn của nhân viên về các vị sếp cấp cao lại có thể khác. Trong một Agency Nhật nơi mình đi làm, và một số công ty Hàn mình tìm hiểu, nhân viên thì luôn lịch sự nhã nhặn với nhau, nhưng sự “sùng kính” đối với sếp cao hơn ít nhất 3 cấp bậc sẽ rất khác. Tất cả nhân viên đều biết về các người sếp “bản xứ”, cho dù không chủ động tìm hiểu thì cũng sẽ “thụ động” biết vì có vô số cuộc đối thoại nói về họ. Xa cách hoặc gần gũi, nhưng việc có cơ hội làm việc hoặc đơn giản là giao tiếp cùng các nhân vật này khiến nhân viên rất hào hứng và lấy làm vui sướng, hãnh diện. Có thể nói rằng lãnh đạo cấp cao của công ty Nhật có một cách gì rất riêng để vừa thể hiện uy, vừa khiến nhân viên của họ hào hứng và năng suất hơn mỗi khi tiếp xúc. Trái ngược lại, trong môi trường Agency Mỹ lớn, nếu bạn không phải ở vị trí giám đốc hoặc trưởng phòng, bạn còn chẳng nhớ được nhân sự cấp cao là ai hay tên gì, và bạn cũng không thực sự quan tâm đến họ lắm, nhớ được managers và team xung quanh bạn đã đủ rồi. Thái độ của mọi người đối với lãnh đạo cấp cao thuần là về mối quan hệ của công việc hơn, có phần bình đẳng hơn, nghĩa là cả hai đều thực sự lắng nghe ý kiến của nhau chứ không phải là cấp dưới mù quáng làm theo cấp trên.

Điểm khác biệt thứ ba: Mô hình kinh doanh. Người ta thường bảo: tiền người Nhật chỉ rót về tay người Nhật, do đó các công ty Nhật chỉ làm việc với các Agencies Nhật, và mỗi team trong Agency sẽ chỉ phụ trách một hoặc một vài brand Nhật cố định. Trong khi đó, Western Agencies sẽ tham gia pitching nhiều brand hơn (từ brand quốc nội đến quốc ngoại không thiếu thứ gì), số lượng projects cho mỗi brand lại ít, trừ khi Agency thắng được các hợp đồng Retainer (đại loại là hợp tác lâu dài) trong khu vực hoặc toàn cầu (ví dụ như TBWA được Apple và Mercedes chỉ định làm Agency trên toàn cầu), nhưng số lượng không nhiều lắm. Do đó, con người trong Agency Nhật sẽ am hiểu về brand hơn, do họ làm mãi và rất nhiều cho brand đó. Trong khi đó, người làm tại Agency Mỹ lại thích làm nhiều brand khác nhau với nhiều phong cách khác nhau.

Và điểm khác biệt to nhất: Chăm sóc các “khách yêu”. Thông thường đối với các công ty lớn, thì việc tiếp khách chỉ dành cho các sếp lớn đại diện cho mỗi bên. Nhưng điều này thì chỉ áp dụng cho công ty phương Tây thôi. Còn đối với công ty Nhật, từ cấp trên đến cấp dưới, Agency đều chăm sóc tận răng đủ cả. Sếp to thì tiếp sếp to, nhân viên bé thì tiếp bạn phụ trách dự án level thấp hơn. Nhiều khi ngân sách thuê khách sạn đi công tác thì chật vật xin lên xin xuống, nhưng ngân sách tiếp khách lại rõ cao hơn nữa (đôi khi cũng khác đôi chút). Điều này là do hai bên phải làm việc cùng nhau trong một thời gian rất dài, có khi là cả một vòng đời tại công ty, nên việc làm thân “một cách chuyên nghiệp” rất quan trọng. Sếp mình từng bảo là “để sau này có gì khách họ sẽ nhớ tới mình”. Quả thực là giữa hai người thuộc hai Agency cùng làm ra một sản phẩm tốt như nhau, nhưng một người ít cãi và chăm lo hơn thì … client họ sẽ chọn bên nào họ thích hơn.

Có vẻ như làm Agency Nhật cảm giác ổn định hơn, trong khi làm Agency Tây thì sẽ phiêu lưu và có cảm giác hào nhoáng hơn. Và thực sự vẫn còn rất nhiều sự khác biệt mà càng làm thì càng nhận ra thêm. Nếu bạn nhận thấy mình có tính cách và khả năng thích hợp để phát triển ở môi trường nào hơn, hay chọn 1 trong hai và chuyên tâm phát triển ở đấy.