Vận hành của trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành công nghiệp thời trang
Trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng trong mọi ngành và ngành công nghiệp thời trang cũng không ngoại lệ. Từ thiết kế đến dự đoán tâm lý người tiêu dùng, AI đang thay đổi cách sản xuất, tiếp thị, và tiêu thụ thời trang. Nhờ khả năng phân tích lượng dữ liệu khổng lồ, AI mang lại những cơ hội mới cho các nhà thiết kế, nhà bán lẻ và cả khách hàng. Hãy cùng Mốt Việt Nam khám phá cách AI được vận hành trong thời trang.
Nội dung bài viết được đăng lần đầu tại Tạp chí Mốt Việt Nam (bản in).
Trí tuệ nhân tạo là gì và hoạt động như thế nào?
Thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” (AI) dùng để chỉ những máy tính và máy móc có thể mô phỏng khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định của con người. AI được thiết kế để thực hiện các công việc thường yêu cầu có trí tuệ của con người như nhận dạng các mẫu, đưa ra quyết định và hiểu ngôn ngữ tự nhiên. Có bốn loại trí tuệ nhân tạo chính, bao gồm: AI phản ứng, AI với bộ nhớ hạn chế, AI dựa trên Thuyết tâm trí, AI tự nhận thức.
Ngày nay, AI được sử dụng trong ngành công nghiệp thời trang theo nhiều cách để củng cố các quy trình cho khách hàng, tăng tốc độ sản xuất và hoạt động kinh doanh. Điển hình như việc áp dụng AI trong: Hoạt động kinh doanh thời trang, Thương mại điện tử thời trang, Bán lẻ thời trang, Tiếp thị thời trang và Quản lý quan hệ khách hàng. Chính vì vậy, AI đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ngành công nghiệp thời trang, giúp các công ty tinh giản quy trình, cắt giảm chi phí và cải thiện trải nghiệm khách hàng.
AI trong hoạt động kinh doanh thời trang
Trong kỳ này, Mốt Việt Nam gợi ý đến bạn đọc những ứng dụng của AI trong hoạt động kinh doanh thời trang với bốn chức năng chính:
1. Dự đoán xu hướng và việc mua bán
Khi nói đến phân tích dữ liệu bán lẻ, AI khá hữu dụng trong việc dự báo trước về các xu hướng và doanh số bán hàng trong ngành công nghiệp thời trang. Các nhà thu mua thời trang cũng có thể dùng thông tin này để dự đoán hành vi khách hàng và giảm số lượng mặt hàng không bán được mỗi mùa. Cùng với đó, AI có khả năng phân tích lượng dữ liệu khổng lồ từ nhiều nguồn như mạng xã hội, sàn diễn thời trang, các trang blog thời trang, dữ liệu doanh số bán hàng và các công cụ dự báo xu hướng khác.
Thông tin này được kết hợp với hiệu suất sản phẩm cũ và dữ liệu hành vi khách hàng để cho ra bộ sưu tập tối ưu nhất gồm các sản phẩm phù hợp nhất với khách hàng mục tiêu của nhà bán lẻ. AI không chỉ có thể cung cấp cho người thu mua thông tin về sản phẩm nào đang hoặc sẽ có hiệu suất tốt mà chúng còn có thể cung cấp thông tin chi tiết về các thành phần cụ thể của trang phục như màu sắc, hình in, kiểu tay áo, đường viền cổ áo...
Thêm vào đó, AI còn có khả năng đưa ra dữ liệu thời gian thực, từ đó cho phép nhóm thu mua có hướng tiếp cận chủ động hơn. Điều này sẽ giúp họ luôn phù hợp và dẫn đầu trong cuộc đua với các đối thủ khác.
2. AI trong hoạt động phát triển thiết kế và sản phẩm
Từ việc sử dụng công cụ AI để thực hiện dự báo xu hướng cho các yếu tố như màu sắc, chất liệu, họa tiết và đường may cũng như phân tích các chỉ số hiệu suất trong quá khứ và tương lai, nhà thiết kế có thể tạo ra các thiết kế sản phẩm mới. Điều này cho phép nhà thiết kế tạo ra mẫu thiết kế sẽ dẫn đầu xu hướng một cách nhanh chóng và chính xác, để đưa vào sản xuất các mẫu may hoàn chỉnh. Sau đó, NTK cũng có thể điều chỉnh mẫu thiết kế cho phù hợp trước khi chốt bản cuối.
Quan trọng hơn, AI có thể dùng để tinh giản phần lớn các công đoạn sản xuất, nhờ việc tạo ra các mẫu kỹ thuật số và thực hiện các bài kiểm tra độ phù hợp. Ngoài ra, AI còn là cứu cánh trong việc tự động kiểm soát chất lượng vải một cách chính xác, điều tra họa tiết, khớp màu và phát hiện lỗi sai. Nhờ đó, doanh nghiệp đã cắt giảm đáng kể thời gian cần dùng để thiết kế và thử nghiệm sản phẩm trước khi đưa vào sản xuất.
3. Phối đồ và bán hàng trực quan
Một chức năng thú vị khác của AI, được cả nhà sản xuất lẫn khách hàng yêu thích, đó là tạo mẫu, phối đồ trực tuyến và bán hàng trực quan. Về cơ bản, AI có thể phân tích dữ liệu và sở thích khách hàng để cung cấp các đề xuất cá nhân hóa cho khách mua hàng trực tuyến và cung cấp các tips phối đồ. Nhờ việc hiển thị các sản phẩm phù hợp với sở thích của người dùng, thương hiệu có thể cải thiện toàn bộ trải nghiệm trực tuyến, tăng mức độ hài lòng của khách hàng và cuối cùng là tăng doanh số bán hàng và doanh thu.
Các nhà bán lẻ có thể sử dụng các nền tảng và công cụ AI để xây dựng, giám sát và quản lý hồ sơ phối đồ của khách hàng. Dựa trên thông tin mà người dùng cung cấp, AI có thể tạo ra những đề xuất cá nhân hóa cho mỗi người, tăng tốc độ quá trình phối đồ ảo. Những bộ trang phục này sau đó có thể được thêm vào giỏ hàng, chia sẻ qua email hoặc giao thẳng đến cho khách hàng.
AI còn có thể được dùng để tạo các đề xuất sản phẩm cá nhân hóa và trang riêng biệt dựa trên các xu hướng, phân khúc khách hàng và vị trí địa lý khác nhau. Điều này rất có ích trong việc tạo các trang tùy chỉnh cho mục đích quảng cáo trả phí bởi nó có thể tăng tốc đáng kể quá trình giới thiệu sản phẩm thủ công và giảm chi phí.
4. Quản lý hàng hóa và phân tích dữ liệu
Một trong những lợi ích chính của trí tuệ nhân tạo trong ngành công nghiệp thời trang là có thể nhanh chóng hiểu được dữ liệu phức tạp, sau đó cung cấp một bản phân tích chuyên sâu. Điều này thật sự hữu dụng cho những người bán cần quản lý hàng hóa, giá cả và chi phí, cũng như phân tích đối thủ cạnh tranh.
Ngoài ra, AI có thể cải thiện đáng kể mọi khía cạnh của việc kiểm soát và quản lý hàng hóa nhờ việc giảm thiểu dự trữ hàng hóa và giảm tồn kho quá mức. Các nhà bán lẻ có thể dùng AI để đánh giá xem các sản phẩm nên được đặt ở đâu và vào khi nào dựa trên khu vực và tính thời vụ. Điều này cho phép các nhà bán lẻ dẫn đầu xu hướng trong việc xác định đâu là nguồn cung và nhu cầu, từ đó giảm hàng hóa dư thừa và giảm rác thải.
Cuối cùng, các nhà bán lẻ có thể dùng AI để theo dõi giá cả của đối thủ cạnh tranh để xác định giải pháp hiệu quả nhất cho sản phẩm và giá cả. Nhờ vậy thu được tỉ suất hoàn vốn tốt nhất và có giá cả cạnh tranh nhất. Kết quả là họ có thể xác định được thời gian tốt nhất để giữ giá cả thấp trong khi tiếp tục giữ được lợi nhuận tối thiểu và thời điểm nào nên tăng giá nhẹ để tối đa lợi nhuận.
Với những đặc tính ưu việt cùng tiềm năng không ngừng, trí tuệ nhân tạo còn nhiều khả năng ứng dụng rộng rãi trong ngành thời trang.
Như Hạnh – Biên tập và tổng hợp
Trang Nhung – Dịch thuật