Re-live GEEK Up DPA12: Ứng dụng giải pháp công nghệ trong lĩnh vực giáo dục
Nằm trong chuỗi hội thảo Digital Product in Action (DPA) do GEEK Up tổ chức, vừa qua, sự kiện DPA12 với chủ đề “Digital Products in Education: From delivering content to optimizing learning experience” đã diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ.
Sự kiện DPA12 là không gian chia sẻ những góc nhìn đa chiều và thực tiễn, tập trung thảo luận về kinh nghiệm quá khứ và dự đoán xu hướng tương lai cho nhóm lãnh đạo và quản lý cấp cao trong khối ngành này. Sự kiện lần này có sự góp mặt của:
- Chị Ngọc Võ, Chief Executive Officer – Yola Education
- Anh Chris Nguyễn, Product Analysis Expert – GEEK Up
- Anh Hoàng Nguyễn, Product Design Expert – GEEK Up
- Anh Đình Lực, Founder – DOL English
- Chị Ruby Nguyễn, Founder & CEO – Curieous
Bức tranh toàn cảnh về công nghệ trong giáo dục
Theo một nghiên cứu về tiềm năng của thị trường giáo dục ở Việt Nam, trong năm 2022, quy mô thị trường (market size) ước tính của lĩnh vực giáo dục là 25 tỉ USD, trong đó, việc đầu tư cho công nghệ (edtech) chiếm gần 20%.
Edtech không còn là khái niệm mới mẻ, khi đã có khá nhiều quốc gia áp dụng chiến lược online education (học từ xa) để giải quyết bài toán phổ cập. Tuy nhiên, công nghệ có thể tạo thêm giá trị hoặc thay thế một phần các công việc hành chính hằng ngày cho giáo viên.
Theo một nghiên cứu của McKinsey Global Institute, có 5 lý do khiến học sinh không muốn tham gia vào các lớp học online ở những trường đại học: nỗi sợ dễ bị mất tập trung, học online khá khó để giữ được sự hào hứng trong học tập, sợ không đủ kỷ luật, sự giới hạn của những hoạt động ngoại khóa và cuối cùng sợ thiếu sự tương tác với thầy cô và bạn bè cùng lớp.
Có thể thấy, nếu chỉ so sánh về mặt nội dung, học trực tuyến có nhiều lợi thế hơn so với học trực tiếp, nền tảng online cho phép người học có thể học mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ là truyền đạt nội dung học tập đến học sinh, mà còn là câu chuyện về cảm xúc và trải nghiệm, đây cũng chính là bài toán mà những người làm Edtech cần giải quyết.
Thay vì suy nghĩ công nghệ có thể thay thế điều gì, các doanh nghiệp cần hiểu được khó khăn mà những nhóm đối tượng liên quan (học sinh, phụ huynh, giáo viên) đang gặp phải. Từ đó, đưa ra những sản phẩm giải quyết nhu cầu của người dùng, cũng như áp dụng các công nghệ mới để tạo ra được trải nghiệm học tập sáng tạo.
Giá trị thực tế của những sản phẩm số trong giáo dục
Trong phiên thảo luận, chị Ngọc Võ – Chief Executive Officer tại Yola Education – cho biết việc đầu tư vào công nghệ từ sớm giúp Yola nâng cao trải nghiệm học tập cho học viên. Cụ thể, sau những buổi học trực tiếp tại lớp cùng giáo viên, học viên có thể lên nền tảng LMS để làm bài tập online, tham khảo kho tài liệu tự học. Sau khi làm bài tập, học viên sẽ nhận được điểm số và nếu có môn nào bị sa sút, thì hệ thống sẽ tự động gợi ý những kiến thức cần học thêm.
“Nếu việc học ở lớp giúp trẻ rèn luyện những kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tương tác thì việc học online sẽ cho trẻ cơ hội tiếp cận với công nghệ, rèn luyện tinh thần tự học, tư duy phản biện (critical thinking) và tính trách nhiệm – những kỹ năng được xem là quan trọng ngày nay”, chị Ngọc Võ nói.
Theo chị Ngọc, công nghệ giúp ba đối tượng là nhà trường, phụ huynh và học viên kết nối với nhau tốt hơn cũng như nâng cao hiệu quả trong khâu vận hành. Cụ thể, nền tảng học online cho phép các tổ chức giáo dục tiếp cận học viên ở nhiều tỉnh thành khác nhau ngay cả khi họ chưa có trụ sở ở nơi đó.
Ngoài ra, họ cũng có thể dễ dàng theo dõi được hành vi của khách hàng, mà trong lĩnh vực giáo dục chính là học viên. Việc biết được học viên đã và đang học như thế nào sẽ giúp tổ chức giáo dục kiểm soát được chất lượng giảng dạy, cũng như thúc đẩy niềm đam mê học tập ở học viên.
Cùng quan điểm trên, anh Đình Lực – Founder của DOL English – cho biết nếu xét về giá trị mang đến cho học viên, công nghệ sẽ giúp nâng cao trải nghiệm học tập. Những phần mềm công nghệ có thể ngay lập tức giúp học viên kiểm tra đáp án và đưa ra lời giải thích ở bất cứ khung thời gian nào trong ngày. Không chỉ biết được hành vi của học viên, công nghệ cũng có thể theo dõi cả hoạt động giảng dạy của giáo viên, từ đó giúp đơn vị kiểm soát chất lượng dễ dàng hơn.
Anh Đình Lực chia sẻ: “Một giá trị khác của việc áp dụng công nghệ trong giáo dục là bài toán về marketing, việc xây dựng nền tảng tự học và cho phép học viên học thử có thể tạo niềm tin với học viên”.
Là một người có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty, tổ chức về giáo dục, chị Ruby Nguyễn – Founder / CEO của Curieous nhận định công nghệ có sức mạnh mở rộng quy mô kinh doanh (scale business) rất lớn. “Một mô hình kinh doanh business ứng dụng công nghệ tốt sẽ có khả năng tiếp cận tới hàng trăm triệu người dùng”, chị Ruby nói.
2 điểm doanh nghiệp cần lưu ý khi xây dựng sản phẩm số
Tập trung vào năng lực cốt lõi
Anh Đình Lực cho biết, khoảng thời gian đầu khi mới áp dụng công nghệ vào việc xây dựng DOL, một trong những sai lầm lớn mà anh mắc phải đó là muốn tự thiết kế một sản phẩm số mà quên mất việc mình có thể “đứng trên vai người khổng lồ”.
Đồng tình với quan điểm trên, chị Ruby chia sẻ: “Chỉ nên tập trung đầu tư những thứ cốt lõi mà mình quyết tâm biến nó trở thành năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Không nên xây dựng những sản phẩm mà người khác đã làm rất tốt”.
Dưới góc nhìn của một người làm product, anh Chris Nguyễn – Product Analysis Expert tại GEEK Up – cho rằng điều đầu tiên cần lưu ý khi chọn đầu tư sản phẩm công nghệ chính là phải xem xét bài toán của mình có thực tế hay không, nếu mình giải quyết thì có tạo ra nhiều giá trị hay không, sau đó mới suy nghĩ về mặt giải pháp.
“Phải đảm bảo mình không làm lại những thứ đã có, khi xây dựng một sản phẩm cần có kiến thức rộng trên tất cả các ngành, không riêng gì Edtech để xem xét liệu có công nghệ nào đã được phát triển rất tốt và mình có thể ứng dụng để giải bài toán của mình hay không”, anh Chris gợi ý.
Customer Centric – Luôn lấy khách hàng làm trung tâm
Khi nói đến câu chuyện Customer Centric với các đơn vị đang có mong muốn xây dựng sản phẩm số trong giáo dục, anh Hoàng Nguyễn – Product Design Expert tại GEEK Up – cho rằng điều quan trọng đầu tiên đó là phải hiểu điều mình đang làm, những giải pháp được đưa ra là dành cho những ai. Không chỉ dừng lại ở user - người trực tiếp sử dụng sản phẩm là học sinh, các đơn vị còn cần quan tâm đến thầy cô, nhân viên, giáo vụ hay thậm chí là phụ huynh của các em.
Theo anh Hoàng, yếu tố quan trọng thứ hai là hãy luôn cố gắng đưa “real target audience” (khách hàng mục tiêu) vào trong quy trình phát triển sản phẩm sớm nhất có thể. Nghĩa là ngay từ khi có ý tưởng, người phát triển sản phẩm đã nên bắt đầu tiếp cận đối tượng đang gặp phải những vấn đề mà mình đang tìm cách giải quyết. “Đừng tự xem mình là một user, vì đôi khi những định kiến sẽ khiến ta đưa ra những quyết định sai so với thực tế”, anh Hoàng nhắn gửi.
Có thể thấy, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các sản phẩm số, lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam hiện tại đang trên đà phát triển vô cùng nhanh chóng. Hiện tại, công nghệ đóng vai trò từ một phương tiện hỗ trợ thành công cụ không thể thiếu, bắt buộc để tối ưu hoá doanh thu.
Theo Phố Hương / Brands Vietnam