Marketer Nguyễn Hải Minh
Nguyễn Hải Minh

Chief of Knowledge @ Wisdom Agency

Gen Z dưới góc nhìn của một người thầy và đàn anh trong công việc

Gen Z dưới góc nhìn của một người thầy và đàn anh trong công việc

Là người vừa tham gia vào quá trình đào tạo và làm việc cùng các em tại doanh nghiệp của mình, tôi thấy Gen Z là một thế hệ đáng quý hơn là đáng trách. Vì trong thời đại ngày nay, chúng ta – những người trưởng thành – đang gán cho các em quá nhiều nhãn mác tiêu cực.

Sau 15 năm đi làm, vận hành doanh nghiệp riêng và gần 10 năm tham gia đào tạo các thế hệ sinh viên kế tiếp nhau, tôi có một góc nhìn tương đối khác so với những thầy cô hay chủ doanh nghiệp khác. Là người vừa tham gia vào quá trình đào tạo và làm việc cùng các em tại doanh nghiệp của mình, tôi thấy Gen Z là một thế hệ đáng quý hơn là đáng trách. Vì trong thời đại ngày nay, chúng ta – những người trưởng thành – đang gán cho các em quá nhiều nhãn mác tiêu cực.

Thế hệ Gen Z thường gắn liền với những tính từ như cái tôi quá cao, không có khả năng tập trung, thiếu gắn kết, thiếu định hướng và thiếu kiên nhẫn. Tuy nhiên, tôi nhận thấy thực sự chẳng có sự khác biệt thế hệ nào ở đây cả, đó chỉ là những tiến hoá theo quy luật của thời gian.

Theo tôi, bản chất con người không bao giờ thay đổi, chỉ có thời đại là thay đổi. Do đó, chúng ta chỉ là những sản phẩm của thời đại. Con người thì đang ở trong vòng xoáy liên tục của thế hệ trước thì tạo ra thời đại, và thời đại sau lại góp phần tạo ra thế hệ tiếp theo. Thế nên, khi khen ngợi hoặc than phiền về thế hệ tiếp theo, điều đó có gì khác với việc chúng ta đang tự khen khợi hoặc trách móc chính mình? Nếu vậy thì việc đó có ý nghĩa gì không? Nếu chỉ dừng lại ở việc quan sát và phàn nàn, thay vì đi sâu gốc rễ vấn đề, liệu có gì tốt hơn không?

Thế nên, với bài viết này, tôi muốn bắt đầu giải thích về những định kiến và tính xác thực đối với các bạn Gen Z. Bài viết này phần lớn là quan sát cá nhân của tôi, do vậy tôi rất hy vọng có thể nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp để nội dung được hoàn thiện hơn.

3 định kiến phổ biến về Gen Z

Bây giờ, hãy cùng bắt đầu với những định kiến mà Gen Z thường gặp phải.

#1: Gen Z là những đứa trẻ có cái tôi lớn

Không thể phủ nhận sự thật là các bạn Gen Z ngày nay ít tuân theo mệnh lệnh và những truyền thống hơn những thế hệ trước.
Nguồn: Qvufsj Images

Tôi không phủ nhận sự thật là các bạn Gen Z ngày nay ít tuân theo mệnh lệnh và những truyền thống hơn những thế hệ trước. Điều này có phần đúng khi gán ghép các em với giả định của những cái tôi to. Tuy nhiên, tôi muốn đặt ra câu hỏi vì sao những suy nghĩ này lại hình thành trong các em?

So với thế hệ ông bà của Gen Z (tức là bố mẹ chúng ta) thì hiện nay chúng ta, những người phụ huynh hay thầy cô của Gen Z, cũng đã cởi mở hơn, có chính kiến hơn và cũng cái tôi lớn hơn so với thế hệ bố mẹ? Về khía cạnh tự nhiên, hệ quả này là tất yếu. Về khía cạnh xã hội, trong những năm gần đây, thông điệp “Hãy tin vào chính mình” ngày càng phổ biến với giới trẻ, dù chưa được truyền tải một cách đúng đắn và phù hợp. Chẳng phải chúng ta vẫn thường nói điều này với chính mình, với nhân viên và những người trẻ? Vậy thì vì sao chúng ta lại phàn nàn khi gặp phải rào cản này từ những bạn Gen Z? Chẳng phải Gen Z cũng đang “tuân theo” những chỉ dạy của thế hệ đi trước về việc xem trọng cái tôi hay sao?

Về khía cạnh kinh tế, tôi không nói khởi nghiệp là xấu, vấn đề là có nhiều bài học trong khởi nghiệp không thể áp dụng phổ quát trong kinh tế. Thế nhưng, khởi nghiệp lại được rao giảng và ca tụng khắp mọi nơi nên không tránh khỏi việc hình thành nên những nhận định sai lầm.

  • “Khởi nghiệp là con đường duy nhất để thành công.”
  • “Muốn giàu có thì con đường duy nhất là tự kinh doanh.”
  • “Hãy tự tin đi trên con đường của mình, dù cho cả thế giới có chống lại bạn.”

Trên thực tế, tôi thấy khởi nghiệp thất bại nhiều hơn là thành công. Chỉ là theo quy luật xác suất thì sau rất nhiều thất bại cũng sẽ có vài doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Không hẳn bởi vì họ giỏi mà một phần là do xác suất may mắn. Việc tuyên truyền khởi nghiệp như mô hình kinh tế mới đã vô tình góp phần “thổi phồng” cái tôi của thế hệ trẻ.

Với góc nhìn này, tôi vẫn thấy các em là nạn nhân nhiều hơn là nguyên cớ.

#2: Gen Z không có mục tiêu dài hạn và thiếu khả năng tập trung

Ngày nay, với sự xuất hiện của Internet, phạm vi thông tin mà Gen Z có thể tiếp cận gần như là vô tận. Điều này dẫn đến một điều hiển nhiên là khi đứng trước một danh sách thực đơn dài với quá nhiều lựa chọn, ai cũng sẽ bối rối vì không biết nên chọn cái gì. Do hiểu được tâm lý này, các hãng nước uống như Highlands đã tạo ra một thực đơn đơn giản, nhằm giúp khách hàng dễ ra quyết định và tối ưu thời gian mua hàng.

Thế nên, khi đứng trước quá nhiều lựa chọn, việc con người khó đặt ra mục tiêu dài hạn và sự tập trung bị hạn chế là điều tất yếu.

Khi đứng trước quá nhiều lựa chọn, Gen Z khó đặt ra mục tiêu dài hạn và hạn chế sự tập trung.
Nguồn: Pexels

#3: Gen Z thiếu kỹ năng xã hội và khả năng giao tiếp

Trước tiên, tôi muốn nói rằng thời gian trong một ngày của mỗi người là như nhau và được phân chia đồng đều vào các công việc thường nhật như ăn ngủ, học hành, làm việc, và đương nhiên là có cả giao tiếp. Do vậy, tôi tin rằng mỗi người đều dành ra một quãng thời gian tương đương với nhau để giao tiếp. Vậy thì tại sao chúng ta lại nghĩ là Gen Z giao tiếp kém với so với những thế hệ trước? Câu trả lời của tôi đó là do độ lệch về phương thức giao tiếp, chứ không phải khả năng giao tiếp.

Kỹ năng giao tiếp của mỗi người là tương đồng, chỉ là phương tiện giao tiếp khác nhau.
Nguồn: Unsplash

Trước kia, do không có nhiều công cụ trực tuyến nên chúng ta – những thế hệ phụ mẫu và thầy cô của các em – sẽ dành nhiều thời gian để giao tiếp với nhau nhiều hơn. Do vậy, kỹ năng giao tiếp trực tiếp của thế hệ chúng ta có phần nhỉnh hơn so với Gen Z. Đổi lại, các em là người đi đầu trong việc sáng tạo” ra những phương thức giao tiếp hiệu quả trên mạng, đồng thời biến nó thành lợi thế cạnh tranh. Theo tôi đoán, hẳn là trong chúng ta, những người thuộc Gen X và Gen Y, thỉnh thoảng cũng bối rối trước những tình huống giao tiếp trực tuyến chứ nhỉ?

Thế nên, kỹ năng giao tiếp của mỗi người là tương đồng, chỉ là phương tiện giao tiếp khác nhau. Điều đó giống như là có người thích nói hơn là viết, cũng như có những người làm thơ thì tốt hơn là văn xuôi. Hy vọng mọi người đồng ý với cách kiến giải này của tôi.

3 ưu điểm của các bạn Gen Z

Trước khi nói về thế mạnh, tôi muốn nhấn mạnh một đặc điểm về Gen Z, đó là sự phân cực mạnh mẽ. Đây cũng được coi là hệ quả tất yếu của sự phát triển đúng không? Tôi từng có cơ hội giúp đỡ những em học viên có học lực yếu. Các em ấy thường là những cá nhân dễ mất tập trung, chả mấy hứng thú với việc học và tư duy cũng không quá nhạy bén. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy những cá nhân xuất sắc trong cùng một thế hệ. Đó là những em học viên thông minh, có khả năng tiếp thu và tổng hợp kiến thức tốt, cũng như khả năng suy luận tuyệt vời. Bên cạnh đó, các em ấy cũng là những đứa trẻ kiên định và biết mình muốn gì.

Vì thế, tôi nhận ra rằng bối cảnh kinh tế – xã hội ngày xưa còn nhiều hạn chế nên đã sản sinh ra một thế hệ tương đối đồng đều với nhau, bởi vì chúng ta không có nhiều thông tin như các bạn Gen Z. Còn bây giờ, nếu các em đã muốn an nhàn thì các em có rất nhiều thứ để tận hưởng cuộc sống. Nếu bạn nào muốn tiến đến vị thế cao hơn trong xã hội, các em có đầy đủ nguồn lực, phương tiện và tài năng để đạt được thành công vang dội hơn các thế hệ trước.

Và dưới đây là những điểm sáng của các em mà tôi tâm đắc nhất.

Khả năng học hỏi nhanh có lợi cho quá trình truy vấn và đẩy nhanh tốc độ tiếp nhận thông tin của Gen Z.
Nguồn: Getty Images

#1: Khả năng học hỏi nhanh

Điều này là hiển nhiên, vì với lượng thông tin khổng lồ được tiêu thụ liên tục mỗi ngày, hiếm có thứ gì quá mới lạ đến mức khiến các bạn Gen Z hiếm khi phải học lại từ đầu. Các nội dung được truyền đạt ở trường học hoặc công ty có thể các em cũng đã biết được từ kênh nào đó. Điều này có lợi cho quá trình truy vấn và đẩy nhanh tốc độ tiếp nhận thông tin.

Dẫu vậy, mặt trái của việc học hỏi nhanh và tư duy nhanh là thiếu chiều sâu. Giống như việc chạy một chiếc xe chậm rãi trên đường, ta sẽ có thời gian ngắm nhìn quang cảnh hai bên đường và nhận ra mình có thể đã bỏ lỡ nhiều thứ, từ đó học thêm được những cái mới. Để phát huy hiệu quả được thế mạnh này của Gen Z, ngoài tư duy học hỏi nhanh, chúng ta hãy hướng dẫn cho các em Gen Z kỹ năng tư duy chậm khi cần thiết.

#2: Khả năng thích ứng tốt

Điều này là hệ quả của khả năng học hỏi nhanh. Tôi nhận ra điều này khi liên tục thay đổi các yêu cầu bài tập của mình trong thời gian ngắn và dường như các em sinh viên của tôi luôn tìm ra cách để đáp ứng. Đúng là khi chúng ta có thể học hỏi nhanh, không gì là không thể.

Mặt trái của việc thích ứng quá nhanh đó là thiếu gốc rễ. Những con người thích ứng quá nhanh thì như một con tắc kè hoa liên tục chuyền cành từ cây này sang cây khác và thay đổi màu da của mình tương ứng. Đến một ngày nọ, chính chú tắc kè cũng phải dừng lại và tự hỏi đâu mới là màu da thật của mình. Gen Z khi phát triển quá nhanh và thích ứng quá nhiều, các bạn ấy dễ quên đi những giá trị truyền thống cốt lõi. Thế hệ đi trước nên nhắc nhở các em về điều này.

#3: Khả năng sáng tạo

Điểm này thì chắc là được nhắc tới nhiều nhất khi đề cập về Gen Z. Với vai trò là một người giảng dạy bộ môn sáng tạo trong môi trường học thuật, tôi đồng ý với nhận định này.

Chỉ cần giáo dục đúng cách, doanh nghiệp sẽ khai thác được “mỏ vàng sáng tạo” của Gen Z.
Nguồn: Pexels

Trên thực tế, trong những năm gần đây, tôi rất bất ngờ về tính sáng tạo của các bạn sinh viên Gen Z. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì sáng tạo là một quy trình mà nếu nắm bắt công thức ai cũng có thể sáng tạo, yếu tố quyết định nằm ở dữ liệu đầu vào. Đối với Gen Z, những người tiếp thu dữ liệu đầu vào mỗi ngày thông qua môi trường giao tiếp số, dĩ nhiên các em luôn là những chiếc bình tràn đầy sự sáng tạo. Chỉ cần giáo dục đúng cách, chúng ta sẽ khai thác được “mỏ vàng sáng tạo” này.

Tuy thế, mặt trái của tính sáng tạo là thiếu sự nhất quán. Tạo hoá cho chúng ta hai bán cầu não khác nhau để làm hai việc đối lập, đó là tư duy hợp lý và tư duy sáng tạo. Thế nhưng có rất ít cá nhân nào có thể phát triển đồng đều cả hai nhóm kỹ năng này. Bởi vì  giống như việc chúng ta luôn có xu hướng thuận một tay, đó là bên trái hoặc bên phải. Thế nên, nếu muốn các bạn Gen Z phát huy hết khả năng sáng tạo của mình, hãy trang bị thêm cho các bạn ấy khả năng tư duy hợp lý, nhằm gắn kết các ý tưởng sáng tạo dường như không có mối liên quan gì đến nhau.

3 nguyên tắc cốt lõi cần thấu hiểu để làm việc với Gen Z tốt hơn

#1: Thay đổi kỳ vọng

Tôi có một niềm tin sắt đá là nếu tôi sinh ra trong thời đại của các bạn Gen Z, tôi cũng sẽ sở hữu những đặc tính như các bạn và ngược lại. Thế nên, tôi mới nói con người không thay đổi, chỉ có thời đại là thay đổi. Điều duy nhất tôi cần làm với cả hai vai trò là người thầy và người anh trong công việc, đó là đừng bám lấy quan điểm và kỳ vọng cá nhân, mà hãy để chúng được “trẻ đi” vài tuổi. Gen Z thì hãy làm điều ngược lại, hãy “già hoá” quan điểm của các bạn đi vài tuổi để hai thế hệ có thể tiến lại gần nhau hơn.

Giờ đây, tôi dần chấp nhận việc học sinh nào cũng sẽ nhìn chằm chằm vào laptop trong giờ giảng của mình. Tôi chẳng thể làm cấm các bạn làm điều đó. Hiện nay, đó là phương tiện học tập của các em. Điều duy nhất tôi có thể làm là cải thiện khả năng tương tác trong giờ giảng của mình để kéo sự chú ý của những đứa trẻ này ra khỏi màn hình laptop.

Tôi cũng không còn xem gắn bó là tiêu chí để đánh giá nhân sự trẻ. Đối với tôi bây giờ, gắn bó là hệ quả, còn thứ doanh nghiệp cần phải quản trị là khả năng phát triển bản thân. Nhân sự Gen Z ngày nay biết nhiều và có nhiều cơ hội hơn chúng ta, vậy nên những người chủ doanh nghiệp chẳng thể kỳ vọng các bạn gắn bó với “cái ao nhỏ” của mình, nếu các bạn chẳng nhìn thấy cơ hội học tập và phát triển gì thêm ở đấy. Thế nên, đừng quan tâm đến chuyện gắn bó nữa, hãy quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển doanh nghiệp. Khi cơ hội phát triển còn, khả năng gắn bó sẽ còn.

Những người chủ doanh nghiệp chẳng thể kỳ vọng Gen Z gắn bó với “cái ao nhỏ” của mình, nếu các bạn chẳng nhìn thấy cơ hội học tập và phát triển gì thêm ở đấy.

#2: Thay đổi cấu trúc doanh nghiệp

Tôi tự nhận thức bản thân có nhiều điểm giống với các bạn Gen Y hoặc cận Gen Z nhiều hơn. Tại công ty của tôi, các bạn Gen Y hiện nay đang giúp tôi đóng vai trò là nhóm quản lý tầm trung để kết nối Gen Z vào bộ máy vận hành của doanh nghiệp. Theo tôi, cấu trúc 3 lớp sẽ phù hợp và lành mạnh hơn để những thế hệ quá xa không phải tiếp xúc làm việc với Gen Z quá nhiều, nếu họ chưa có được tư duy cởi mở và hệ tư tưởng đúng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xác định rõ vai trò của những vị trí công việc phù hợp. Qua rồi cái thời mọi nhân sự đều là nhân sự toàn thời gian và đều phải lên văn phòng đủ số ngày trong tuần. Mô hình doanh nghiệp mới là sự phối trộn của các loại hình nhân sự khác nhau, bao gồm toàn thời gian, bán thời gian, nhân sự theo dự án, nhân sự tự do, nhân sự thuê ngoài. Các bạn Gen Z, những bạn trẻ và yêu thích sự đa dạng, có vẻ thích hợp với những cách thức hợp tác mới mẻ sau này hơn.

Mô hình doanh nghiệp mới là sự phối trộn của các loại hình nhân sự khác nhau, bao gồm toàn thời gian, bán thời gian, nhân sự theo dự án, nhân sự tự do, nhân sự thuê ngoài.

#3: Tạo ra sân chơi

Tôi rất chú trọng vào việc hài hòa giữa sống, chơi và làm việc. Khái niệm cân bằng công việc (work-life balance) đối với tôi giờ đã là cũ rồi. Tôi nghĩ khái niệm tích hợp công việc (work-life integration) sẽ phù hợp hơn, đó là một môi trường “làm như chơi, mà chơi lại như làm”.

Bởi vì việc chơi sẽ tạo cảm hứng cho nhiều ý tưởng sáng tạo. Đều là mang vác nặng, nhưng trong phòng gym thì chúng ta gọi đó là thể thao, còn ngoài công trường thì lại là công việc. Sự khác nhau duy nhất ở đây là tâm thái của con người đối với việc đó. Khi nghĩ một việc gì đó là vui chơi, việc đó sẽ không bòn rút năng lượng của chúng ta. Còn khi chúng ta nghĩ đó là công việc thì mọi thứ bỗng trở nên rất mệt mỏi.

Khái niệm tích hợp công việc (work-life integration) sẽ phù hợp hơn với hiện tại, đó là một môi trường “làm như chơi, mà chơi lại như làm”.

Kết

Với cương vị giảng viên, tôi rất chú trọng vào việc học tập và phát triển con người. Tôi nghĩ việc này cũng là thiết yếu để có thể có được sự gắn bó lâu dài của thế hệ Gen Z. Hiển nhiên các bạn sẽ vẫn có những lựa chọn tốt hơn, nhưng trong khả năng có thể, tôi luôn muốn làm tốt nhất việc đào tạo thế hệ nắm giữ nền kinh tế tiếp theo của đất nước và tôi hi vọng nhiều doanh nghiệp cũng nghĩ như thế.

Cuối cùng, tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Gen Z sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều khía cạnh như xã hội, kinh tế, chính trị. Tuy vậy, những ảnh hưởng này là tích cực hay tiêu cực thì còn chưa rõ. Dù kết quả là như thế nào thì chúng ta – những thế hệ đi trước – cũng có nhiều phần trách nhiệm trong việc này, vì dù trực tiếp hay gián tiếp chúng ta cũng đang là trong những nhân tố góp phần định hình nên Gen Z.