Học này Làm nọ #1: Johnny Thọ Trần – Học “Mana” làm “Data”
Trên hành trình tìm kiếm bản thân, có những lúc chông gai, cũng có những lúc quả ngọt, “món quà” quý giá nhất mà anh Johnny Thọ Trần nhận được chính là học tập và sẻ chia. Đây đồng thời là bí quyết giúp anh vượt qua giai đoạn khó khăn, hoài nghi trước những ngã rẽ của sự nghiệp.
Hãy cùng theo dõi bài viết đầu tiên trong series “Học này Làm nọ” để lắng nghe câu chuyện của anh Johnny Thọ Trần – người đã vượt qua biết bao thăng trầm, từ một sinh viên Industrial Management trở thành Business Intelligence Manager tại GalaxyJoy.
Hãy quên đi cụm từ tiêu cực “học một đằng, làm một nẻo”. Trong series “Học này Làm nọ” của Brands Vietnam, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá những câu chuyện chân thực và sống động từ những người đã chọn con đường sự nghiệp khác với ngành đại học, từ đó hiểu rằng việc học không chỉ dừng lại ở đại học, mà đó là một hành trình liên tục và rộng mở. Mỗi bước đi và lựa chọn đều mang ý nghĩa và là bước đệm vững chắc cho thành công trong cuộc sống sau này.
* Đầu tiên, anh có thể chia sẻ anh đã học ngành gì ở đại học? Tại sao anh lại chọn ngành này ban đầu?
Mình theo học ngành Quản lý Công nghiệp (Industrial Management) của Đại học Bách Khoa từ năm 2013 đến năm 2018. Lý do mình chọn ngành này là vì niềm yêu thích đối với lĩnh vực kinh doanh.
Quản lý Công nghiệp là một ngành học kết hợp giữa kỹ thuật và kinh tế, có thể giúp mình có được kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành một nhà quản lý giỏi.
* Khi tốt nghiệp đại học, anh đã quyết định chuyển hướng nghề nghiệp như thế nào (cột mốc và hành trình) với lý do chính là gì?
Khi sắp bước vào cánh cửa tốt nghiệp, mình từng trải qua một giai đoạn hoang mang không tưởng. Ban đầu, lựa chọn học Quản lý Công nghiệp dường như là một sự chọn lựa đúng đắn bởi nó có yếu tố kinh doanh – điều mình rất yêu thích.
Khi bước vào năm cuối đại học và đối diện với việc ra trường, mình quyết định theo hướng tài chính. Mình tham gia dự án nghiên cứu khoa học, thực tập tại công ty chứng khoán và viết luận văn về lĩnh vực này.
Tuy nhiên, mình vẫn lo lắng về khả năng cạnh tranh với sinh viên kinh tế bởi Quản lý Công nghiệp chỉ có một vài môn tài chính. Mình sợ bản thân sẽ không đủ kiến thức và kỹ năng.
Tình cờ, mình được nhận vào làm tại một công ty Fintech. Tại đây, mình tiếp xúc với dữ liệu (data) và ngôn ngữ lập trình R. Mình dần dần yêu thích lĩnh vực này và nhận ra tiềm năng của nó. Chính từ lúc đó, mình quyết định dấn thân hoàn toàn vào lĩnh vực dữ liệu và buộc học R cùng lúc với làm việc chăm chỉ trong vòng 6 tháng, để đảm bảo rằng có đủ kiến thức và kỹ năng để thể hiện mình tại công ty này.
* Có những kỹ năng hoặc kiến thức nào từ ngành đại học trước đó đã hỗ trợ anh trong công việc mới không?
Đầu tiên, chương trình học của ngành Quản lý công nghiệp đã cung cấp cho mình một nền tảng kiến thức tổng quan về kinh doanh, bao gồm các phòng ban và chức năng khác nhau trong doanh nghiệp. Nhờ đó, mình có thể hiểu được bối cảnh kinh doanh cũng như cách dữ liệu mình phân tích hỗ trợ như thế nào trong việc đưa ra quyết định kinh doanh.
Cụ thể, với vai trò là một Business Intelligence Manager, mình thường xuyên phải làm việc với các phòng ban khác nhau trong doanh nghiệp để thu thập và xử lý dữ liệu. Kiến thức tổng quan về kinh doanh giúp mình hiểu được những thuật ngữ cơ bản cũng như nhu cầu để phục vụ cho việc phân tích dữ liệu.
Ví dụ, khi làm việc với phòng marketing, mình cần hiểu được các chiến dịch marketing mà họ đang thực hiện và cách dữ liệu có thể được sử dụng để đánh giá hiệu quả của các chiến dịch này.
Thứ hai là thái độ nghiêm túc. Mình đã học được điều này khi học Quản lý Công nghiệp – một ngành đào tạo về quản lý chất lượng và sản xuất. Các bài tập lớn, bài tập thuyết trình, thậm chí là luận văn đều được yêu cầu cao về chất lượng. Điều này đã giúp mình hình thành tư duy làm việc nghiêm túc và cẩn thận.
Trong công việc phân tích dữ liệu, chất lượng và độ chính xác là vô cùng quan trọng. Bởi nhiều quyết định quan trọng được đưa ra dựa trên dữ liệu.
* Sự thay đổi nghề nghiệp này đã mang đến cho anh sự hài lòng và niềm đam mê trong công việc ra sao?
Sự thay đổi nghề nghiệp này đã mang lại cho mình sự hài lòng và đam mê không giới hạn trong công việc từ cách đây 5 năm và tin rằng đây là lựa chọn phù hợp với bản thân. Mình thích được gọi là Business Intelligence hơn là Data Analyst vì tên gọi này thể hiện rõ sự kết hợp giữa “kinh doanh” (business) và “thông minh” (intelligence), cũng như cách mình phân bổ thời gian trong một ngày làm việc.
Giả sử, trong 8 tiếng làm việc hàng ngày, mình thường dành 4 tiếng cho hoạt động “Business”. Đó là tham gia các cuộc họp và thảo luận về chiến dịch mới, tính năng đặc biệt và cách cải thiện hoạt động công ty. Mình phải đảm bảo hiểu rõ về các hoạt động của Business thì mới có thể lấy số chính xác được.
Sau khi “tám” xong, 4 tiếng còn lại là thời gian của “Intelligence”. Mình sẽ ngồi trước màn hình, viết SQL, tạo báo cáo trên Google Data Studio hoặc Power BI để theo dõi hiệu suất của các chiến dịch. Công việc này đòi hỏi sự chuyên nghiệp và kỹ năng phân tích dữ liệu.
Điều quan trọng là mình có được sự cân bằng vì không phải ngồi viết mã lập trình một cách liên tục. Mình có thể tự do quản lý thời gian và cảm thấy thực sự đắm chìm vào công việc.
* Hành trình “học này, làm nọ” có ý nghĩa như thế nào đối với anh?
Học tập suốt đời (lifelong learning) và mentoring suốt đời (lifelong mentoring) là hai thói quen quan trọng mà mình đã rèn luyện cho bản thân. Nhờ hành trình “học này, làm nọ”, hai thói quen này đã tiếp tục được củng cố và phát triển.
Học tập suốt đời đã giúp mình không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng. Hiện tại, mình đã đạt được hơn 1.300 chứng chỉ của các khóa học trực tuyến, bao gồm kỹ năng cứng về dữ liệu trên DataCamp và kỹ năng năng mềm về giao tiếp kinh doanh, xây dựng thương hiệu cá nhân trên LinkedIn Learning.
Điều này không chỉ giúp mình gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng mà còn thể hiện kinh nghiệm và khả năng của mình. Mình đã tổng hợp hơn 1.300 chứng chỉ và 100 buổi mentoring thành một dashboard như một portfolio cho riêng mình.
Còn mentoring suốt đời mang đến cho mình cơ hội giúp đỡ các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn cảm thấy hoang mang và không biết hướng đi cho tương lai. Chương trình Johnny Mentoring không chỉ hướng đến giúp đỡ cộng đồng, mà còn giúp mình xây dựng những mối quan hệ chất lượng.
Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard kéo dài suốt 75 năm, hạnh phúc không đến từ tiền bạc hoặc địa vị, mà chính là từ chất lượng của mối quan hệ. Chương trình mentoring giúp mình kết nối với những bạn trẻ tài năng – những người mà mình đã đồng hành từ khi họ còn ở giai đoạn non trẻ.
Có một câu nói rất hay “Leadership is a skill, not a position”, tạm dịch là “Quản lý là một kỹ năng, không phải là một vị trí”. Kỹ năng có thể rèn luyện bất cứ lúc nào, ngay cả lúc chưa phải là quản lý. Nhờ vào chương trình mentoring, mình đã có cơ hội phát triển kỹ năng này để khi trở thành quản lý thực sự, mình nhanh chóng hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý.
Tóm lại, hành trình học tập và mentoring suốt đời đã mang đến cho mình niềm hạnh phúc và ý nghĩa không chỉ trong công việc, mà còn trong cuộc sống cá nhân.
Quá trình học tập và phát triển nghề nghiệp là một hành trình dài hơi, các quyết định trong cuộc đời bạn không cố định và bạn có thể điều chỉnh theo thời gian.
* Anh có thể chia sẻ chi tiết hơn về dự án cộng đồng mà anh đang thực hiện được không?
Chương trình có tên là Johnny Mentoring đã thành lập hơn hai năm và có gần 100 buổi mentoring, tức là khoảng 200 giờ, với 28 mentee đến từ Đại học Bách Khoa. Đối tượng mentee chủ yếu là các bạn sinh viên năm 3 và năm 4, thời điểm khi họ bắt đầu cảm thấy hoang mang về tương lai sau khi ra trường.
Ban đầu, chương trình tập trung vào việc hướng dẫn các bạn theo đuổi lĩnh vực phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, sau đó, nó trở thành một nền tảng cho hành trình phát triển cá nhân. Mình khuyến khích các bạn tìm hiểu tại sao lại chọn ngành học của mình và xác định xem có đam mê với nó không. Từ đó, mình sẽ thảo luận cùng với các bạn về cách xây dựng profile sao cho phù hợp.
Ngoài ra, chương trình này tạo ra một cộng đồng, trong đó các bạn có thể chia sẻ về lĩnh vực dữ liệu, các công việc tại các công ty khác nhau và những lợi ích về phúc lợi.
* Cuối cùng, anh có lời khuyên gì với những bạn đang đối diện với việc lựa chọn giữa tiếp tục học ngành hiện tại và thử sức với nghề nghiệp mới?
Hãy hiểu rằng bất kỳ ngành học nào cũng có giá trị và cơ hội của nó. Học là một quá trình không ngừng nghỉ và có thể bạn sẽ thay đổi ngành nghề nhiều lần trong cuộc đời. Quan trọng hơn, hãy thử tìm một người mentor, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bạn quan tâm, để được lắng nghe và học hỏi những thông tin, kinh nghiệm hữu ích. Họ sẽ phần nào giúp bạn xác định xem liệu bạn có phù hợp với lĩnh vực và công việc mà bạn đang quan tâm hay không.
Bên cạnh đó, hãy đọc càng nhiều Job Description về công việc mà mình muốn theo đuổi càng tốt. Nhiều Job Description cùng đề cập đến một kỹ năng thì đó sẽ là kỹ năng quan trọng cần thiết cho công việc. Từ đó, chúng ta trang bị cho bản thân.
Nếu bạn thích một lĩnh vực cụ thể, hãy tự học trên các nền tảng trực tuyến hoặc các khóa học trực tuyến. Điều này giúp bạn định hình rõ hơn về công việc và xác định xem liệu bạn thực sự muốn theo đuổi nó hay không.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng quá trình học tập và phát triển nghề nghiệp là một hành trình dài hơi. Hãy tìm hiểu về bản thân để biết mình có thể làm được gì, từ đó không dễ dàng từ bỏ trước những khó khăn. Các quyết định trong cuộc đời bạn không cố định và bạn có thể điều chỉnh theo thời gian.
* Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.
Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam