Corporate Communication vs Marketing Communication: Cũng là “truyền thông” nhưng không là một
Giao tiếp đóng vai trò quan trọng trong thành công của mọi tổ chức. Tuy nhiên, nhiều tổ chức và marketer đôi khi gặp khó khăn trong việc phân biệt rõ hai mảng công việc: Corporate Communication và Marketing Communication. Trong một số doanh nghiệp, vì đặc thù tổ chức hoặc mục tiêu kinh doanh, hai vai trò này có thể được gộp lại thành một, tạo ra sự nhập nhằng, đặc biệt đối với các ứng viên chưa hiểu rõ sự khác biệt giữa các vị trí. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt cụ thể hai lĩnh vực này.
I. Phân biệt Corporate Communication và Marketing Communication
Corporate Communication – Truyền thông doanh nghiệp (viết tắt Corpcom) không chỉ là việc truyền đạt thông tin mà còn là cách thể hiện giá trị, tầm nhìn và cam kết của một tổ chức. Corporate Communication có các đặc điểm quan trọng sau:
- Mục tiêu chính: Xây dựng và duy trì hình ảnh thương hiệu toàn diện của doanh nghiệp.
- Đối tượng chính: Các bên liên quan nội bộ (nhân viên) và bên ngoại (cổ đông, cộng đồng...).
- Nội dung và thông điệp: Tập trung vào báo cáo sự thật, cung cấp thông tin rõ ràng và ngắn gọn về thành tích, giá trị và tầm nhìn của công ty.
- Hình thức: Thường trang trọng, ngắn gọn và trực tiếp.
- Phương tiện và kênh: Sử dụng đa dạng phương tiện truyền thông như báo chí, phương tiện truyền thông, sự kiện và hội thảo.
Marketing Communication – Truyền thông tiếp thị (viết tắt Marcom) tập trung vào việc tạo dựng mối quan hệ với khách hàng và thúc đẩy sự tương tác mua bán. Marcom tập trung vào việc tạo dựng mối quan hệ với khách hàng và thúc đẩy sự tương tác mua bán. Điểm nổi bật của giao tiếp tiếp thị bao gồm:
- Mục tiêu chính: Thúc đẩy sản phẩm/ dịch vụ cụ thể và tạo ra sự nhận thức về chúng.
- Đối tượng chính: Khách hàng hiện tại và tiềm năng.
- Nội dung và thông điệp: Tập trung vào lợi ích và giá trị mà sản phẩm/ dịch vụ mang lại để thu hút sự chú ý của khách hàng.
- Hình thức: Thường dùng các kỹ thuật kể chuyện hấp dẫn và được thiết kế sáng tạo và nghệ thuật hơn.
- Phương tiện và kênh: Sử dụng các phương tiện như quảng cáo, truyền hình, mạng xã hội và email marketing.
II. Yêu cầu kỹ năng cho từng vị trí
1. Kỹ năng của Corporate Communication
Các vị trí Corpcom thường ưu tiên các cá nhân có kinh nghiệm hoặc lợi thế về quan hệ công chúng, báo chí và truyền thông. Họ là những chuyên gia truyền thông hiểu biết về việc nói gì, cách nói và khi nào nói. Họ thường được đào tạo để quản lý các khủng hoảng bởi vì trong những lúc như vậy, công ty cần giao tiếp hiệu quả.
- Truyền thông chiến lược: Hiểu biết về cách xây dựng thông điệp chiến lược, thể hiện giá trị và tầm nhìn của tổ chức. Khả năng này giúp định hình hình ảnh và danh tiếng của công ty trong mắt cổ đông, đối tác, và những người có liên quan.
- Quản lý khủng hoảng: Xử lý tình huống khẩn cấp và tạo ra các kế hoạch truyền thông hiệu quả. Điều này bao gồm khả năng bình tĩnh dưới áp lực và đảm bảo rằng thông điệp của công ty được truyền đạt một cách hiệu quả trong các tình huống không lường trước.
- Xây dựng mối quan hệ: Tạo và duy trì mối quan hệ tốt với các bên liên quan như nhân viên, cổ đông, cộng đồng, và các đối tác kinh doanh. Điều này bao gồm khả năng xây dựng và duy trì sự tin tưởng và hợp tác.
- Viết chuyên nghiệp: Có khả năng viết văn bản chuyên nghiệp, thể hiện thông điệp tổ chức một cách rõ ràng và thu hút.
- Diễn đạt trong giao tiếp: Có khả năng diễn đạt thông điệp một cách rõ ràng và ảnh hưởng, giúp tương tác với cổ đông, đối tác, và các bên liên quan khác một cách hiệu quả.
- Hiểu biết về nguyên tắc đạo đức và tôn trọng: Hiểu rõ về giá trị của đạo đức trong giao tiếp doanh nghiệp và khả năng thể hiện sự tôn trọng đối với các nhóm liên quan. Điều này giúp duy trì mối quan hệ tích cực và xây dựng lòng tin với cổ đông, cộng đồng, và đối tác.
2. Kỹ năng của Marketing Communication
Ngược với Corpcom, Marcom thường ưu tiên các cá nhân có chuyên môn trong lĩnh vực marketing, quảng cáo, phân tích dữ liệu và các vị trí thiên về sáng tạo. Những thành viên này đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các nội dung hấp dẫn và mang tính thị trường. Kỹ năng của họ thường bao gồm thiết kế đồ họa, viết bài, content marketing và hiểu biết sâu về hành vi của người tiêu dùng thông qua nghiên cứu và phân tích.
- Truyền thông sản phẩm/ dịch vụ: Có khả năng tạo dựng thông điệp thúc đẩy lợi ích và giá trị của sản phẩm/ dịch vụ, nhằm thuyết phục khách hàng mua sản phẩm/ dịch vụ.
- Quảng cáo: Biết cách thực hiện chiến dịch quảng cáo để tiếp cận khách hàng mục tiêu, bao gồm việc lựa chọn phương tiện, lập kế hoạch chiến dịch, và theo dõi hiệu suất để đảm bảo chi phí ads hiệu quả.
- Tiếp thị trực tiếp: Có khả năng thực hiện chiến dịch direct marketing đến khách hàng. Điều này bao gồm việc tạo ra và phân phối các assets, email marketing, ads, và các hoạt động khác để trực tiếp tương tác với khách hàng và kích thích họ thực hiện hành động (mua hàng hoặc đăng ký dịch vụ).
- Quản lý mạng xã hội: Quản lý và xây dựng mạng xã hội của công ty, bao gồm việc tạo nội dung thú vị, tương tác với khách hàng, và theo dõi hiệu suất. Điều này giúp tạo kết nối với khách hàng và lan truyền thông điệp tích cực
- Khai thác insight khách hàng: Khả năng hiểu rõ sâu sắc về nguyện vọng, hành vi, và cảm xúc của khách hàng. Nó bao gồm việc thu thập thông tin quan trọng về khách hàng, phân tích dữ liệu, và sử dụng những hiểu biết này để tạo ra chiến lược marketing hiệu quả.
- Hiểu biết về xu hướng thị trường: Theo dõi và nắm bắt xu hướng và nhu cầu thị trường để điều chỉnh chiến lược marketing. Nghĩa là cần nắm bắt những thay đổi trong hành vi của khách hàng, cạnh tranh trên thị trường, và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến chiến lược marketing của công ty.
III. Có cần tách riêng hai vị trí này?
Việc tách riêng vị trí Corpcom và Marcom phụ thuộc vào cơ cấu, độ lớn, năng lực lõi cũng như mục tiêu kinh doanh của tổ chức. Nhưng sự hiểu biết của marketer về cả hai công việc này cũng là điều cực kỳ cần thiết.
Thông thường, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc startup, nơi các phòng ban chưa có sự chuyên biệt hoá quá rõ ràng thì hai vị trí có thể gộp là một. Đối với các startup cần chứng minh năng lực sinh tồn trước (tạo doanh thu, lợi nhuận), bộ phận Corpcom thường cũng sẽ ít cần thiết hơn so với Marcom.
Corporate Communication thường sẽ xuất hiện ở các corporate – doanh nghiệp lớn. Ở một vài nơi, vị trí này cũng có thể được biết đến với các tên gọi như Internal Communication hoặc có khi sẽ là Employee Branding, dù vị trí hai vị trí này bao hàm những scope công việc khác với Corporate Communication.
Bằng cách hiểu rõ sự khác biệt và tận dụng cả hai khía cạnh này trong chiến lược giao tiếp, một tổ chức có thể tạo ra sự hiệu quả tối đa trong việc thúc đẩy tương tác và đạt được thành công trong thị trường cạnh tranh ngày nay.
V. Kết Luận
Tóm lại, dù cùng là truyền thông nhưng rõ ràng Corpcom và Marcom lại hướng đến những mục tiêu, đối tượng, hình thức truyền tải và mục tiêu khác nhau. Hiểu rõ sự khác nhau giữa chúng là điều cần thiết dành cho các bạn marketer, bởi hiểu được vai trò và kỹ năng cần có cho mỗi vị trí, các ứng viên có thể tận dụng thế mạnh của mình và hướng đến một lộ trình phù hợp. Doanh nghiệp cũng có thể tận dụng điều này để điều chỉnh cấu trúc tổ chức cũng như chọn đúng ứng viên cho từng hạng mục công việc.
Trinh Đặng
* Bài viết gốc: TrulyTrinh.com