Marketer Mibrand Vietnam
Mibrand Vietnam

Nghiên cứu thị trường và Tư vấn thương hiệu @ Mibrand Vietnam

Xây dựng thương hiệu ngân hàng để tăng trưởng 2 chữ số

Năm 2023, kinh tế vĩ mô nói chung, ngành Ngân hàng Việt Nam nói riêng đối diện với nhiều thách thức từ kinh tế và tài chính toàn cầu. Với việc xuất khẩu giảm và lãi suất quốc tế tăng, các ngân hàng đang phải đối mặt với áp lực tài chính khó khăn và sự cạnh tranh gay gắt. Trong bối cảnh này, chiến lược phát triển thương hiệu trở thành yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định sự thành công và tồn tại vững mạnh của các ngân hàng.

Theo báo cáo xếp hạng 100 thương hiệu giá trị nhất của Brand Finance năm 2023, ngành Ngân hàng Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng đột phá về giá trị thương hiệu, tăng trưởng 47%, chiếm 30% tổng giá trị toàn ngành. Điều đáng nói ở đây là sự tăng trưởng về giá trị thương hiệu diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và thách thức về kinh tế. Bên cạnh đó là một loạt yếu tố bên ngoài như sự lên ngôi của nền công nghệ và trí tuệ nhân tạo, sự thay đổi hành vi, tâm lý khách hàng, đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19 đã tạo ra một môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Ông Lại Tiến Mạnh – Chuyên gia Tư vấn Chiến lược thương hiệu, Giám đốc Công ty Tư vấn Thương hiệu Mibrand (công ty đối tác của Brand Finance ở Việt Nam) cho rằng: “Một trong những yếu tố quan trọng để các thương hiệu ngân hàng tạo nên “dấu ấn riêng” là xác định và đầu tư cho những hướng đi riêng biệt và sáng tạo. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về thị trường và khách hàng mục tiêu, cũng như khả năng tạo ra giá trị khác biệt trong hệ thống sản phẩm, dịch vụ. Các thương hiệu ngân hàng thành công thường biết cách kết hợp giữa lịch sử và giá trị truyền thống với tính năng tiến bộ và sáng tạo. Điều này giúp gia tăng được chỉ số Sức mạnh thương hiệu (BSI) vốn là một chỉ số quan trọng để Brand Finance tiến hành định giá sát với giá trị thực của các thương hiệu trên thị trường”.

Khi tiến hành thẩm định giá trị cho một thương hiệu, tổ chức định giá thương hiệu Brand Finance sẽ xem xét 3 yếu tố đầu vào quan trọng: (1) Chỉ số sức mạnh thương hiệu (BSI); (2) Giá trị bản quyền thương hiệu; (3) Doanh thu dự phòng của thương hiệu trong tương lai. Trong đó, BSI được đánh giá chủ yếu dựa trên cảm nhận và mức độ yêu thích thương hiệu từ phía khách hàng.

Năm 2023, báo cáo xếp hạng 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam của Brand Finance, ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với sự tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Bảng điểm số BSI của SHB đạt 65 điểm, tăng 16 điểm so với năm 2022, trở thành ngân hàng tăng trưởng chỉ số sức mạnh thương hiệu tốt nhất năm 2023. Bên cạnh chỉ số BSI, giá trị thương hiệu của SHB cũng tăng 31% so với năm 2022 và tăng 117% so với năm 2021, giúp SHB tăng hạng trong bảng xếp hạng "Top 100 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2023".

Một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp SHB đạt được vị trí trong TOP100 là nỗ lực đổi mới hệ thống sản phẩm dịch vụ, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và đối tác. Tính đến nửa đầu năm 2023, ngân hàng này đã ra mắt một loạt các sản phẩm linh hoạt với chính sách hợp lý như các dòng thẻ tín dụng cao cấp Visa Platinum, tài khoản online, kênh kết nối khách hàng trên nền tảng Zalo… Sự nhanh nhạy trong phát triển sản phẩm mới khiến khách hàng của SHB có thêm nhiều lựa chọn, từ đó gắn bó chặt chẽ hơn với SHB mà không cần phải tìm kiếm dịch vụ mới ở nơi khác.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy số hoá và nâng cao trải nghiệm khách hàng của ngân hàng cũng là đòn bẩy gia tăng sức mạnh thương hiệu. SHB đã bắt đầu triển khai số hóa hành trình khách hàng cá nhân từ năm 2021 như định danh khách hàng điện tử eKYC, mở thẻ tín dụng phê duyệt trước online cho khách hàng cho tới các dịch vụ đi theo nhu cầu cá nhân như ngân hàng hàng ngày (daily banking), bảo hiểm (bancassurance), đầu tư (weath management)... Năm 2022, hành trình trải nghiệm số hóa này tiếp tục được mở rộng đến nhóm khách hàng doanh nghiệp. Bằng việc tối ưu hóa quy trình vận hành và tăng cường trải nghiệm, SHB đã tạo nên một môi trường thân thiện và thuận tiện, giúp khách hàng luôn cảm thấy được tôn trọng mỗi lần tiếp xúc. Các điểm số tốt của SHB trong yếu tố "Dịch vụ Khách hàng" và "Khả năng Giao tiếp" trong nghiên cứu của Brand Finance chứng tỏ nỗ lực tập trung vào khách hàng của ngân hàng này, từ đó giúp gia tăng chỉ số BSI

Sự cam kết của SHB trong việc duy trì một vị thế tổ chức tài chính mạnh mẽ và thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững bao gồm tăng tổng tài sản, vốn điều lệ, tiền gửi, dư nợ khách hàng… cũng là yếu tố quan trọng cho sự gia tăng chỉ số sức mạnh thương hiệu. Hơn một thập kỷ qua, SHB là một trường hợp hiếm hoi trong hệ thống liên tục tăng trưởng mạnh mẽ liên tục, thường xuyên chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đồng hành, hỗ trợ khách hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Song song với đó, việc SHB thực hiện quản lý rủi ro hiệu quả theo chuẩn quốc tế đã đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của mình. Là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên hoàn thành tất cả 3 trụ cột của Basel II trước hạn và chuẩn bị hoàn thành Basel III, SHB đã nhấn mạnh vào chuyển đổi số và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, giúp việc quản lý rủi ro hiệu quả, sử dụng vốn và trải nghiệm của khách hàng được nâng cao. Sự tập trung vào hiệu quả hoạt động và các biện pháp kiểm soát chi phí nghiêm ngặt góp phần vào hiệu suất tài chính xuất sắc.

Nền tảng tài chính vững mạnh cũng như kết quả kinh doanh hiệu quả của SHB thể hiện rõ qua các báo cáo tài chính qua từng quý, năm. Tính tới quý II/2023, các chỉ tiêu về quy mô của SHB đạt tăng trưởng tốt. Tổng tài sản SHB đạt 585 nghìn tỷ đồng, tăng 6,21% so với đầu năm, vốn tự có đạt 66 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2023 của SHB đạt 6.073 tỷ đồng, tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2022. Huy động từ thị trường I đạt tăng trưởng tốt với tỷ lệ tăng 13,7% so với đầu năm, đạt 465 nghìn tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 424 nghìn tỷ đồng. Ngày 25/7, SHB đã chốt danh sách để chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 18%, qua đó tăng vốn điều lệ lên mức 36.194 tỷ đồng, đứng TOP 4 NHTMCP tư nhân về vốn điều lệ.

Với định hướng đến năm 2027 sẽ trở thành ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất và ngân hàng số được yêu thích nhất, tầm nhìn đến năm 2035 trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại trong Top đầu khu vực, SHB tiếp tục bám sát 4 trụ cột có tính định hướng cho chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện, gồm: Cải cách thể chế, cơ chế; Kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự; Lấy khách hàng làm trọng tâm; Nền tảng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Sự kết hợp hài hòa giữa quản trị rủi ro, tăng trưởng bền vững, định hướng phát triển, những sản phẩm dịch vụ gây ấn tượng với khách hàng cũng đã giúp giá trị thương hiệu SHB tăng trưởng mạnh mẽ, được các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có Brand Finance đánh giá cao.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ góc độ chuyên môn, SHB vẫn còn một số điểm cần cải thiện trong thời gian tới để hướng đến những thành tựu và các cơ hội thị trường mới. Hiện nay, SHB đã chứng minh sự mạnh mẽ trong việc phục vụ khách hàng doanh nghiệp (B2B) với nhiều dịch vụ tài chính và giải pháp linh hoạt. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh và sự thay đổi nhanh chóng của khách hàng cá nhân, SHB còn nhiều dư địa để thúc đẩy bán lẻ mạnh mẽ hơn nữa ở phân khúc khách hàng trung lưu, giới trẻ, đặc biệt là đối tượng GenZ. Theo đó, để đẩy mạnh vị thế trong phân khúc B2C, một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ hay chiến lược thay đổi nhận diện thương hiệu sẽ giúp SHB nâng cao nhận thức thương hiệu và thu hút khách hàng cá nhân. Đồng thời, việc phát triển thêm các gói sản phẩm và dịch vụ dành riêng cho khách hàng cá nhân sẽ giúp SHB mở rộng thị phần và đa dạng hóa nguồn thu.

Điểm lưu ý tiếp theo là SHB cần xem xét việc mở rộng mạng lưới phòng giao dịch cũng như hệ thống ATM của mình, đặc biệt là tại các khu vực có mật độ dân số cao và tiềm năng kinh tế. Việc này không chỉ giúp tăng cường sự hiện diện của thương hiệu, mà còn mang lại sự thuận tiện cho khách hàng, đồng thời khẳng định cam kết của SHB đối với sự phục vụ và hỗ trợ khách hàng tối đa. Được biết, theo lộ trình phát triển, SHB sẽ đưa vào hoạt động thêm một số chi nhánh và phòng giao dịch mới tại các khu vực thị trường tiềm năng vào cuối năm 2023.

“Chúng tôi hy vọng rằng sự tăng trưởng giá trị thương hiệu của SHB sẽ là một tín hiệu tích cực cho toàn bộ ngành Ngân hàng Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển và sức mạnh của các thương hiệu trong môi trường cạnh tranh. Chúng ta có thể tin tưởng rằng những nỗ lực trong việc cải thiện hình ảnh thương hiệu và tạo ra giá trị thực sự cho khách hàng sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong thời gian tới, đưa ngành ngân hàng tại Việt Nam đến một tầm cao mới”, ông Mạnh cho biết.

Mibrand Vietnam là Công ty tư vấn Thương hiệu, cung cấp các giải pháp toàn diện, nổi bật với Nghiên cứu thị trường; Đo lường hiệu quả truyền thông thương hiệu, sức khỏe thương hiệu; và Định giá thương hiệu. Mibrand Vietnam từng có nhiều dự án tư vấn thành công cho các đối tác lớn như Vietcombank, BIDV, VPBank, HDBank…

Thông tin liên hệ: Công ty Cổ Phần Mibrand Việt Nam

  • Website: https://mibrand.vn/
  • Email: [email protected]
  • Address: Tầng 7 Prima Building, 22 Mai Anh Tuấn, Đống Đa, HN
  • Hotline: 090.259.8228 (Mr. Lại Tiến Mạnh – Managing Director)