Zero to One #9: Gọi vốn đầu tư mạo hiểm – cơ hội và rủi ro với startup

Zero to One #9: Gọi vốn đầu tư mạo hiểm – cơ hội và rủi ro với startup

Sau khi trải qua giai đoạn hạt giống, vốn từ nhà đầu tư thiên thần có thể không còn đủ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của startup nữa. Lúc này, đầu tư mạo hiểm có thể là sự lựa chọn tối ưu, tiếp thêm nguồn lực mạnh mẽ đưa startup lên tầm cao mới.

Tất nhiên áp lực của các founders khi sử dụng nguồn vốn này cũng không hề nhỏ, vì các nhà đầu tư mạo hiểm thường đặt ra những yêu cầu rất cao.

Nội dung bài viết được đăng lần đầu tại ProFin – Cộng đồng Chuyên nghiệp về Tài chính Doanh nghiệp và là một dự án của Brands Vietnam.

“Zero to One” là chuỗi bài nhằm phục vụ các startup bước những bước đi đầu tiên trên hành trình khởi nghiệp. Thông qua chuỗi bài này, các founder – những người đang vận hành startup – có thể xác định được hướng đi phù hợp và chiến lược khôn ngoan để dẫn dắt doanh nghiệp của mình đến thành công.

Đầu tư mạo hiểm là gì?

Đầu tư mạo hiểm – venture capital (VC) – là việc tài trợ vốn cho các công ty khởi nghiệp mới thành lập, hoặc đang hoạt động nhưng chưa niêm yết trên sàn chứng khoán. Những công ty này được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng tích cực trong tương lai.

Công việc đầu tư mạo hiểm thường được thực hiện bởi các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, như các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư, nhà đầu tư cá nhân, hay các doanh nghiệp lớn thừa vốn, muốn đầu tư vào một số lĩnh vực mà họ am hiểu. Trong đó, hoạt động tích cực nhất phải kể đến các quỹ đầu tư mạo hiểm. Các quỹ này sẽ gọi vốn từ các thành viên và đầu tư vào các startup bằng cách mua cổ phần, sau đó bán lại số cổ phần đó để thu lợi nhuận. Việc thoái vốn, bán cổ phần của các quỹ thường diễn ra ở các vòng gọi vốn tiếp theo, hay khi công ty tiến hành IPO.

Đầu tư mạo hiểm – venture capital (VC) – là việc tài trợ vốn cho các công ty khởi nghiệp mới thành lập, hoặc đang hoạt động nhưng chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.
Nguồn: Getty Images

Các công ty đầu tư mạo hiểm kiếm tiền như thế nào?

Trước hết, cần hiểu các VCs cũng giống như startup, nghĩa là họ cũng đi huy động vốn và kinh doanh bằng việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp. Những người góp vốn sẽ trở thành “thành viên” (partner) của quỹ. Một quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ có hai loại thành viên, đó là limited partner (LP) và general partner (GP). Cả hai đều góp vốn vào quỹ, nhưng chỉ có các GPs mới có quyền quyết định đối với các hoạt động của quỹ.

VCs thường thu phí với nguyên tắc “2% và 20%”. Trong đó 2% là phí quản lý được trích hằng năm từ chính nguồn tiền huy động được, và 20% là phí trả theo hiệu quả đầu tư, tính trên khoản lợi nhuận mà quỹ đạt được sau khi tất toán các khoản đầu tư. Mức phí này sẽ khác nhau tùy theo từng chiến lược của quỹ và tùy thị trường. Các VCs thường sẽ thoái vốn sau 5-7 năm đầu tư, thời gian này có thể lên đến 8 hoặc 10 năm nếu họ tham gia từ giai đoạn đầu (seed-stage).

VCs thường thu phí với nguyên tắc “2% và 20%”.
Nguồn: Investopedia

Các VCs sẽ tiến hành huy động vốn định kỳ, kêu gọi thêm nhiều LPs góp vốn. Để làm được điều này, người quản lý quỹ phải thể hiện cho các LPs thấy hiệu quả đầu tư, chính là sự tăng trưởng của các công ty trong danh mục hiện tại. Chính vì áp lực phải chứng minh tính hiệu quả cho các LPs, nên thường thấy các VCs sẽ thúc đẩy startup phải tăng trưởng liên tục, tạo áp lực rất lớn cho các founders.

Mức độ tham gia của VC vào việc điều hành công ty?

Các công ty đầu tư mạo hiểm thường muốn kiểm soát các quyết định quan trọng của startup, đặc biệt nếu chúng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ trong tương lai. Thông thường, khi đầu tư, họ sẽ yêu cầu chiếm một tỷ lệ cổ phần nhất định để có quyền chi phối hoặc phủ quyết. Tỷ lệ này thường nằm trong khoảng 36-51%.

Các công ty đầu tư mạo hiểm thường muốn kiểm soát các quyết định quan trọng của startup, đặc biệt nếu chúng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận trong tương lai.
Nguồn: Getty Images

Bên cạnh đó, VCs cũng thường đưa người vào Hội đồng quản trị hoặc Ban giám đốc để tham gia trực tiếp vào việc điều hành. Việc đưa người vào điều hành có thể có lợi cho startup vì họ thường đóng vai trò là người cố vấn, cho những lời khuyên hữu ích từ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của mình.

Nhìn chung, các công ty đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp thường sẽ không tham gia quá sâu vào việc điều hành, vì họ thường đầu tư vào nhiều công ty và không thể cầm tay chỉ việc từng chút một. Hơn nữa, đầu tư vào startup cũng là đầu tư vào con người, do đó họ thường sẽ cho các founder có đủ vùng tự do để tạo ra giá trị cho công ty. Tuy nhiên, các founder cũng cần cẩn trọng khi hợp tác với VCs, vì họ thường chỉ quan tâm đến tăng trưởng của công ty.

Theo các chuyên gia gọi vốn, lý do lớn nhất khiến founders bị “sa thải” khỏi chính startup của mình là vì họ “đốt” quá nhiều tiền nhưng không thể làm công ty đạt cột mốc tăng trưởng. Điều này làm chậm đến tiến độ gọi vốn các vòng sau, ảnh hưởng đến việc exit của VCs. Do đó, VCs sẽ cố gắng tác động, thay thế đội ngũ lãnh đạo tốt hơn để kiểm soát rủi ro và đạt được tốc độ tăng trưởng như mong muốn.

Làm thế nào để tiếp cận các VCs?

Khác với nhà đầu tư thiên thần, các VCs thường có một bộ phận gồm các chuyên viên phân tích, luôn tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Các nhân viên phân tích có nhiệm vụ đi dự các buổi hội thảo và thám thính các cơ hội đầu tư khả dĩ, có tiềm năng và phù hợp với định hướng của quỹ, sau đó sẽ đề xuất lên cấp trên. Các nhân viên phân tích không có quyền ra quyết định đầu tư, tuy nhiên họ đóng vai trò như người xét duyệt hồ sơ. Nếu thông qua họ, khả năng cao founders sẽ có một cuộc hẹn với những người quản lý cấp cao hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng có thể các chuyên viên này đã nghiên cứu doanh nghiệp cũng như thị trường khá kỹ trước khi quyết định gặp bạn. Do đó hãy cẩn thận, tránh nói những điều quá xa thực tế.

Bên cạnh đó, cũng có các quỹ ưa thích các startup chủ động nộp hồ sơ cho họ. Ví dụ, Nextrans (Hàn Quốc) và Hustle Fund (có trụ sở tại Thung lũng Silicon) ưu tiên startup trực tiếp nộp hồ sơ về website chính thức của Quỹ hoặc thông qua mối quan hệ với cộng đồng khởi nghiệp.

Cần lưu ý rằng mỗi quỹ sẽ có nguyên tắc đầu tư đặc thù, thường sẽ liên quan đến vị trí địa lý, ngành nghề, giai đoạn tăng trưởng hiện tại của startup... Vì thế trước khi nộp hồ sơ, startup nên tìm hiểu kỹ về nguyên tắc đầu tư của quỹ, thường được đăng trên website chính thức. Nhà sáng lập cũng có thể tham khảo đặc thù của các công ty trong danh mục mà quỹ đã rót vốn.

Một cách khác để tiếp cận với VCs là thông qua các LPs. Danh tính của các LPs thường không được công bố, tuy nhiên nếu startup biết có ai đó đang làm LPs cho một quỹ đầu tư phù hợp với mình, hãy tận dụng mối quan hệ này.

Chiến lược đầu tư được thể hiện trên website của Quỹ Do Ventures.
Nguồn: doventures.vc

Làm thế nào để tìm quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam?

Các nhà sáng lập có thể tìm thông tin các quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam qua trang web của Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (đường dẫn tại đây).

Danh sách các quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam được đăng trên trang web của Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Nguồn: Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia

Một số quỹ đầu tư mạo hiểm tiêu biểu đang hoạt động có thể kể đến như:

Mekong capital: Mekong Capital là quỹ tập trung chủ yếu nhóm ngành theo xu hướng tiêu dùng như bán lẻ, nhà hàng, hàng tiêu dùng, phân phối… Quỹ này thường tập trung vào những công ty bắt kịp sức tiêu thụ ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam.

CyberAgent Ventures (CAV): Một trong những quỹ đầu tư công nghệ thành công nhất thị trường Việt Nam hiện nay, dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Mạnh Dũng (Shark Dzung Nguyễn), CAV đã exit thành công các startup nổi tiếng như VNG, VMG, Teamobi, CleverAds, Foody… Hiện tại, danh mục của quỹ đang sở hữu những cái tên nổi bật trên thị trường như Luxstay, Tiki... Các startup được CAV dòm ngó thường rất có tiềm năng về mặt con người lẫn công nghệ.

IDG Venture: Đơn vị thuộc Tập đoàn IDG Venture – Mỹ, đầu tư vào Việt Nam từ năm 2004. Hiện nay, số tiền đầu tư mạo hiện mà IDG venture đang quản lý là 100 triệu USD, khẩu vị của quỹ này thường là những startup công nghệ hoặc những công ty truyền thống có xu hướng ứng dụng công nghệ để cải tổ lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể nói, IDG Venture chính là quỹ có công khởi tạo làn sóng khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam cho tới ngày hôm nay.

Cần lưu ý rằng mỗi quỹ sẽ có nguyên tắc đầu tư đặc thù, thường liên quan đến vị trí địa lý, ngành nghề, giai đoạn tăng trưởng hiện tại của startup...

ESP Capital: Đây là một quỹ đầu tư mạo hiểm của Singapore, CEO hiện tại của ESP là bà Lê Hoàng Uyên Vy, cựu CEO của ADAYROI. Tiêu chí quỹ là đồng hành cùng startup từ giai đoạn sớm. Các thương vụ đáng chú ý của quỹ có thể kể đến như Luxstay, canavi, homedy, JobsGO… Các công ty được quỹ này chú ý thường là các công ty công nghệ.

FPT Venture: FPT Venture đang theo đuổi mục tiêu trở thành vườn ươm khởi nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Quỹ thường đầu tư từ những vòng seed-funding và series A, xoay quanh lĩnh vực công nghệ, mobile, tài chính. Ngoài sự hỗ trợ về vốn, FPT Venture còn cung cấp startup nền tảng công nghệ và con người.

Golden Gate Venture: Golden Gate Venture thường vào từ giai đoạn sớm của các startup. Từ năm 2011, quỹ đã đầu tư vào hơn 30 công ty thuộc hơn 7 quốc gia tại Châu Á, trong đó có Việt Nam. Quỹ chủ yếu đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ ở nhiều lĩnh vực bao gồm thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, sàn giao dịch, ứng dụng di động và nền tảng phần mềm dịch vụ (SaaS). Các thương vụ nổi tiếng của quỹ này có thể kể tới là những chuỗi F&B hàng đầu Việt Nam hiện nay. Các cố vấn của quỹ phần lớn thuộc team founder của các công ty nổi tiếng như Paypal, Yelp, Sony Entertainment TV…

Vinacapital Venture: Quỹ quản lý 1,8 tỷ USD này được thành lập vào 2003 bởi tập đoàn Vinacapital, tập trung chủ yếu đầu tư vào chứng khoán, bất động sản. Khẩu vị của Vinacapital Venture thường là những startup đã có thành công nhất định trên thị trường, vì thế quỹ thường vào những vòng gọi vốn sau với số tiền đầu tư rất lớn.

Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nguyễn Dương Anh Khoa
* Nguồn: ProFin