Marketer Lâm Hồng Lan
Lâm Hồng Lan

Giảng viên chuyên ngành truyền thông và fashion marketing @ RMIT University Vietnam

Fashion Marketing #36: Cơ hội cho các thương hiệu thời trang khi người tiêu dùng quan tâm nhiều đến sức khỏe và cân bằng cuộc sống

Fashion Marketing #36: Cơ hội cho các thương hiệu thời trang khi người tiêu dùng quan tâm nhiều đến sức khỏe và cân bằng cuộc sống

Phong trào về sự thức tỉnh từ nhóm thế hệ trẻ đã thúc đẩy công nghiệp về sức khỏe tại Trung Quốc trong năm nay. Phong trào này đặc biệt được lan rộng sau đại dịch COVID-19.

Nội dung bài viết được đăng lần đầu tại blog Lamhonglan.

Trong số này tôi lược dịch bài đăng trên Jing Daily ngày 31/8/2023 về xu hướng chăm lo sức khỏe và cân bằng cuộc sống tại thị trường Trung Quốc từ buổi hội thảo do tạp chí thời trang Jing Daily China tổ chức và cơ hội cho thị trường sức khỏe giữa bối cảnh việc cân bằng cuộc sống ngày càng được chú trọng tại thị trường này. Và như thường lệ là một số gợi ý cho thị trường Việt Nam.

Phong trào về sự thức tỉnh từ nhóm thế hệ trẻ đã thúc đẩy công nghiệp về sức khỏe tại Trung Quốc trong năm nay. Phong trào này đặc biệt được lan rộng sau đại dịch COVID-19. Dưới đây là một số ý chính trong buổi hội thảo trên.

Người tiêu dùng trẻ xem việc luyện tập như một cứu cánh để cân bằng cuộc sống, tiếp thêm năng lượng và điều chỉnh cảm xúc.

Không chỉ chăm lo sức khỏe thể chất

Sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng Trung Quốc hiểu thêm về cân bằng cuộc sống, giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, giữa công việc và thời gian cho bản thân. Mọi người dường như hướng đến thiên nhiên nhiều hơn nhằm tìm kiếm sự cân bằng giữa cơ thể và trí óc. Do đó, sức khỏe không chỉ giới hạn ở thể chất mà còn là tinh thần và sự nuôi dưỡng tâm hồn.

Định nghĩa thoáng hơn về sức khỏe này chính là lý do ra đời của nhiều chương trình về cân bằng cuộc sống, không chỉ bao gồm những hoạt động ngoài trời mà còn là sự tìm kiếm cân bằng bên trong, ví dụ như chương trình thiền chữa lành tại những resort sang trọng như tại Six Senses Qing Cheng.

Fashion Marketing #36: Cơ hội cho các thương hiệu thời trang khi người tiêu dùng quan tâm nhiều đến sức khỏe và cân bằng cuộc sống

Resort Six Senses Qing Cheng tổ chức khóa học khí công cho khách nghỉ dưỡng nhằm cải thiện chất lượng giấc ngủ, sức khỏe tinh thần và sự dẻo dai.
Nguồn: Resort Six Senses Qing Cheng

Cơ hội của các thương hiệu thời trang

Các nhãn hàng thời trang thể thao như Neiwai Active đã bắt kịp sự tăng trưởng của xu hướng cân bằng này. Thương hiệu với định vị “chuyển động tạo sinh khí” đã thấy được cơ hội khi nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm thể thao với tính năng chuyên biệt tăng cao từ người tiêu dùng. Họ đã nhanh chóng phát triển dòng sản phẩm VMX series đáp ứng nhu cầu cần sự thoải mái cho mọi dáng người và độ tuổi, cũng như những chương trình có những bài tập đặc biệt để phục vụ những nhu cầu cân bằng cuộc sống.

Fashion Marketing #36: Cơ hội cho các thương hiệu thời trang khi người tiêu dùng quan tâm nhiều đến sức khỏe và cân bằng cuộc sống

Thương hiệu thể thao thời trang Neiwai Active hợp tác với các khách sạn địa phương để tổ chức các chương trình cân bằng cuộc sống cho các thành viên của thương hiệu.
Nguồn: Neiwai Active 

Đối tượng tìm đến cân bằng cuộc sống ngày càng trẻ hơn

Thu hút giới trẻ cũng là điểm mấu chốt cho phân khúc thị trường này. Trước đại dịch, các thương hiệu chăm sóc sức khỏe thường nhắm đến nhóm khách hàng trên 30 tuổi. Nhưng hiện tại nhóm khách hàng dần trẻ hơn rất nhiều, từ 25 tuổi hoặc thậm chí trẻ hơn. Việc nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần và cân bằng cuộc sống đã dẫn đến sự bùng nổ trong ngành công nghiệp này. Người tiêu dùng trẻ đang dần nhận ra mối quan hệ giữa sức khỏe tinh thần và thể chất và xem việc luyện tập như là một cứu cánh để cải thiện việc cân bằng cuộc sống, tiếp thêm năng lượng và điều chỉnh cảm xúc.

Xây dựng cộng đồng

Cộng đồng là một lực lượng quan trọng quảng bá xu hướng lối sống khỏe này. Các hoạt động nhóm như câu lạc bộ chạy bộ Nike hay các lớp yoga của Lululemon và Neiwei là nơi gặp gỡ của người tiêu dùng có cùng sở thích cũng như chia sẻ các ý niệm về cuộc sống. Việc này cũng khỏa lấp sự cô đơn của con người trong xã hội hiện đại. Ngoài các nhãn hàng thời trang thể thao, các thương hiệu về dịch vụ chăm sóc khách hàng như khách sạn, resort cũng chia sẻ mục đích gắn kết mọi người, ngoài việc cung cấp những dịch vụ nghỉ dưỡng.

Sự kết hợp của bộ ba “sức khỏe – thời trang – nghỉ dưỡng”

Fashion Marketing #36: Cơ hội cho các thương hiệu thời trang khi người tiêu dùng quan tâm nhiều đến sức khỏe và cân bằng cuộc sống

Thương hiệu Today Well Spent chuyên bán quyển viết nhật ký chia sẻ chương trình cân bằng cuộc sống trên Xiaohongshu, một nền tảng về lối sống tại Trung Quốc.
Nguồn: Xiaohongshu

Các thương hiệu như Neiwai Active đã lồng ghép yếu tố cân bằng cuộc sống trong đặc tính thương hiệu của mình. Hoặc resort Six Senses Qing Cheng cũng đã định vị mình là nơi khách hàng tìm đến để cân bằng cuộc sống. Ý tưởng này đơn giản là việc luyện tập thể thao cho phép chúng ta hiểu hơn về cơ thể mình, trái tim mình, từ đó sẽ giúp chúng ta tự tin hơn và dần tăng sức mạnh nội lực. Do đó những chương trình cân bằng cuộc sống kết hợp luyện tập và nghỉ dưỡng sẽ tạo cảm hứng cho người tiêu dùng và thu hút nhiều người theo đuổi lối sống này hơn.

Cân bằng trong nội bộ của các nhãn hàng

Các chuyên gia trong hội thảo trên cũng chia sẻ rằng việc mang yếu tố cân bằng vào trong văn hóa của công ty để biến môi trường làm việc trở nên lành mạnh hơn là xu hướng trong tương lai gần. Điều này sẽ giúp công suất làm việc của nhân viên ngày càng hiệu quả hơn.

Hội thảo thú vị này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng về cân bằng cuộc sống thời hậu COVID-19, đặc biệt là trong giới trẻ tại thị trường Trung Quốc. Từ thời trang đến nghỉ dưỡng và cuộc cách mạng về cân bằng cuộc sống không phải là xu hướng nhất thời, mà nó là sự thay đổi có tính chuyển giao trong xã hội và sẽ thay đổi cách nghĩ của người tiêu dùng trong cuộc sống hàng ngày. Việc này sẽ mở ra cơ hội với cách nghĩ mới mẻ cho các thương hiệu muốn nắm bắt sự chuyển biến này.

Cơ hội tại thị trường Việt Nam

Trước đại dịch COVID-19, lớp yoga tôi hay luyện tập ở TP.HCM có độ tuổi trung bình của các thành viên tham gia là 30+. Tháng 7 năm nay, tôi dự một khóa thiền ở TP.HCM và nhận thấy độ tuổi trung bình chỉ khoảng 25+. Môn yoga hay thiền đã trở thành những môn luyện tập phổ biến, thậm chí thời thượng tại Việt Nam trong những năm trở lại đây, đặc biệt từ sau đại dịch COVID-19.

Đây là cơ hội cho các thương hiệu thời trang thể thao Việt có thể khai thác sự chuyển hướng này, tương tự như bài viết trên, vì ba lý do sau đây.

Sự kết hợp của bộ ba “sức khỏe – thời trang – nghỉ dưỡng” cũng là một hướng đi giàu tiềm năng khi Việt Nam có rất nhiều resort nghỉ dưỡng đẹp.

Thứ nhất, các thương hiệu thể thao quốc tế nổi tiếng như Nike và adidas vẫn tập trung vào những thông điệp quen thuộc từ định vị thương hiệu của họ.

Thứ hai, các thương hiệu thời trang quốc tế lớn có tiềm lực mạnh như UNIQLO hoặc GAP tại Việt Nam có các dòng sản phẩm dành riêng cho thể thao, nhưng không quảng bá nhiều vì không phải là mặt hàng chủ lực của họ.

Thứ ba, hầu hết các thương hiệu thời trang thể thao Việt đều chưa khai thác sâu yếu tố này, tạo một nền tảng bền vững và khác biệt cho thương hiệu. Sự kết hợp của bộ ba “sức khỏe – thời trang – nghỉ dưỡng” cũng là một hướng đi khá hay khi Việt Nam có rất nhiều resort nghỉ dưỡng đẹp, do đó tiềm năng của hướng đi này là rất lớn.

Nếu các bạn quan tâm, hãy theo dõi blog của tôi hoặc email để trao đổi thêm: [email protected].

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

* Nguồn: Blog Lamhonglan