Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Du học Marketing #13: Phạm Văn Hậu @ University of Otago – Mở lòng, mở suy nghĩ và chấp nhận sự khác biệt

Du học Marketing #13: Phạm Văn Hậu @ University of Otago – Mở lòng, mở suy nghĩ và chấp nhận sự khác biệt

Phạm Văn Hậu – chàng trai chỉ mới 25 tuổi nhưng đã có một năm làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, sau khi tốt nghiệp đại học vẫn liên tục vừa học tập, vừa làm việc, vừa “sống cùng” nghiên cứu. Đâu là những khó khăn mà chàng trai 25 tuổi này đã trải qua và liệu có động lực nào phía sau thúc đẩy? Hãy cùng Brands Vietnam lắng nghe chia sẻ của anh Hậu trong số 13 của “Du học Marketing”.

Anh Phạm Văn Hậu hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Marketing của trường Đại học Otago, New Zealand. Trước đó, anh làm việc tại Viện nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn và một số tổ chức phi chính phủ.

Với hy vọng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, liệu những kỳ vọng có đủ để chiến thắng thực tại nơi đất khách? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua những trải nghiệm đủ thăng và cũng không thiếu trầm của những du học sinh đã và đang dùi mài kinh sử nơi trời Tây qua series Du học Marketing.

* Mong muốn đi du học của anh bắt đầu từ khi nào?

Mong muốn đi du học của mình đã bắt đầu từ khi học cấp ba. Thế nhưng khi đó, điều kiện kinh tế gia đình cũng không quá dư dả, mình quyết định học đại học trong nước.

Tốt nghiệp xuất sắc ngành Kinh tế trường Đại học Kinh tế Quốc dân, mình vẫn tiếp tục vừa học, vừa làm ở Việt Nam. Mình hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành Public Policy ở Victoria University of Wellington (New Zealand) vào đầu năm 2021. Giai đoạn này mình học online hoàn toàn vì dịch COVID-19. Mình thường xuyên phải thức đêm để học vì lệch múi giờ, áp lực khi đó rất lớn nhưng may mắn là mình đã vượt qua.

Sau nhiều năm, cuối cùng mình cũng có cơ hội bay chuyến bay chính thức đầu tiên. Năm 2022, mình sang New Zealand học tiến sĩ với học bổng toàn phần tại University of Otago.

Anh Phạm Văn Hậu hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Marketing của trường Đại học Otago, New Zealand.
Nguồn: NVCC

* Với kinh nghiệm của anh, đâu là điểm khác nhau cơ bản trong việc nộp hồ sơ đăng ký và xin học bổng giữa hai chương trình thạc sĩ và tiến sĩ?

Nếu chương trình thạc sĩ yêu cầu ứng viên viết luận hay trả lời câu hỏi thì chương trình tiến sĩ đòi hỏi thêm ở ứng viên kinh nghiệm trong việc nghiên cứu. Đề xuất nghiên cứu phải là một đề tài hay, thú vị và có giá trị thực tiễn.

Khi đã làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, người học cần phải có những kinh nghiệm liên quan trước đó, phải xác định được hướng đi và phải chứng minh được mình thật sự có niềm yêu thích với công việc nghiên cứu. Chuyện như một ‘tờ giấy trắng’ nhưng đậu chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ là chuyện không thể xảy ra.

Khi nộp chương trình tiến sĩ, mình không sử dụng bằng thạc sĩ vì ngành học thạc sĩ của mình không liên quan đến Marketing. Tuy nhiên, trải nghiệm công việc cũng như hồ sơ nghiên cứu với những xuất bản trước đó của mình trên các tạp chí khoa học thì hoàn toàn phù hợp.

Có thể nói rằng với chương trình tiến sĩ, đề tài mà mình muốn nghiên cứu sẽ quan trọng hơn ngành học mà mình theo học ở bậc đại học hay thạc sĩ. Kiến thức nền về marketing là yêu cầu cơ bản, nhưng quan trọng nhất vẫn là đề tài bạn theo đuổi có đủ sức thuyết phục với các giáo sư hay không.

Ngoài ra, trong 4 năm đại học, mình luôn cố gắng để đạt được điểm số tốt nhất, mình cũng tham gia các chương trình trao đổi sinh viên và đã có nhiều nghiên cứu được xuất bản. Mình nghĩ rằng quá trình nộp hồ sơ xin học bổng để đi du học là quá trình của sự chuẩn bị dài lâu. Hãy nỗ lực ngay từ khi bắt đầu nhen nhóm ý định.

Anh Hậu (ngoài cùng bên trái) trong thời điểm công tác tại Viện nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn.
Nguồn: NVCC

* Được biết, đề tài nghiên cứu của anh trong chương trình tiến sĩ là hành vi tiêu dùng của khách hàng hướng đến bảo vệ môi trường. Anh có thể chia sẻ thêm về lý do khiến anh muốn theo đuổi đề tài này?

Khi còn ở Việt Nam, mình có khoảng thời gian gắn bó với Viện nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI). Mình thực hiện những dự án về tiêu dùng bền vững, sản xuất bền vững làm cùng với bà con nông dân ở vùng quê. Những trải nghiệm đó giúp mình nhận ra nhiều góc nhìn mới mẻ xoay quanh câu chuyện về bảo vệ môi trường.

Anh Hậu khi công tác tại Viện nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn.
Nguồn: NVCC

Nghiên cứu hiện tại của mình tập trung chính vào hành vi sử dụng bao bì một lần. Trước hết, mình nghĩ đây là một xu hướng phát triển của thời đại và mỗi quốc gia  sẽ có những góc nhìn khác nhau về câu chuyện này.

Nhiều  người nghĩ rằng việc bỏ các sản phẩm làm từ nhựa như bao bì nhựa là một việc tốt cho môi trường. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào một thực tế rằng việc này vẫn còn phụ thuộc vào rất nhiều những yếu tố khác, chẳng hạn như thu nhập của người dân. Nếu chỉ là một người dân lao động phổ thông bình thường, thì liệu họ có thể chi trả cho việc sử dụng bao bì tái sử dụng hay không?

Nhìn chung, có rất nhiều khía cạnh cần phải xem xét, không phải cứ muốn cấm sử dụng nhựa là có thể ngay lập tức thực hiện. Việc hình thành thói quen sử dụng chất liệu thay thế có tác động tích cực đến môi trường là câu chuyện cần thời gian. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến mình muốn đi du học để phát triển nghiên cứu này, vì mình tin rằng bản thân sẽ học hỏi thêm được nhiều bài học quan trọng khi có cơ hội quan sát cách những nước phát triển khác đang giải quyết vấn đề này.

* Với thành tích khá nổi bật, vì sao sau tốt nghiệp anh lại chọn gắn bó với công việc nghiên cứu ở Viện và các tổ chức phi chính phủ mà không phải là xây dựng “career path” ở các doanh nghiệp lớn?

Mình nghĩ là “nghề chọn người” (cười). Thời điểm trước khi chính thức tốt nghiệp, mình đã nhận được nhiều lời đề nghị làm việc ở các doanh nghiệp lớn liên quan đến thuế và kiểm toán. Cũng giống như nhiều bạn trẻ vừa mới hoàn thành xong chương trình đại học và chính thức “bước vào đời” khác, mình cũng có những mơ hồ nhất định trong việc chọn ngành nghề để theo đuổi.

Mình phân vân giữa nhiều “offer” khác nhau, các cơ hội đều rất tốt, nhưng sâu bên trong mình vẫn cảm thấy rằng dường như đây vẫn chưa phải là điều mình muốn. Cuối cùng, xuất phát từ những trải nghiệm đã có khi tham gia các chương trình trao đổi, cũng như đam mê nghiên cứu mãnh liệt từ khi vào giảng đường đại học, mình quyết định thử đi theo hướng nghiên cứu thay vì làm việc tại các doanh nghiệp.

Công việc ở viện nghiên cứu cho mình sự linh hoạt cũng như sự sáng tạo khi vận hành những dự án cộng đồng. Quả thật, trải nghiệm marketing theo hướng cộng đồng sẽ rất khác so với việc làm marketing cho doanh nghiệp. Mình đã học hỏi và tích lũy được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm về nghiên cứu.

Nguồn: University of Otago

* Đâu là những khó khăn anh phải đối mặt trong thời gian đầu sang New Zealand để học tập?

Ban đầu, đã có lúc mình cảm thấy muốn… đi về. Nếu đã quen với nhịp sống nhộn nhịp ở Hà Nội hay Sài Gòn thì các bạn có thể bị sốc trong thời gian đầu. Vì so với đảo bắc với những thành phố đông người như Wellington hay Auckland, thì đảo nam của New Zealand, thành phố Dunedin nơi mình sống không nhộn nhịp bằng, bước ra ngoài sau 8h tối là đã không còn thấy người.

Theo anh Hậu, Dunedin là một thành phố xinh đẹp và yên bình, khá phù hợp để đi du học.
Nguồn: NVCC

Thế nhưng đến hiện tại, mình rất “happy” với quyết định của mình. Không giống như các thành phố lớn với nhiều tiện ích giải trí dễ làm chúng ta xao nhãng, Dunedin là một thành phố xinh đẹp và yên bình, khá phù hợp để đi du học. Nhất là khi học tiến sĩ vốn phải tập trung dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu.

Khó khăn thứ hai là ở việc kết nối. Khi đã làm nghiên cứu sinh tiến sĩ thì mọi người thường ở độ tuổi khá lớn. Nhiều “bạn” cũng là nghiên cứu sinh như mình đã vào độ tuổi cha mẹ mình, còn giáo sư thì đáng tuổi ông bà (cười). Việc kết bạn trong khoảng thời gian đầu có thể sẽ khá khó khăn, nhưng ở lâu, bạn sẽ nhận ra con người ở New Zealand rất thân thiện, mọi người sẵn sàng giúp đỡ bạn nếu bạn lên tiếng.

Một khó khăn khác mà mình nghĩ nhiều bạn du học sinh sẽ gặp phải vào thời điểm ban đầu là khó khăn về mặt ngôn ngữ. Nhiều bạn cứ nghĩ bản thân giỏi tiếng Anh, nhưng thực tế vẫn sẽ có những rào cản nhất định, chẳng hạn như giọng địa phương (accent) của người nói. Hiện tại mình đã quen, nhưng thời điểm nộp hồ sơ và trải qua các buổi phỏng vấn online, thật sự bản thân mình cũng gặp khó khăn để hiểu được accent của New Zealand.

* Được biết, khác với bậc cử nhân hay thạc sĩ, chương trình tiến sĩ đòi hỏi nghiên cứu sinh phải liên tục tự học, tự tìm tòi, trải nghiệm ở University of Otago của anh Hậu trong một năm qua thế nào?

Đúng vậy, khác với chương trình thạc sĩ vẫn có giảng viên dạy và chỉ cho bạn làm thì chương trình tiến sĩ hoàn toàn không có. Giáo sư hướng dẫn sẽ đóng vai trò là người gợi ý hoặc “kéo” bạn về vào những thời điểm bạn đi trật hướng. 

Mình thấy rất may mắn khi ba giáo sư hướng dẫn của mình ở Otago đã giúp đỡ mình rất nhiều. Mỗi giáo sư đều có thế mạnh khác nhau và đều có tên tuổi trong ngành. Không chỉ hỗ trợ mình trong việc định hướng đề tài hay các vấn đề mình gặp phải trong quá trình nghiên cứu, các giáo sư cũng cho mình nhiều lời khuyên về phát triển sự nghiệp.

Mối quan hệ giữa sinh viên với giáo sư ở trường mình là mối quan hệ hai bên cùng trao đổi kiến thức. Các giáo sư đều rất sẵn lòng nếu bạn cần giúp đỡ. Và thật ra chính bản thân mình khi tham gia giảng dạy cho sinh viên bậc đại học ở trường cũng vậy. Mình cũng sẽ có các khung giờ hỗ trợ cố định để sinh viên có thể thoải mái đến gặp mình và trao đổi.

Du học là chuyện không thể nóng vội, bởi du học không chỉ đơn giản là việc bạn xách va li lên và sang một đất nước khác. 

* Một bài học nào đó mà anh Hậu tin là nếu không đi du học thì anh sẽ không bao giờ nhận ra?

Mình nghĩ rằng nếu không đi du học thì sẽ có nhiều việc mà mình cứ nghĩ quan điểm của mình luôn đúng.

Bên cạnh việc mở mang thêm kiến thức, đến một đất nước xa lạ để sống, học tập và làm việc giúp mình nhận ra mỗi người đều sẽ có một quan điểm của riêng họ về cùng một vấn đề và việc chúng ta nên làm là chấp nhận sự khác biệt. Khi hiểu được điều này, mình tin rằng dù mai sau đi đến bất kỳ môi trường nào mình cũng có thể sớm thích nghi.

* Anh có lời nhắn nhủ nào muốn gửi đến các bạn đang chuẩn bị du học giống anh trong tương lai?

Du học là chuyện không thể nóng vội, bởi du học không chỉ đơn giản là việc bạn xách va li lên và sang một đất nước khác. Những vấn đề như bị “ngợp” rồi sốc văn hóa, xa gia đình dẫn đến trầm cảm đều là những chuyện hoàn toàn có khả năng xảy ra. Có nhiều thứ phải đánh đổi và việc học cách hòa nhập với một nền văn hóa mới là điều tất yếu. Do vậy, mình nghĩ trước khi quyết định du học, hãy suy nghĩ thật kỹ bản thân mình thật sự muốn gì và cần gì. 

Bên cạnh việc chuẩn bị kỹ hồ sơ, hãy chuẩn bị kỹ tâm lý, cuộc sống khi đi du học không phải chỉ toàn màu hồng. Ở phương trời khác, đôi lúc các bạn sẽ rất nhớ nhà, nhớ đồ ăn Việt Nam, lúc ốm đau bệnh tật cũng chỉ có chính bản thân mình có thể chăm sóc tốt cho mình.

Nếu gặp phải bất kỳ vấn đề gì, hãy mạnh dạn chia sẻ với trường để nhận được sự hỗ trợ. Và cuối cùng, mình vẫn yêu Việt Nam và những giá trị của người Việt đang chảy trong mình, nhưng khi đã sang một khung trời mới thì hãy biết chấp nhận những khác biệt về văn hóa, về lối sống, thay vì đánh giá và phán xét, hãy mở lòng đón nhận.

* Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam