Financial Model: Không chỉ dành cho bộ phận Finance!
Với kinh nghiệm 20 năm công tác trong lĩnh vực Tài chính, anh Lộc Ngô – Director of Finance and Accounting, CJ Vietnam, đã mang đến cho học viên PSO MBA những góc nhìn thấu đáo về Financial Model tại hội thảo MBA Talk #58, tổ chức bởi Viện ISB và Đại học Western Sydney.
Đầu tiên, anh Lộc có thể chia sẻ về vai trò của bộ phận Finance trong một doanh nghiệp? Nhiều ý kiến cho rằng Finance chính là bộ phận “nòng cốt” để kiểm soát doanh nghiệp, anh Lộc nghĩ sao về quan điểm trên?
Một cách tổng quát, bộ phận Finance không giữ vai trò kiểm soát hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp, mà chỉ là hỗ trợ về khía cạnh Tài chính. Bởi lẽ nền kinh tế không ngừng thay đổi kéo theo sự thay đổi liên tục trong cách doanh nghiệp vận hành, vì thế việc kiểm soát gần như là không thể.
Nói cách khác, bộ phận Finance đóng vai trò như người thiết lập để doanh nghiệp hoạt động vào guồng. Ví dụ, trong Financial Model, bộ phận Finance chịu trách nhiệm thiết lập quy trình, timeline, biểu mẫu, nền tảng để các bộ phận liên quan dựa vào đó để vận hành.
Vậy, Finance – giống như các bộ phận khác trong một tổ chức – đều giữ sứ mệnh chung là hỗ trợ hoạt động kinh doanh chung của doanh nghiệp.
Theo anh Lộc, bản chất của Financial Model là gì?
Financial Model về cơ bản là một file Excel về Tài chính. Tuy nhiên, để hoàn chỉnh được “file Excel” này cần sự có mặt và đóng góp của hầu hết các phòng ban trong doanh nghiệp, bắt đầu với bộ phận Sales, Marketing và Finance. Trong khi Sales và Marketing cùng nhau bàn bạc về KPI doanh số bán cho năm tiếp theo, điều khoản thanh toán, giá, hoạt động Marketing, v.v. thì Finance ghi nhận thông tin và tư vấn thêm từ góc nhìn của Tài chính.
Như vậy, để hoàn thiện Financial Model cần có sự hợp tác từ 4 phía: cấp lãnh đạo, Sales, Marketing và Finance. Từ đó, các bộ phận khác lên kế hoạch sản xuất, kế hoạch mua hàng, công nợ, chi phí, v.v.. Thông qua các kế hoạch, bộ phận Nhân sự cũng tính toán headcount và cách trả lương cho từng nhân sự.
Financial Model được ứng dụng như thế nào trong doanh nghiệp?
Dựa trên nhiều thảo luận về chiến lược, giả định, doanh nghiệp đưa những tính toán chi phí, doanh thu, Capex Funding (gồm asset, factory, new office, v.v..) vào mô hình để có kết quả là Financial Model bao gồm balance sheet, Profit and Loss và Cash flow statement. Financial Model được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các khía cạnh của doanh nghiệp như: lập budget, xác định business plan, pricing, valuation, tax planning, M&A, raising fund, v.v..
Anh có thể đưa ra ví dụ thực tế về ứng dụng Financial Model vào một trong những khía cạnh trên?
Có thể các bạn đã biết về Kế hoạch hành động về Chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS - Base Erosion and Profit Shifting) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Theo đó, một trong những nội dung chủ yếu của kế hoạch là thiết lập Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu (GMT), cho phép các nước đầu tư nơi đặt trụ sở chính của công ty mẹ có quyền đánh thuế đối với thu nhập toàn cầu đến mức thuế suất 15% của các MNCs có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro.
Khi áp dụng quy tắc này, các MNCs dự định đầu tư vào Việt Nam để hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất dưới 15% sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi công ty mẹ đặt trụ sở chính, từ đó làm giảm sức hấp dẫn của hoạt động đầu tư vào Việt Nam.
Với tình hình này, tôi cần phân tích tác động của GMT tới các công ty tôi đang phụ trách, sau đó tổng hợp và trình bày trong business plan. Điều này sẽ giúp tôi và các bộ phận liên quan nhìn nhận mức độ chịu ảnh hưởng của doanh nghiệp, khoản tiền doanh nghiệp bị “thiệt hại” bao nhiêu, từ đó tìm cách thức để khôi phục. Đây là một trong những ví dụ về ứng dụng của Financial Model trong tax planning.
Là một Director of Finance and Accounting của một doanh nghiệp đa quốc gia, anh cần làm gì để quản lý hiệu quả các công ty con?
Chúng tôi quản lý các công ty con dựa trên quy trình và cách thức kiểm soát chứ không can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của các công ty này.
Cụ thể, vào đầu năm, nhà quản lý cần đặt ra cho các công ty con những tiêu chí phát triển và những mục tiêu cụ thể về sales growth, profit growth, v.v.. Đây là thước đo để chúng tôi xem xét tình hình kinh doanh của các công ty con theo từng tháng/quý liệu đã đạt hiệu quả hay chưa.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành các cuộc họp chiến lược với các công ty con vào giữa năm nhằm review doanh thu, lợi nhuận so với kế hoạch đề ra, từ đó tìm cách cải thiện tình hình trong trường hợp có bất thường xuất hiện.
Theo anh, người học MBA cần nhìn Financial Model dưới góc độ nào?
Financial Model được xem như một trong những công cụ cao nhất trong lĩnh vực Tài chính - Kế toán, tuy nhiên đừng nghĩ rằng Financial Model quá vĩ đại, hãy nhìn mô hình này như một kết quả của chuỗi các thảo luận về định hướng, chiến lược, và những dự báo về thị trường và bản thân doanh nghiệp.
Mô hình tài chính sẽ giúp doanh nghiệp phản ánh dự báo của mình dưới góc nhìn con số tài chính, qua đó doanh nghiệp quản lý, điều chỉnh hoạt động kịp thời, đạt mục tiêu mong muốn.
Cảm ơn anh Lộc đã chia sẻ những kiến thức bổ ích về Financial Model. Chúc anh ngày càng thành công trên con đường sự nghiệp của bản thân!
MBA Talk là chuỗi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam và nước ngoài. Các khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề, tình huống thực tiễn trong kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức theo hướng chuyên sâu, đúng triết lý đào tạo PSO (Problem Solving in Organization).
Xem thêm các bài viết từ PSO MBA tại đây.