ROI – Một chỉ số, đa ngành nghề

ROI – Một chỉ số, đa ngành nghề

Nếu hoạt động trong lĩnh vực Marketing, Trade, Sales, hay Tài chính, hoặc thậm chí là chủ doanh nghiệp, chắc hẳn bạn đã từng nghe nói đến ROI – một chỉ số tài chính thông dụng khi đánh giá việc đầu tư. Nhưng cốt lõi của ROI là gì, sử dụng ROI để đánh giá đầu tư có đúng đắn hay không, ROI như thế nào được xem là tốt?

Xung quanh chỉ số tưởng đơn giản nhưng đa năng, đa ngành nghề này có khá nhiều chuyện để nói, Cask sẽ cùng các bạn khám phá chỉ số ROI qua bài viết “ROI – Một chỉ số, đa ngành nghề” với các chủ đề sau:

  • (1) ROI là gì, đặc điểm và giá trị của ROI?
  • (2) Cách tính ROI
  • (3) Các yếu tố tác động đến ROI
  • (4) Thế nào là ROI tốt?
  • (5) Cốt lõi của ROI và ứng dụng đa lĩnh vực

Tổng quan về ROI

ROI là viết tắt tiếng Anh của “Return on Investment” – Tỷ suất sinh lời, đây là chỉ số tài chính dùng để đo lường hay đánh giá hiệu quả đầu tư.

Công thức tính như sau:

ROI = P/C
Trong đó, P = lợi nhuận và C = chi phí đầu tư.

Ví dụ: Bạn có một số vốn 50 triệu VND và đang đứng giữa 2 lựa chọn:

  • (a) Mua nhượng quyền một thương hiệu nào đó và thu về tổng cộng 200 triệu VND trong 1 năm
  • (b) Tự kinh doanh và thu về tổng cộng 300 triệu trong 2 năm

Bạn nên chọn phương án nào? Trong trường hợp này, ROI sẽ là công cụ giúp bạn đưa ra quyết định tối ưu. Theo đó, ta có:

  • (a) Tình huống mua nhượng quyền có ROI = (200.000.000 – 50.000.000)/50.000.000 = 300%
  • (b) Tình huống tự kinh doanh có ROI = (300.000.000 – 50.000.000)/50.000.000 = 500%

Vậy, ROI(b) > ROI(a), bạn nên chọn phương án (b).

ROI – Một chỉ số, đa ngành nghề

Điểm quan trọng của ROI

Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá những điểm quan trọng của chỉ số ROI:

  • Do công thức tính đơn giản như trên – chỉ chứa 2 thông tin chung nhất cho mọi dự án đầu tư là Chi phí đầu tư và Lợi nhuận đầu tư, không chứa yếu tố đặc trưng ngành nghề – nên ROI được ứng dụng trong nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực từ Marketing cho đến tài chính, doanh nghiệp cho đến tổ chức phi chính phủ... hễ có dự án đầu tư, bạn có thể vận dụng ROI.
  • Giá trị hay tầm quan trọng của ROI nằm ở chỗ nó phản ánh cái bạn nhận được so với cái bạn bỏ ra, qua đó nó giúp đo lường chính xác hơn hoạt động đầu tư. Chúng ta thường chỉ quan tâm cái mình nhận về, mà quên mất mình đã phải chi trả bao nhiêu. Vận dụng ROI sẽ giúp bạn đánh giá hiệu quả đầu tư của một dự án và chọn lựa dự án nên đầu tư trong số nhiều dự án.
  • Cũng do cách tính đơn giản và không bị ràng buộc bởi một bộ tiêu chuẩn chính thức nào, ROI có tính linh hoạt rất cao. Để giúp bạn dễ hình dung hơn, chúng ta sẽ lấy bảng cân đối kế toán làm ví dụ: Trong bảng cân đối kế toán, các khoản chi ra hay thu vào thuộc về tài khoản nào, cách tính ra sao đều phải tuân thủ theo bộ tiêu chuẩn do nhà nước ban hành, bạn không thể làm trái với các tiêu chuẩn đó. Nhưng với ROI thì không có bộ tiêu chuẩn nào như vậy, bạn hoàn toàn có thể tăng cường, cân nhắc thêm các yếu tố khác để tính ra con số ROI chính xác nhất cho đặc thù lĩnh vực, công việc của bạn. Cái bạn quan tâm chỉ là giải thích cho các đối tác, các bên liên quan đến dự án hiểu cách tính của bạn ưu việt ra sao.

ROI – Một chỉ số, đa ngành nghề

Yếu tố tăng cường tính chính xác của ROI

Một số yếu tố tăng cường tính chính xác của ROI bao gồm:

1. Thời gian

Trở lại ví dụ trên, chỉ cần tinh ý, chúng ta sẽ nhận ra phương án (a) và (b) khác biệt rõ rệt về thời gian đầu tư: 1 năm và 2 năm. Do đó, để chính xác hơn, chúng ta có thể quy nó về cùng 1 năm:

  • (a) Tình huống mua nhượng quyền với 1 năm: ROI = [(200.000.000 – 50.000.000)/50.000.000] / 1 = 300% / 1 = 300%
  • (b) Tình huống tự kinh doanh với 2 năm: ROI = [(300.000,000 – 50.000.000)/50.000.000] / 2 = 500% / 2 = 250%

Chúng ta có ROI(a) > ROI(b), vậy dự án thực sự hiệu quả hơn là dự án (a).

Như bạn đã thấy, khi chúng ta cân nhắc thêm yếu tố nào đó vào công thức tính ROI thì ROI sẽ thay đổi, chúng ta sẽ có một con số khác phản ánh tác động của yếu tố đó đến hiệu quả đầu tư; và đó có lẽ mới là phương diện quan trọng nhất trong ứng dụng của chỉ số tài chính này. 

ROI – Một chỉ số, đa ngành nghề

2. Thuế

Kinh doanh ở quốc gia nào cũng phải tuân thủ pháp luật và phải… đóng thuế, chỉ sau khi đóng thuế, cái còn lại mới là cái thực sự thuộc về mình.

Trở lại ví dụ ở mục 1, khi chưa tính thuế, chúng ta có:

  • (a) Tình huống mua nhượng quyền với doanh thu 200 triệu VND, chi phí 50 triệu VND và thời gian 1 năm: ROI(a) = [(200.000.000 – 50.000.000)/50.000.000] / 1 = 300% / 1 = 300%
  • (b) Tình huống tự kinh doanh với doanh thu 300 triệu VND, chi phí 50 triệu VND và thời gian 2 năm: ROI(b) = [(300.000.000 – 50.000.000)/50.000.000] / 2 = 500% / 2 = 250%

Ở ví dụ này, chúng ta quy ROI về 1 năm để so sánh và ROI(a) > ROI(b).

Bây giờ, chúng ta sẽ thêm yếu tố thuế vào. Thuế sẽ được tính vào chi phí:

  • (a) Tình huống mua nhượng quyền ngành ăn uống với doanh thu 200 triệu VND, chi phí 50 triệu VND và thời gian 1 năm, thuế 1 năm bằng 30% doanh thu: ROI(a) = [(200.000.000 – 50.000.000 – 200.000.000*30%)/50.000.000] / 1 = 180% / 1 = 180%.
  • (b) Tình huống tự kinh doanh ngành IT với doanh thu 300 triệu VND vào cuối năm 2, năm đầu tiên xem như doanh thu không đáng kể, chi phí 50 triệu VND và thời gian đầu tư là 2 năm, thuế 1 năm bằng 10% doanh thu. Vậy thuế này chỉ tính 1 lần vào cuối năm 2, chúng ta sẽ quy ROI về 1 năm bằng cách chia cho 2 để so sánh với ROI(a) ở trên: ROI(b) = [(300.000.000 – 50.000.000 – 300.000.000*10%)/50.000.000] / 2 = 440% / 2 = 220%.

Lúc này, ROI(b) > ROI(a). Như vậy,, khi cân nhắc về thuế, ROI của bạn có thể thay đổi.

3. Chi phí giao dịch – Transaction Cost

Chi phí giao dịch – Transaction Cost là một khái niệm kinh tế học tương đối mới do nhà kinh tế học Oliver E. Williamson phát triển trong thế kỷ 20 và ngày càng trở nên phổ biến. Giao dịch ở đây được hiểu theo nghĩa rộng nhất – tức sự trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Vậy, khi bạn đầu tư một số vốn, bạn tạo ra hàng hóa/ dịch vụ nào đó rồi bán cho khách hàng, thì đó là giao dịch.

Chi phí giao dịch là mọi chi phí liên quan, góp phần tạo nên giao dịch, như: chi phí hoạch định, chi phí ra quyết định, chi phí điều chỉnh kế hoạch, chi phí giải quyết bất đồng… Tất nhiên, chúng ta không thể tính hết mọi yếu tố góp phần vào giao dịch, vì nó là vô hạn, nhưng điểm đặc sắc của chi phí là giao dịch là: (1) Nó giúp bạn nhìn kĩ lại những chi phí “ẩn” mà bạn thường bỏ quên hay thậm chí không nghĩ đó là chi phí; và (2) Nó sát với thực tế, như bạn vẫn thường nghe câu “lấy công làm lời” trong kinh doanh vậy.

Ví dụ: Bạn đầu tư 50 triệu VND để kinh doanh trà sữa, doanh thu dự trù là 200 triệu VND vào cuối năm 1; vậy ROI = (200.000.000 – 50.000.000)/50.000.000 = 300%.

Bây giờ, chúng ta sẽ thêm chi phí giao dịch vào phép tính. Để kinh doanh trà sữa, bạn xin nghỉ việc ở công ty với mức lương 5 triệu VND/tháng và phải khảo sát chuẩn bị trong vòng 3 tháng. Vậy 3 tháng này xem như bạn đang làm công không lương cho chính mình, và bạn sẽ trả khoản lương này cho mình sau khi dự án có lời, đó chính là một khoản phí giao dịch. Khoản phí này là bao nhiêu tùy thuộc vào bạn đánh giá năng lực mình đáng giá bao nhiêu, nhưng để tham khảo, chúng ta có thể lấy mức lương cũ của bạn là 5 triệu VND/tháng. Vậy khoản lương cho bạn trong 3 tháng là 15 triệu VND. Lúc này: ROI = (200.000.000 – 50.000.000 – 15.000.000)/50.000.000 = 270%.

Như vậy, ROI của bạn đã giảm, tình huống trên cho chúng ta thấy một điều: Bạn càng giỏi bao nhiêu, thì doanh thu dự án phải càng cao bấy nhiêu để có ROI tương xứng với năng lực cá nhân của bạn.

4. Chi phí cơ hội – Opportunity Cost

Khi có nhiều dự án để lựa chọn đầu tư, bạn sẽ có chi phí cơ hội. Chẳng hạn, bạn có 2 dự án A và B. Nếu chọn A, bạn sẽ không thể chọn B, bạn thu được khoản lợi nhuận từ A và không thu được khoản lợi nhuận từ B và ngược lại. Vậy khoản lợi nhuận từ B chính là cái bạn chấp nhận mất để đổi lại khoản lợi nhuận từ A – tất nhiên trên cơ sở số vốn bạn bỏ ra cho A và B là ngang nhau; khoản lợi nhuận từ B chính là chi phí cơ hội của bạn.

Trở lại với ví dụ kinh doanh trà sữa ở trên, ROI của bạn là 270%. Đó là một lựa chọn của bạn, nếu bạn không có dự án nào khác, bạn vẫn có một lựa chọn tiềm năng sẵn có, đó là gửi tiền vào ngân hàng và nhận lãi suất năm. Do ngân hàng là thiết chế tài chính được nhà nước bảo trợ, nên mức độ an toàn gần như 100%, bạn gần như luôn được bảo đảm sẽ có lời. Nếu lãi suất ngân hàng cho bạn là 10%/năm, thì đó chính là ROI cho dự án gửi tiền ngân hàng, bạn gần như không tốn thêm chi phí nào đáng kể. Lúc này, ta có 2 dự án:

  • A: Kinh doanh trà sữa, ROI(a) = 270%
    • Nếu chọn dự án A và tính chi phí cơ hội vào thì ROI(a’) = 270% – 10% = 260%
  • B: Gửi tiền ngân hàng, ROI(b) = 10%
    • Nếu chọn dự án B và tính chi phí cơ hội vào thì ROI(b’) = 10% – 270% = –260%

Như vậy, giữa A và B thì nên chọn A, và khi tính chi phí cơ hội vào, thì ROI của A giảm xuống.

5. Thuế

Trước tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu xem rủi ro tác động thế nào đến ROI. Rủi ro ở đây biểu hiện qua 2 phương diện:

  • Khả năng xảy ra rủi ro, được biểu thị bằng con số %, khả năng này do bạn phán đoán theo trực giác, kinh nghiệm hoặc tham khảo từ các báo cáo số liệu.
  • Kết quả của rủi ro đó, biểu thị bằng số liệu lời hay lỗ của dự án.

Ví dụ, với tình huống đầu tư kinh doanh trà sữa với số vốn 50 triệu VND, doanh thu dự trù cuối năm 1 là 200 triệu VND: ROI = (200.000.000 – 50.000.000)/50.000.000 = 300%

Nếu cân nhắc kĩ càng hơn, chúng ta sẽ thấy một vấn đề là dự án đầu tư nào cũng có rủi ro lỗ, vấn đề là khả năng xảy ra điều đó là bao nhiêu. Chẳng hạn, sau khi xem xét, cân nhắc, bạn đưa ra nhận định: 50% khả năng dự án thất bại – tức doanh thu là 0; và 50% khả năng dự án thành công với doanh thu cuối năm 1 là 200 triệu VND. Khi đóm, con số ROI tổng hợp chính là con số ROI trung bình trọng số cho cả 2 khả năng trên: ROI (TB) = 50%*[(0 – 50.000.000)/50.000.000] + 50%*[(200.000.000 – 50.000.000)/50.000.000] = 100%

ROI của bạn đã giảm xuống 3 lần khi cân nhắc đến rủi ro. Vậy, với ROI 100% trong trường hợp này, chúng ta có nên chọn đầu tư hay không? Hay nói cách khác, thế nào là ROI tốt?

ROI – Một chỉ số, đa ngành nghề

ROI tốt

Thật ra, câu trả lời hoàn toàn tùy thuộc vào… bạn, vì tiền đầu tư là của bạn, chính bạn quyết định nên hay không nên. Nói cụ thể hơn, nó tùy theo khả năng chấp nhận rủi ro của bạn.

Trong tình huống trên, ROI tổng hợp là 100%, một con số tương đối cao nhưng xác suất thất bại là 50%, liệu bạn chấp nhận được 50% này không? Có người có, và có người không. Vì vậy, bạn hãy cân nhắc và tự lập một ngưỡng chấp nhận rủi ro cho mình để ra quyết định. Thông thường, những người thận trọng có xu hướng chấp nhận một con số ROI không quá cao để đổi lấy rủi ro thấp – chẳng hạn như gửi tiền vào ngân hàng.

Cốt lõi của ROI

Đến đây, chúng ta đã tiếp cận qua nhiều cách tính toán, điều chỉnh ROI, có thể rút ra một điều rằng: Về cốt lõi, ROI là một loại chỉ số đo lường cái nhận được so với cái bỏ ra khi thực hiện một công việc nào đó. Dựa trên cốt lõi đó, chúng ta có thể vận dụng ROI rộng rãi hơn nữa. Sau đây là một số trường hợp tham khảo:

  • ROI xã hội – Social Return On Investment: Nói vắn tắt, cách tính ROI truyền thống chỉ thuần túy đo lường về số tiền, và chỉ quan niệm cái nhận lại – Return – là lợi nhuận của dự án mà thôi. Tuy nhiên, bên cạnh việc mang lại lợi nhuận, nhiều dự án còn gây những tác động khác đến cộng đồng, xã hội, môi trường… – cả tích cực lẫn tiêu cực. Chẳng hạn, một công ty sản xuất thực phẩm xả thải trực tiếp xuống sông gây ô nhiễm, phần thiệt hại do ô nhiễm này không được quy ra tiền và không được tính vào phép tính ROI. Tương tự, một dự án xây dựng công viên tạo mảng xanh và không gian sinh hoạt sạch cho cộng đồng, giúp tăng chất lượng sống cho cộng đồng, đây là phần lợi ích không được tính đếm trong phép tính ROI. Do đó, hiện nay có nhiều tổ chức phi chính phủ, thiện nguyện, hoặc các công ty làm dự án cộng đồng áp dụng cách tính SROI – tức ROI xã hội. Họ sẽ cố gắng dự trù, liệt kê các lợi ích/ thiệt hại đến môi trường, cộng đồng, xã hội nói chung và quy đổi ra giá trị tiền để đưa vào phép tính ROI.
  • ROI cho các chiến dịch Marketing, truyền thông: Tương tự như trên, chúng ta có thể tính ROI cho một bài post trên fanpage bằng cách quy thời gian, nỗ lực viết bài cùng số lượt tương tác với bài viết ra giá trị tiền. Nỗ lực viết bài sẽ được đo bằng thời gian làm việc để hoàn thành bài viết đó, hoặc tham khảo giá bài viết trên thị trường. Số lượt tương tác sẽ được quy ra tiền bằng cách tính trung bình bao nhiêu lượt tương tác sẽ có một lượt mua hàng…
  • Bạn cũng có thể áp dụng ROI cho các vấn đề cá nhân: Chẳng hạn như việc học. Lúc này, bạn không nhất thiết phải quy ra tiền, mà có thể biểu thị ROI bằng một phân số. Ví dụ (3 đơn vị kiến thức/1 giờ học) hoặc (1 bài/2 giờ học).

ROI – Một chỉ số, đa ngành nghề

Kết

Qua bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu tương đối kĩ càng về chỉ số tài chính ROI, CASK hy vọng việc vận dụng ROI sẽ giúp bạn có những lựa chọn đầu tư hiệu quả.

Khóa học “Finance for Non-Finance Managers” tại CASK Academy – Tài chính ứng dụng dành cho người làm Marketing, Brand, Trade, Sales & SMEs được hệ thống đầy đủ trong 2 ngày học. Khóa học nhằm trang bị năng lực hiểu các loại chi phí của Marketing, Trade Marketing & Sales dưới lăng kính của người quản lý tài chính, nắm vững các công cụ quan trọng giúp tối ưu hoá lợi nhuận sản phẩm, các nhóm sản phẩm và toàn bộ doanh nghiệp, quản lý tài chính để xây dựng ngân sách Marketing, Trade Marketing và mở rộng kênh phân phối, thiết kế được Business Case tài chính trước khi tung sản phẩm mới.