Uniqlo - Thương hiệu giá trị đi lên từ thua lỗ hàng triệu USD

Sau 39 năm thành lập, UNIQLO là “đế chế” thời trang vang danh toàn cầu với 2.394 cửa hàng trên toàn thế giới, trong đó có 825 cửa hàng ở Nhật Bản. Thế nhưng, trước khi chạm đến đỉnh cao danh vọng như hiện tại, UNIQLO từng rơi vào thua lỗ hàng triệu USD khiến cho danh tiếng sụt giảm nghiêm trọng.

Cập nhật 75+ về uniqlo store opening mới nhất - cdgdbentre.edu.vn

1, UNIQLO - Niềm hy vọng thay đổi văn hóa thời trang Nhật Bản

“Tôi đã quá quen với thất bại” là những gì mà ông Tadashi Yanai - nhà sáng lập và CEO của Fast Retailing (công ty mẹ của UNIQLO) chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Conversation With. Ắt hẳn, không ai dám nghĩ rằng người giàu nhất Nhật Bản, đồng thời là chủ nhân của công ty bán lẻ quần áo lớn nhất Châu Á - UNIQLO lại coi việc thất bại như một phần tất yếu trong cuộc sống như thế.


Tadashi Yanai - nhà sáng lập và CEO của Fast Retailing (công ty mẹ của UNIQLO)

Tadashi Yanai sinh năm 1949 tại Yamaguchi, Nhật Bản. Đây là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với người dân nước này vì Thế chiến thứ 2 vừa mới kết thúc. Nhưng tuổi thơ khó khăn không vì thế mà làm nhụt chí Tadashi Yanai, khi được cha nhường lại cửa hàng quần áo nam của gia đình, ông không hài lòng với chỉ một cửa tiệm, Tadashi Yanai muốn làm chủ một đế chế thời trang.

Ông Tadashi không mấy hào hứng với việc kế thừa công việc của cha mình, song ông vẫn phải tìm hiểu công việc kinh doanh. Đến những năm 1980, Tadashi trở thành Chủ tịch của Ogori Shoji. Tuy nhiên, ông lại có tầm nhìn về thời trang rất khác với người dân đất nước hoa anh đào. Lấy cảm hứng từ những chuyến du lịch đến Châu Âu và Mỹ, nơi ông phát hiện ra các chuỗi cửa hàng quần áo giá tầm trung như Benetton và GAP, ông nuôi hy vọng thay đổi văn hóa Nhật Bản bằng cách cung cấp quần áo giá rẻ nhưng vẫn có chất lượng tốt.


UNIQLO nuôi hi vọng thay đổi văn hóa thời trang Nhật Bản

Để làm được điều đó, ông đã đổi tên toàn bộ cửa hàng Ogori Shoji thành “Unique Clothing Warehouse”, khi viết tắt sẽ đọc thành UNICLO. Thế nhưng trong quá trình đăng ký tên thương hiệu, một nhân viên đã đọc nhầm chữ “c” thành “q”. Do đó, chuỗi cửa hàng của ông Tadashi có tên gọi khác là UNIQLO.

2, Vụt sáng thành sao nhưng rơi vào thua lỗ hàng triệu USD khiến danh tiếng tuột dốc không phanh

Sau khi niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo thành công, UNIQLO bắt đầu đi theo bước chân của các nhà bán lẻ quần áo khác như GAP: tự sản xuất các mặt hàng mang thương hiệu riêng và bán chúng độc quyền tại các cửa hàng của thương hiệu. Sau đó, UNIQLO từng bước cải tiến thiết kế trang phục cũng như cách bày trí trong các cửa hàng để thu hút khách hàng.

Để giữ mức giá ổn định cho người dùng, thương hiệu đã giao việc sản xuất quần áo cho các nhà máy Trung Quốc vì nơi đây có chi phí lao động thấp hơn so với Nhật Bản rất nhiều. Trong thời kỳ kinh tế Nhật Bản suy thoái, mọi người bắt đầu đổ xô đến UNIQLO để mua sắm. Khi ấy, nếu nhìn vào cửa hàng, người dùng sẽ bắt gặp hình ảnh phần lớn khách hàng của UNIQLO đang mặc quần jean rộng hoặc váy xếp ly, mang giày thể thao hoặc đế lười,... Quần áo chất lượng cao với giá thành hợp lý của UNIQLO đã gây ấn tượng mạnh mẽ với người tiêu dùng vào giai đoạn đó.


Quần áo chất lượng cao với giá thành hợp lý của UNIQLO đã gây ấn tượng mạnh mẽ với người tiêu dùng

Năm 1998 đánh dấu cột mốc UNIQLO có cửa hàng riêng đầu tiên tại Tokyo với tất cả sản phẩm được bày bán mang tên thương hiệu. Trang phục vừa tiện dụng, giá cả hợp lý chỉ từ 1.900 yên (khoảng 300 nghìn đồng) đã trở thành những yếu tố xúc tác khiến “hiệu ứng UNIQLO” ngày càng lan rộng tại xứ sở hoa anh đào.

Từ những thành công nhất định tại Nhật Bản, UNIQLO từng bước mở rộng mô hình kinh doanh ra toàn cầu. Tháng 9/2001, thương hiệu mở cửa hàng đầu tiên tại Thượng Hải (Trung Quốc). Và một năm sau, ông Tadashi đã có hơn 20 cửa hàng ở London (Anh), tiếp sau đó là New Jersey (Mỹ).


Kế hoạch bành trướng hoạt động kinh doanh của UNIQLO khiến cho thương hiêu rơi vào nguy hiểm

Tuy nhiên, chính hành động bành trướng quá nhanh này đã khiến UNIQLO hứng chịu một khoản lỗ hàng triệu USD vào năm 2001. Lý do khiến thương hiệu “ngã đau” tại các thị trường nước ngoài là bởi kích cỡ quần áo của đàn ông và phụ nữ Mỹ khác với người dân Nhật Bản. Việc UNIQLO giữ nguyên kích cỡ sản phẩm mang đến các quốc gia khác đã khiến người tiêu dùng bất mãn. Dù đã thay đổi kích cỡ ngay sau đó nhưng kết quả của việc mở rộng quy mô một cách cẩu thả là UNIQLO phải đóng toàn bộ cửa hàng ở London và New Jersey. Ông Tadashi đã phải chịu một khoản lỗ khổng lồ sau sai lầm này, đồng thời danh tiếng của hãng cũng bị sụt giảm nghiêm trọng.

3, Vươn lên sau cũ ngã ngựa để trở thành một trong những thương hiệu thời trang giá trị nhất thế giới

Sau thất bại tại các thị trường nước ngoài, ông Tadashi quyết định cải tiến UNIQLO. Trong thiết kế, ông bắt đầu nghiên cứu những trang phục, chất liệu mới và liên hệ hợp tác với những nhà thiết kế hàng đầu Nhật Bản, mở đầu với màn bắt tay cùng nhà thiết kế Kashiwa Sato để ra mắt dòng quần áo mới.

“Ngã ở đâu, đứng lên ở đó” có lẽ là quyết tâm của UNIQLO bởi vì rất nhanh sau đó, thương hiệu đã quay lại mở cửa hàng tại SoHo, New York. Lúc này, UNIQLO gây ấn tượng với người dùng Mỹ bằng những chiếc quần jean, áo khoác và áo len thời thượng. Quan trọng nhất, chúng vừa vặn với cơ thể người bản xứ. Các sản phẩm nhanh chóng được bán ra vì có chất lượng và giá thành tốt.


UNIQLO gây ấn tượng với người dùng Mỹ với các sản phẩm chất lượng

Đến năm 2003, UNIQLO ra mắt loại vải HeatTech mang tính cách mạng. Được biết, thương hiệu đã hợp tác với nhà sản xuất sợi vải hàng đầu thế giới Toray Industries để sản xuất ra một loại vải có tính năng giữ ẩm, làm khô nhanh, co giãn và sưởi ấm. Mỗi sản phẩm giữ nhiệt HeatTech có khả năng biến hơi nước thoát ra từ cơ thể thành nhiệt sưởi ấm cho người dùng. Hơn nữa, thiết kế siêu mỏng nhẹ giúp người dùng thoải mái vận động suốt cả ngày.

Sản phẩm mới lạ này đã đánh tan định kiến “mặc dày mới ấm” của người tiêu dùng vào thời điểm lúc bấy giờ, giúp sản phẩm trở thành một “cú hit” trên toàn cầu. Trong vòng 7 năm từ 2003 - 2010, UNIQLO đã bán được hơn 50 triệu sản phẩm HeatTech trên khắp thế giới.


Loại vải HeatTech mang tính cách mạng đối với UNIQLO

Thừa thắng xông lên, thương hiệu lại tiếp tục trình làng AIRism - thiết kế nâng cao sự thoải mái trong thời tiết nóng ẩm. Trái với HeatTech giúp sưởi ấm, AIRism giúp người dùng giữ độ ẩm, kiểm soát mùi với kết cấu siêu mịn không gây khó chịu. Với hai loại vải độc đáo và biểu tượng trên, UNIQLO bắt đầu lấy đà để phát triển rộng rãi hơn.


UNIQLO là một trong những thương hiệu quần áo có giá trị nhất thế giới

Đến năm 2016, UNIQLO đã có hơn 1.600 cửa hàng trên toàn thế giới, trong đó hơn 800 cửa hàng trên khắp Nhật Bản. Sau khi gia nhập thị trường Ấn Độ vào năm 2019, thương hiệu này đã thu về doanh thu 200.000 USD trong vòng 48 giờ kể từ khi ra mắt. Ngày nay, UNIQLO là cái tên lớn thứ hai thế giới trong danh sách các thương hiệu bán lẻ, bỏ xa các công ty trị giá hàng triệu đô la như H&M, GAP, Calvin Klein, Tommy Hilfiger và Abercrombie & Fitch.

Trong nửa đầu năm 2022, UNIQLO đạt doanh thu 593,2 tỷ yên với số tiền lãi là 100,3 tỷ yên. Theo Forbes, đây là một trong những thương hiệu quần áo có giá trị nhất thế giới, với giá trị tài sản ròng là 9,2 tỷ USD.