Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Vào ngành Marketing #2: Gen Z – “Trendsetters” sở hữu tố chất phù hợp của Marketers thời đại số

Vào ngành Marketing #2: Gen Z – “Trendsetters” sở hữu tố chất phù hợp của Marketers thời đại số

“Gen Z với những đặc tính như tiếp cận công nghệ sớm, đón đầu xu thế rất nhanh, sở hữu cá tính và bản sắc cá nhân độc đáo, tư duy sáng tạo cao có thể nói rất phù hợp với một Marketer. Tuy nhiên, giá trị cốt lõi của Marketing nằm ở việc định vị được sản phẩm dịch vụ, tìm và tiếp cận được khách hàng…”.

Đó là những chia sẻ của Thạc sĩ Bùi Ngọc Thùy Trang, Giảng viên môn Fashion Marketing trường Đại học Hoa Sen.

Những năm gần đây, Marketing là ngành luôn thu hút sự quan tâm của các thí sinh trên cả nước. Năm nay, Marketing tiếp tục trở thành một trong những ngành có điểm chuẩn cao nhất tại nhiều trường đại học. Vậy sức hút của ngành Marketing đến từ đâu? Từ học Marketing đến làm Marketer: Sinh viên cần chuẩn bị gì? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua chia sẻ của các giảng viên đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy bằng series “Vào ngành Marketing”.

Xu thế Marketing đa dạng tạo ra những nhu cầu công việc mới

* Theo cô, đâu là những yếu tố giúp ngành Marketing giữ được “độ hot” trong nhiều năm qua?

Theo tôi, trong bối cảnh kinh tế thị trường phát triển và cạnh tranh, các doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển mình thay đổi để tìm những hướng tiếp cận mới mẻ. Xu hướng Marketing thay đổi và cập nhật liên tục sẽ tạo ra những nhu cầu công việc mới và khiến cho ngành Marketing luôn hot. Có thể kể đến một số ví dụ như sau:

Sự phát triển của công nghệ, Internet và mạng xã hội góp phần vào sự bùng nổ của Marketing online. Các shop thời trang đều sở hữu những kênh Facebook, Instagram, Website riêng để bán hàng, tận dụng chức năng “Short video” của Reels, TikTok để tiếp thị sản phẩm dịch vụ một cách sáng tạo. Các doanh nghiệp có thể gửi tin nhắn tự động từ tài khoản Zalo Official, hay tích hợp marketing tự động vào quy trình bán hàng (Marketing automation).

Song song, các doanh nghiệp tập trung vào xây dựng chiến lược nội dung (Content Marketing) phù hợp với đối tượng mục tiêu. Các mạng xã hội lớn như Google, LinkedIn, Facebook… đều có thuật toán giúp nội dung cần thiết tiếp cận đến đối tượng mục tiêu chọn lọc.

Việc ngành càng nhiều doanh nghiệp tập trung vào xây dựng chiến lược (Content Marketing) phù hợp là một trong những yếu tố giúp ngành Marketing giữ được “độ hot” trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, Marketing thông qua việc tạo ra hoặc kết nối đến các cộng đồng (Community oriented marketing) bằng việc tổ chức nhiều hoạt động khác nhau đang là xu thế hot của thời nay. Chẳng hạn như UNIQLO luôn có những chiến dịch hướng đến cộng đồng địa phương ở nơi mà họ đặt cửa hàng: thúc đẩy các sản phẩm bản địa, trang trí mang phong cách địa phương…

Cuối cùng, Marketing thông qua người có ảnh hưởng (KOLs, Influencers…) cũng đang rất phát triển.

Một bộ sưu tập thể hiện sự gắn kết của UNIQLO với văn hoá Việt.
Nguồn: UNIQLO

Tựu trung, Marketing ở hiện tại có thể nói là “đa chiều, đa kênh, đa phương thức”. Các xu thế Marketing đa dạng như trên đã tạo ra cho thị trường nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí Marketing khác nhau và khiến cho ngành này luôn “hot”.

* Cô đánh giá thế nào về chất lượng đào tạo ngành Marketing tại Việt Nam trong những năm gần đây?

Có thể thấy rõ là đào tạo Marketing đang được đầu tư và đẩy mạnh hơn rất nhiều. Không chỉ chất lượng được nâng cấp hơn mà phương thức giảng dạy cũng thực tế hơn.

Việt Nam là đất nước mà mọi người tiếp nhận, kết nối và cập nhất rất nhanh. Những gì gọi là xu hướng luôn cập nhật trong các hoạt động đào tạo, hoặc những khoá học ngắn hạn cung cấp những kỹ năng chuyên biệt cho Marketer ngày càng phát triển phong phú.

Ở môi trường Đại học, các ngành học liên quan đến Marketing luôn mở ra nhiều lựa chọn hơn cho sinh viên.
Nguồn: Đại học Hoa Sen

Ở môi trường Đại học, các ngành học liên quan đến Marketing luôn mở ra nhiều lựa chọn hơn cho sinh viên. Ví dụ ngành PR – Communication, Trade Marketing, Digital Marketing, Fashion Marketing, Truyền thông đa phương tiện là một số ngành nghề phục vụ lĩnh vực Marketing… Tôi nghĩ khi một lĩnh vực càng phân hoá được thành nhiều phân ngành đào tạo thì chứng tỏ nó đã được quan tâm và có ảnh hưởng sâu rộng.

Điều thú vị là ngày nay các trường đào tạo đã và đang tạo ra nhiều cơ hội để sinh viên có thể “thực chiến”, thông qua việc hợp tác dự án với doanh nghiệp, các nhóm dự án cộng đồng, thành lập các CLB sinh viên… Sinh viên có những kinh nghiệm như vậy chắc chắn sẽ được doanh nghiệp chú ý.

* Cơ hội việc làm cho nhân sự ngành Marketing đang có những thay đổi ra sao so với thời điểm trước dịch COVID-19?

Nhạy bén với xu hướng và không ngại thể hiện bản thân, Gen Z được xem như một “Trendsetter” – người tạo ra xu hướng.

Sau đại dịch COVID-19, chúng ta dễ dàng nhận thấy doanh nghiệp có xu hướng đẩy mạnh các kênh bán online, tập trung cho những gì có thể tiết kiệm ngân sách như phát triển nội dung, chăm sóc khách hàng cũ, những kế hoạch ngân sách đầu tư lớn hoặc dài hạn sẽ được tiết giảm lại.

Như vậy, những công việc marketing ở mảng online, content hay những công việc có thể tiết kiệm ngân sách marketing, tập trung xử lý khủng hoảng sẽ được ưu tiên.

Công nghệ cũng chỉ là công cụ và xu hướng cũng chỉ là nhất thời, các bạn trẻ vẫn cần trang bị kiến thức nền tảng

* Các “tân binh” ngành Marketing năm nay và trong cả những năm tiếp theo chính là các bạn trẻ Gen Z. Theo cô, một Marketer Gen Z sẽ có những ưu thế ra sao?

Gen Z được đánh giá là một thế hệ có nhiều đặc tính nổi bật: tiếp cận công nghệ sớm, đón đầu xu thế rất nhanh, sở hữu cá tính và bản sắc cá nhân độc đáo, tư duy sáng tạo cao. Đây là những tố chất về cơ bản phù hợp với một Marketer thời nay. Vì rất nhạy bén với xu hướng và không ngại thể hiện bản thân, Gen Z được xem như một “Trendsetter” (Người tạo ra xu hướng).

Có nhân sự Gen Z trong đội ngũ, doanh nghiệp hay tổ chức sẽ như có thêm một lợi thế khi đọc được Insight của thế hệ tiêu dùng này, hứa hẹn tạo ra những chiến dịch hay những cách tiếp cận khách hàng mới lạ, đột phá hơn.

Tuy nhiên, giá trị cốt lõi của Marketing nằm ở việc định vị được sản phẩm dịch vụ, tìm và tiếp cận được khách hàng. Vì thế, nếu làm việc ở một vị trí chiến lược hơn, thì các kế hoạch Marketing không chỉ dừng lại ở sự sáng tạo, mà còn phải đo lường được bằng những KPIs rất cụ thể. Chính vì vậy, các bạn trẻ cần có tư duy kinh doanh, bán hàng, phân tích để hiểu được thị trường.

Vì rất nhạy bén với xu hướng và không ngại thể hiện bản thân, Gen Z được xem như một “Trendsetter” (Người tạo ra xu hướng).
Nguồn: Đại học Hoa Sen

* Để trở thành một Marketer trong thời đại số, đâu là những kiến thức và kỹ năng mà các bạn trẻ cần chú ý trang bị, trau dồi ngay từ năm nhất?

Xu hướng và công nghệ phải luôn là những điều các bạn khao khát tìm hiểu. Có thể tìm hiểu nhiều hơn khi đọc các Trend report về xu hướng người tiêu dùng, xu hướng về màu sắc, thẩm mỹ, kể cả ẩm thực hay nhà ở cũng có những xu thế nhất định. Một buổi diễn ca nhạc của BLACKPINK hay những câu nói “chất” đi ra từ Rap Việt cũng có thể trở thành chất liệu sáng tạo trong nội dung của mình. Nền tảng TikTok hay kênh Zalo cũng có thể trở thành kênh bán hàng hiệu quả cho bạn.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần phải nhớ đó là công nghệ cũng chỉ là công cụ và xu hướng cũng chỉ là nhất thời, điều các bạn trẻ cần trang bị và đào sâu là những gì thuộc về nền tảng của Marketing: Định vị được lợi thế cạnh tranh sản phẩm và dịch vụ; Xác định khách hàng mục tiêu; Xác định được các kênh marketing và có chiến lược tiếp cận khách hàng, bán hàng cụ thể…

Những kỹ năng cơ bản mà một Marketer cần trau dồi là sự linh hoạt và nhanh nhạy, yêu thích học hỏi kiến thức mới, kỹ năng phân tích và quan sát, có tư duy thẩm mỹ, sáng tạo và giao tiếp tốt.
Nguồn: Unsplash

Trên hết, các bạn cần có tư duy Marketing ngay từ bước đầu tiên. Nghĩa là mục tiêu cuối cùng luôn hướng đến là việc giải quyết được bài toán nào cho doanh nghiệp: doanh số, tăng giá trị thương hiệu cho sản phẩm, tiếp cận được khách hàng mới… Nói chung phải luôn có mục tiêu thực tế, rõ ràng chứ Marketing không chỉ là sân chơi của sáng tạo. Có được nền tảng Marketing bài bản, các bạn sẽ tránh được việc bị hoang mang, lạc lối giữa vô vàn các xu hướng xã hội cùng các công nghệ mới mà mình tiếp nhận mỗi ngày.

Bên cạnh đó, hãy dành thời gian để quan sát, tìm hiểu về Insight thị trường. Đây là điều khó có thể học ở trường học, chỉ có thể học hiểu được từ trải nghiệm. Hãy tìm cho mình một “Focus group”, những cộng đồng liên quan đến đối tượng khách hàng mục tiêu, chẳng hạn như cộng đồng thể thao, cộng đồng nghệ thuật, hội khởi nghiệp với nông sản, hội các bà mẹ bỉm sữa… hoặc doanh nghiệp cùng lĩnh vực để gặp gỡ, trò chuyện, không ngần ngại làm những cuộc phỏng vấn nhỏ.

Tóm lại, những kỹ năng cơ bản mà một Marketer cần trau dồi đó là sự linh hoạt và nhanh nhạy, yêu thích học hỏi kiến thức mới, kỹ năng phân tích và quan sát, có tư duy thẩm mỹ và sáng tạo, giao tiếp tốt vì phải làm việc với nhiều bên khác nhau.

Ngoài ra, nếu không thể học ngành Marketing ở giảng đường Đại học nhưng vẫn muốn theo đuổi ngành thì bạn có thể tham gia các khóa học online, khóa đào tạo ngắn hạn để lĩnh hội những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt. Hãy thử làm thực tập sinh, tìm cho mình một mentor, người đã có kinh nghiệm đi trước để được học nghề và có thêm nhiều trải nghiệm.

* Có hiểu lầm hay ngộ nhận nào về ngành thường gặp phải ở các bạn tân sinh viên mà cô muốn “đính chính”?

Marketing không chỉ là sân chơi của sáng tạo mà phải luôn hướng đến việc giải quyết bài toán nào đó cho doanh nghiệp.

Marketing phải thật đẹp và sáng tạo. Điều đó cần nhưng chưa đủ. Câu chuyện sau cùng của Marketing là bạn hiểu khách hàng và thị trường đến đâu. Marketer đem lại bao nhiêu lead cho doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có được thu hoạch gì, tạo được giá trị gì (tăng nhận diện thương hiệu, tiếp cận nguồn khách hàng mới…) cộng thêm từ sau mỗi sự kiện, mỗi chiến dịch.

Một hiểu lầm khác cũng rất hay gặp ở các newbie là không phân biệt rõ được chiến lược và công cụ. Website, social media, content, SEO, Marketing automation… là những thuật ngữ về công cụ hay chiến thuật mà chúng ta hay nghe.

Để thực hiện một chiến lược Marketing, ví dụ như mở rộng thêm tệp khách hàng 18-24 tuổi cho công ty X, phát triển và tiếp thị dòng sản phẩm mới… bạn sẽ cần một mô hình Marketing mix. Cũng tức là sự phối hợp đồng bộ nhiều yếu tố khác nhau từ chiến lược sản phẩm, địa điểm bán, phân khúc giá, promotion, con người, quy trình, hay đôi khi là bao bì của sản phẩm… Làm kinh doanh hay marketing không thể thiếu đi Market research hay bước thử nghiệm với thị trường mới.

* Cảm ơn cô vì những chia sẻ bổ ích trên!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam