Marketer Lam Phương
Lam Phương

Content Executive @ Brands Vietnam

Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay”

Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay”

Để đạt cột mốc thịnh vượng, doanh nghiệp không thể thiếu đi người đồng hành – những nhân viên tài năng và tận tâm. Chính sự kết nối này tạo nên một bức tranh văn hóa tổ chức độc đáo – nơi mà những tâm hồn đoàn kết theo một mục tiêu chung với cùng năng lượng. Do đó, việc xây dựng văn hóa được coi là bước khởi đầu quan trọng để không chỉ doanh nghiệp, mà cả những cá nhân, có thể vươn xa hơn trong hành trình phát triển của riêng mình.

Theo dõi số thứ 4 của series Quản trị Sáng tạo để khám phá về văn hóa sáng tạo trong Creative Agency.

“Quản trị Sáng tạo” là series của Brands Vietnam hợp tác cùng anh Nguyễn Danh Khánh, Co-founder “gốc Creative” của BP Communications, người đã kinh qua nhiều vai trò trong ngành quảng cáo, từ PR, Content đến Creative và Operation. Nội dung của series xoay quanh những kinh nghiệm về quản trị sáng tạo chuyên nghiệp, từ việc tuyển dụng Junior Creative đến xây dựng văn hóa sáng tạo cho agency.

* Là một nhà quản trị của Creative Agency, theo anh Khánh, văn hóa doanh nghiệp là gì? Tại sao văn hóa doanh nghiệp quan trọng?

Theo một nguồn thống kê trên Internet, có khoảng 300 định nghĩa khác nhau về văn hóa, từ hàn lâm cho đến đời thường. Trong số đó, tôi ấn tượng với định nghĩa của Deal và Kennedy (2000), đủ ngắn gọn, đơn giản và dễ hiểu, “Văn hóa là cách mọi thứ được thực hiện xung quanh đây”.

Bởi với tôi, cách con người ứng xử, giao tiếp hay xử lý vấn đề, chung quy là hành động, đều xuất phát từ nhận thức, đi từ tư duy và suy nghĩ. Tư duy đúng sẽ thúc đẩy hành động có định hướng và mang tính chuẩn mực, từ đó hình thành văn hóa tổ chức lành mạnh.

Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay”

Văn hóa là yếu tố quyết định trong sự hình thành và phát triển của mọi tổ chức kinh doanh.
Nguồn: Unsplash

Văn hóa không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với Creative Agency mà còn là yếu tố quyết định trong sự hình thành và phát triển của mọi tổ chức kinh doanh.

Văn hóa có thể ví như não bộ, nơi định hình nhận thức và tư duy cho cả một tập thể.

Văn hóa cũng có thể hiểu là xương sống – trục gắn kết tứ chi lại với nhau, là khung tư duy để tạo nên sự liên kết trong đội ngũ, hỗ trợ mọi người làm việc một cách hợp tác và hiệu quả.

Tuy nhiên, không thể nhìn thấy bằng mắt thường, văn hóa lại ẩn mình trong tinh thần của tổ chức. Nó thể hiện bản chất, cảm xúc và năng lượng của doanh nghiệp. Với tầm quan trọng không thể đo lường được, văn hóa chính là trái tim của doanh nghiệp, một linh hồn và sức sống tinh thần mà mọi người trong tổ chức cùng chia sẻ.

Tóm lại, văn hóa doanh nghiệp thể hiện sự tương tác phức tạp giữa cảm xúc và nhận thức, là não bộ tạo nên khung tư duy thống nhất, là xương sống để liên kết tập thể, đồng thời là trái tim thể hiện linh hồn tổ chức.

* Đâu là những điểm văn hóa đặc thù của Creative Agency?

Nhìn chung, văn hóa doanh nghiệp tại BP Communications – Creative Agency xoay quanh 7 giá trị cốt lõi và được quy vào bàn tay để dễ nhớ.

Đầu tiên là ngón cái – biểu tượng của “like”, thể hiện tinh thần lạc quan, sẵn sàng đối diện mọi thách thức với thái độ tích cực.

Tiếp theo là ngón trỏ – tương tự như con số một, tức là đoàn kết một lòng.

Ngón giữa mang tính “crazy” hơn, một chút ngẫu hứng và đột phá. Yếu tố này thể hiện tính sáng tạo mạnh mẽ, khả năng đổi mới và sẵn sàng vượt qua các rào cản. Hay nói cách khác là dám nghĩ, dám làm.

Ngón áp út là ngón đeo nhẫn – tượng trưng cho sự chứng minh, thuyết phục bằng sự thấu hiểu, hành động rõ ràng và logic.

Ngón út biểu thị tính cam kết và khả năng giữ lời hứa – nói được, làm được.

Trở lại ngón cái – ngón khởi đầu – thể hiện sự quan tâm đến việc làm đúng từ đầu, tạo ra một nền tảng vững chắc.

Cuối cùng, tất cả đan xen trong một bàn tay cầm bút, tượng trưng cho việc học tập mỗi ngày

Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay” Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay” Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay” Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay” Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay” Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay” Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay” Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay”

Nguồn: BP Communications

* Làm thế nào để xây dựng văn hóa kích thích sự sáng tạo trong nội bộ? 

Ngón giữa – “dám nghĩ, dám làm” không chỉ là một nguyên tắc mà còn là biểu tượng của bản sắc văn hóa sáng tạo tại Creative Agency. Tinh thần này giúp khai phóng tư duy, cho phép chúng ta vượt qua những hạn chế tưởng chừng không thể.

Và đó cũng là khởi đầu tốt cho bất kỳ hoạt động nào trong nội bộ. Bởi dù ý tưởng có  táo bạo đến đâu thì luôn luôn có sự lắng nghe, ủng hộ và đồng hành. Việc sẵn lòng nghĩ và nói ra ý tưởng là cơ sở để tìm thấy những giải pháp độc đáo.

Hơn thế, tinh thần này nên bao trùm mọi khía cạnh trong công ty, từ việc nhân sự thiết kế ra một poster cổ động, cho đến bạn Account, bạn Creative và cả Planner.

* Vậy văn hóa Phục vụ Khách hàng được thể hiện qua những giá trị nào?

 Tinh thần “dám nghĩ, dám làm” giúp khai phóng tư duy, cho phép chúng ta vượt qua những hạn chế tưởng chừng không thể.

Tư duy phục vụ khách hàng được thể hiện một cách rõ ràng thông qua 4 giá trị trong văn hóa doanh nghiệp: thái độ tích cực – chứng minh, thuyết phục – nói được, làm được – làm đúng từ đầu.

Đầu tiên vẫn là ngón cái – thái độ tích cực. Khi chúng ta đặt mình trong vị trí phục vụ khách hàng, thái độ tích cực là yếu tố tiên quyết. Điều này áp dụng không chỉ đối với khách hàng mà còn cả đồng nghiệp, lãnh đạo, đối tác và mọi người trong tập thể.

Thứ hai là ngón áp út – chứng minh, thuyết phục. Hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, các giải pháp của Creative Agency đều phải có tính thuyết phục. Ý tưởng phải xuất phát từ một lõi vững chắc và thể hiện tính logic trong cách giải quyết vấn đề để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng.

Thứ ba là ngón út – đại diện cho khả năng nói được, làm được. Khả năng cam kết và giữ lời hứa của doanh nghiệp thể hiện tinh thần phục vụ và trách nhiệm đối với khách hàng. Việc đi đúng giờ hoặc hoàn thành đúng deadline cũng là biểu hiện của nguyên tắc này.

Quay lại với ngón cái – làm đúng từ đầu. Trải qua một thời gian làm việc, tôi nhận thấy một chiến lược vững chắc là điểm khởi đầu quan trọng. Trước khi hành động, tôi luôn đề cao việc tiến hành phân tích kỹ lưỡng. Gần đây, trong bộ phim “Agency” tôi mới xem trên Netflix, có một câu nói ấn tượng Suy nghĩ thật chiến lược và hành động như kẻ điên”. Điều này nhấn mạnh rằng để có thể hành động điên rồ, ta cần phải có một chiến lược đúng đắn để bám sát lộ trình và mục tiêu.

Quan tâm đến “làm đúng từ đầu” đồng nghĩa với việc chúng ta tập trung vào việc chuẩn bị kỹ càng trước khi bước vào hành động. Thay vì lao vào công việc mà không có sự phân tích cẩn thận và cân nhắc, hãy đánh giá đa chiều và tìm ra giải pháp tối ưu. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian và nguồn lực, mà còn giảm thiểu rủi ro và chi phí sửa sai sau này.

Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay”

“Suy nghĩ thật chiến lược và hành động như kẻ điên” là một câu thoại ấn tượng trong phim “Agency”.
Nguồn: Tiền Phong

* Hãy kể một câu chuyện thể hiện văn hóa Phục vụ Khách hàng của BP Communications.

Để minh họa rõ hơn về triết lý này, tôi sẽ chia sẻ một câu chuyện thực tế về dự án tạo bộ nhận diện thương hiệu cho một client về giáo dục, với yêu cầu là tạo ra logo, slogan, brand guideline và các ấn phẩm CIP trong nội bộ và POSM phục vụ truyền thông.

Mặc dù khách hàng không “khó tính” và luôn tôn trọng giao tiếp, nhưng khó khăn nằm ở việc họ có tiêu chuẩn rất cao và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là dành cho CEO và lãnh đạo, một tầng lớp quá sành sỏi.

Như thường lệ, gói dịch vụ cung cấp hai lần chỉnh sửa và khi đến lần thứ ba sẽ áp dụng phí. Chúng tôi tuân thủ quy trình làm việc: làm rõ từng giai đoạn, thống nhất yêu cầu, và sau đó triển khai dự án. Thông thường sẽ không có sự dao động hoặc thay đổi sau khi đã quyết định.

Theo đúng nguyên tắc hợp đồng thì khách hàng đã đồng ý với 1 trong 3 ý tưởng trình bày, tuy vậy, họ chưa cảm thấy thực sự thỏa mãn. BOD cũng cảm thấy áy náy nhưng định cho qua. Thế nhưng, Thái – một thành viên của dự án đã chủ động đề xuất giãn thời gian để thiết kế mới, tiệm cận hơn với mong muốn của khách hàng. Đồng thời, Thái đảm bảo rằng họ sẽ cung cấp một lần chỉnh sửa miễn phí nếu cần để đảm bảo khách hàng thực sự hài lòng. May mắn thay, đề xuất mới dựa trên phản hồi bổ sung đã khiến họ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc.

Có thể thấy, nếu cả sếp và nhân viên đều không phải là người ủng hộ văn hóa của công ty thì có lẽ dự án này đã nhanh chóng kết thúc trong sự tiếc nuối.

Thay vì lao vào công việc mà không có sự phân tích cẩn thận và cân nhắc, hãy đánh giá đa chiều và tìm ra giải pháp tối ưu.

* Những triết lý nào trong chiến lược Phát triển và Gắn kết con người để giữ chân người tài và gắn kết gắn kết nội bộ?

Trước hết phải kể đến nguyên tắc ngón trỏ – đoàn kết một lòng. Đây là nguyên tắc cốt lõi trong công việc tại BP Communications, nơi mọi cá nhân hướng đến cùng một mục tiêu, chí hướng và năng lượng. Tôi tin rằng chúng ta chỉ có thể đạt được điều cao xa khi cùng hợp tác, cùng chia sẻ và cùng tiến về phía trước. Tại đây, không tồn tại sự phân biệt giữa các đội như Team Account hay Team Planner, bởi tất cả đều là một thể thống nhất.

Bên cạnh đó là nguyên tắc bàn tay học tập mỗi ngày. Trong tư duy của tôi, việc học không chỉ là việc tùy chọn, mà là một nhiệm vụ tất yếu. Không học không có nghĩa là đứng yên mà là thụt lùi. Do đó, để theo kịp sự phát triển không ngừng của thế giới xung quanh, chúng ta cần không ngừng học hỏi, cải tiến và thay đổi. Tại BP Communications, văn hóa học tập được thể hiện qua việc khuyến khích mọi người dành ít nhất 15-30 phút hàng ngày để nghiên cứu, học hỏi về chuyên môn của mình hoặc thậm chí bất kì lĩnh vực mới nào.

Châm ngôn trên còn được thúc đẩy thông qua chuỗi các buổi quick training. Hàng tuần, trong buổi WIP diễn ra vào 2 giờ chiều thứ hai, mọi nhân viên đều có cơ hội tham gia vào các phiên học ngắn kéo dài khoảng 15 phút. Những buổi học này tập trung vào việc phát triển kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo và củng cố văn hóa doanh nghiệp. Đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức các buổi đào tạo chuyên sâu, tùy chỉnh theo từng chuyên môn để trang bị cho nhân viên những kỹ năng cứng cụ thể.

Ví dụ, các thành viên trong team Creative sẽ được đào tạo đặc biệt về những khía cạnh liên quan đến lĩnh vực sáng tạo. Team Account sẽ được trang bị kiến thức về Quản lý Dự án. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu suất công việc mà còn thể hiện cam kết của chúng tôi đối với sự phát triển cá nhân của từng thành viên.

Việc tổ chức buổi nấu ăn chung vào mỗi thứ 6 cũng như thống nhất trang phục cũng là một hoạt động được yêu thích tại BP Communications. Đó là khoảng thời gian mọi người tận hưởng bữa ăn và thoải mái chia sẻ với nhau.

Hai triết lý trên nhằm gắn kết đội ngũ và thể hiện sự cam kết của công ty trong việc phát triển và đầu tư vào con người. Tại BP Communications, việc học tập mỗi ngày không chỉ là một nhiệm vụ cá nhân, mà còn là cách thể hiện tôn trọng với văn hóa doanh nghiệp và việc hình thành tư duy phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.

Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay” Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay” Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay” Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay”

Nguồn: BP Communications

* Những bài học quý báu nào đã được rút ra từ quá trình xây dựng văn hóa sáng tạo?

Từ trải nghiệm cá nhân và hành trình xây dựng văn hóa sáng tạo, tôi nhận thấy văn hóa doanh nghiệp giống như một nếp nhà. Để văn hóa này thấm sâu vào tiềm thức, việc lặp đi lặp lại đóng vai trò quan trọng. Nó giúp chuyển đổi những tư duy ý thức thành thói quen tiềm thức, tạo ra một môi trường làm việc tự nhiên và thoải mái.

Và nếp nhà ở BP Communications chính là văn hóa “Homiez” – một tên gọi thân mật với nguồn gốc từ giới Bboy của những co-founder BP Communications. Đây là một cách để tất cả mọi người trong công ty cảm nhận sự gắn kết như những người anh em, chia sẻ niềm vui, khó khăn và thành công với nhau.

Văn hóa “Homiez” không chỉ giúp phá vỡ những rào cản trong môi trường làm việc, mà còn tạo nên một không gian thoải mái và vui vẻ. Khi đó, mọi người sẽ “rũ bỏ” được áp lực mang tên “đi làm” và xem công việc như một phần tất yếu, hòa quyện với cuộc sống thường nhật.

Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp nên được đơn giản hóa bằng bàn tay để dễ nhớ, đồng thời áp dụng nguyên tắc lặp đi lặp lại giúp mọi người ghi nhớ và thúc đẩy việc thực hiện những giá trị này trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Đơn cử như việc đặt poster ở nhiều vị trí dễ nhìn thấy trong văn phòngkhuyến khích mọi người chia sẻ cách họ đã áp dụng những giá trị này trong thực tế.

Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay” Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay” Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay” Quản trị Sáng tạo #4: Nắm văn hóa doanh nghiệp trong “bàn tay”

Nguồn: BP Communications

Bên cạnh đó, việc xây dựng không gian để thể hiện lòng biết ơn cũng là một yếu tố thiết yếu trong văn hóa doanh nghiệp. Buổi họp WIP cần có phiên thảo luận để mọi người chia sẻ những lời nói tốt đẹp cùng hành động cảm ơn đồng nghiệp để thể hiện sự quý trọng nhau.

* Cảm ơn anh Khánh cùng những chia sẻ sâu sắc!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam