10 điều tâm đắc rút ra từ sách “Xây dựng để trường tồn”

10 điều tâm đắc rút ra từ sách “Xây dựng để trường tồn”

Một trong những sai lầm mà nhiều nhà quản trị từng mắc phải, đó là cho rằng những doanh nghiệp hàng đầu luôn được hình thành từ ý tưởng vĩ đại. Sự thật là chẳng có điều gì gọi là ý tưởng vĩ đại. Thậm chí ngay cả những nhà kinh doanh được xem là xuất chúng nhất cũng không rõ họ sẽ kinh doanh gì tại thời điểm bắt đầu. 

Đó là một trong những nội dung được đề cập đến trong cuốn sách “Xây dựng để trường tồn”, do hai tác giả Jim CollinJerry I. Porras chấp bút. Cuốn sách nghiên cứu về những công ty đứng đầu trong danh sách những công ty tốt nhất và đồng thời so sánh những công ty này với những công ty đứng thứ hai, thứ ba trong danh sách. Dưới đây là 10 bài học tâm đắc rút ra từ quyển sách này. 

Chân dung hai tác giả Jim Collin (trái) và Jerry I. Porras (phải)

Nội dung được biên tập lại từ link này.

Điều thứ nhất: Có hay không thứ gọi là “ý tưởng vĩ đại"?

Ý tưởng tốt và chiến lược cẩn trọng được xem là chìa khóa then chốt để mở cánh cửa kinh doanh thành công. Tuy nhiên, sự thật là các công ty hàng đầu không xuất phát từ ý tưởng vĩ đại, một số CEO còn chẳng biết nên kinh doanh ngành gì khi mới bắt đầu, thậm chí một số khác từng thất bại nặng nề.

Ông Sam Walton - Nhà sáng lập Walmart bước vào kinh doanh mà không có ý tưởng vĩ đại nào; “Ông hoàng ngành khách sạn" Bill Marriott lúc đầu chỉ có ý định muốn kinh doanh, nhưng kinh doanh ngành gì thì ông không rõ.

Tuy nhiên, điểm chung của những nhà sáng lập các công ty hàng đầu, đó là họ luôn theo đuổi công ty, (chứ không phải theo đuổi những ý tưởng) và không bao giờ bỏ cuộc.

Ông Bill Hewlett và ông Dave Packard (đồng sáng lập công ty HP) là những người học về kỹ thuật. Thay vì theo đuổi mục tiêu trở thành những kỹ sư thiết kế sản phẩm, họ chuyển sang thiết kế tổ chức, tạo ra môi trường để tạo ra sản phẩm. Sáng tạo sau cùng của họ không phải là một sản phẩm cụ thể nào, mà đó là công ty HP.

Điểm chung của những nhà sáng lập các công ty hàng đầu, đó là họ luôn theo đuổi công ty và không bao giờ bỏ cuộc.
Nguồn: Pexels

Điều thứ 2: Huyền thoại về nhà lãnh đạo với phong cách vĩ đại, cuốn hút, tài ba

Với câu hỏi: “Đâu là nguyên nhân chủ yếu tạo nên thành công của những công ty hàng đầu?”,  nhiều người cho rằng đó là các nhà lãnh đạo vĩ đại, cuốn hút. Tuy nhiên các công ty đứng thứ hai hay thứ ba cũng có những nhà lãnh đạo xuất chúng, và đây không phải là yếu tố khác biệt của một công ty hàng đầu.

McKnight (CEO 3M) là một người biết lắng nghe, hơi khiêm nhường, lặng lẽ, suy tư và nghiêm túc. Bill Allen (CEO Boeing) lại là người rất hiền lành, thậm chí rụt rè, bẽn lẽn. Ibuka (Nhà sáng lập Sony) lại là người kín đáo, hay suy nghĩ và hướng nội. Các nhà sáng lập P&G cũng có vẻ cứng nhắc, nghiêm nghị, đúng mực, kín đáo đến mức lặng lẽ.

Vì vậy, nếu bạn không có một phong cách lãnh đạo lôi cuốn, thì cũng đừng cố thúc ép bản thân thay đổi hay noi theo một tấm gương vĩ đại nào đó. Tính cách của một người hình thành qua di truyền và những trải nghiệm, và chẳng có gì chứng minh rằng khi bạn vào vị trí quản lý bạn phải thay đổi phong cách của mình. Và bạn cũng không cần phải có một phong cách vĩ đại, cuốn hút.

Điều thứ 3: Nói không với chữ “hoặc”, nói có với chữ “và”

Xuyên suốt cuốn sách là biểu tượng âm dương, phản ánh đặc tính quan trọng của các công ty hàng đầu: Họ không bao giờ đồng ý với chữ HOẶC. Quan điểm này bắt nguồn từ việc người ta tin rằng một vật phải là A hoặc B, chứ không thể là cả hai, ví dụ:

  • Bạn có thể thay đổi HOẶC ổn định.
  • Bạn có thể bảo thủ HOẶC táo bạo.
  • Bạn có thể chọn chi phí thấp HOẶC chất lượng cao.
  • Bạn có thể đầu tư cho tương lai HOẶC phát triển trong ngắn hạn.
  • Bạn có thể đem lại lợi ích cho cổ đông HOẶC tạo ra phúc lợi cho xã hội.
  • Bạn có thể được thúc đẩy bởi các giá trị (lý tưởng) HOẶC thúc đẩy bởi lợi nhuận (thực dụng).
  • Bạn có thể giữ gìn những giá trị HOẶC thay đổi và cải tiến để thích nghi.

Các công ty hàng đầu không chấp nhận điều đó. Họ tìm cách vận hành hoàn hảo cả trong ngắn hạn VÀ dài hạn, vừa mang tính lý tưởng VÀ vừa thực dụng, vừa giữ các giá trị cốt lõi VÀ vừa thay đổi để thích nghi với môi trường. Như Fitzgerald nói “Một đầu óc thông minh siêu việt phải có khả năng nắm giữ hai ý tưởng trái ngược cùng một lúc, mà vẫn có thể phân tích chúng”.

Điều thứ 4: Hơn cả lợi nhuận, đó là tư tưởng cốt lõi?

Yếu tố cơ bản của một công ty hàng đầu là tư tưởng cốt lõi – điều vượt lên trên mục tiêu lợi nhuận thông thường. Tư tưởng giá trị cốt lõi dẫn dắt, truyền cảm hứng cho mọi người trong công ty và có tính bất biến trong một thời gian dài.

Cũng giống như lý tưởng của một quốc gia, một nhà thờ, một trường học, tư tưởng cốt lõi của một công ty là một bộ những châm ngôn, nguyên tắc cơ bản: “Chúng tôi là ai, chúng tôi tồn tại và đại diện cho cái gì?”. “Tối đa hóa lợi nhuận và lợi tức cho cổ đông” không phải là yếu tố thúc đẩy hay mục tiêu chính trong suốt lịch sử của các công ty hàng đầu. Họ theo đuổi một loạt mục tiêu, trong đó lợi nhuận chỉ là một mục tiêu và không cần thiết phải là mục tiêu số một.

Khả năng sinh lợi là điều kiện cần thiết cho một công ty tồn tại, là phương tiện để đạt được kết quả quan trọng hơn, nhưng nó không phải là mục đích sau cùng ở những công ty hàng đầu. 

Điều thứ 5: Gìn giữ cái cốt lõi - thúc đẩy sự tiến bộ

Yếu tố cơ bản của một công ty hàng đầu là tư tưởng cốt lõi – điều vượt lên trên mục tiêu lợi nhuận thông thường.

Chỉ có tư tưởng thì chưa thể tạo nên một công ty thành công. Nếu có tư tưởng mà chỉ ngồi yên hoặc từ chối thay đổi, bạn sẽ bị thế giới bỏ lại phía sau. Trong bối cảnh thế giới không ngừng thay đổi như hiện nay, một tổ chức muốn tồn tại và phát triển cần sẵn sàng thay đổi mọi thứ ngoại trừ những niềm tin cơ bản nhất.

Điều quan trọng là không được nhầm lẫn giữa tư tưởng cốt lõi với những yếu tố khác như văn hóa, chiến lược, chính sách, vận hành… Qua thời gian, tất cả những thứ đó đều phải thay đổi, chỉ trừ một thứ, là tư tưởng cốt lõi. Các công ty hàng đầu luôn khát khao tiến bộ, không bao giờ bằng lòng với hiện tại, dù hiện tại có đang tốt đẹp thế nào đi nữa. Họ quan niệm rằng: “Luôn có thể làm tốt hơn, đi xa hơn, tìm ra những khả năng mới hơn”.

Điều thứ 6: Không ai đánh thuế ước mơ, vì thế hãy mơ thật lớn

Các công ty hàng đầu thường có sự tự tin rất cao. Họ đề ra những mục tiêu đầy tham vọng (BHAG – Big Hairy Audacious Goals). Một BHAG có thể được xem là mục tiêu hữu hình, nhằm thúc đẩy mọi người tập trung để tạo ra những thành quả ấn tượng. Nhân viên trong công ty đều có thể hiểu được mục tiêu này mà không cần giải thích dài dòng.

Các BHAG trông có vẻ táo bạo trong mắt người ngoài cuộc hơn là đối với những người bên trong công ty. Khi đưa ra các mục tiêu này, các công ty hàng đầu không hề thấy hành động đó là liều lĩnh hay quá đáng. Chỉ đơn giản là họ quyết tâm làm được những gì họ đã đề ra.

Cuối cùng, quan trọng hơn cả là BHAG phải mang tính nhất quán với tư tưởng cốt lõi của công ty.

Điều thứ 7: Nền văn hoá mang tính nghi thức cao

Các công ty hàng đầu có nền văn hóa mang tính nghi thức cao, thể hiện qua 4 đặc điểm:

  • Một tư tưởng được theo đuổi với sự nhiệt tình cao nhất 
  • Sự truyền bá tư tưởng cốt lõi. Trong 11/18 cặp so sánh, các công ty hàng đầu cho thấy họ có sự truyền bá tư tưởng cốt lõi trong công ty mạnh hơn so với các công ty so sánh.
  • Tiêu chuẩn khắt khe cho việc phù hợp với tư tưởng cốt lõi. Trong 13/18 cặp so sánh, các công ty hàng đầu có tiêu chuẩn phù hợp khắt khe và chặt chẽ hơn (nhân viên hoặc rất phù hợp với tư tưởng công ty, hoặc hoàn toàn không phù hợp).
  • Lòng tin vào tính chất ưu việt của tổ chức. Trong 13/18 cặp so sánh, các công ty lớn luôn mang lại cho nhân viên cảm giác thuộc về một tổ chức đặc biệt.

Khi tham gia vào một công ty hàng đầu, nếu thật sự tin tưởng và muốn cống hiến cho những giá trị của công ty, bạn sẽ cảm thấy hài lòng với công việc và hoàn thành công việc với hiệu suất cao. Tuy nhiên, nếu không thì, bạn sẽ bị đào thải rất nhanh.

Walt Disney là một trong những công ty nổi tiếng với nền văn hoá doanh nghiệp mang tính nghi thức cao
Nguồn: discoverlosangeles

Điều thứ 8: Thử và giữ lại những gì phù hợp

Đôi khi những quyết định thành công nhất của các công ty hàng đầu lại không được thực hiện nhờ việc lập kế hoạch chi tiết, mà là do thử nghiệm, áp dụng phép thử và sai. Điều này có thể là do cơ hội, hoặc có thể vì tình cờ, ngẫu nhiên.

Như Richard Carton, CEO 3M, 1950 nói: "Thực sự mà nói, công ty chúng tôi đôi khi đã tình cờ phát triển được một số sản phẩm mới. Nhưng xin nhớ rằng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu bạn luôn luôn chuyển động”.

Các công ty hàng đầu luôn thử nghiệm rất nhiều phương pháp mới, giữ lại những gì thích hợp và loại bỏ ngay những thử nghiệm thất bại. Điều này được thực hiện thông qua một môi trường làm việc phi tập trung hóa, nơi đó cá nhân được khuyến khích đưa ra sáng kiến và thử nghiệm những ý tưởng mới. Cùng lúc đó, công ty đề ra những tiêu chuẩn chọn lọc khắt khe: chỉ những thử nghiệm nào chứng tỏ đem lại lợi nhuận và phù hợp với tư tưởng cốt lõi của công ty mới có thể được tiếp tục đưa vào kinh doanh.

Quá trình tiến hóa này có tên gọi là "phân nhánh và tỉa cành”: Nếu bạn thêm đủ nhánh cho cây (các biến thể, biến dạng) và thực hiện tốt việc tỉa cành (chọn lọc), thì bạn sẽ có một cái cây khỏe khoắn, có thể phát triển mạnh mẽ trong một môi trường luôn luôn thay đổi.

Điều thứ 9: Có kế hoạch phát triển đội ngũ kế thừa 

Trong số 113 CEO của các công ty hàng đầu, chỉ có 3.5% đến từ bên ngoài công ty; trong khi con số ở các công ty so sánh là 22.1% trong tổng số 140 CEO.

Bí quyết thành công của một công ty hàng đầu nằm ở việc đưa ra tư tưởng cốt lõi và những động lực thúc đẩy sự tiến bộ trong toàn bộ cơ cấu của tổ chức đó.

Một cách ngắn gọn, điều tạo ra sự khác biệt giữa các công ty hàng đầu và các công ty so sánh không phải là chất lượng lãnh đạo, mà là sự tiếp nối liên tục của chất lượng lãnh đạo. Cả hai nhóm đều đã có những nhà quản lý xuất sắc vào những thời điểm nhất định trong lịch sử. Nhưng các công ty hàng đầu có sự phát triển quản trị và việc lập kế hoạch kế thừa tốt hơn.

Điều thứ 10: Kết thúc của một khởi đầu

Trong những thập kỷ gần đây, việc các công ty dành nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để soạn thảo những tuyên bố về tầm nhìn, giá trị, mục tiêu... đã trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, chúng không đảm bảo cho thành công của một công ty.

Bí quyết thành công của một công ty hàng đầu nằm ở việc đưa ra tư tưởng cốt lõi và những động lực thúc đẩy sự tiến bộ trong toàn bộ cơ cấu của tổ chức đó, cụ thể là các yếu tố như: mục tiêu, chiến lược, chiến thuật, chính sách, quy trình, văn hóa công ty, phong cách quản trị, hệ thống lương, kế toán, mô tả công việc – tức là mọi việc xảy ra ở một tổ chức.

Một công ty tầm thường có thể dùng những lời hoa mỹ về giá trị, hoài bão, tầm nhìn… Tuy nhiên, thực tế và những ngôn từ to tát đó là một khác biệt lớn lao. Còn ở những công ty hàng đầu, hoàn toàn không có khoảng cách hay bất kỳ một sự khác biệt nào tương tự.

Trên đây là 10 điều tâm đắc được rút ra từ cuốn sách “Xây dựng để trường tồn". Một trong những điều cốt yếu được đề cập xuyên suốt cuốn sách là các công ty hàng đầu luôn tuân thủ các giá trị cốt lõi, đồng thời không ngừng thay đổi và cải tiến cách thực thi để thích nghi với sự biến động của môi trường.