Jony Ive – Former Chief Design Officer tại Apple: “Sáng tạo là một quá trình khó đoán”

Jony Ive – Former Chief Design Officer tại Apple: “Sáng tạo là một quá trình khó đoán”

Trong một tập của “The Quarterly Interview: Provocations to Ponder”, ông Jony Ive – Former Chief Design Officer tại Apple đã có những chia sẻ hữu ích về cách xây dựng văn hóa sáng tạo ở doanh nghiệp.

* Nội dung bài viết được Việt hóa và lược dịch từ bài viết gốc “The creative process is fabulously unpredictable. A great idea cannot be predicted”, của tác giả Tracy Francis – Chief Marketing Officer tại McKinsey.

Vào năm 2019, ông Jony Ive rời khỏi Apple để thành lập creative agency LoveFrom cùng với người bạn đồng hành lâu năm là ông Marc Newson. LoveFrom có quy mô không lớn, chỉ khoảng 40 nhân viên, song họ thường làm việc với những tên tuổi lớn, chẳng hạn như Airbnb, Ferrari…

Trong cuộc trò chuyện với bà Tracy Francis – Chief Marketing Officer tại McKinsey và ông Rick Tetzeli – Editorial Director tại McKinsey Quarterly, ông Ive đã có những chia sẻ sâu sắc và chân thành về nhiều khía cạnh liên quan đến quá trình sáng tạo.

Ông Jony Ive (phải) và ông Marc Newson cùng thành lập creative agency LoveFrom.
Nguồn: 9to5Mac

* Rick Tetzeli: Theo ông, điều gì tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa CEO và Head of Design? Đâu là những tiềm năng cho mối quan hệ này?

Tôi nghĩ rằng câu hỏi này dẫn đến một loạt những câu hỏi khác như: Vì sao cả hai phải làm việc cùng nhau? Vì sao cả hai phải ngồi lại cùng nhau nếu như không vì mục đích tạo ra sản phẩm – dịch vụ? Để phát triển một sản phẩm và đưa ra thị trường, công ty cần nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau. Kế đến là quy trình sáng tạo, phát triển sản phẩm và tìm ra giải pháp xử lý vấn đề. Vì lẽ đó, cớ sao một CEO lại không muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Head of Design cơ chứ?

* Rick Tetzeli: Như vậy, CEO có thể làm gì để tạo điều kiện cho việc tạo nên những thiết kế tuyệt vời? Với cương vị là một Lead Designer, đâu là những yếu tố ông cần ở một CEO?

Mối quan hệ cộng tác hiệu quả nhất là khi bạn làm việc với một người có kinh nghiệm thực tiễn và hiểu về sự sáng tạo. Trên trang web của LoveFrom có đề cập rằng chúng tôi làm việc với các nhà sáng lập và lãnh đạo. Đó là vì các nhà sáng lập vốn là những cá nhân có óc sáng tạo, bởi vì họ đã thành lập công ty dựa trên một ý tưởng.

Như vậy, để ý tưởng đó trở nên hữu hình và phù hợp, nhà sáng lập cần làm việc với một nhóm rất nhiều người. Tuy nhiên, quy trình sáng tạo không diễn ra một cách tự nhiên hoặc dễ dàng trong một nhóm người đông đúc.

Ông Jony Ive từng đảm nhận vị trí Chief Design Officer tại Apple.
Nguồn: CNET

Trong tập thể, mỗi người có xu hướng mong muốn tìm thấy sự liên kết với người khác, cũng như xem đó là cơ hội để hòa đồng với tập thể. Thế nhưng, khi có vấn đề bất ngờ phát sinh, một số người không cảm thấy thoải mái với những người còn lại. Do vậy, mọi người thường trân trọng và ưu thích những hoạt động mà họ có thể dự đoán, hoặc biết trước kết quả khi ở trong một nhóm lớn.

Dẫu thế, điều đó không có nghĩa là những hoạt động dễ biết trước kết quả thì nên bị loại bỏ. Đó chính là bản chất của sáng tạo. Một trong số những điều tôi đã nhận ra là với một nhóm người có nhiều chuyên môn khác nhau, họ thường tập trung vào những đặc điểm có thể dễ dàng đo lường. Do vậy, nếu muốn một nhóm người khác nhau có thể hòa đồng, tương tác và kết nối tốt, việc bàn về một vấn đề gì đó có số liệu đi kèm sẽ đơn giản hơn. Đó là lý do vì sao chúng tôi lựa chọn chủ đề liên quan đến lịch trình, chi phí, tốc độ thực hiện hoặc quy mô. Với những người có nền tảng kiến thức khác biệt, đó là một cuộc thảo luận thoải mái và dễ chịu.

Tuy nhiên, điều đó cũng tồn tại một số vấn đề ngấm ngầm. Thật nguy hiểm khi mặc định rằng chỉ có những cuộc thảo luận trên là thật sự quan trọng. Những cuộc hội thoại quan trọng và khó khăn là về các mối bận tâm, cũng như những lo ngại. Bởi vì bạn không thể sử dụng những con số để đưa ra những phán đoán cần thiết.

Tôi từng nghĩ rằng những cuộc hội thoại này hơi có xu hướng công kích cá nhân, thậm chí là sự nhục mạ cho việc sáng tạo. Có rất nhiều cơ chế đối phó khi gặp phải vấn đề này. Điều quan trọng mà tôi nhận ra là phải hiểu được  những lời phê bình là một điều tự nhiên, khi có nhiều người cùng nhau giải quyết vấn đề.

Quy trình sáng tạo không diễn ra một cách tự nhiên hoặc dễ dàng trong một nhóm người đông đúc.
Nguồn: Getty Images

* Tracy Francis: Anh đã nói thay tiếng lòng của rất nhiều nhà sáng lập. Nếu chúng ta chấp nhận điều đó là yếu tố quan trọng đối với sự thịnh vượng và đổi mới của doanh nghiệp, liệu những tổ chức không được điều hành bởi nhà sáng lập có thể tạo nên những cuộc hội thoại nghiêm túc như anh vừa miêu tả không?

Điều đó cần bắt đầu với việc các doanh nghiệp cần hiểu được sự thật rằng nếu không hiểu được bản chất của sự sáng tạo, thì sẽ không có tiến triển nào trong công việc. Nếu chị để ý, tôi không hề nhắc đến từ thiết kế (design), mà chỉ dùng từ creating (sáng tạo).

* Tracy Francis: Anh nói đúng. Đó là một quá trình sáng tạo, không chỉ là thiết kế. Vậy thì anh đã làm thế nào để đề xuất quy trình sáng tạo cho các công ty hàng đầu?

Một vài người sáng tạo nhất mà tôi từng làm việc thuộc lĩnh vực kỹ thuật và marketing, không chỉ là thiết kế. Hơn nữa, những người cứng nhắc nhất tôi từng gặp cũng làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật, thiết kế và marketing (cười). Do đó, điều quan trọng nhất là có khao khát sáng tạo. Đó là động lực hiểu được bản chất của quá trình sáng tạo, cũng như việc ham học hỏi dẫn đến sáng tạo như thế nào và những trở ngại khi sáng tạo.

Đối với nhiều người, quá trình sáng tạo có thể là một điều xa lạ. Vì thế, nhiều người thường áp dụng một số quy trình theo dõi khác, chẳng hạn như kiểm tra các hoạt động bằng một bảng tính. Họ cho rằng nếu tuyển dụng nhiều người để làm việc thì đó chính là quá trình sáng tạo. Bây giờ, có vô số hoạt động kỹ thuật vận hành theo cách đó. Ví dụ, đối với phần mềm, khi đang sửa lỗi, có một số bước trong quá trình có thể dự đoán trước.

Nhìn chung, tôi nghĩ rằng chúng ta cần chấp nhận và hiểu được quá trình sáng tạo có quá nhiều điều khó đoán. Một ý tưởng xuất sắc thì không được tạo ra một cách dễ đoán.

Bạn có thể tìm cách gia tăng khả năng tìm ra một ý tưởng tốt. Đó là lý do tôi tập trung nhiều vào quá trình sáng tạo. Điều đó cũng xuất phát từ sự tỉnh táo của tôi khi đối mặt với cảm xúc bế tắc vì không tìm ra ý tưởng. Tôi luôn tự khích lệ và an ủi bản thân bằng cách nhắc nhở đây không phải lần đầu rơi vào tình trạng đó. Đồng thời, tôi còn cảm thấy gánh nặng với những ai đang chờ đợi ý tưởng của tôi.

Các bản thảo thiết kế sản phẩm của Jony Ive tại Apple.
Nguồn: Mashable India

Một số nhà thiết kế hàng đầu sẽ tạm thời ngưng kết nối với mọi người xung quanh. Đó cũng là một phương pháp để giải quyết tình trạng bí ý tưởng, cũng như giảm bớt cảm giác áp lực về mặt trách nhiệm. Tôi thì lựa chọn cách tập trung chú ý vào quy trình, tiểu sử của một ý tưởng, cũng như các công cụ có thể tạo ra sự khác biệt. Kể từ khi học Đại học, tôi đã ám ảnh bởi cách thức suy nghĩ và làm thế nào để diễn đạt những suy nghĩ đó.

Những nhà sáng tạo luôn bị ám ảnh bởi quy trình và những công cụ. Tôi thường viết rất nhiều như một công cụ sáng tạo chính. Khi còn học ở trường nghệ thuật, tôi nhận ra rằng mình chỉ có thể vẽ một tỷ lệ nhỏ cho các thuộc tính của một vật thể. Bạn biết đó, nếu tôi vẽ cái này (cầm ly lên), bạn sẽ chỉ hiểu được khoảng 20% bản chất của nó. Bạn không cảm nhận được trọng lượng, chất liệu hoặc nhiệt độ của nó. Bạn cũng không biết nó phản ứng như thế nào với môi trường xung quanh. Trong khi đó, việc viết ra khiến tôi hiểu được vấn đề. Ngoài ra, khi đặt vấn đề, có thể bạn đã loại bỏ khoảng 60-70% các ý tưởng tiềm năng.

Do đó, một ý tưởng chỉ có thể được hiện thực hóa và có chiều sâu khi có sự thấu hiểu về bản chất của quá trình sáng tạo.

* Rick Tetzeli: Anh có thể giải thích thêm về ý nghĩa của cụm từ “tiểu sử của một ý tưởng” được không?

“Ý tưởng là một điều gì đó mong manh. Khi bạn có một ý tưởng, không có điều gì là tuyệt đối, ngoại trừ những vấn đề tiềm ẩn”.
Nguồn: Unsplash

Nếu bạn lo sợ rằng mình sẽ không bao giờ tìm được ý tưởng nào khác, điều đó sẽ khiến bạn thắc mắc vậy trước đó mình đã tìm ra những ý tưởng sáng tạo như thế nào. Như vậy, bạn sẽ chú ý đến những cuộc trò chuyện, những lần đi bộ, các bài viết, các bức vẽ, các mô hình và nguyên mẫu – mọi thứ đã giúp bạn tìm được ý tưởng.

Tôi nhận thấy bản chất của sáng tạo vừa tuyệt vời mà cũng vừa đáng sợ. Và tôi là một trong những người may mắn nhất trên trái đất có thể tham gia vào quá trình đó cùng với nhiều người khác. Tôi thích viễn cảnh là vào thứ Ba bạn không có ý tưởng nào, thế nhưng đến thứ Năm bạn lại tìm ra ý tưởng. Và điều đáng sợ ở đây là thứ Năm nào?

Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, một ý tưởng bắt đầu xuất hiện là khi bạn tìm thấy điều gì đó có thể phát triển được từ một cuộc hội thoại. Tiếp theo, nó trở thành một cuộc thảo luận và một bài viết. Ý tưởng là một điều gì đó mong manh. Khi bạn có một ý tưởng, không có điều gì là tuyệt đối, ngoại trừ những vấn đề tiềm ẩn. Về tiềm năng của ý tưởng đó, không có gì là chắc chắn. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, đó là ai đó sẽ nói với bạn rằng: “Chà, bạn không thể làm được điều đó vì lý do này. Tôi sẽ cho bạn bằng chứng cho thấy bạn không thể làm được điều đó.”

Sự khác biệt giữa ý tưởng và sản phẩm là khi vấn đề được giải quyết. Khi ai đó đưa ra những lý do nói rằng bạn không thể thực hiện điều đó, điều đó có nghĩa là có những vấn đề cần giải quyết. Nếu vấn đề được xử lý, ý tưởng đó sẽ trở thành hiện thực. Nếu không, đó sẽ mãi là ý tưởng.

Đó cũng là nỗi ám ảnh của tôi. Nỗi ám ảnh đó sinh ra từ sự đấu tranh và nhận lấy trách nhiệm của bản thân một cách nghiêm túc. Thay vì ngừng kết nối với mọi người và ở trong studio, tôi cố gắng tìm hiểu xem đâu là những thách thức khi phải sáng tạo cùng với nhiều người.

Chúng ta cần chấp nhận và hiểu được rằng quá trình sáng tạo có quá nhiều điều khó đoán. Một ý tưởng xuất sắc thì không được tạo ra một cách dễ đoán.

* Tracy Francis: Anh đã từng làm việc với nhiều tập đoàn lớn sở hữu những di sản phi thường. Như vậy, lịch sử lâu dài của họ đã ảnh hưởng như thế nào đến quá trình sáng tạo của anh?

Hiện tại, tôi rất may mắn khi được cộng tác với hai người cộng sự tuyệt vời là Brian Chesky John Elkann. Brian là người đứng đầu của Airbnb, còn John là người lãnh đạo của Exor –  một công ty con thuộc gia đình Agnelli và Ferrari – hai công ty với lịch sử khác biệt, cũng như vị thế khác nhau về khía cạnh xã hội và văn hóa.

Ông Brian Chesky – CEO tại Airbnb.
Nguồn: Driving Change

Brian từng học thiết kế tại Rhode Island School of Design. Trong khi đó, John lại không có nền tảng kiến thức về thiết kế. Vai trò của anh tại Ferrari cũng khá lớn. Dù vậy, John là một người cực kỳ sáng tạo và tận tâm. Anh ấy luôn tiếp cận với những thách thức và vấn đề trong kinh doanh theo một cách sáng tạo, chu đáo và có sự ham tìm hiểu, tương tự như cách thiết kế một chiếc Ferrari.

John Elkann – nhà lãnh đạo Exor.

Dù lịch sử doanh nghiệp dài hay ngắn, tôi chỉ xem đó là một trong nhiều yếu tố cần cân nhắc khi thiết kế. Tôi quan tâm và bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi cách tiếp cận của người lãnh đạo. Tôi thích làm việc với những người thích tìm tòi kiến thức mới.

Một trong những lợi ích khi làm việc với những người ham học hỏi là bạn có thể cùng nhau học như một cộng đồng. Khi kết thúc một dự án nhóm, tôi luôn nhìn vào hai thứ, một là những gì chúng tôi đã làm được, và quan trọng hơn là đã học được những gì.

Trong giai đoạn COVID-19, tôi thật sự nhận thức được tầm quan trọng của động lực và tất cả những thứ tạo nên điều đó. Những người bị phong tỏa và bị cô lập khi ấy mà có động lực sẽ dễ dàng vượt qua hơn những người không có động lực. Điều đó giúp tôi nhận thức rất rõ điều gì tạo ra động lực từ góc nhìn sáng tạo. Việc học hỏi không ngừng rất quan trọng. Nếu không có tính ham học hỏi, nếu việc làm thế nào cho đúng quan trọng hơn việc học, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì động lực.

* Rick Tetzeli: Như vậy, ngay cả vào thời điểm mà nhân tài có tính di động cao và có sự gián đoạn, việc liên tục học tập vẫn rất quan trọng.

Đúng vậy. Đó thật sự là một đặc ân, nếu bạn được thiết kế hoặc giải quyết vấn đề như một nhóm, sau đó thực hiện lại với những kinh nghiệm đúc kết được từ lần đầu tiên. Tôi luôn thấy may mắn khi làm việc ở Apple khi chúng tôi được thiết kế đến phiên bản thứ ba hoặc thứ tư. Bởi vì người thứ ba hoặc thứ tư sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc học hỏi ở người đi trước.

“Tôi luôn thấy may mắn khi làm việc ở Apple khi chúng tôi được thiết kế đến phiên bản thứ ba hoặc thứ tư. Bởi vì người thứ ba hoặc thứ tư sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc học hỏi ở người đi trước”.
Nguồn: Macworld

* Tracy Francis: Có bất kỳ thay đổi hoặc cải cách nào gần đây đã khiến anh nghĩ đến việc phải định nghĩa lại quy trình sáng tạo không?

Thú thật, khi cố gắng tìm ra cách để giải quyết xử lý vấn đề sẽ phát sinh trong tương lai, tôi luôn nhìn về quá khứ. Tôi tập trung vào quá trình sáng tạo và hành trình tạo ra các ý tưởng. Tôi thực sự quan tâm nhiều thứ đã xảy ra trong quá khứ.

Có một điều tôi thật sự thấy tò mò. Tôi không biết liệu đó có phải là một phần của con người, nhưng tôi luôn ngạc nhiên bởi vì trong bối cảnh văn hóa – xã hội ngày nay, tốc độ ra mắt sản phẩm – dịch vụ một cách nhanh chóng được mọi người xem là một điều đương nhiên.

Tôi rất quan tâm đến vấn đề đó, với tư cách là người tham gia vào quá trình tạo nên sản phẩm – dịch vụ. Tôi quan tâm vì nó khiến mọi người ít suy nghĩ hơn về những cần làm để ra mắt một sản phẩm. Bây giờ, tôi không chắc rằng liệu có hợp lý không khi mong đợi mọi người thi thoảng hãy nhìn về quá khứ. Việc nhìn về quá khứ mang lại chúng ta một bối cảnh có giá trị để hiểu được những điều bạn đang làm. Bối cảnh của những ý tưởng rất quan trọng – đặc biệt khi những công cụ mà chúng ta sử dụng ngày nay rất hữu ích.

Một ý tưởng chỉ có thể được hiện thực hóa và có chiều sâu khi có sự thấu hiểu về bản chất của quá trình sáng tạo.

* Tracy Francis: Đây là câu hỏi cuối nhé! Anh đã thiết kế các sản phẩm như iPod và iPhone, những sản phẩm đã tái định nghĩa lĩnh vực công nghệ. Anh có nghĩ đến việc tái xây dựng hình ảnh của một lĩnh vực, nhằm mang lại thêm thách thức? Anh có nghĩ ra một cách nào đó để thực hiện điều đó không?

Thật ra là không. Tôi chỉ bắt đầu làm việc với con người, và tôi hiểu rất rõ về vai trò và sự đóng góp của bản thân. Tôi thích ý tưởng rằng những gì mình làm được có thể phục vụ cho nhân loại và nền văn hóa. Động lực không chỉ là thứ định nghĩa con người của chúng ta, mà còn là nguồn năng lượng cho những thứ chúng ta làm. Tôi không thể nào nghĩ ra nguồn năng lượng mạnh mẽ nào hơn là nhận ra những thứ tôi đang làm cho người khác, chứ không chỉ cho bản thân tôi.

Đôi khi, một ý tưởng đòi hỏi sự đổi mới ở phạm vi lớn hơn, không chỉ là một sản phẩm, chẳng hạn như toàn bộ một ngành hàng. Tuy nhiên, những lần khác thì không. Đó là một nhiệm vụ rất cụ thể. Tất cả những gì tôi quan tâm là tôn vinh con người và cố gắng làm mọi thứ tốt đẹp hơn. Đó là thứ bạn không thể đo lường bằng con số và doanh số bán hàng, song nó hiển thị rất rõ trong tâm trí tôi.

* Nguồn: McKinsey