Senior Chemical Engineer, Nike Vietnam: “Cân bằng áp lực, động lực là điều quan trọng trong hành trình sự nghiệp”
“Đôi khi có những khoảnh khắc chúng ta mất đi động lực làm việc hoặc những lúc tâm trạng sẽ thay đổi lên xuống, nếu không biết cách cân bằng thì bản thân có thể khó có thể bám trụ. Do đó làm sao để cân bằng áp lực, động lực là điều quan trọng”, anh Du Nguyên Khôi – Senior Chemical Engineer, Nike Việt Nam chia sẻ – trong sự kiện MBA Meetup tháng 8/2023 vừa qua.
* Hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Nike Việt Nam với vị trí Kỹ sư hóa chất (Chemical Engineer), anh có thể chia sẻ thêm về điều anh cảm thấy thú vị nhất trong suốt quãng đường vừa qua?
Đầu tiên, có thể nói ngành giày ở Việt Nam khá là đặc thù, riêng về mảng Kỹ sư hóa chất (Chemical Engineer) thì hầu như các trường Đại học đào tạo ngành này vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, có thể nói khi cầm tấm bằng Đại học của trường và bắt đầu đi làm gần như đồng nghĩa với việc tôi học lại từ đầu.
Tương tư như khái niệm “start from scratch”, 10 năm vừa qua chính là 10 năm tôi học thêm rất nhiều điều thú vị bên ngoài việc đi học Đại học. Và điều thú vị nhất trong công việc của tôi chính là sử dụng những kiến thức đã học được và chuyển đổi thành ngôn ngữ giúp đội ngũ ở nhà máy có thể thực thi công việc. Đó là một quá trình khó khăn nhưng đầy thú vị!
Ngoài ra, vốn xuất thân từ lĩnh vực kỹ thuật, trước đây tôi từng không quá hào hứng trong việc giao tiếp. Tuy nhiên, sau khi trở thành Chemical Engineer tại Nike Việt Nam, tôi thấy bản thân cần thể hiện nhiều hơn và bắt đầu cần thuyết phục, giao tiếp để cả nhóm có cùng một mục tiêu chung. Đây cũng là một sự thay đổi trong suốt 10 năm vừa qua.
* Vốn gắn bó trong cùng một lĩnh vực qua nhiều năm, những khó khăn mà anh gặp phải trong hành trình sự nghiệp là gì?
Tôi nghĩ đây là một trong những khó khăn chung mà tất cả mọi người phải đối mặt khi đi làm khá lâu. Đó là cách duy trì động lực đi làm mỗi ngày. Trong 10 năm qua, đôi khi có những khoảnh khắc chúng ta mất đi động lực làm việc hoặc những lúc tâm trạng sẽ thay đổi lên xuống, nếu không biết cách cân bằng thì bản thân có thể khó có thể bám trụ.
Tất nhiên khi đi làm thì chuyện vui cũng có, chuyện buồn cũng có và môi trường khác nhau cũng có. Tuy nhiên, khi chúng ta hiểu bản thân trước thì có thể quản lý cảm xúc được tốt hơn. Điều này cũng tùy thuộc vào mức độ nhận biết về cảm xúc của riêng mỗi người. Vì vậy, theo tôi, cách cân bằng với áp lực, động lực, tìm cách tạo ra mục tiêu mỗi ngày là điều quan trọng trong hành trình sự nghiệp.
* Như vậy, anh đã quản trị bản thân như thế nào để vượt qua những áp lực trong công việc?
Để quản trị bản thân tốt hơn, tôi thường ưu tiên quản lý thời gian. Cụ thể, tôi hay có thói quen sắp xếp lịch cho ngày hôm sau trước khi đi ngủ, dựa trên mức độ quan trọng của công việc, điều này giúp tôi hoàn thành nhanh chóng và chuyển sang xử lý những đầu việc khác.
Sau đó, tôi tiếp tục lên kế hoạch cụ thể hơn những công việc cần làm. Chẳng hạn như đã xác định mức độ ưu tiên, tiếp theo tôi cần biết deadline khi nào, tôi cần làm gì trong khoảng thời gian đó…
Cuối cùng là trở nên kỷ luật hơn. Kỷ luật có thể đưa chúng ta đến mục tiêu mà động lực không thể làm được. Khi tôi đã đặt ra mục tiêu gì thì sẽ cố gắng bám sát từng bước một. Khi đã vô “guồng” rồi, tôi mới có thể quản lý quỹ thời gian trong công việc và việc học.
Tôi nhận ra sau khi đi học MBA, quỹ thời gian của mình không có nhiều. Thời gian cũng là một thứ đã đi thì không bao giờ lấy lại được. Vì vậy, trễ deadline sẽ khiến hàng tá công việc còn lại bị trì hoãn và gây nên “hiệu ứng Domino” – đây là điều tôi không bao giờ muốn xảy ra vì nó sẽ gây ảnh hưởng cho cả đội nói chung và bản thân tôi nói riêng.
* Được biết, hiện tại anh đang là học viên MBA tại Đại học Western Sydney, anh quản lý thời gian trong khi vừa đi làm, vừa đi học MBA như thế nào?
Tôi cũng đã từng loay hoay khi có quá nhiều công việc và bài tập từ chương trình MBA ập đến cùng lúc. Thông thường, tôi sẽ để bản thân chậm lại một bước và xem xét, cân nhắc hai yếu tố: mức độ ưu tiên và deadline.
Tôi thường phân chia và xử lý các công việc có deadline gần nhất, tiếp theo đến công việc có mức độ ưu tiên cao với deadline gần, cuối cùng là công việc có mức độ ưu tiên cao và deadline xa hơn.
Về chuyện cân bằng việc học với công việc, mỗi người sẽ có một công thức riêng. Tuy nhiên, tôi thường tập trung tối đa trong 8 tiếng làm việc và để bên ngoài lề các công việc riêng của bản thân. Sau đó, tôi có thể lên kế hoạch riêng cho bản thân, sắp xếp lại quỹ thời gian cá nhân.
Nhìn chung, tôi thấy đi học MBA là một quyết định đúng đắn. Từ khi học MBA, tôi thấy bản thân sử dụng thời gian một cách hợp lý và hiệu quả hơn. Hiện tại, thay vì để bản thân rảnh rỗi như trước đây, tôi thích làm cho bản thân bận rộn hơn để thời gian của mình trở nên ý nghĩa hơn trước.
* Cuối cùng, anh có khuyên nào dành cho các bạn nhằm chuẩn bị một “tâm thế” sẵn sàng đối mặt với cường độ học tập tại chương trình MBA?
MBA là một tấm bằng danh giá, tuy nhiên, nếu quan sát MBA ở góc độ phát triển bản thân, khi cam kết với hành trình này các bạn sẽ nhận được nhiều giá trị hơn một “tấm bằng”.
Tôi muốn nhắn gửi một câu dành cho các bạn khi còn đang chần chừ đăng ký chương trình: “Ngại gì mà không thử”. Khi bạn quyết định thử, quyết định đi học, các bạn cần cam kết 100% trách nhiệm với quyết định của mình. Đã thực hiện thì cần ‘đi đến nơi, về đến chốn’!
Thời gian đầu sẽ gặp khó khăn về cách sắp xếp công việc, việc học nhưng dần dà các bạn sẽ học được cách điều chỉnh, sắp xếp cuộc sống. Nếu quyết tâm của bạn đủ lớn, các bạn sẽ thay đổi được.
* Cảm ơn về những chia sẻ đầy bổ ích và thú vị từ anh Khôi. Chúc anh thật nhiều sức khỏe và thành công trong sự nghiệp!
MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA. Xem thêm các bài viết từ PSO MBA tại đây.