Zero to One #4: Startup khởi sự cần biết – Có những loại “tài trợ hạt giống” nào?
Khi bắt đầu khởi nghiệp, một trong những điều đầu tiên bạn cần nghĩ đến là làm thế nào để biến ý tưởng tuyệt vời thành một sản phẩm cụ thể và bán chúng. Tuy nhiên, để làm được tất cả các điều trên, nhất định bạn phải có nguồn lực, cụ thể là vốn “tài trợ hạt giống”.
Nội dung bài viết được đăng lần đầu tại ProFin – Cộng đồng Chuyên nghiệp về Tài chính Doanh nghiệp và là một dự án của Brands Vietnam.
“Zero to One” là chuỗi bài nhằm phục vụ các startup bước những bước đi đầu tiên trên hành trình khởi nghiệp. Thông qua chuỗi bài này, các founder – những người đang vận hành startup – có thể xác định được hướng đi phù hợp và chiến lược khôn ngoan để dẫn dắt doanh nghiệp của mình đến thành công.
Những điều startup cần biết về “tài trợ hạt giống”
Như đã đề cập ở bài viết Zero to One #1, ở giai đoạn đầu, startup mới chỉ có ý tưởng, cần được nghiên cứu, cải tiến nhiều lần để cho ra sản phẩm phù hợp với thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận. Mô hình kinh doanh hầu như chưa được hình thành trong giai đoạn này, vì thế startup thường rất khó để tiếp cận được các nhà đầu tư mạo hiểm. Các nhà đầu tư chấp nhận rót vốn cho startup trong giai đoạn này thường là những người có quan hệ thân thiết với Founder như gia đình, bạn bè, hay các nhà đầu tư thiên thần thích đầu tư vào những ý tưởng đột phá. Nguồn lực hỗ trợ cho startup trong giai đoạn này thường được gọi là “tài trợ hạt giống” (seed funding) hay “tiền hạt giống” (pre-seed funding).
Tiền hạt giống là giai đoạn Founder mới nảy ra ý tưởng khởi nghiệp, có thể lúc này đã thành lập công ty và chưa có sản phẩm hoàn thiện. Ở giai đoạn này, các Founder thường tự bỏ vốn ra hoặc huy động từ người thân, bạn bè hoặc các nhà đầu tư thiên thần (angel investors).
Ở giai đoạn hạt giống, các startup đã có sản phẩm mẫu hoặc đã bắt đầu có đơn hàng. Lúc này startup rất cần nguồn vốn để phát triển ý tưởng kinh doanh. Khi bước vào giai đoạn hạt giống, startup có thể tìm kiếm nguồn tài trợ từ các nhà đầu tư thiên thần, các vườn ươm doanh nghiệp, hoặc thậm chí có thể tiến hành gọi vốn cộng đồng nếu cảm thấy tự tin với sản phẩm, dịch vụ của mình.
6 kiểu tài trợ cho startup ở giai đoạn đầu
Nhìn chung hình tài trợ cho startup ở giai đoạn đầu không chỉ giới hạn trong vấn đề tài chính. Nó bao hàm tất cả mọi thứ mà doanh nghiệp cần để biến ý tưởng thành sản phẩm và kinh doanh chúng; từ sự hỗ trợ về cơ sở vật chất để nghiên cứu, phát triển sản phẩm, cho đến các tư vấn của chuyên gia về vấn đề tài chính, lựa chọn mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh...
Dưới đây là 6 loại hình tài trợ phổ biến nhất cho startup ở giai đoạn đầu:
#1. Bootstrapping – Nguồn lực tự thân
Bootstrapping được hiểu là các Founder tự dùng khoản tiền tiết kiệm của mình hoặc dòng tiền từ chính startup để tự vận hành việc kinh doanh. Vì dùng vốn từ bản thân thường có giới hạn, nên việc vận hành theo kiểu bootstrapping đòi hỏi startup phải hoạt động thật tinh gọn, mức quay vòng tồn kho nhanh và kiểm soát chặt chẽ chi phí. Thông thường bootstrapping sẽ trải qua hai giai đoạn chính:
- Giai đoạn 1 – Dùng tiền của chính nhà sáng lập: Giai đoạn Founder sẽ phải bỏ tiền túi, có thể là tiền tiết kiệm tích lũy hoặc dòng tiền từ một công việc phụ, một khoản đầu tư, kinh doanh khác để nuôi ý tưởng khởi nghiệp.
- Giai đoạn 2 – Tiền do khách hàng tài trợ: Khi đã sẵn sàng tung ra các sản phẩm đầu tiên, lúc này startup sẽ huy động nguồn tiền từ khách hàng tiềm năng thông qua các đơn đặt hàng trước. Nguồn tiền này sẽ được tái đầu tư, xoay vòng nhiều lần để tạo ra dòng tiền để startup có thể tự vận hành mà không cần Founder cấp vốn nữa.
So với việc gọi vốn bên ngoài, bootstrapping có thể có lợi vì nhà sáng lập vẫn giữ quyền kiểm soát tuyệt đối. Tuy nhiên, hình thức này có thể tạo ra những áp lực tài chính cực lớn, làm chậm tốc độ phát triển, hoặc mất đi cơ hội mở rộng thị trường. Thậm chí chỉ cần một sự cố phát sinh trong quá trình triển khai, bootstrapping có thể khiến Founder phá sản trước khi startup kịp tạo ra doanh thu. Trên thực tế, cũng có những startup rất thành công chỉ nhờ vào vốn tự thân, mặc dù việc này rất hiếm khi xảy ra, ví dụ như Airbnb, GoPro hay MailChimp.
#2. Crowdfunding – Gọi vốn cộng đồng
Có thể hiểu đơn giản gọi vốn cộng đồng là việc kêu gọi các khoản vốn nhỏ từ số lượng lớn các cá nhân, tổ chức đơn lẻ để tài trợ cho một dự án mới. Việc gọi vốn thường được thực hiện thông qua mạng lưới Internet.
Hiện nay, các doanh nghiệp thường gọi vốn trên các crowdfunding platforms hay các trang web gây quỹ cộng đồng, nổi bật đó là các trang nước ngoài như Kickstarter hay IndieGoGo. Trong trường hợp gọi vốn thành công, số tiền sẽ được dùng để tài trợ cho các startup phát triển. Ngược lại, nếu không thành công, số tiền đã gọi được sẽ được chuyển trả lại cho từng nhà đầu tư.
Hình thức gọi vốn cộng đồng cũng khá đa dạng, không chỉ được thực hiện bởi startup mà còn bởi các tổ chức từ thiện, tổ chức phi lợi nhuận. Ví dụ như:
- Hình thức ủng hộ dự án từ thiện (Donation-Based): Đây là hình thức các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ khi vận động quyên góp giúp đỡ vùng thiên tai, người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc trung tâm bảo trợ…
- Nhận quà tri ân: Đây là hình thức gọi vốn hay được áp dụng cho các startup có ý tưởng về sản phẩm mới mẻ, độc đáo. Số tiền tài trợ từ nhà đầu tư được chia thành từng gói – tương ứng với một phần quà, thường là phiên bản thương mại đầu tiên của sản phẩm đó. Nếu dự án thành công, nhà đầu tư sẽ nhận được quà tri ân từ chủ dự án ngoài khoản lợi nhuận (hay cổ phần).
- Góp vốn cho vay: Hình thức này phù hợp cho các doanh nghiệp đã thành lập nhưng không đủ điều kiện tài chính để vay vốn ngân hàng. Vốn vay được huy động từ cộng đồng hoặc từ những người đã kinh doanh thành công từ hình thức này, tạo ra nguồn vốn đủ lớn để hỗ trợ các startup.
- Góp cổ phần (Equity-Based): Hình thức này được thực hiện bằng phương pháp kêu gọi mua cổ phiếu của công ty khởi nghiệp. Nếu công ty làm ăn có lãi, nhà đầu tư cũng được chia sẻ lợi nhuận.
- Hình thức lai: Hình thức này thường bao gồm các hoạt động như: đóng góp từ thiện gửi quà tri ân, đóng góp cổ phần tặng thẻ thành viên giảm giá trọn đời hoặc gửi tặng quà cho những ai góp vốn cho công ty vay vốn làm ăn…
#3. Nhà đầu tư thiên thần
Các nhà đầu tư thiên thần là một cá nhân hoặc nhóm các nhà đầu tư rót vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô nhỏ. Những nhà đầu tư này thường là những người có nhiều tài sản, họ thường là những nhân viên cũ, từng giữ các vị trí quản lý cấp cao trong các tổ chức có uy tín hoặc doanh nhân thành đạt. Họ sẵn sàng đầu tư vào các ý tưởng kinh doanh độc đáo. Mục tiêu chính của họ là thu được lợi nhuận từ việc đầu tư vào các doanh nghiệp mới có tiềm năng phát triển cao.
Theo quy định của Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ (SEC), để được công nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp, cá nhân phải có tổng giá trị tài sản ròng ít nhất 1 triệu USD hoặc có thu nhập ít nhất 200.000 USD mỗi năm trong hai năm gần nhất, và có thể kiếm được số tiền tương tự trong năm hiện tại.
Tại Việt Nam, việc trở thành một nhà đầu tư thiên thần không bị ràng buộc quá nhiều bởi các quy định pháp luật. Do đó startup có thể tìm đến bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có đủ điều kiện tài chính, kiến thức, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp để đề nghị trở thành nhà đầu tư thiên thần. Các startup cũng có thể tìm đến các nhà đầu tư thiên thần thông qua các cuộc thi khởi nghiệp hay chương trình truyền hình như Shark Tank.
#4. Tham gia “Vườn ươm doanh nghiệp”
“Vườn ươm” – Incubator – là nơi nuôi dưỡng các doanh nghiệp, giúp chúng sống sót và phát triển trong giai đoạn khởi đầu bằng cách cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và các nguồn lực cần thiết.
Các “Vườn ươm” tuy không góp vốn trực tiếp nhưng sẽ giúp đỡ các startup trong giai đoạn đầu trong việc hoàn thiện ý tưởng, hình thành mô hình kinh doanh, hướng dẫn cụ thể về các bước phát triển tiếp theo. Các hoạt động hỗ trợ từ Vườn ươm bao gồm:
- Cố vấn về mô hình kinh doanh.
- Định hướng chiến lược kinh doanh.
- Cung cấp không gian làm việc.
- Trợ giúp quản trị tài chính – kế toán.
- Kết nối startup với cộng đồng khởi nghiệp…
Các “Vườn ươm” doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ở từng địa phương và nâng cao tỉ lệ thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đóng góp quan trọng nhất của Vườn ươm là tạo mối quan hệ cộng sinh giữa các các startup. Mối quan hệ này giúp họ có thể chia sẻ tài nguyên, kinh nghiệm, học hỏi và trao đổi những mối quan hệ làm ăn, ý tưởng kinh doanh... tạo tiền đề cho các bước phát triển sau này.
Thời gian tham gia “Vườn ươm” của mỗi startup tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, thường sẽ kéo dài từ một đến vài năm. Trong quá trình làm việc này, “Vườn ươm” sẽ không lấy cổ phần từ các công ty khởi nghiệp. Có thể nói, các “Vườn ươm” doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ở từng địa phương và nâng cao tỉ lệ thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Một ví dụ điển hình cho startup thành công bước ra từ “Vườn ươm” đó là Dat Bike – công ty khởi nghiệp sản xuất xe máy điện thương hiệu Weaver. Trước khi gọi vốn thành công vòng pre-Series A từ Jungle Ventures, Dat Bike đã có thời gian làm việc và nhận được sự hỗ trợ từ Vườn ươm doanh nghiệp Becamex (BBI) thuộc trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Cụ thể, startup đã nhận được hỗ trợ về nhà xưởng sản xuất, góp ý ý tưởng, và nguồn nhân lực trẻ là các sinh viên tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông.
#5. Các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ Chính phủ
Đối với các quốc gia có nền kinh tế đã và đang phát triển, các công ty khởi nghiệp đang đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Do đó, các Chính phủ ở các quốc gia thường có những chính sách ưu đãi riêng biệt để hỗ trợ, kích thích các doanh nghiệp khởi nghiệp. Việt Nam cũng không ngoại lệ, tuy nhiên các chính sách hiện tại vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện, và chủ yếu chỉ tập trung vào các startup đã bước qua giai đoạt “hạt giống”.
Các chính sách hiện tại của Chính phủ sẽ được thể hiện cụ thể nhất qua các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, được hướng dẫn thi hành bởi nghị định 80/2021/NĐ-CP. Nghị định quy định cụ thể nội dung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo gồm:
- Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung
- Hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ
- Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng
- Thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới
- Hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu
- Hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo
Các chính sách trên được thể hiện cụ thể theo bảng dưới đây:
Ngoài ra, Chính phủ còn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp gián tiếp thông qua chính sách “miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp”. Nội dung này được quy định cụ thể trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
#6. Tham gia các cuộc thi khởi nghiệp
Các cuộc thi khởi nghiệp cũng là nơi startup giai đoạn đầu được trình bày các ý tưởng đột phá để gọi vốn. Đặc biệt với sự gia tăng số lượng các cuộc thi trong những năm gần đây đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho cộng đồng khởi nghiệp. Các cuộc thi này thường có cơ cấu giải thưởng khá hấp dẫn, có thể là hiện kim hoặc cơ hội được hợp tác với các quỹ đầu tư. Đây cũng là dịp startup có thể tận dụng để quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, sản phẩm với công chúng.
Dưới đây là một số cuộc thi khởi nghiệp tiêu biểu được tổ chức trong năm 2021 được tổng hợp bởi Vườn ươm Doanh nghiệp Becamex:
Startup Wheel
- Startup Wheel là cuộc thi do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (BSSC) tổ chức. Cuộc thi được bảo trợ bởi Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam tại TP.HCM, Hội Sinh viên Việt Nam tại TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Văn phòng Đề án 844.
- Đối tượng tham gia: Cá nhân/ Nhóm và Doanh nghiệp khởi nghiệp không giới hạn quốc tịch, độ tuổi.
- Giải thưởng:
- Tổng trị giá giải thưởng lên đến 10 tỷ đồng, gồm tiền mặt và các dịch vụ hỗ trợ dự án xuyên suốt (co-working space, tư vấn pháp lý).
- Vay vốn tín chấp với lãi suất ưu đãi tốt nhất thị trường từ nguồn Quỹ khởi nghiệp của chính phủ, mức giải ngân lên đến 600 triệu VNĐ/dự án.
- Đối với các dự án xuất sắc: Được cố vấn vòng gọi vốn tiếp theo với các Nhà đầu tư thiên thần, Quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế.
Qualcomm Innovation Challenge
- Cuộc thi dành cho các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ mới đầy hứa hẹn tại Việt Nam như 5G, IoT, Trí tuệ nhân tạo, Thành phố thông minh, Thiết bị đeo và đa phương tiện sử dụng nền tảng và công nghệ di động.
- Đối tượng tham gia: Chương trình chào đón bất kỳ công ty hoặc nhóm khởi nghiệp đáp ứng các thể lệ cuộc thi.
- Giải thưởng:
- Tổng giá trị giải thưởng lên đến 375.000 USD.
- Cơ hội tham gia ươm tạo trong nhiều tháng về kỹ thuật và kinh doanh.
- Startup lọt vào Top 3 sẽ nhận được tiền thưởng và các hỗ trợ sau chương trình từ tập đoàn Qualcomm Technologies.
Hack4Growth
- Hack4Growth Unlimited 2021 là cuộc thi Đổi mới sáng tạo toàn cầu do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), AVSE Corporation Việt Nam thực hiện, dưới sự bảo trợ của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao). Chương trình tìm kiếm ý tưởng cho 7 lĩnh vực, gồm: biến đổi khí hậu, du lịch, nông nghiệp, bình đẳng xã hội, phát triển đô thị, giáo dục, an toàn sức khỏe và cộng đồng.
- Đối tượng tham gia: Tất cả đơn đăng ký dự thi đều được chào đón dù dự án mới ở giai đoạn có ý tưởng, sản phẩm demo hay đã có sản phẩm mẫu.
- Giải thưởng:
- Giải nhất, InnoStar, trị giá 10.000 USD; giải Nhì trị giá 7.000 USD; giải Ba trị giá 5.000 USD.
- Được hướng dẫn và tư vấn bởi các chuyên gia cố vấn đẳng cấp thế giới, đến từ hơn 15 quốc gia trong vòng 4 tháng.
- Cơ hội trình bày sản phẩm trước hơn 20 nhà tài trợ và giám khảo.
- Cơ hội kết nối và phát triển, và kết nối với các tập đoàn tại nhiều nước như Mỹ, Châu Âu, ăn tối cùng các CEO có uy tín.
Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc Gia trong khuôn khổ TECHFEST 2021 (Ngày hội khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia)
- TECHFEST là chương trình tìm kiếm, chia sẻ và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của người Việt trong và ngoài nước.
- Đối tượng tham gia: Các cá nhân là người Việt Nam hoặc người gốc Việt sinh sống và làm việc trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, có ý tưởng, sản phẩm/ dịch vụ/ công nghệ đổi mới sáng tạo.
- Giải thưởng cho Quán Quân:
- 100 triệu đồng tiền mặt.
- 150.000 USD gói hỗ trợ cam kết đầu tư.
- Vinh dự làm đại diện của Việt Nam đi thi đấu trường quốc tế Startup World Cup 2022.
Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nguyễn Dương Anh Khoa
* Nguồn: ProFin