Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

4 điểm khác biệt của cha mẹ Gen Z mà marketer cần lưu ý 

4 điểm khác biệt của cha mẹ Gen Z mà marketer cần lưu ý 

Với ấn bản “Gen Z khi làm cha mẹ” lần này, EssenceMediacom Vietnam đã có những buổi chia sẻ, trò chuyện với các Gen Z đã lập gia đình và có con. Qua đó thấu hiểu quan niệm của Gen Z về việc làm cha mẹ, cách họ đối phó với sự lo lắng và căng thẳng trong việc nuôi dạy con cái, những khác biệt trong suy nghĩ so với các thế hệ trước, từ đó giúp định hình marketing trong những năm tới. 

Những bạn trẻ Gen Z đời đầu đang bước vào giai đoạn chuyển mình và xây dựng tổ ấm đang trở thành một trong những ưu tiên của họ. 

Trên thực tế, nhiều Gen Z đã kết hôn và bắt đầu xây dựng gia đình riêng, trở thành những người làm cha mẹ. Có thể nói, chỉ những thương hiệu nào nắm bắt được sự biến đổi này mới có thể đạt được lợi thế của người tiên phong.

Những Gen Z đời đầu đang dần bước vào một giai đoạn mới mà tại đó việc tạo dựng gia đình đang trở thành một trong những ưu tiên của họ. 
Nguồn: RyanKing999

1. Cân bằng giữa việc làm cha mẹ và theo đuổi các mục tiêu cá nhân

Các bậc cha mẹ Gen Z mong muốn đạt được sự cân bằng giữa vai trò làm cha mẹ “toàn thời gian” với việc duy trì bản sắc cá nhân của mình. Trở thành cha mẹ không đồng nghĩa với việc phải hy sinh những khía cạnh khác thuộc về bản sắc cá nhân. Gen Z mong có thể dành thời gian cho sở thích và các hoạt động khác của bản thân.

Chị Tú Trần (1998) chia sẻ: “Nhiều người tin rằng khi có con rồi sẽ không còn ưu tiên sự nghiệp và bỏ qua bản thân. Em nghĩ rằng đúng là ưu tiên hàng đầu là con cái và gia đình, nhưng em vẫn muốn theo đuổi sự nghiệp và chăm sóc bản thân tốt, vì khi bản thân mình vui vẻ, hạnh phúc thì mới truyền được niềm vui đó cho con mình. Và điều thứ ba là vẫn ưu tiên vun đắp tình cảm vợ chồng ạ. Vì em nghĩ mối quan hệ cha mẹ hạnh phúc với nhau, con cái sẽ rất hạnh phúc”

Tú Trần cho biết mặc dù đã trở thành mẹ, bạn vẫn muốn phát triển bản thân, theo đuổi sự nghiệp để trở thành người độc lập về tài chính lẫn tinh thần. Đồng thời, Tú cũng muốn duy trì sở thích cá nhân như: đàn hát, các cuộc giao lưu gặp gỡ bạn bè như café, xem phim, ăn uống. 

“Em chỉ đổi cách thức để mình hành động chứ không đổi mục tiêu. Ví dụ chấp nhận việc gắn thêm ‘thị Mon’ lẽo đẽo kế bên mỗi khi đi đâu với bạn bè chẳng hạn. Hoặc thay đổi quỹ thời gian làm việc học tập chút cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại”, Tú Trần nói.

Các bậc cha mẹ Gen Z mong muốn đạt được sự cân bằng giữa vai trò làm cha mẹ “toàn thời gian” với việc duy trì bản sắc cá nhân của mình.
Nguồn: Envato

2. Quan tâm đến sức khỏe tinh thần của con trẻ

Theo báo cáo, các bậc phụ huynh Gen Z ưu tiên sự phát triển tinh thần và tâm lý của con cái. Họ tập trung nuôi dưỡng nội tâm của con, giúp chúng phát triển sự kiên cường, nhận thức về bản thân và tư duy tích cực. “Em hy vọng con em sẽ phát triển tốt về mặt tình cảm, hơn là chỉ tập trung vào thành tích học tập”, chị Ngọc Hà (2000) cho biết.

Cha mẹ Gen Z hướng đến việc tạo môi trường mà con cái có thể khám phá cảm xúc, chữa lành và phát triển lòng tự tôn mạnh mẽ. Bằng cách ưu tiên sức khỏe tinh thần, những bậc phụ huynh này mong muốn trang bị cho con cái những nền tảng và tâm thế kiên cường để thích nghi trong một thế giới ngày càng phức tạp.

Chị Phạm Quỳnh Như, Manager Integrated Planning tại EssenceMediacom Vietnam, nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến một làn sóng mới đầy cảm hứng trong việc nuôi dạy con cái, phản ánh sự hiểu biết sâu sắc về sự phát triển toàn diện của trẻ, thiết lập một tiêu chuẩn mới ảnh hưởng đến giáo dục và sức khỏe tinh thần”.

Các bậc phụ huynh Gen Z ưu tiên sự phát triển tinh thần và tâm lý của con cái.
Nguồn: EssenceMediacom Vietnam

3. Có khuynh hướng hỗ trợ thay vì áp đặt cứng nhắc 

Trong khi thế hệ trước thường có xu hướng áp đặt suy nghĩ, kỳ vọng và áp lực học tập lên con cái, muốn con cái vượt trội về học tập hoặc một số khía cạnh cụ thể, thế hệ trẻ hơn thể hiện mong muốn con cái phát triển một cách toàn diện và thoải mái. 

Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho phép con cái tự quyết định trong một số giới hạn đạo đức và đạo lý, cũng như khuyến khích phương pháp giao tiếp cởi mở và cảm thông. Điều này cũng có nghĩa là cha mẹ Gen Z muốn trở thành người bạn đồng hành và hướng dẫn thay vì trở thành người kỷ luật nghiêm khắc.

Chị Hương Quỳnh (2000) cho biết sẽ không ép con mình phải xuất sắc trong tất cả các môn học ở trường. “Nếu con có hứng thú với lĩnh vực nào đó, em sẽ hỗ trợ con đào sâu kiến thức về lĩnh vực đó vì khi con có đam mê và muốn theo đuổi nó, chắc chắn con sẽ tập trung hơn vào lĩnh vực đó”, Hương Quỳnh chia sẻ. 

Gen Z mong muốn con cái phát triển một cách toàn diện và thoải mái. 
Nguồn: EssenceMediacom Vietnam

4. Ưu tiên niềm vui và những trải nghiệm

Khi được hỏi về kỳ vọng hàng đầu về tương lai con trẻ, Tú (1998) xếp “sống vui vẻ và tử tế” ở vị trí đầu tiên, tiếp đến là cuộc sống phong phú nhiều trải nghiệm, thứ ba là có sự nghiệp thành đạt và cuối cùng mới là sự giàu có. 

“Đầu tiên và quan trọng nhất, em ưu tiên con trở thành người tử tế vì em tin vào cuộc sống với lòng tốt và trách nhiệm”, Tú nói.

Cùng quan điểm trên, chị Thảo (2000) cũng cho biết bản thân ưu tiên sức khỏe và hạnh phúc của con. Thảo chia sẻ: “Sau này, con không cần phải quá thành công. Chỉ cần đủ kiến thức để tự tin, tự lập và quản lý tài chính cá nhân. Em muốn cho con trải nghiệm mọi thứ. Sự thành công phụ thuộc vào khả năng của con, và em không tìm kiếm những thành tích quá cao. Trong gia đình em, nhiều người đã đạt được thành công nhưng lại chưa tìm thấy hạnh phúc”.

Nguồn: EssenceMediacom Vietnam

Kết luận 

Với cha mẹ Gen Z, các thương hiệu cần quan tâm đến 3 khía cạnh:

  • Thứ nhất, Gen Z khi làm cha mẹ luôn nung nấu tìm kiếm sự phát triển toàn diện hơn cho con. Điều này bao gồm sự phát triển sức khỏe tinh thần bên cạnh việc nâng cao trình độ học vấn học thuật theo truyền thống.  Các thương hiệu có thể đóng vai trò quan trọng như một người hướng dẫn hoặc bạn đồng hành trong việc tạo ra sự cân bằng này thông qua các đa dạng nền tảng trên mạng xã hội, community và activation. 
  • Thứ hai, những bậc cha mẹ là Gen Z kỳ vọng từ các thương hiệu thấu hiểu và mang lại những điều mà họ đang tìm kiếm. So với các thế hệ trước, họ có kỳ vọng cao hơn đối với các thương hiệu. Điều này tạo cơ hội để truyền thông về chất lượng và lợi ích của thương hiệu một cách thú vị và đáng mong chờ.
  • Thứ ba, đối với những người mới bắt đầu làm cha mẹ, họ phải đối mặt với những khoảnh khắc cảm thấy hoài nghi, cũng như trải qua nhiều sự thay đổi về cách nhìn nhận vấn đề. Điều này mang lại cơ hội cho các thương hiệu trở thành đối tác thấu hiểu những lo lắng và mối quan tâm của họ. Từ đó đưa đến cho họ một nền tảng cho hành trình thay đổi của mỗi cá nhân ngay từ những giai đoạn đầu tiên.

Tải đầy đủ báo cáo tại đây.

Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam