ChatGPT và 8 bài học đắt giá cho người làm nghề viết (Phần 2)
Nối tiếp phần trước, bà Laura Hartenberger – tác giả bài viết tiếp tục liệt kê những bài học quý giá dành cho người làm nghề viết. Qua đó, người viết có thể hiểu hơn về vai trò của AI đối với viết lách, cũng như làm thế nào để trở nên khác biệt và gắn kết tốt hơn với người đọc.
* Nội dung bài viết được lược dịch từ bài viết gốc “What AI Teaches Us About Good Writing” của bà Laura Hartenberger, Nhà văn kiêm Giảng viên Writing Programs tại trường Đại học California.
Tạo ra kết nối gần gũi về mặt cảm xúc thông qua câu từ
Như đã đề cập ở phần trước, những công cụ như ChatGPT không có khả năng tạo ra một giọng văn đậm cá tính và màu sắc cá nhân. Do vậy, dựa vào lượng dữ liệu đồ sộ trên internet, phản hồi của ChatGPT khiến người dùng cảm thấy vừa lạ mà cũng vừa quen.
Khi đặt ra một câu lệnh cho generative AI, những phản hồi được đưa ra mang tính trung lập, tích cực, nhưng không quá sinh động hoặc nhiệt tình. Thông thường, câu phản hồi của chatbot luôn kèm theo danh sách các đường dẫn, cùng với phần giới thiệu và kết luận rõ ràng.
Tuy nhiên, phong cách phản hồi của generative AI thiếu một thứ rất quan trọng, đó là sự kết nối. Về bản chất, mục đích của viết lách chính là tạo ra sự kết nối gần gũi giữa người viết và người đọc, như một phương tiện trao đổi ý kiến và quan điểm. Như vậy, đó là hành động tạo ra liên kết, không phải là hoạt động mang tính một chiều.
Qua đó, có thể thấy rằng việc tạo ra sự kết nối là yếu tố quan trọng để thu hút người đọc. Để làm được điều đó, người viết cần chứng minh cho người đọc thấy rằng đó là một bài viết chứa đựng ý tưởng, quan điểm độc đáo hoặc thú vị.
Ví dụ, bài viết nghị luận giữ chân người đọc nhờ vào những lập luận có ý nghĩa đối với một cá nhân hoặc xã hội. Tiểu thuyết tạo ra sự hấp dẫn dựa trên thiết lập nguyên nhân và kết quả thông qua hành trình của nhân vật chính. Những rủi ro mà nhân vật chính phải đối mặt không cần quá cao, song phong cách viết cần có sự hấp dẫn, rõ ràng và mang tính khẩn cấp. Những rủi ro đó là yếu tố quan trọng để kết nối với độc giả, nhằm tạo ra thay đổi về mặt cảm xúc và khiến họ đọc tiếp. Nếu không có những yếu tố đó, kỹ thuật viết văn điêu luyện cũng khó thu hút người đọc, thậm chí là mang lại cảm giác khó đọc và khô khan.
Như vậy, kỹ năng viết dù cần thiết, nhưng việc thu hút người đọc còn quan trọng hơn. Ở cương vị độc giả, họ cần cảm giác được người viết quan tâm và tạo ra sự kết nối. Trong khi đó, ChatGPT không làm được điều đó mà chỉ đang cố gắng mô phỏng lại dựa trên dữ liệu sẵn có. Ngay cả khi thuật toán liên tục được cải thiện, ChatGPT cũng khó lòng tạo ra sự kết nối về mặt cảm xúc. Do đó, những bài viết do AI viết vẫn khó tiếp cận với số đông, cũng như khiến người đọc cảm thấy hấp dẫn.
AI và những khúc mắc về vấn đề vi phạm bản quyền
Khả năng viết tốt thường bao gồm tính nguyên bản, không chứa những từ ngữ sáo rỗng và thiếu chiều sâu. Đó không hẳn là từ ngữ tệ, song nó mang lại cảm giác khó chịu và thể hiện sự lười biếng của người viết. Ngay cả khi ChatGPT không sử dụng những từ ngữ sáo rỗng, cách phản hồi của công cụ này vẫn mang đến cảm giác thiếu chiều sâu.
Ngay cả khi thuật toán liên tục được cải thiện, ChatGPT cũng khó lòng tạo ra sự kết nối về mặt cảm xúc.
Không chỉ vậy, một bài viết tốt phải dẫn nguồn chính xác hoặc để trong ngoặc kép những ý tưởng, quan điểm của người khác. Khi nhìn ở một khía cạnh nào đó, ChatGPT đạo nhái giọng văn của không ít người viết nhờ vào cách công cụ này được đào tạo. Rõ ràng, những phản hồi của các công cụ generative AI không thường xuyên trích dẫn các nguồn cụ thể, cũng như quan điểm của người viết gốc.
Đáng lo hơn, một số chatbot còn cung cấp thông tin không chính xác. Do vậy, khi một sinh viên sử dụng những phản hồi không dẫn nguồn và không chính xác để làm luận văn, đó là hành động vô thức tạo ra hành vi đạo nhái đa chiều. Nói một cách đơn giản, sinh viên đó dùng AI để đạo văn của nhiều người khác.
Bên cạnh đó, vấn đề đạo đức bản quyền trong việc đào tạo các công cụ AI vẫn còn đang rất mơ hồ. Một số nền tảng như Reddit đang cố gắng hạn chế tình trạng AI sử dụng nội dung của họ. Ngoài ra, theo The New York Time đưa tin, bà Sarah Silverman và vài tác giả khác quyết định kiện OpenAI vì đã đăng tải trái phép nội dung từ các quyển sách của họ để huấn luyện cho ChatGPT. Hơn thế, Hiệp hội Nhà văn Hoa Kỳ đã đình công từ tháng 5/2023, nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng văn bản của con người làm dữ liệu đào tạo AI, cũng như hạn chế việc những người viết lạm dụng AI trong quá trình viết lách.
Câu hỏi đặt ra lúc này là khi generative AI được sử dụng phổ biến như Google Search, liệu các tác giả sẽ tiếp tục từ chối đóng góp cho những công cụ này hay là tận dụng nó để gia tăng sự phổ biến, cũng như tầm ảnh hưởng cho tác phẩm của họ? Song song đó, liệu cộng đồng người làm nghề viết nên làm gì để có quyền được bảo vệ khỏi những dữ liệu đào tạo AI, hoặc quyền được đưa tác phẩm vào nguồn dữ liệu đó? Một vấn đề khác cũng gây tranh cãi, chẳng hạn như việc sử dụng dữ liệu do AI cung cấp mà không dẫn nguồn có được xem là đạo văn?
Dẫu vậy, điều khó khăn hơn là làm thế nào để xác định được tính độc đáo và nguyên bản của một bài viết? Định nghĩa chính xác của tính độc đáo và nguyên bản là gì? Trên thực tế, vì sao có nhiều tổ chức lại yêu cầu người viết tạo ra những bài viết thiếu tính nguyên bản? Những bài viết như vậy mang lại giá trị gì?
Cái nhìn mới về quyền tác giả và sở hữu trí tuệ
Từ trước đến nay, đạo văn luôn là một hành vi vi phạm nghiêm trọng. Tại nhà trường, học sinh – sinh viên bị phát hiện đạo văn sẽ bị điểm thấp, thậm chí là đình chỉ. Đối với giới học thuật, hành vi đạo văn có thể khiến tác phẩm phát hành bị thu hồi và để lại vết nhơ khó xóa nhòa trong sự nghiệp. Với người làm nghề viết, việc lấy cắp ngôn ngữ của một người không chỉ là lấy đi giọng văn, mà còn là ý tưởng và bản chất của họ.
Do đó, với cương vị giảng viên, bà Laura Hartenberger – tác giả bài viết – không tập trung dạy sinh viên các kỹ thuật viết, mà ưu tiên hướng dẫn các bạn ấy cách suy nghĩ, kỹ năng quan sát và đặt câu hỏi. Đó còn là khả năng diễn giải vấn đề, xây dựng mối liên kết với người khác, hiểu rõ bản thân, cũng như cách để trở thành tác nhân tạo ra sự thay đổi.
Dẫu vậy, việc ChatGPT tạo ra những bài viết thiếu suy nghĩ rõ ràng có thể đe dọa ý tưởng rằng tư duy phản biện là yếu tố cốt lõi của một bài viết hay. ChatGPT cũng đang đảo lộn quy trình viết lách, vốn bắt đầu với việc khám phá ý tưởng, sau đó là tìm từ ngữ thích hợp để diễn đạt. Với ChatGPT, công cụ này bắt đầu với những từ ngữ, xây dựng các lập luận và tường thuật dựa trên các mẫu ngôn ngữ có sẵn. Từ đó, các ý tưởng được tạo thành dựa trên văn bản mà AI được đào tạo và sử dụng để tạo ra.
Thông qua đó, cách thức hoạt động của ChatGPT như một lời nhắc nhở rằng viết là kỹ năng có thể học được. Viết lách cũng là một hoạt động mang tính cộng đồng và không thể tách rời khỏi. Điều đó nghĩa là phong cách viết của một người bị ảnh hưởng những gì họ đã đọc.
Với sự phát triển của generative AI, những người viết cần nhìn nhận lại về vấn đề quyền tác giả và sở hữu trí tuệ. Khi một người dùng đưa ra câu lệnh cho ChatGPT, liệu họ có phải là tác giả của văn bản đó? Khi ChatGPT chỉnh sửa hoặc viết lại tác phẩm của một người, đó có còn là văn bản của tác giả gốc? Đâu là ranh giới cho việc sử dụng lại văn bản của người khác một cách hợp lý – chẳng hạn như bản remake một vở kịch của Shakespeare – và như thế nào thì là đạo văn của người khác?
Cái giá của sự tối ưu
Ngay cả khi chất lượng viết không được cải thiện, những công cụ generative AI thật sự giúp người viết tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc. Đối với những người thật sự thích viết, thời gian và sự nỗ lực dành cho việc viết lách là rất nhiều. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dành toàn bộ thời gian để viết, bởi vì hầu hết ai cũng cần thời gian để trải nghiệm, cũng như dành cho các sở thích khác.
Chưa hết, nhiều người làm nghề viết cảm thấy mệt mỏi khi phải nhìn chằm chằm vào trang word trắng tinh trên màn hình, và AI trở thành công cụ giúp họ thoát khỏi tình trạng đó.
Dẫu vậy, khi chatbot được áp dụng rộng rãi, ai sẽ là người đọc những văn bản đó? Hơn ai hết, những người làm trong ngành xuất bản biết rằng những độc giả là món quà hiếm có. Tương tự như viết, đọc cũng là một hoạt động có giá trị. Thế nhưng, cũng giống như viết, đọc là một hoạt động mất thời gian và cần có sự nỗ lực. Không chỉ vậy, nhiều người cảm thấy chán nản vì nội dung hiện nay đã bị bão hòa.
Mỗi ngày, có quá nhiều thông tin xuất hiện trên màn hình khiến khả năng chú ý ngày càng giảm đi. Bởi thế, người đọc thời đại này dành sự tôn trọng cho những đơn vị xuất bản không đăng bài quá nhiều, và chỉ đăng những gì họ thật sự quan tâm.
Quan trọng hơn, khả năng viết sẽ ra sao khi người viết đọc quá nhiều bài viết do AI tạo ra? Liệu phong cách viết của tất cả có dần dần giống như ChatGPT? Liệu con người có dần mất đi suy nghĩ rằng đọc và viết chính là giải pháp để thoát khỏi sự cô đơn, cũng như kết nối với thế giới nội tâm của một ai đó, khi mà có sự không chắc chắn về sự hiện diện của con người đằng sau một văn bản ngày càng tăng?
Như vậy, khi AI ngày càng phổ biến, có lẽ những người tự viết lách một cách chậm rãi xứng đáng nhận được sự ngưỡng mộ. Giống như sản phẩm hữu cơ hoặc túi xách hàng hiệu, có lẽ một ngày nào đó, văn bản do con người viết sẽ được gắn một cái nhãn mang tính xác thực. Đến khi đó, khi dành ra thời gian và công sức để suy nghĩ, trình bày câu chữ rõ ràng và sửa đổi cho đến khi họ truyền tải được những gì người viết muốn – đó chính là một trong những yếu tố quan trọng để được đánh giá là một bài viết tốt.
Học cách viết để trở nên khác biệt
Như thế, đâu là yếu tố tạo nên bài viết tốt trong thời đại của generative AI? Có lẽ các lớp dạy viết trong tương lai cần tìm ra những phương pháp tinh tế hơn, nhằm nâng cao vị thế về chữ viết của con người so với AI, cũng như giúp các học sinh viết tốt hơn là máy móc.
Có thể những lớp học đó sẽ hướng dẫn cách kết hợp AI và kỹ thuật viết, nhằm chuẩn bị cho các văn bản mà học viên sẽ sử dụng sau khi tốt nghiệp, chẳng hạn như hợp đồng, báo cáo, biên bản cuộc họp… Trong khi đó, các trường đại học sẽ bổ sung thêm nhiều bài tập khác nhằm nâng cao kiến thức, tư duy phản biện, kỹ năng tranh luận, phát biểu, hoạt động thực hành và hoạt động sáng tạo đa phương tiện. Các học sinh sẽ vẫn được khuyến khích đọc nhiều hơn, nghiên cứu kỹ tài liệu mẫu, quy ước – tương tự như cách AI được đào tạo.
Viết một cách chính trực là tạo nên một bài viết có tổng thể mạch lạc, dựa trên sự tích hợp toàn vẹn giữa những suy nghĩ, quan điểm của bản thân và người khác.
Việc học viết không giống với các môn học khác, quá trình giảng dạy không tập trung quá nhiều vào việc chuyển giao kiến thức, hoặc truyền đạt các khái niệm. Thay vào đó, học viên cần được tạo điều kiện để thực hành, nhằm tìm ra sự khác biệt của bản thân. Tác giả bài viết nói thêm, trau dồi kỹ năng viết không chỉ là tìm hiểu về các quy ước, mà còn liên quan đến việc thấu hiểu bản thân, cũng như biết được quan điểm cá nhân có gì giống và khác biệt với những người khác.
Vì lẽ đó, dù ChatGPT giúp quá trình viết trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, để viết tốt, người viết cần sở hữu quan điểm rõ ràng và có sự giao tiếp nghiêm túc với người khác trong thời gian dài. AI lại không thể giúp người viết tăng tốc quá trình khám phá bản thân, cũng như xây dựng mối quan hệ với người khác.
Đến nay, những tranh cãi xoay quanh việc sử dụng AI tại trường đại học có vi phạm tính chính trực trong học thuật vẫn tiếp tục. Bà Laura Hartenberger – tác giả bài viết cho rằng sự chính trực không chỉ là trung thực và ngay thẳng về mặt đạo đức, đó còn là sự toàn vẹn và tích hợp của các bộ phận. Khi áp dụng vào viết lách, có thể hiểu viết một cách chính trực là tạo nên một bài viết có tổng thể mạch lạc, dựa trên sự tích hợp toàn vẹn giữa những suy nghĩ, quan điểm của bản thân và người khác.
Theo Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Noema