Làm thế nào để chọn kênh bán hàng hiệu quả?

Lựa chọn kênh bán hàng hiệu quả là một trong những yếu tố tạo nên thành công khi kinh doanh trên thương mại điện tử. Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng biết cách lựa chọn đúng kênh, phân bổ nguồn lực tài chính và nhân sự hợp lý cho các kênh.

Nếu các nhà lãnh đạo/marketers đang gặp vấn đề này nhưng chưa biết giải quyết từ đâu, đừng bỏ qua nội dung dưới đây đến từ chuyên gia kỳ cựu của PMAX.

Các vấn đề thường gặp khi lựa chọn kênh bán hàng

Phần lớn khi bước vào việc lựa chọn kênh bán hàng, kênh phân phối sản phẩm, các vấn đề thường gặp sẽ bao gồm:

  • Sản phẩm của doanh nghiệp/thương hiệu nên phân phối trên kênh nào?
  • Nên ưu tiên, tập trung vào kênh nào?
  • Nên phân bổ nguồn lực vào những kênh nào?
  • Cùng nhiều câu hỏi khác

Với để giải quyết những vấn đề trên, đa phần các chủ doanh nghiệp/marketers sẽ quyết định theo các hướng dưới đây:

  • Shopee bán chạy, là sàn thương mại điện tử lớn nên tập trung vào Shopee sẽ có lợi;
  • Lazada là sàn nổi tiếng, khách hàng phù hợp nên phải đi Lazada;
  • Tiktok nổi, những thương hiệu khác bán cả tỷ, mình phải đi Tiktok;
  • Thương hiệu nước ngoài mở website nhiều lắm, có dữ liệu nữa, mình phải đi website;
  • Thấy nhà nhà làm chatbot trên Facebook, cái này sẽ giúp bán được;
  • Và còn rất nhiều nhận định khác.

Tuy nhiên:

  • Liệu những quyết định trên có đúng hoàn toàn không?
  • Liệu chúng ta có cần nhìn nhận vấn đề theo hướng khác, với góc nhìn chiến lược hơn, đậm chất data-driven hơn?
  • Liệu chúng ta có nên ưu tiên so sánh tiềm năng của từng kênh thương mại điện tử, đánh giá xem kênh nào sẽ là kênh phù hợp nhất với sản phẩm của chúng ta?
  • Hay chúng ta có nên đánh giá xem kênh thương mại điện tử đấy có phù hợp với tệp khách hàng mục tiêu của chúng ta hay không?

Nếu chưa từng nghĩ đến những ý vừa kể trên, có lẽ phần lớn chủ doanh nghiệp/marketers đều đã bỏ qua một yếu tố vô cùng quan trọng của các mô hình marketing 4Ps, 7Ps, chính là Place. Trong quá trình chọn kênh bán hàng, phân phối sản phẩm, Place chính là yếu tố trọng tâm và các yếu tố P còn lại sẽ xoay quay Place.

Vai trò của yếu tố Place (thuộc mô hình 4Ps, 7Ps) khi lựa kênh bán hàng

Place – Yếu tố quan trọng cốt yếu khi lựa chọn kênh bán hàng hiệu quả – Nguồn: PMAX

Mỗi doanh nghiệp sẽ có chiến lược kinh doanh riêng, phân khúc, và định vị riêng. Từ đó mô hình 4Ps, 7Ps của mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau. Nhưng khi tiếp cận chi tiết yếu tố Place, sẽ xuất hiện thêm các yếu tố P còn lại. Cứ mỗi Place khác nhau sẽ có chiến lược khác nhau về cả vai trò, phân khúc, định vị của từng Place.

Ví dụ như: Khi chúng ta phân phối sản phẩm trên Shopee, Lazada, Tiki, v.v…, các kênh này đều phân phối cùng sản phẩm, cùng mục tiêu, cùng kỳ vọng, cùng tệp khách hàng không?

Câu trả lời là không, mỗi kênh có vai trò riêng:

  • Có kênh có ROI (Return on investment) tốt nên là kênh ổn định lợi nhuận;
  • Có kênh doanh thu rất cao để thu hút khách hàng;
  • Có những kênh chỉ giúp mang lại khách hàng mới còn khách hàng cũ sẽ lựa chọn kênh khác.

Khi lựa chọn kênh bán hàng, không phải cứ tập trung vào online và cho rằng online là kênh chính với doanh số cao là đúng trong mọi trường hợp. Giả sử với sản phẩm đó và hành vi khách hàng đó, kênh online chỉ là kênh phễu còn doanh số sẽ tăng ở kênh offline thì sao? Chẳng hạn ở sản phẩm gia dụng lớn hoặc nội thất, phần lớn doanh số vẫn nằm ở kênh offline và kênh online đóng vai trò tìm hiểu sản phẩm/mua sản phẩm giá trị thấp nhằm trải nghiệm dịch vụ.

Mỗi kênh bán/phân phối sản phẩm sẽ đóng vai trò nhất định trong từng giai đoạn mua hàng của khách hàng – Nguồn: PMAX

Hiện nay, mỗi kênh bán hàng sẽ có vai trò khác nhau. Bởi vì hành vi mua sắm của khách hàng hiện tại trở nên đa dạng và phức tạp. Thay vì chỉ ưu tiên mua hàng ở một kênh cố định (online/offline), khách hàng bây giờ lựa chọn sản phẩm kỹ hơn, lựa chọn những điểm bán hàng phù hợp với nhu cầu mua sắm của bản thân hơn.

Hành vi mua sắm của khách hàng ảnh hưởng đến việc lựa chọn kênh bán hàng như thế nào?

Sự thay đổi hành vi mua sắm xuất phát từ việc người dùng mong muốn nhận được nhiều giá trị hơn từ sản phẩm họ mua được. Giá trị này có thể là giá trị tài chính (mua được giá tốt hơn), giá trị về sự tiện lợi (mua ở cửa hàng này tiện hơn), giá trị về dịch vụ chăm sóc, hậu mãi đi kèm, v.v…

Để đáp ứng được nhu cầu mua sắm của bản thân, khách hàng sẽ thường xuyên xuất hiện ở nhiều điểm chạm để tìm hiểu sản phẩm và cân nhắc mua hàng. Vì vậy, chủ doanh nghiệp/marketers cần cân nhắc những yếu tố sau:

  • Trong rất nhiều điểm chạm, đâu là những điểm chạm mà thương hiệu nên ưu tiên tập trung để tối ưu trải nghiệm khách hàng để giúp khách hàng ra quyết định mua hàng nhanh hơn?
  • Điểm chạm sẽ đóng vai trò ra sao để giúp người mua hàng quyết định mua sản phẩm của thương hiệu mình?
  • Làm thế nào để chọn lọc, kết nối các điểm chạm để trải nghiệm mua hàng của người dùng liền mạch, nhằm giúp họ quyết định mua hàng càng sớm càng tốt?

Vậy làm thế nào để chọn lựa đúng kênh bán hàng phù hợp với hành vi mua sắm của khách hàng?

Quy trình lựa chọn kênh bán hàng có thể được thực hiện theo các bước dưới đây:

  • Bước 1: Hiểu hành trình khách hàng của ngành hàng và chính thương hiệu của mình
    • Trong phễu marketing từ nhận biết, cân nhắc, mua và tái mua, khách hàng sẽ trải qua từng phễu ở điểm chạm nào?
    • Tại từng điểm chạm, khách hàng sẽ làm gì?
  • Bước 2: Xác định điểm mạnh, điểm yếu và nguồn lực của chính doanh nghiệp.
    • Thế mạnh và những điểm cần cải thiện của thương hiệu trong quá trình phân phối sản phẩm? Có thể áp dụng mô hình SWOT sẽ đơn giản và quen thuộc nhất
    • Những kênh bán hàng nào tiềm năng? Thứ tự ưu tiên đầu tư cho các kênh như thế nào?
    • Thương hiệu có thể làm gì để tăng tương tác với khách hàng tại những điểm chạm, kênh bán hàng?
  • Bước 3: Thu thập thông tin về dung lượng thị trường của các kênh bán hàng, tiềm năng và mức độ cạnh tranh trên kênh.
  • Bước 4: Xác định các kênh truyền thông và kênh bán hàng cần đánh, đặc biệt xác định vai trò của từng kênh.
  • Bước 5: Trải nghiệm rồi sau đó quay lại đánh giá.

Trên đây là những vấn đề thường gặp khi lựa chọn kênh bán hàng và các giải pháp để khắc phục vấn đề kể trên. Sau khi lựa chọn kênh phân phối/bán hàng phù hợp nhưng chưa biết cách để tối ưu hiệu quả kinh doanh, chủ doanh nghiệp/marketers có thể tham khảo giải pháp dựa trên công thức: Doanh thu = Traffic x CR x AOV. Để hỗ trợ chủ doanh nghiệp/marketers áp dụng hiệu quả giải pháp được đề cập từ bài viết trước, PMAX sẽ chia sẻ ví dụ thực tiễn khi hỗ trợ tư vấn khách hàng lựa chọn kênh bán hàng.

Bối cảnh thực tiễn

Doanh nghiệp A chuyên phân phối bán sỉ và bán lẻ đồng hồ chính hãng được nhập khẩu độc quyền từ Nhật. Sản phẩm trải dài từ phân khúc 500.000 VND cho đến hàng chục triệu đồng. Hình thức kinh doanh chính của thương hiệu này là thông qua đại lý phân phối (bản sỉ) và vận hành cửa hàng (bán lẻ).

Với xu hướng digital hiện nay, ban giám đốc của doanh nghiệp A quyết định chuyển đổi số mô hình kinh doanh bằng cách bán hàng trực tuyến (online), nhằm tiếp cận tệp khách hàng có hành vi mua sắm trực tuyến. Kỳ vọng cho hướng chuyển đổi này là doanh nghiệp A sẽ bán được sản phẩm thuộc phân khúc hơn 5 triệu VND để tránh cạnh tranh với đại lý ở phân khúc thấp hơn. Vì vậy, ban giám đốc đang xem xét cân nhắc lựa chọn kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.

Quá trình thực thi

Để hiện thực hóa mục tiêu này, giám đốc Marketing của doanh nghiệp A đã cùng đội nhóm marketing thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Tìm hiểu hành vi khách hàng

Team marketing đã tìm hiểu và đưa ra một số nhận định sau về hành vi khách hàng:

  • Hành vi của khách hàng mua đồng hồ thường xuất phát từ việc khách hàng đã có sở thích về một nhãn hàng và họ chỉ việc tìm sản phẩm phù hợp. Hoặc, khách hàng đặt ra kỳ vọng về kiểu dáng và giá tiền của đồng hồ, sau đó tìm kiếm sản phẩm của thương hiệu phù hợp.

  • Ở giai đoạn nhận diện (Awareness), khách hàng thấy quảng cáo qua mạng xã hội về thương hiệu và bộ sưu tập đồng hồ nào đó. Lúc này, người dùng tuy quen thuộc với thương hiệu sản phẩm, nhưng chưa quen thuộc với công ty đang phân phối độc quyền thương hiệu sản phẩm này (là doanh nghiệp A), vì lâu nay khách hàng có thói quen mua hàng qua các đại lý. Vì vậy, nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp A trên phương diện bán lẻ đang khá thấp.
  • Ở bước cân nhắc mua hàng (Consideration), khách hàng sẽ tìm hiểu sản phẩm thông qua Google, website của các đại lý và website của doanh nghiệp A để lựa chọn mẫu mã yêu thích. Khách hàng thậm chí còn tìm hiểu đánh giá/phản hồi trên Lazada, Shopee và Tiki để tìm hiểu về sản phẩm và nơi bán/phân phối các sản phẩm này.
  • Ở giai đoạn mua hàng (Purchase), khách hàng cân nhắc bên nào cung cấp giá bán phù hợp, ưu đãi tốt, bảo hành và chăm sóc khách hàng tốt. Khách hàng thậm chí còn ghé thăm cửa hàng để trải nghiệm và mua tại cửa hàng nếu giá trị sản phẩm cao. Với các sản phẩm thuộc tầm giá thấp hơn, khách hàng sẽ ưu tiên mua hàng trực tuyến ở kênh nào cung cấp giá bán và dịch vụ giao hàng, v.v. tốt hơn.

Có thể thấy, ở giai đoạn nhận diện, mạng xã hội là kênh quan trọng để khách hàng biết về doanh nghiệp A. Ở giai đoạn cân nhắc, hành trình tìm hiểu sản phẩm của khách hàng trải dài từ Google, website đến các sàn thương mại điện tử. Và tại giai đoạn mua hàng, khách hàng sẽ tìm đến nơi cung cấp giá bán hợp lý, ưu đãi và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt, dù là offline hay online.

Bước 2: Xác định ưu, khuyết điểm của doanh nghiệp

Hiện doanh nghiệp A đang sở hữu điểm mạnh gồm:

  • Là doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối đồng hồ độc quyền từ Nhật tại Việt Nam nên việc bảo hành cũng sẽ do doanh nghiệp A thực hiện;
  • Có thể tăng thời gian bảo hành sản phẩm lên nửa năm so với đại lý;
  • Đa dạng sản phẩm hơn so với đại lý, đặc biệt là các mẫu đồng hồ thuộc phân giá cao hơn;
  • Tiềm lực đầu tư marketing cao, có thể tối ưu trải nghiệm tìm hiểu và mua sắm sản phẩm trên website

Một số khuyết điểm của doanh nghiệp A bao gồm:

  • Nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp A trên phương diện là một nhà bán lẻ chưa cao;
  • Khả năng cạnh tranh về giá với đại lý khá cao vì dễ gây ra xung đột kênh;
  • Kỹ năng đặt mục tiêu kinh doanh online khá yếu vì thiếu kinh nghiệm.

Bước 3: Thu thập thông tin, dữ liệu ở các điểm chạm

Đội marketing bắt đầu thu thập thông tin tại các điểm chạm nhiều nhất có thể:

  • Tại các sàn thương mại điện tử: Shopee đang là thị trường tiềm năng nhất với đông đảo người mua nhưng phân khúc sản phẩm đồng hồ giá trị cao trên đây khá thấp. Lazada có tiềm năng thị trường thấp hơn, những phân khúc sản phẩm đồng hồ giá trị cao hơn Shopee đôi chút. Tiki thì thị trường bé với mức độ tăng trưởng trong phân khúc đồng hồ không cao. Đặc biệt yếu tố về mall thì trên sàn TMĐT chưa có nhiều để thể hiện uy tín.

Ví dụ về thị trường mua sắm đồng hồ trên sàn thương mại điện tử Shopee – Nguồn: metric.vn

  • Dung lượng tìm kiếm trên sàn thương mại điện tử và Google về sản phẩm: Từ khoá về đồng hồ rất lớn; thương hiệu A có lượt tìm kiếm trên sàn thương mại điện tử và Google đều tốt nhưng doanh nghiệp A lại có lượt tìm kiếm thấp hơn.

Dung lượng từ khoá trên các nền tảng tìm kiếm – Nguồn: PMAX

Có thể thấy, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử có thể tận dụng khả năng tìm kiếm cao nhưng mức độ cạnh tranh khá cao, đặc biệt là cạnh tranh với chính đại lý của doanh nghiệp A. Không những thế, phân khúc giá thấp hơn kỳ vọng của ban giám đốc rất nhiều. Ngoài ra, website khá tiềm năng khi người dùng tìm kiếm thông Google khá nhiều và website có thể dễ dàng xây dựng và cải thiện nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp A với tư cách là một nhà bán lẻ.

Bước 4: Xác định vai trò của mỗi kênh

  • Kênh bán hàng sẽ mở trên Shopee, Lazada, Tiki và website để đảm bảo khách hàng dù mua ở đâu đều sẽ gặp doanh nghiệp A.
  • Kênh sàn thương mại điện tử sẽ có vai trò vừa bán hàng vừa làm thương hiệu cho doanh nghiệp A, bằng cách tập trung vào các từ khóa trên sàn nhằm thu hút khách hàng biết đến doanh nghiệp A đang là nhà phân phối độc quyền thương hiệu này. Từ đó, khách hàng sẽ biết đến doanh nghiệp A và có thể tham khảo thêm trên website.
    • Sàn thương mại điện tử sẽ kinh doanh sản phẩm giá thấp hơn, và đăng một ít sản phẩm giá cao để giới thiệu (P-Product);
    • Giá bán của doanh nghiệp A sẽ không thấp hơn giá bán của đại lý nhưng doanh nghiệp A sẽ tăng giá trị bằng cách thêm bảo hành nửa năm (P-Price);
    • Việc chạy quảng cáo trên sàn chỉ chạy chủ yếu quảng cáo nội sàn, quảng cáo ngoại sàn chỉ dành cho chiến dịch lớn vì tránh lãng phí tài nguyên (P-Promotion).
    • Các sàn thương mại điện tử sẽ là kênh ở đầu phễu, đóng vai trò tăng nhận diện thương hiệu; kênh website là kênh bán hàng chính và truyền tải thông điệp thương hiệu. Đây là kênh có vai trò then chốt bán hàng và là cầu nối để khuyến khích khách ghé thăm cửa hàng offline (P-Place).
    • Tập trung vào sản phẩm giá trị trung và cao với ưu đãi phù hợp (P-Product và Place). Google và Facebook là kênh quan trọng nhằm giúp khách hàng biết đến và mua hàng bên cạnh các nội dung e-merchandising phải thật rõ ràng (P-Promotion).

Dựa trên hành vi, thói quen mua sắm của khách hàng, giám đốc và đội nhóm marketing đã xác định đúng vai trò, dữ liệu để đặt ra mức đầu tư và mục tiêu hợp lý cho từng kênh.

Kết luận

Thông qua ví dụ này, chủ doanh nghiệp/marketers sẽ hiểu sâu hơn rằng: Mỗi kênh (Place) có vai trò khác nhau, và sẽ có các Ps khác phối hợp cùng nhau để thực hiện vai trò này. Doanh nghiệp cần tìm cách tận dụng và phối hợp các kênh với nhau, nhằm tránh việc cạnh tranh lẫn nhau và cạnh tranh với các đại lý phân phối khác.

Để tối ưu doanh thu cho doanh nghiệp, việc xác định đúng vai trò mỗi kênh theo phễu marketing sẽ giúp doanh nghiệp đi đúng hướng. Đặc biệt hơn, kênh bán hàng được lựa chọn cần phải đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu kinh doanh chung, tránh trường hợp FOMO (fear of missing out) mà lựa kênh thiếu chọn lọc.

Sau khi cân nhắc và áp dụng mô hình 4Ps trong việc chọn kênh, marketers cần hiểu mỗi nền tảng có ưu điểm/nhược điểm thế nào tương ứng với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng ra quyết định đầu tư và phân bổ nguồn lực hợp lý cho các kênh.

Hiện nay, có hai kênh thương mại điện tử (TMĐT) phổ biến và được nhiều doanh nghiệp tin dùng, chính là: sàn TMĐT (Tiki, Shopee, Lazada, v.v…) và website TMĐT. Trong nội dung lần này, PMAX sẽ phân tích sâu hơn hai kênh này cùng những tiêu chí gồm:

  • Điểm giống và khác nhau;
  • Ưu/nhược điểm của mỗi kênh;
  • Những yếu tố cần quan tâm khi triển khai mỗi kênh;
  • Làm cách nào để tối ưu doanh số trên từng kênh.

Nội dung tiếp theo sẽ hướng dẫn lựa kênh bán hàng hiệu quả sẽ tập trung vào việc phân tích các điểm giống/khác nhau và ưu/nhược điểm của mỗi kênh.

Điểm giống và khác nhau giữa các kênh TMĐT

Điểm tương đồng

Đầu tiên, vai trò trên phễu marketing của hai kênh này đa phần đều nằm ở giai đoạn purchase (mua hàng), và ở một số ngành hàng khác sẽ bao gồm giai đoạn consideration (cân nhắc). Với vị trí này, các kênh TMĐT đóng vai trò nuôi dưỡng trải nghiệm tìm hiểu sản phẩm. Nếu trải nghiệm trong hai giai đoạn này không tốt sẽ gây ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp.

Các kênh TMĐT xuất hiện trong giai đoạn nào của hành trình mua sắm của khách hàng? – Nguồn: PMAX

Ví dụ: Khi khách hàng muốn mua một chiếc áo blazer đầu tiên, người này sẽ bắt đầu hành trình tìm hiểu bằng cách tìm quần áo ở một gian hàng nào đó họ biết, với từ khóa tìm kiếm chung chung như “áo blazer” trên thanh tìm kiếm của sàn TMĐT hoặc Google.

Lúc này, khách hàng sẽ dạo quanh những gian hàng thông qua hình ảnh sản phẩm trên sàn TMĐT hoặc từng website mà Google gợi ý. Lúc này, các kênh TMĐT sẽ ở trong giai đoạn cân nhắc của khách hàng.

Trong trường hợp khác, khi người dùng đã biết bản thân muốn mua hàng ở một gian hàng cụ thể, và họ muốn mua hàng từ thương hiệu đó, các kênh TMĐT sẽ ở trong giai đoạn mua hàng của khách hàng. Việc thấu hiểu hành vi mua sắm sẽ ảnh hưởng đến việc xác định vai trò của các kênh TMĐT, từ đó ảnh hưởng đến việc tùy chỉnh các tính năng, thông tin mua sắm trên mỗi kênh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong từng giai đoạn.

Điểm tương đồng tiếp theo là về cách tư duy tối ưu của các kênh TMĐT. Việc kết hợp nhuần nhuyễn các thành tố e-commerce mà PMAX chia sẻ ở trong nội dung trước đây đều cần cho cả 2 nền tảng này. Chi tiết cách tối ưu sẽ khác nhau do đặc thù nền tảng nhưng tư duy vẫn cần kết hợp. Vì vậy, doanh nghiệp cần lưu ý thực hiện đầy đủ các thành tố để đạt kết quả tốt nhất, tránh việc phụ thuộc hoàn toàn vào một thành tố bất kỳ trong từng nền tảng.

Điểm khác biệt

Điểm khác biệt đầu tiên là biểu phí. Khi triển khai trên sàn TMĐT, doanh nghiệp sẽ mất phí cho sàn TMĐT gồm (phí hoa hồng, phí vận hành, phí bảo trì, v.v…). Nhưng khi triển khai website TMĐT, doanh nghiệp gần như không tốn chi phí gì, ngoài các chi phí xây dựng website ban đầu và phí vận hành. Với các sản phẩm có biên lợi nhuận không cao, nếu bán trên sàn TMĐT, việc lên kế hoạch giá và tối ưu lợi nhuận cần được tính toán kỹ hơn khi bán trên website TMĐT.

Điểm khác biệt thứ hai chính là sự linh động và sở hữu dữ liệu. Trên sàn TMĐT, doanh nghiệp cần tuân thủ nhiều quy tắc và điều kiện của sàn TMĐT đối với những chiến dịch như: Các yêu cầu về phần trăm khuyến mãi khi tham gia chương trình, v.v… Ngoài ra, marketers không được thấy/lưu trữ dữ liệu của khách mua hàng, và cũng không thể điều chỉnh giá/chương trình khuyến mãi ngay trong ngày dễ dàng. Điều này sẽ linh động hơn khi doanh nghiệp kinh doanh trên website TMĐT, vì đây là nơi cho phép sở hữu mọi thứ từ dữ liệu, lượt hiển thị, v.v… nhưng đổi lại thì doanh nghiệp sẽ không nhận được nguồn lưu lượng truy cập nội sàn sẵn có.

So sánh các tiêu chí giữa sàn TMĐT và website TMĐT

Chúng ta cần so sánh nhiều yếu tố khi đánh giá, hãy cùng PMax phân tích các phần nổi bật nhất. 

Ưu/nhược điểm giữa sàn TMĐT và website TMĐT

Kết luận

Trên đây là phần phân tích sâu những điểm giống/khác nhau và ưu/nhược điểm giữa sàn TMĐT và website TMĐT. Việc lựa chọn kênh bán hàng phù hợp không chỉ dừng lại ở cách áp dụng mô hình 4Ps hay thực hiện đầy đủ các bước phân tích tình hình kinh doanh, mà còn đòi hỏi doanh nghiệp cần hiểu rõ đặc tính của mỗi kênh TMĐT, từ đấy tìm ra kênh TMĐT nào sẽ giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài, bền vững với mức chi phí hợp lý.

Một số ngành hàng có thể chỉ cần đầu tư toàn bộ nguồn lực vào một kênh TMĐT duy nhất. Nhưng cũng có nhiều ngành hàng phải phân bổ và tận dụng nguồn lực từ nhiều kênh TMĐT. Vì vậy, việc xác định vai trò của mỗi kênh và xác định các thành tố tối ưu trong mỗi kênh là bước tiếp theo trong hành trình tối ưu trải nghiệm mua sắm và tăng trưởng doanh thu lâu dài. Phần này sẽ được phân tích sâu hơn trong nội dung tiếp theo trong chuỗi bài tư vấn chọn kênh hiệu quả của PMAX. 

(*) Bài viết được thực hiện bởi Linh Nguyễn – Head of E-commerce tại PMAX.

Về PMAX

Là Agency tiên phong trong lĩnh vực Performance Marketing nói riêng và Digital Marketing nói chung, PMAX đã và đang không ngừng phát triển về cả quy mô lẫn chất lượng dịch vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh và bền vững với các giải pháp toàn diện.

Với bề dày thành tích gồm các giải Vàng, Bạc và Đồng tại các giải thưởng danh giá MMA Smarties Vietnam và SEA Agency Of The Year vừa qua, PMAX đang dần khẳng định uy tín của mình với định vị Total Performance Marketing tại thị trường Việt Nam. Trải qua hành trình hoạt động hơn 5 năm, PMAX tự hào là người đồng hành đáng tin cậy cho các nhãn hàng lớn như: Vingroup, Tiki, Lazada, Shopee, Watsons, UNIQLO, FE Credit, Standard Chartered, Ngọc Dung, Esteé Lauder, LG Vina… bằng hệ thống giải pháp Marketing đa dạng, chất lượng cao, bao gồm: Strategy, Research, Platform, Media, Creative, Tech & Data, Commercial, E-commerce Campaign và Merchandising Management.

Xem thêm các giải pháp của PMAX tại https://pmax.com.vn.