Chiến thuật chinh phục Gen Z của ACB

Chiến thuật chinh phục Gen Z của ACB

Tất nhiên, bài viết này sẽ không bàn đến sức nóng của Chủ Tịch ACB trong lễ kỷ niệm 30 năm – sự kiện đã tạo nên cú nổ truyền thông và thu hút Gen Z thời gian qua. Chúng ta sẽ nói đến một lát cắt trong “real-time” mà ACB đang thực hiện.

Cách đây không lâu, ACB đã kết hợp với Urbox để cho ra đời “thẻ cưng” ACB Urbox Visa Debit. Hiểu đơn giản đây là chiếc thẻ ngân hàng chuyên dùng để chi tiêu khi sử dụng ứng dụng Urbox. Trong khi đó, Urbox là nền tảng quà tặng và tặng quà điện tử có kết nối với hơn 350 thương hiệu đối tác. Điểm hấp dẫn ở đây chính là đặc quyền tích luỹ của chiếc thẻ này khi giao dịch, và chính những điểm tích luỹ lại có thể đổi được những quà tặng, voucher trên app Urbox. Đây là một trong những cách ACB chinh phục nhóm đối tượng Gen Z.

Chiến thuật 1: Thâm nhập bằng trải nghiệm

Theo báo cáo về Xu hướng Tài chính 2023 (Decision Lab), trung bình một khách hàng sẽ biết đến 12,2 thương hiệu ngân hàng, và để cân nhắc, họ sẽ cân nhắc 2,9 ngân hàng. Nghĩa là có quá nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Vậy nên, việc thu hút khách hàng trẻ là một điều thách thức với nhiều ngân hàng.

Nói về đối tượng trẻ, ở những giai đoạn đầu làm quen với quản lý tài chính, họ sẽ có xu hướng lựa chọn sản phẩm phù hợp với phong cách, sở thích, lối sống của mình. Đó là lý do nhiều ngân hàng không ngại đầu tư về “ngoại hình” thẻ – những chiếc thẻ được thiết kế bắt mắt. Thậm chí là những chiếc thẻ thể hiện cá tính riêng như thẻ cung hoàng đạo; hay những chiếc thẻ chuyên dụng có những đặc quyền dành riêng, có thể kể đến như thẻ ngân hàng chuyên dùng mua sắm trên Shopee…

“Thẻ cưng” ACB Urbox ngoài ngoại hình bắt mắt theo phong cách monochrome (đơn sắc), người dùng còn được tặng sticker để tự sáng tạo chiếc thẻ của mình. Đặc biệt, hành vi sử dụng voucher điện tử, từ đó tích luỹ đổi quà, là một hành vi khá phổ biến với nhóm người tiêu dùng trẻ. Việc kết hợp tạo nên sản phẩm thẻ ACB Urbox cũng gián tiếp thâm nhập vào hành vi này của người tiêu dùng, là bước đệm để nhóm đối tượng này dùng thử, từ đó cân nhắc sử dụng các sản phẩm/ dịch vụ khác của ACB.

Chiến thuật 2: Đặc quyền độc quyền

Trong ngành ngân hàng, những tiêu chuẩn cơ bản – cách làm thông dụng cho nhóm khách hàng trẻ khi mới mở thẻ – thường có: Miễn phí thường niên năm đầu tiên, quà chào mừng khi mở thẻ… Thẻ ACB Urbox cũng không ngoại lệ, các lợi ích này đều có đủ. Nhưng nếu chỉ có những lợi ích mang tính công thức như đã kể, ACB cũng rất khó để trở nên nổi trội, đặc biệt là khi khách hàng có nhiều hơn 2 sự lựa chọn.

Tính độc quyền đến từ đối tác mà ACB hợp tác cùng. ACB đã nắm bắt được hành vi chi tiêu của người dùng trẻ(*), từ đó nhận diện ra cơ hội, và nhanh chân hợp tác cùng Urbox.

(*) Hành vi này liên quan đến lỗ hổng tài chính mang tên “latte factor”, thuật ngữ từ David Bach, chỉ khoản tiền cà phê (latte) tưởng chừng nhỏ lẻ vô hại, nhưng khi nhìn lại, chúng lại chiếm một phần không nhỏ trong thu nhập chúng ta. Cùng với một nỗi đau khác của người trẻ trong sử dụng thẻ tín dụng là dễ vướng vào cạm bẫy tiêu trước, trả nợ sau, "nghèo sang chảnh” và gần như chẳng bao giờ tiết kiệm được tiền (trích từ bài viết của Vietcetera).

Vậy nên, việc chi tiêu tích luỹ điểm thưởng trở nên hấp dẫn và độc đáo hơn với nhóm đối tượng này. Cần lưu ý rằng chi tiêu tích luỹ cũng là cách tiếp cận thông dụng của các ngân hàng khác. Điều làm nên tính độc quyền của chiến thuật này là ACB đã hợp tác với đối tác phù hợp và đã có vị thế trên thị trường trong mảng kinh doanh của họ. Và tất nhiên, 3 triệu người dùng của Urbox có thể trở thành khách hàng của ACB, và ngược lại.

Chiến thuật 3: Tạo động lực tương tác bằng số hoá trò chơi tích luỹ

Đa phần người dùng đã có trải nghiệm với những tấm thẻ giấy tích luỹ khi đi ăn uống. Đó là một tấm thẻ được đóng mộc, cho thấy họ đã uống đủ 5 ly hoặc 10 ly để nhận quà tặng từ thương hiệu. Đây là một trò chơi quen thuộc, nhưng không bao giờ lỗi thời. Bởi đơn giản, con người vẫn thích những trò chơi sưu tầm và thể hiện bản thân mình dựa trên thành quả sưu tầm đấy. Hay nói như ngôn ngữ bây giờ là “flex”.

ACB x Urbox đã nâng cấp trò chơi tích luỹ này ngay trên ứng dụng của Urbox. Đó là chiếc kệ trưng bày các loại thức uống. Miễn là giao dịch thành công với thẻ ACB Urbox, người tham gia sẽ nhận được một vật phẩm, đủ từ 2 đến 6 vật phẩm sẽ nhận được những phần quà có giá trị từ Starbucks và Phúc Long – hai thương hiệu được giới trẻ yêu thích.

Hoạt động Gamification này đã tung vào ngày 18/07/2023, đến nay chỉ vừa tròn một tuần. Tất nhiên, hoạt động này có mang lại kết quả vượt trội hay không thì chúng ta phải cùng chờ đợi thêm.

Trên đây là những gợi ý về cách tiếp cận của ngân hàng để chinh phục nhóm người tiêu dùng trẻ. Hy vọng các bạn sẽ đúc rút một điều gì đó hữu ích cho thương hiệu của mình.

WOAY – nền tảng Gamification Marketing:

WOAY là nền tảng thiết kế, cài đặt  & quản trị hoạt động tương tác với người tiêu dùng dưới hình thức game, cho các hoạt động tiếp thị – truyền thông thường xuyên/ định kỳ của doanh nghiệp. Được tin dùng bởi hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam, WOAY đã tạo ra hơn 1.000 game, nhận về hơn 10 triệu lượt chơi, góp phần giúp các doanh nghiệp đạt được các mục tiêu marketing và kinh doanh.

 

Nguyễn Thành Long – Giám đốc Chiến lược @ WOAY
* Nguồn: WOAY