DOMINO’S PIZZA - Thương hiệu đồ ăn nhanh vang danh đất Mỹ và toàn thế giới
Trải qua một cuộc đời đầy sóng gió, nuôi dưỡng ước mơ kinh doanh từ khi còn nhỏ, Tom Monaghan đã đưa Domino’s trở thành một thương hiệu bán pizza nổi tiếng khắp nước Mỹ và chạm đến kỉ lục 17.000 cửa hàng về dịch vụ food delivery toàn thế giới.
1, Ước mơ kinh doanh từ thuở nhỏ của Tom Monaghan
Tom Monaghan, sinh ngày 25/03/1937 tại thành phố Ann Arbor (thuộc tiểu bang Michigan, Mỹ), chính là cha đẻ của thương hiệu pizza nổi danh toàn cầu Domino’s. Ít ai biết rằng, trước khi gây dựng được cả một đế chế vươn tầm thế giới như bây giờ, Tom từng liên tiếp thất bại với giấc mơ của chính mình.
Khi cha qua đời lúc ông lên 4 tuổi, gánh nặng đè lên vai người mẹ với đồng lương ít ỏi 30 USD/một tuần. Không thể nuôi nấng hai người con và cho chúng cuộc sống đủ đầy, bà quyết định gửi Tom Monaghan và em trai James Monaghan vào trại trẻ mồ côi St. Joseph. 7 năm sau, Tom Monaghan trở về với gia đình khi mẹ ông đã trở thành y tá và đủ điều kiện chăm lo cho hai anh em. Lúc này, ông Monaghan vừa học vừa làm để kiếm thêm thu nhập. Ông làm việc tại nhà thờ với mức lương 0,35 USD/giờ.
Năm 13 tuổi, gia đình ông chuyển đến tiểu bang Michigan. Tại đây, ông tiếp tục vừa học vừa làm và nung nấu ý định kinh doanh. Trong lần đầu tiên Tom bày tỏ ý định kinh doanh với mẹ, bà đã từ chối vì cho rằng hai anh em Tom nên cố gắng học tập, sau đó tìm được một công việc tử tế thay vì suy nghĩ viển vông về chuyện kinh doanh. Thế nhưng, do quá nghèo nên không thể vào học đại học, Tom quyết định nhập ngũ nhưng lại đăng ký nhầm vào hải quân thay vì ước nguyện bộ binh ban đầu. Hậu quả là Tom học đại học muộn 2 năm so với thông thường vì chương trình đào tạo hải quân lâu hơn so với bộ binh. Bất chấp khó khăn, Tom cho rằng nếu mình sống sót được trong hải quân thì có thể khởi nghiệp được dễ dàng sau đó. Quãng thời gian sau đó, Tom tập trung cải thiện thể chất và tinh thần, đọc sách về khởi nghiệp và ước mơ xây dựng nên đế chế cho riêng mình.
2, Hành trình khởi nghiệp đầy gian nan và thử thách
Năm 1959, sau khi rời hải quân với 2.000 USD tiền tiết kiệm, ông bắt tay vào kế hoạch khởi nghiệp. Xui xẻo thay, ông đã bị một kẻ lừa đảo lấy hết số tiền này. Kết quả là ông phải đi bộ hơn 3.700km từ San Diego trở về Ann Arbor (quê của ông) cùng với ước mơ khởi nghiệp lần đầu tiên bị dập tắt.
Để kiếm thêm tiền viết tiếp ước mơ đi học, Tom Monaghan đã gõ cửa từng nhà mời mua báo, chấp nhận giao báo miễn phí cho họ. Cũng chính thời điểm đó, ông nhận ra được tiềm năng trong ngành giao hàng tại nước Mỹ và nhen nhóm ý tưởng cho công việc kinh doanh trong tương lai. Ông trở lại trường Đại học vào năm tiếp theo nhưng lại tiếp tục nghỉ học vì bận kiếm tiền. Ở tuổi hai mươi ba, việc vừa học vừa làm khiến Tom nghĩ rằng kế hoạch tự kinh doanh của mình đã “lụi tàn”. Vậy nhưng lúc này, một cơ hội khác lại xuất hiện trước mắt ông.
Năm 1961, người em James của Tom phát hiện ra có một cửa hàng pizza tên là DomiNick’s được rao bán khá rẻ với giá 500 USD, nên cậu đã đề nghị Tom hợp tác và mua lại cửa hàng này. Lúc này, Tom có trong tay 77 USD và ông đã không ngần ngại vay 500 USD để mua lại DomiNick’s.
Gánh trên mình một khoản vay “khổng lồ”, quyết định của ông khiến người em cảm thấy sợ hãi và nhanh chóng quyết định rút khỏi mối quan hệ hợp tác. Sau đó, mọi công việc của cửa hàng dồn hết lên vai của Tom. Thế nhưng ông vẫn kiên trì và cố gắng thực hiện hoá ước mơ kinh doanh của mình.
Ước mớ tuy lớn nhưng công việc làm ăn của Tom chẳng thuận lợi. Nhà hàng pizza của ông thua lỗ hàng tuần và đến khi hết tiền, Tom buộc phải từ bỏ thuê nhà để sống lang thang và ngủ tại chính cửa hàng nhằm duy trì công việc kinh doanh. Bản thân Tom còn chẳng dám ăn pizza trong nhà hàng trừ khi chúng bị cháy khét không bán được.
Vào một ngày, nửa số nhân viên cửa hàng của Tom bỏ việc và anh quyết định giảm số loại pizza phục vụ. Bất ngờ thay tuần đó lợi nhuận của cửa hàng lại tăng lên. Kể từ đó Tom tập trung đơn giản hoá thực đơn và hướng đến giao hàng nhanh miễn phí cho thực khách.
Với lợi thế là cửa hàng pizza đầu tiên tại Mỹ làm như vậy, Tom bắt đầu có lãi và mở được cửa hàng thứ 2. Các cửa hàng đều bán được hàng nghìn chiếc pizza mỗi tuần và trở thành quán pizza đông khách nhất nước Mỹ thời gian đó.
3, Bước nhảy vọt trở thành thương hiệu vươn tầm thế giới với chuỗi cửa hàng dịch vụ food delivery
Năm 1961, Domino’s Pizza mở rộng 32 chi nhánh nhưng phần lớn bị buộc phải đóng cửa vì không có lãi. Tom Managhan chính thức nợ 1,5 triệu USD vào năm 1970 và buộc phải nhượng quyền kiểm soát lại cho ngân hàng nhằm tránh rơi vào cảnh phá sản. Thế nhưng, sau khi ngân hàng điều các chuyên gia đến quản lý cửa hàng, họ đã nâng giá sản phẩm và hạ chất lượng pizza xuống với mục tiêu kiếm thêm doanh thu khiến cho tình hình kinh doanh còn trở nên tệ hơn. Chưa đầy 1 năm sau, ngân hàng trả lại quyền quản lý cho Tom Monaghan vì không thể vực dậy cửa hàng.
Các chi nhánh nhượng quyền lần lượt kiện Tom vì mô hình kinh doanh không thuận lợi. Bên cạnh đó, chính bản thân ông cũng nợ nhà cung cấp một số tiền không nhỏ. Lúc này, ông hứa hẹn với những người kiện tụng rằng chỉ cần được cung cấp chỗ ăn ở, rồi ông sẽ tìm cách “hồi sinh” Domino’s Pizza.
May mắn thay, chỉ sau một năm, ông đã trả được hết nợ và bắt đầu thay đổi mô hình kinh doanh. Quyết định này đã giúp Tom có thêm 1 nghìn cửa hàng trên khắp nước Mỹ vào năm 1983 kể từ khi cửa hàng Domino’s đầu tiên được thành lập vào năm 1960. Ông cũng đề ra quy định rằng nếu phần pizza được giao muộn hơn 30 phút tính từ thời gian đặt hàng, khách hàng sẽ được miễn phí phần bánh đó. Kể từ thời gian đó, khẩu hiểu chính thức của Domino’s ra đời:“You Got 30 Minutes”.
Dù nổi tiếng nhưng Domino’s Pizza vẫn duy trì menu thức ăn đơn giản, không cố gắng sáng tạo quá nhiều món ăn độc lạ. Vì thế, khách hàng chỉ được lựa chọn duy nhất một loại vỏ và hai kích cỡ. Ngoài ra, cửa hàng cũng không cung cấp các loại nước ngọt mà chỉ phục vụ loại nước “classics” (nước khoáng). Lúc bấy giờ, mọi người chỉ quan niệm “thức ăn nhanh” chính là nhanh và đơn giản nên việc làm cho thực đơn phong phú là điều không ai nghĩ đến. Quan niệm này thay đổi cho đến năm 1989 khi Domino’s Pizza thêm vào trong thực đơn món ăn mới là “Deep Pan Pizza” (pizza được nấu trên chảo với đế bánh dày) vào thực đơn. Sự tiên phong đổi mới này đã làm thay đổi cách các cửa hàng thức ăn nhanh thiết kế menu, mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn hơn, song quy trình chế biến và giao hàng nhanh chóng vẫn được duy trì nhằm đảm bảo trải nghiệm cho khách hàng.
Đến năm 1992, Domino’s Pizza lần đầu tiên đưa món “Breadstix” (Bánh mì nướng) vào thực đơn. Điều này biến Domino’s Pizza trở thành một trong những thương hiệu đầu tiên đưa món ăn khác ngoài pizza vào trong menu vào thời điểm đó. Năm 1996, Tom Monaghan thiết kế trang web đặt pizza online và đưa doanh thu lên 2,8 tỷ USD. Hai năm sau, ông quyết định nghỉ hưu ở tuổi 61 và bán 93% cổ phần lại cho công ty Bain Capital với giá 1 tỷ USD (tương đương khoảng 23 tỷ VNĐ).
Sau khi Tom Monaghan về hưu, David A. Brandon trở thành vị Chủ tịch tiếp theo của thương hiệu. Thế nhưng sau nhiều lần thay đổi người lãnh đạo, Domino's Pizza lại càng tụt dốc. Chỉ đến khi Patrick Doyle nhậm chức, thương hiệu mới bắt đầu khởi sắc và quay lại đường đua bứt tốc của lĩnh vực thức ăn nhanh. Vào 2010, giá cổ phiếu công ty là 8,6 tỷ USD. Thế nhưng chỉ 5 năm sau, tức năm 2015, con số đã tăng vọt lên thành 105,52 tỷ USD.
Domino's Pizza quyết định đánh vào thị trường nước Ý dù đây là nơi đã quả nổi tiếng với pizza bởi họ đang dẫn đầu những công nghệ mới nhất được áp dụng trong mô hình kinh doanh hiện nay khiến cho công ty tạo lợi thế cạnh tranh với những đối thủ khác. Ngoài việc cải thiện chất lượng sản phẩm thì Domino's còn nâng cao chất lượng dịch vụ khi thiết kế một chiếc xe pizza vô cùng đặc biệt cho phép khách hàng đặt đồ ăn khi nhận bằng emoji. Thế mạnh của Domino's Pizza chính là dịch vụ giao hàng đây là một phần cốt lõi ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nên được ông Patrick Doyle cực kỳ chú trọng. Chiếc xe giao bánh trở thành một biểu tượng gắn liền với thương hiệu Domino.
Ngày nay, Domino’s Pizza vẫn trở thành một thương hiệu nổi bật với logo hình chiếc domino đỏ và xanh dương quen thuộc tại các thị trường thức ăn nhanh trên toàn thế giới. Theo Báo cáo doanh thu năm 2023, lợi nhuận thuần của Domino's Pizza toàn cầu trong quý 2 năm 2023 là 109.380 triệu USD so với quý 2 năm 2022 là 102.493 triệu USD.